Công nhân Việt tại Mã Lai ra sao khi công ty phá sản

Lại thêm một hoàn cảnh đáng thương của công nhân Việt Nam tại Mã Lai : 42 công nhân bị bắt buộc phải trở về Việt Nam khi hợp đồng chưa hết hạn vì công ty bị phá sản.

0:00 / 0:00

Bị tịch thu hộ chiếu

Công ty làm màn hình TV Topla Hightech tại Ipoh, Mã Lai, nơi 42 công nhân đang đếm từng ngày cho số phận của họ. Công ty này mở cửa vào ngày 17 tháng 10 năm 2010 , đa số là công nhân VN, chỉ có 1 công nhân Mã lai và 2 công nhân người Ấn độ. Từ tháng 12 năm 2011 công ty không có việc làm. Đã hơn 9 tháng, thay vì lắp ráp màn hình TV, mỗi ngày họ đến công ty để làm những công việc lặt vặt như chùi rửa, sơn phết, nhổ cỏ…v.v…và họ chỉ được trả lương cơ bản là 530 Ringgit ( tương đương với 170 Mỹ kim), con số quá ít ỏi so với số lương mà họ được hứa hẹn của công ty môi giới khi ký hợp đồng lao động xuất khẩu. Do đó, nhiều công nhân đã phải trốn ra ngoài để làm thêm các nghề khác trong nhà hàng hoặc ở các nông trại để kiếm thêm tiền.

Qua Công ty Cung ứng Lao động và Dịch vụ VINAFOR số 171 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội, Cô Dung quê ở Bắc Giang, vào công ty này làm việc từ ngày 14 tháng 5 năm 2011 cho biết tình trạng hiện thời của cô :

14 tháng 5, 2011 tụi em sang đây, đến tháng 11 hàng không chạy nữa, từ tháng 12 đến nay tụi em không có công ăn việc làm gì hết. Bọn em toàn phải ra ngoài làm, người thì đi rửa bát thuê, ngoài đồng họ thuê 3,5 RM mà tụi em cũng phải làm thôi.

Trước đây, để phản đối việc chủ nhân không cung cấp đủ việc làm, nhiều công nhân đã đình công, số công nhân đình công này đã bị đuổi về nước nên từ con số 90 công nhân Việt Nam, hiện chỉ còn 42 công nhân là cố bám trụ với hy vọng hãng sẽ khá hơn để có việc làm hoặc hy vọng chủ sẽ đền bù xứng đáng nếu bị đuổi về. Một công nhân tên Mai nói :

Công ty em trước đông người, nhưng vì đình công đòi hỏi quyền lợi, nhiều người nhảy ra ngoài lắm, công ty bây giờ còn khỏang 41-42 người thôi. Nó bảo không có việc làm thì nó phân ra 2 ca, đi hốt đường mương, sơn tường…

Như tất cả mọi công nhân khác, các công nhân này bị chủ tịch thu hộ chiếu ngay từ khi đến phi trường Mã Lai. Do vậy, họ không thể bỏ đi nếu chủ không trả lại hộ chiếu. Ngược lại, chủ nhân lại dùng hộ chiếu như một sợi dây vô hình đề buộc chân họ lại. nếu ai muốn về thì phải đóng 6500 RM chủ mới trả lại hộ chiếu :

Em ký theo hợp đồng của em là 3 năm, nếu ai muốn xin về nước thì họ phạt 6.500 RM thì họ mới cho về nước.

Nhiều trường hợp đau lòng như : Anh công nhân tên Hà nghe tin vợ bị ung thư xin chủ về để lo cho vợ, vợ và mẹ anh công nhân tên Bảo nằm nhà thương, hai anh xin về nhưng chủ vẫn bắt phải đóng hơn 6000 RM mới trả lại hộ chiếu để về. Không chờ đợi được, họ phải trốn ra ngoài và tìm cách tự lo giấy tờ để về lại VN, 1 công nhân kể :

Thì anh ấy vợ bị bệnh, anh ấy muốn về nhưng công ty bảo phải nộp từ 5000 đến 6000 RM.

