Tranh cãi có nên để cụm từ “Lực lượng Vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản” trong lần sửa đổi hiến pháp này ngày càng gay gắt khi báo Đảng đăng những bài nghị luận tôn vinh vai trò của Đảng trước lịch sử và cho rằng phủ nhận vai trò này là vô ơn và phản động.
Mặc Lâm tìm hiểu thêm qua ý kiến của những sĩ quan cao cấp của quân đội nhân dân Việt Nam về lập luận này.
Chuyển đổi từ Tổ quốc sang từ Đảng
Nói chuyện trên đài truyền hình Việt Nam vào ngày 28 tháng Hai vừa qua đại tá Bùi Quang Cường, Viện phó Viện Khoa học Xã hội Nhân văn, học viện Chính trị Bộ quốc phòng cho rằng “quan điểm "Phi chính trị hóa quân đội" là một thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch hòng chống phá cách mạng nước ta. Đây là luận điệu phản động, phản khoa học nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội.”
Nguyên nhân dẫn đến những phê phán nặng nề của một sĩ quan chuyên về Chính trị như đại tá Cường phát xuất từ kiến nghị 72 yêu cầu bỏ điều 70 trong bản dự thảo hiến pháp năm 92 do ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng chủ trương ghi rằng: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng công sản Việt Nam, Tổ Quốc và nhân dân…” Câu này theo nguyên văn của điều 45 trong Hiến pháp năm 92 ghi rõ: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói quân đội phải trung với nước, trung với nước, hiếu với dân. Chữ nước được nhấn mạnh và cái điều đó tôi cho là đúng 100% không phải là "phi chính trị quân đội" đâu mà quân đội phải phục vụ tổ quốc phục vụ nhân dân
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Chuyển đổi chỉ một chữ từ Tổ quốc sang Đảng có sức mạnh đẩy lệch cả một sự kiện lịch sử chỉ xảy ra chưa đầy 70 năm, đã và đang khoét sâu mối bất bình giữa người thật sự muốn Hiến pháp phải là nguyện vọng của người dân và những người muốn giữ vai trò của Đảng càng cao càng tốt. Nó cũng kéo những cựu chiến binh từng chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh giữ nước ra khỏi giấc mơ về sự trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mục đích chuyển đổi sự trung thành của quân đội từ Tổ quốc sang Đảng dù có biện luận, giải thích thậm chí áp đặt như thế nào chăng nữa cũng lộ ra khiếm khuyết khó che dấu về lịch sử Đảng và những ngày đầu tiên thành lập quân đội.
Làm sao phủ nhận được vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chính ông là người đứng ra thành lập một quân đội bắt đầu chỉ 34 thành viên yêu nước? Ông cũng là người tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam đưa ra huấn lệnh “Trung với nước hiếu với dân” chứ không bao giờ là trung với Đảng trước khi nói đến dân cả.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người lên tiếng mạnh mẽ nhất về điều mà giới lãnh đạo Đảng hiện nay đang nhắm tới cho biết quan điểm của ông:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói quân đội phải trung với nước, trung với nước, hiếu với dân. Chữ nước được nhấn mạnh và cái điều đó tôi cho là đúng 100% không phải là “phi chính trị quân đội” đâu mà quân đội phải phục vụ tổ quốc phục vụ nhân dân. Bởi vì quân đội xuất phát từ con em nhân dân mà ra do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập cho nên phải thay đổi cái câu “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản” thành câu “Lực lượng vũ trang phải trung thành với tổ quốc Việt Nam”
Tổ quốc Việt Nam thì trong đó đã có Đảng Cộng sản ở trong đó rồi. Nếu bảo vệ được tổ quốc thì Đảng còn, nếu không bảo vệ được thì đảng mất mà nếu không mất thì phải lệ thuộc.
Nói phải trung thành với Đảng Cộng sản là có động cơ gì? Nhất là tình hình hiện nay có phải là để đàn áp những người không đồng ý hay không?
Đảng đòi đứng trước và trên nhân dân?
Khi được hỏi hiện nay cả nước đang học tập theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng cái được xem là đạo đức lớn nhất của ông bị xuyên tạc bởi một nhóm người trong Đảng có phải họ đang công khai phủ nhận công trạng của Hồ Chí Minh hay không, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vình chia sẻ:
Đúng rồi, bởi vì Hồ Chí Minh thành lập bắt đầu từ 34 chiến sĩ, là tiền thân của quân đội. Hồ Chí Minh không hề nhân danh Đảng Cộng Sản để lập ra mà đó là ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý kiến của nhà ái quốc, lãnh tụ dân tộc lập ra chứ không phải nhân danh Đảng Cộng sản lập ra. Cho nên những người nói là Đảng lập ra là sai, họ cốt bảo vệ cho cái câu “lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản”.
