Thấy gì từ chiếc kéo trong bụng bệnh nhân 18 năm?

Ngày 24/11/2016, nhiều người dân tỏ rõ bức xúc khi nghe tin vụ bé Nguyễn Thành Nguyên, ở Bình Dương, mất mạng trong cơn co giật trước sự thờ ơ đứng nhìn của bác sĩ. Sự việc chưa lắng xuống thì ngày 29/12, người ta tìm ra chiếc kéo phẫu thuật để quên trong bụng bệnh nhân Ma Văn Nhật ở Bắc Kạn suốt 18 năm.

Tai nạn nghề nghiệp

Chuyện tai nạn nghề nghiệp thì vẫn có thể xảy ra, cho nên vấn đề cần hết sức cẩn thận cũng như có một số thông tin mà báo chí nói về hành xử của y bác sĩ cần được nghe ngóng từ nhiều chiều như trình bày của bác sĩ Phạm Hoàng Phiệt sau đây:

Hiện tượng ấy không phải là phổ biến ... khi mà đã đưa dụng cụ ra thì đến khi mổ xong người ta phải kiểm điểm lại xem có thiếu cái gì nữa không. Làm ăn không nghiêm túc thì có thể sẽ xáo trộn lên.

Nhưng mà tôi lạ là sau mấy chục năm, thế nào cũng có đau bụng gì mà người ta lại không phát hiện ra, vì sau đó có chụp X-Quang, siêu âm mà sao không ai thấy cái kéo nằm trong đấy.

Tôi nói thật một người đã vào học y khoa thì rất ít khi lại vô tâm, không thương người, muốn điều không tốt cho bệnh nhân. <br/> - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng

Còn vụ thứ hai thì phải biết là dư luận nói nhiều như thế và ý kiến như thế có đúng không, tôi nghĩ là chuyện này phải do một hội đồng chuyên môn, anh bác sĩ ấy thực tế ứng xử như thế nào. Nhiều khi nhân dân bây giờ họ bức xúc nhiều, thành ra không biết phản ánh có đúng không.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cũng có trình bày:

Tôi nói thật một người đã vào học y khoa thì rất ít khi lại vô tâm, không thương người, muốn điều không tốt cho bệnh nhân.

Trên thế giới này, những người vào học trường y, qua 7, 8, năm hay 10 năm rèn luyện thì dù gì cũng tiêm nhiễm vào trong máu của mình cái việc phải thương bệnh nhân, phải chăm lo cho bệnh nhân. Tôi nghĩ cái điều đó là điều căn cơ nhất. Thế giới này cũng vậy mà Việt Nam cũng vậy, trong 1 triệu người thì có thể có 5, 7 người không tốt, nhưng hơn 900 người kia làm việc cặm cụi suốt ngày đêm thì cái điều đó mình phải nhìn cho ngành y tế nói chung trên toàn thế giới.

Có rất nhiều người nghĩ là tôi bênh vực cho ngành y, nhưng mà tôi nghĩ ngành y chủ yếu căn cơ vẫn là những người tốt, và có một số người xấu. Trong xã hội mình ngành nào cũng vậy, nhưng vì ngành y đụng chạm trực tiếp đến mạng sống con người cho nên người ta quan tâm nhiều, và mỗi lần có sơ suất, sai sót gì thì được chỉ ra ngay, cái điều đó cũng làm cho bác sĩ phải luôn luôn giữ mình, luôn luôn học, cố gắng nhiều hơn để chăm sóc cho bệnh nhân tốt hơn.

Bác sĩ, Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong ngành y tế Việt Nam lâu nay:

Từ trước đến nay những chuyện kỷ luật và ý thức nói ra rất nhiều nhưng có vẻ là đối phó nhiều hơn là thực chất thay đổi trong tâm của người bác sỹ với bệnh nhân là đối tượng họ phải phục vụ một cách chu đáo. Chứ còn để đối phó với những luật lệ của Bộ Y tế và Sở Y tế đưa ra thì tôi cho cái đó không giải quyết được triệt để vấn đề.

Trách nhiệm không chỉ một người

Trở lại với vụ việc chiếc kéo trong bụng bệnh nhân 18 năm, dù những trường hợp như vậy không xảy ra quá thường xuyên nhưng bác sĩ Phiệt cho rằng nó vẫn đại diện, làm rõ tình trạng làm việc tắc trách của cả một tổ chức chứ không phải chỉ riêng người bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ấy.

Chuyện này không phải nước mình mà ngay cả những nước khác, nhưng khi họ có tổ chức phòng mổ tốt, đội ngũ tốt, cho làm nhiệm vụ thì thí dụ bày ra bao nhiêu dụng cụ khi thu rửa lại thì thiếu, mất biết ngay. Không phải cái kéo mà cái kim loại nữa, rồi gạc, bông thì làm thế nào, thế cho nên không phải làm đại khái rồi cũng không báo cáo, để ý gì cả. Thì cái đó là cả một tổ chức làm việc chứ không phải mình ông bác sỹ kia đâu.

Cô đến bệnh viện cấp cứu, cô đi không nổi, nhưng nếu cô kiếm một cô y tá, đưa tiền cho thì sẽ đưa cho cô chiếc xe cô ngồi, còn không thì tự cô lo.<br/> - Anh Tâm <br/>

Không ai là không cần đến dịch vụ y tế trong đời và nhiều người Việt Nam khi bản thân phải nhập viện chữa trị hay đưa người thân quen đến bệnh viện, đi thăm bệnh đều nhận ra những bất cập hiện nay của ngành y tế trong nước. Anh Lê Minh Tâm, hiện là giáo viên, ngụ tại Củ Chi chia sẻ trải nghiệm của bản thân:

Nếu mà cô đến bệnh viện nhà nước Củ Chi cô sẽ có dịp nhìn thấy cảnh người ta nằm lê lết, thấy ghê lắm, và nói thật nếu cô nhìn thấy thì như bản thân tôi đây, tôi cũng nghèo, chắc khi nào tôi bệnh nữa tôi chấp nhận chết chứ tôi không đến bệnh viện nữa. Mà không biết lúc đó trước mặt cái chết tôi có đổi ý, có sợ hay không nhưng mà bây giờ tôi thấy cuộc đời như vậy tôi bất mãn lắm.

Anh Tâm cho biết, khi anh và gia đình có người bị bệnh thì luôn muốn tới bệnh viện tư nhân vì ở đó bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn nhưng giá thành quá cao, một người dân nghèo như anh không thể chi trả nổi. Ngoài ra, anh còn đề cấp đến một vấn nạn khác nữa mà hầu hết mọi người dân Việt Nam khi đến bệnh viện của Nhà nước đều phải đối mặt:

Khi mà vợ tôi bị bệnh, người ta không nói ra nhưng bản thân mình phải biết. Thí dụ, bây giờ cô thấy tấm drap dơ quá, xin cô hộ lý xin tấm khác thì mình đưa tiền trước, tiền trước là tiền khôn mà, thì người ta sẽ vào lấy tấm khác cho.

Cô đến bệnh viện cấp cứu, cô đi không nổi, nhưng nếu cô kiếm một cô y tá, đưa tiền cho thì sẽ đưa cho cô chiếc xe cô ngồi, còn không thì tự cô lo.

Chính bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận những tệ trạng và bất cập trong ngành do bà đứng đầu. Thế nhưng mọi hô hào, chủ trương đưa ra chưa thể giúp chuyển biến thực trạng kéo dài trong bao năm qua.