Lời hứa của công ty môi giới

Khu bếp và phòng vệ sinh của công nhân xuất khẩu lao động Malaysia. Hình minh họa. RFA files
Khu bếp và phòng vệ sinh của công nhân xuất khẩu lao động Malaysia. Hình minh họa. RFA files (Khu bếp và phòng vệ sinh của công nhân xuất khẩu lao động Malaysia. Hình minh họa. RFA files)

Trước khi qua đây, các công nhân đã phải đóng cho công ty môi giới Vinafor 1200 Mỹ kim để qua Mã lai làm việc với hợp đồng là 3 năm , mỗi tháng sẽ làm 26 ngày và 8 tiếng với lương cơ bản là 530 RM cộng thêm 70 RM tiền chuyên cần, ngoài ra công nhân được hứa sẽ có tiền phụ trội khi làm thêm. Nhưng đã 9 tháng nay, công ty không có việc làm, công nhân chỉ được trả lương cơ bản, không đủ để sống, nói chi đến việc gửi tiền về giúp gia đình theo chủ trương « xóa đói giảm nghèo » của nhà nước VN khi kêu gọi công nhân đi xuất khẩu lao động. Cô Thương ký hợp đồng qua làm việc 3 năm, nhưng chỉ mới sau hơn 1 năm thì công ty hết việc, cô nói :

Theo hợp đồng, bọn em sang làm việc 3 năm, nhưng bây giờ em mới làm được 1 năm 2 tháng thôi . Cho tới nay là 9 tháng rồi bọn em không có việc, bây giờ công ty tuyên bố phá sản. ở VN nói là ở bên này công ty chỉ có đền cho 3 tháng tiền lương thôi, bên môi giới VN nói là luật của nhà nước đưa ra, tụi em cũng không hiểu luật của nhà nước nhiều, tụi em chỉ hiểu là phá sản thì công ty chỉ đền có 3 tháng lương thôi.

Qua những viễn ảnh tuyệt vời mà các công ty cung cấp dịch vụ lao động xuất khẩu đã quảng cáo, họ đi với tâm trạng phấn khởi, hy vọng rằng sẽ đem gia đình thoát cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, khi lâm vào tình trạng khó khăn, ngôn ngữ không biết, luật lệ không thông thì họ không nhận được sự trợ giúp nào từ công ty môi giới của họ ngòai những lời hứa hẹn suông, anh Minh tin rằng có sự thông đồng giữa công ty môi giới và chủ để mặc họ trở về VN với 2 bàn tay trắng, ngoài món nợ còn phải trả mà họ đã mượn để nộp cho công ty môi giới, họ còn xấu hổ với hàng xóm, láng giềng. Niềm hy vọng cuối cùng của họ là sự can thiệp của công đoàn Mã lai :

Nói thẳng ra là bên công ty bên kia đã thỏa thuận với bên này, hai bên đã thỏa thuận với nhau như vậy rồi. Chỉ có là nhờ công đoàn trợ giúp cho bọn em chứ còn bây giờ công đoàn mà không trợ giúp, bọn em thì họ nói thế nào thì mình biết thế thôi chứ làm sao mình thắng họ được, họ nắm đằng đầu mà…

Các công nhân rất bối rối và lâm vào tình trạng tuyệt vọng vì chính người của công ty môi giới là bà Tâm cũng cho biết là công nhân phải chấp nhận quyết định của chủ nhân, tức là cắt đứt hợp đồng trước thời hạn mà không một bồi thường nào ngoài 3 tháng lương. Rõ ràng sự bất công nằm ở chỗ: Khi công nhân muốn về trước thời hạn thì phải đóng tiền phạt mới lấy lại được hộ chiếu. Còn chủ cắt hợp đồng trước thời hạn thì không hề có sự bồi thường. Anh Minh tâm sự :

Nói thật với chị là anh em ở đây rất là bối rối và không bình tĩnh cho lắm bởi vì người giám đốc ở VN là bà Tâm nói là công ty không hoạt động nữa, từ giờ đến cuối tháng 9 này là nó cho mọi người phải về hết tất cả và nó chỉ đền bù là từ 1 đến 3 tháng lương thôi. Thứ nhất, lúc tụi em sang đây là đóng 1200 đô, thứ hai là tụi em sang đây mới làm có 1 năm thì tiền đâu? Thứ ba là tụi em ký hợp đồng như thế, thì những người khi người ta xin về thì bắt nộp phạt 6460 RM, ngược lại công ty phá sản như thế chỉ trả có 3 tháng lương thôi là sao. Bây giờ bọn em rất là bối rối và không biết làm sao. Trăm sự nhờ bên công đoàn can thiệp.

Khi đi họ đã phải đóng 1200 mỹ kim để có hợp đồng lao động 3 năm, bây giờ công ty phá hợp đồng thì công nhân chỉ muốn được bồi thường số tiền mà họ phải mượn nợ để đóng cho công ty môi giới :

Bọn em muốn điện về cho chị Tâm của công ty VINAFOR để hỏi, trong thời gian bọn em đã đóng 1200 đô, ký để sang đây làm việc 3 năm, bây giờ chỉ mới được 1 năm mà bây giờ phá hợp đồng rồi thì bây giờ phải trả cái số tiền còn lại trong 2 năm đó chứ ?