Kiến nghị 72 của nhân sĩ trí thức ghi trong điều thứ 5 rằng "Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam."
Đại tá Phạm Xuân Phương công tác tại Cục chính trị thuộc bộ Quốc phòng trước khi về hưu cho biết những kinh nghiệm và chính kiến của ông qua việc này:
Chính kiến của tôi là nó có trải qua hai thời kỳ. Một thời kỳ chiến tranh giải phóng tổ quốc lúc đó Đảng thực hiện nhiệm vụ đánh thắng cho nên Đảng lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối toàn diện quân đội thì quân đội vẫn là của quốc gia của đất nước chứ có phải của Đảng đâu? Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện là thời kỳ lịch sử cũ nó đã qua rồi.
Quân đội có nhiệm vụ nhất định là bảo vệ tổ quốc. Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ số 1. Đến bây giờ hiện nay mà nói thì càng phải nhắc lại quân đội là của tổ quốc, quân đội là của nhân dân chứ quân đội không thể là của một đảng nào cả.
Cựu Đại tá Phạm Xuân Phương
Ngay trong lúc đó thì Hồ Chủ Tịch vẫn dạy là quân đội phải “Trung với nước hiếu với dân” Vậy thì vấn đề đặt ra quân đội không phải là của Đảng mà là của dân, quân đội của quốc gia. Người ta gọi là phi chính trị hóa thì chuyện ấy có phải là chuyện phi chính trị hóa đâu?
Quân đội có nhiệm vụ nhất định là bảo vệ tổ quốc. Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ số 1. Đến bây giờ hiện nay mà nói thì càng phải nhắc lại quân đội là của tổ quốc, quân đội là của nhân dân chứ quân đội không thể là của một đảng nào cả. Hiện nay trước sau gì chúng tôi, những cựu chiến binh đều nghĩ như vậy chứ không phải bây giờ mới nói như vậy.
Trong phát biểu của mình Đại tá Bùi Quang Cường có những câu chữ xúc phạm, cáo buộc nhóm kiến nghị 72 là diễn tiến hòa bình, là phản động, là phản khoa học và làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội. Ông Cường đã cố chứng tỏ rằng quân đội phải nằm dưới tay và phục vụ cho Đảng Cộng sản thì mới phù hợp với tính tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên có một điều ông và nhiều người đang theo lập luận này quên rằng ngay cái danh xưng của quân đội từ ngày thành lập tới nay đã là viên đá tảng rất khó nuốt trôi, đó là: Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Không ai nói hay thậm chí có khái niệm rằng “Quân đội Đảng Cộng sản Việt Nam”. Sự khác biệt này vẫn nằm đó và sẽ không ai có thể thay đổi được dù có biện luận cách nào.
Trong hai cuộc kháng chiến ấy nếu không có xương máu của nhân dân để đánh đuổi kẻ thù thì liệu đất nước có như ngày nay để Đảng tranh công hay không? Đảng đang ra sức huy động bộ máy cho rằng nhờ công ơn của Đảng nên dân tộc, đất nước mới có ngày nay. Luận cứ này hoàn toàn lệch lạc và đã bị nhiều người lên phản bác.
Đảng không tự thân đánh giặc và con đường đến Điện Biên Phủ hay dốc thẳm Trường Sơn không phải do Đảng biến hóa hay bỗng dưng mà có. Nó được xây dựng trên máu xương và nước mắt của nhân dân, tức những người lính con em của họ. Trong gần 1 triệu người lính đã chết ấy có bao nhiêu người là đảng viên? Vậy khi Đảng đòi đứng trước và trên nhân dân có phải là một động thái mất kiểm soát của chính trong nội bộ của Đảng hay không?
Nhiều trí thức cho rằng từ nôn nóng, sợ hãi Đảng đang bộc lộ sự yếu kém của mình khi có ý định cưỡng đoạt tính chính danh của một câu viết trong Hiến pháp nhằm củng cố sự áp đặt cho Điều 4. Từ tính chất độc tài của Điều 4, Đảng tiến dần tới trạng thái quân phiệt với điều 70. Khi ước muốn quân phiệt nổi lên cũng là lúc công trạng của Đảng trong hai cuộc chiến đang tự mình đánh mất.