Qua 9 tháng làm việc trong phập phồng, chờ đợi số phận họ được quyết định, Thứ năm vừa qua, chủ nhân đã họp 42 công nhân lại tuyên bố phả sản và chỉ trả cho công nhân 3 tháng lương cuối cùng. Cô Thương tham dự cuộc họp đó kể lại :

Trước nhất boss nói là rất muốn để cho mọi người làm hết 3 năm, nhưng vì hàng của công ty bọn em không bán đi được, chính vì vậy không có việc làm, cố gắng để đi tìm việc cho đến 9 tháng, ngày hôm nay là 9 tháng rồi oong ấy không thể lo được việc cho mọi người nữa thì bây giờ công ty chỉ biết nói lời xin lỗi mọi người, hôm nay ông ấy khóc mà !

Ai sẽ đền bù?

Công nhân lao động tập trung lên đường sang Malaysia làm việc. RFA files
Công nhân lao động tập trung lên đường sang Malaysia làm việc. RFA files (Công nhân lao động tập trung lên đường sang Malaysia làm việc. RFA files)

Trước tình cảnh đó, cô Thương cũng tỏ sự cảm thông với chủ, tuy nhiên, cô cũng đạo đạt nguyện vọng của 42 công nhân là muốn có sự đền bù xứng đáng vì họ đã phải trả một số tiền khá lớn để sang Mã Lai làm việc :

Em nói với boss rằng là chúng tôi cũng rất là thấu hiểu, cũng rất là cảm thông, cũng rất là chia sẻ, nhưng mong các ông cũng hiểu cho chúng tôi là chúng tôi từ bên VN sang bên này cũng mất 1 khoản tiền rất là lớn, nhờ các ông giúp đỡ chúng tôi phần nào để cho chúng tôi vui vẻ. Ông ấy nói là nếu bảo các ông ấy trả lời về tiền lương và tiền bồi thường thì bây giờ các ông chưa trả lời được. Các ông ấy khôn lắm.

Trong tâm trạng hoang mang đó, công nhân chỉ biết trông chờ vào công ty môi giới, tuy nhiên, khi hỏi bà Nguyễn thị Tâm, đại diện công ty Cung ứng Lao động và Dịch vụ VINAFOR thì họ cũng chỉ nhận được câu trả lời rất mập mờ của bà Tâm và lời ngăn cản không nên vào công đoàn :

Bọn em cũng gọi về VN hỏi trực tiếp phụ trách giám đốc là bà Tâm thì bà nói: Chị biết 100% ngày về và bồi thường là bao nhiêu nhưng chị không thể nói cho bọn em biết trước được.

Bọn em muốn biết trước, nhưng chị ấy không cho biết. Bây giờ chị ấy chỉ nói là công ty bồi thường như thế nào thì bồi thường. Về công ty (môi giới) chị sẽ giải quyết cho bọn em, nếu muốn đi thì chị sẽ cho đi lại giá phần trăm rất rẻ. Nếu như ai không đi thì chị sẽ bồi thường trở lại. Bảo mọi người về đây, đừng gây sự gì bên Mã lai, cứ về đây chị sẽ thanh toán tiền không để cho bọn em thiệt.

Bọn em mới nhắn một câu là em không biết các chị muốn làm thế nào thì làm, tốt nhất là chị cho em biết đi. Nhưng chị ấy vẫn không nói mà chị ấy còn nói thêm rằng : Em bảo với tất cả mọi người là đừng tham gia vào công đoàn, trong hợp đồng là không được vào công đoàn mà sao bọn em lại tham gia vào công đoàn ?

Em biết tiếng, em rút hết các lá đơn, bảo mọi người đừng vào công đoàn nữa. Em trả lời bà ấy là không ai giúp đỡ bọn em, bọn em là người VN, công ty bên này không giúp đỡ bọn em thì bọn em phải tham gia vào công đoàn, 40 người bọn em phải tham gia vào công đoàn. Bây giờ công đoàn đã tham gia với bọn em và trách nhiệm với bọn em là bọn em phải theo cho đến cùng. Bọn chị muốn làm thế nào thì làm.

Tin cuối cùng là ngày 24 tháng 9 các công nhân này sẽ phải về nước, nếu không họ sẽ bị công an cưỡng chế ra phi trường. Đa số công nhân không tin vào lời hứa hẹn của công ty môi giới mà họ chỉ trông mong công đoàn Mã Lai sẽ giúp đỡ họ được bồi thường xứng đáng hoặc tìm cho họ một công ty khác ở Mã Lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và gửi đến quý vị các thông tin mới nhất về số phận của 42 công nhân này.

Theo dòng thời sự: