Khi đau đớn không thể sớt chia

Hai mẹ con em Võ Hoài Thương luôn chia sớt ngọt bùi cùng nhau, nhưng có một điều mà Thương không thể nào chia sẻ được với mẹ. Điều đó là gì?

0:00 / 0:00

Mẹ lâm bệnh nặng

Võ Hoài Thương là một cậu bé có lẽ già dặn hơn lứa tuổi 16 của mình. Mỗi khi khu xóm nhỏ vừa lên đèn, khi tiếng dế kêu lẻ loi trong đêm là Thương lại ngồi nghĩ về mẹ - về mình. Thương nhớ những ngày cùng mẹ bôn ba tại Sài Gòn. Thương cũng nhớ hình ảnh thằng bé loắt choắt chưa đầy 10 tuổi đầu mặc độc cái quần tây xanh và chiếc áo trắng học sinh lẽo đẽo theo mẹ đi kiếm sống tại Bến Tre. Những ngày ấy, thằng bé gầy gò luôn dành phần gánh nặng hơn để mẹ đỡ vất vả. Ngày ấy cũng chẳng khác bây giờ là mấy, chỉ có một điều, Thương không còn gánh được những gì mẹ đang mang trong mình:

"Mẹ đau đớn như thế em cũng muốn gánh vác nỗi đau của mẹ được phần nào hay phần đó nhưng mà cái gì cũng có thể làm được mà bệnh tật thì không”.

Mẹ của em Võ Hoài Thương tên là Huỳnh Thị Hữu (SN 1960). Chị Hữu đang bị chứng đa u tủy, một dạng ung thư gây đau và phá hủy xương dần dần. Chứng bệnh đã làm chị Hữu từ một người phụ nữ khỏe khắn trở thành một cơ thể chỉ còn da bọc xương. Cách đây không lâu, chị lại bị gãy cả hai cánh tay và hai chân phải nằm một chỗ, khiến chị như một đống xương nhỏ cong quắc mà ngay cả đứa con bên cạnh duy nhất của chị cũng không nhận ra. Thương chua xót nói:

“Lúc mới phát bệnh thì BS nói mẹ mới bệnh có 8 ngày thôi nên khi về quê, mẹ vẫn còn khỏe mạnh đi đứng sinh hoạt bình thường. Nhưng mẹ lại bắt đầu bị gãy một tay, rồi hai tay, rồi hai chân và nằm một chỗ. Dần dần cơ thể mẹ ốm đi, đau nhức, tay sưng to. Chỉ chưa đầy hai năm mà cơ thể mẹ giảm sút như vậy”.

Năm 2010, chị Hữu đến bệnh viện khám sau một cơn đau thấu tận xương tủy. Bác sĩ cho biết đã bị chứng đa u tủy. Bác sĩ cũng nói đối với bệnh của chị thì chỉ có thể chữa trị cầm chừng. Nhưng từ khi bị gãy chân tay, chân chị không thể tự mình đi Sài Gòn tái khám nữa mà chỉ nằm nhà mua thuốc uống mặc cho những cơn đau hành hạ khiến Thương phải rơi nước mắt:

“Em thấy mẹ khổ quá, ước gì mẹ hết bệnh để đừng khổ như vậy nữa. Em buồn lắm chứ. Có lúc mẹ đau trong xương, đau dữ dội lắm mẹ không chịu đựng được. Mẹ phải nằm lại ốm quá chỉ còn da bọc xương nên mẹ hay đau vì bị cấn. Bây giờ mẹ không cử động, không trở mình hay nhúc nhích gì được”.

Em sẽ cố gắng học để kiếm tiền báo hiếu cho mẹ. Mẹ chưa có một ngày sung sướng. Lúc còn nhỏ thì mẹ thức khuya dậy sớm buôn gánh bán bưng cho em ăn học. Bây giờ thì mẹ lại bị như thế. Em niệm Phật nhiều lắm.<br/>Em Võ Hoài Thương <br/> <br/>

Ngoài số tiền hai người con lớn (là anh chị cùng mẹ khác cha với Thương) lâu lâu gởi về mua thuốc, chị Hữu sống bằng số tiền 200 ngàn đồng mỗi tháng do trường hỗ trợ cho Thương - là học sinh nghèo học giỏi. Mỗi tháng cầm được số tiền thưởng trên tay là Thương mang về mua từng viên thuốc cho mẹ. Cô giáo Bùi Thị Ngọc Tuyển, là cô chủ nhiệm lớp của Thương (10C11 trường PHTH Ngô Văn Cấn - Xã Phước Mỹ Trung - Huyện Mỏ Cày Bắc - Tỉnh Bến Tre) tâm sự hoàn cảnh gia đình và tấm lòng hiếu thảo của Thương nhiều người trong trường cũng biết. Cô nói rằng nhiều khi Thương vào lớp, nghĩ đến mẹ thì lại chảy nước mắt. Cô Tuyển cho biết:

“Thương học rất chăm, mà biết cố gắng vượt khó. Những lúc mẹ bệnh nặng thì vào lớp nghĩ tới là khóc. Tôi cũng nói với em Thương mà mỗi người có một hoàn cảnh nhưng mà mình phải vượt lên để sau này có cuộc sống đỡ hơn. Tôi khuyên em sắp xếp để lo cho mẹ. Tôi cũng có dặn em là nếu ngày nào mẹ bệnh nặng quá mà Thương phải nghỉ thì cứ gởi bài cho các bạn khác chép”.

Chưa một ngày hạnh phúc

Hai mẹ con ở một miền quê miền bắc Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo
Hai mẹ con ở một miền quê miền bắc Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo (Hai mẹ con ở một miền quê miền bắc Việt Nam, ảnh minh họa. AFP photo)

Mỗi ngày, trừ thời gian đi học, Thương luôn ngồi trực chỉ bên mẹ. Đã bước qua tuổi 50, chị Huỳnh Thị Hữu có lẽ chưa có một ngày được hạnh phúc thật sự. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thạch Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, chị Hữu sớm chịu cảnh thiệt thòi. Sau chuyến sang ngang dở dang với một người đàn ông và có được hai đứa con, người phụ nữ miền quê bấm bụng gọi đò lần nữa.

Chuyến đò lần thứ hai cũng là một mối tình đầy nước mắt khi người lái đò lặng lẽ rời bến vào đúng lúc chị sinh đứa con trai. Chị đặt tên con là Võ Hoài Thương, như thương tiếc cho một cuộc tình không trọn vẹn và những ngày mà nước mắt chị thấm cả khúc sông quê. Thương kể rằng em chưa bao giờ được biết mặt bố và mẹ cũng chưa bao giờ kể về người từng làm bà một thời say đắm. Dù thương, dù tủi nhưng sự cam chịu của người đàn bà đã làm chị Hữu cất hết quá khứ vào quên lãng. Thương lớn lên với hai người anh chị cùng mẹ khác cha, trong cái quá khứ trống không của mẹ, và trên một mảnh đất của chùa.

Thương cảnh mẹ góa con côi, gia cảnh cơ cực lại không có một mãnh đất nương thân, một ngôi chùa địa phương cho mẹ con chị Hữu dựng tạm ngôi nhà nhỏ che mưa nắng sống qua ngày. Từ khi hai anh chị cùng mẹ khác cha với Thương lớn lên, lập gia đình và bỏ xứ đi kiếm sống thì ngôi nhà nhỏ càng cô quạnh.

Tuổi thơ của Thương là những ngày đi bộ đến trường với đôi chân nóng rát trên con đường đất sỏi nóng rang. Đó là những buổi ngồi chồm hổm ngóng khách hàng cạnh mẹ trong những buối chợ xế chiều. Rồi là những ngày nằm ngủ thiếp trên đôi tay nhăn nheo của ông bà ngoại khi mẹ về muộn sau những ngày ế hàng. Tuổi thơ của Thương trôi qua với những giấc mơ mà trong đó mẹ được gặt hái trên những cánh đồng bát ngát, và em thì được tung tăng đến trường với những bộ đồ trắng sáng như màu nắng. Nhưng đó chỉ là hình ảnh một mẹ Hữu và bé Thương hạnh phúc trong giấc mơ. Thực tế, chị Hữu chỉ là một người bán một mớ hàng nhỏ đến nỗi không thể giúp chị nuôi sống hai mẹ con. Năm 2005, chị Hữu phải lên Sài Gòn kiếm sống:

Mẹ đau đớn như thế em cũng muốn gánh vác nỗi đau của mẹ được phần nào hay phần đó nhưng mà cái gì cũng có thể làm được mà bệnh tật thì không.<br/>Em Võ Hoài Thương <br/>

“Lúc mẹ đi thì em mới học lớp bốn. Đến năm học lớp 7 thì em lên thành phố theo mẹ. Thời gian đó em cũng vừa đi học vừa đi cắt chỉ phụ mẹ. Đến năm 2010 thì mẹ phát bệnh nên về quê ở luôn”.

Những ngày mẹ Thương ở Sài Gòn, Thương phải ở lại Bến Tre, mới được 9 tuổi và phải lo cho bản thân và ông bà ngoại đã ngoài 80. Nhiều lúc Thương thèm ngửi mùi mồ hôi của mẹ, thèm sờ mái tóc khét nắng của bà và tủi thân đến phát khóc. Tuy nhiên, thời gian đó đối với em dù có vất vả cũng không thể so sánh với những gì em và mẹ đang trải qua trong lúc này:

“Lúc đó em còn nhỏ quá em chưa cảm nhận được sự vất vả. Em chỉ thấy là không có mẹ bên cạnh chăm sóc thì tủi thân hơn bạn bè thôi. Nhưng mà bây giờ thì mẹ bệnh, em lo cho mẹ, thấy mẹ đau đớn thì thấy buồn lắm. Có nhiều lần thấy mẹ đau trong xương trong tủy, mẹ dằn vặt là em …(khóc)”.

Mơ ước của Thương

Nói đến đây cậu bé 16 tuổi không thể kiềm được cơn xúc động của mình. Thương tâm sự, món ăn mà mẹ Thương thích nhất là canh súp nấu bởi củ cà rốt, củ dền và khoai tây nhưng lúc còn khỏe mẹ cũng không được ăn thường xuyên vì phải để dành tiền mua thuốc. Đến bây giờ ngay cả món ăn thích nhất này mà mẹ Thương cũng không ăn nỗi vì đau đớn. Mấy hôm nay bệnh tình của mẹ Thương trở nặng thêm, không thể nói chuyện được mà cả ngày cũng chỉ ăn vài muỗng cơm. Lâu lâu chị Hữu lại than đau nhức khiến Thương càng lo lắng, ruột gang không khỏi thắt thỏm:

“Em phải ở nhà thường xuyên với mẹ để chăm sóc mẹ. Lúc nào mẹ cũng thấy khó chịu, đau đớn nên phải ở gần mẹ để lo kê gối cho mẹ hay là lo vệ sinh cho mẹ. Mẹ luôn bị đau nên không thể đụng chạm mạnh được nên chỉ ngồi bên cạnh mẹ khi mẹ cần”.

Mỗi ngày, Thương đều dâng lời cầu nguyện lên Phật để mẹ em có thể sống khỏe mạnh. Thương muốn hình ảnh thằng Thương gầy gò mặc độc bộ đồng phục học sinh nhăn nhúm lẽo đẽo theo mẹ không phải là hình ảnh cuối cùng lưu lại trong đầu mẹ em khi bà về với Đất mà đó là hình ảnh một thằng Thương trưởng thành và thành đạt:

“Em sẽ cố gắng học để kiếm tiền báo hiếu cho mẹ. Mẹ chưa có một ngày sung sướng. Lúc còn nhỏ thì mẹ thức khuya dậy sớm buôn gánh bán bưng cho em ăn học. Bây giờ thì mẹ lại bị như thế. Em niệm Phật nhiều lắm. Mỗi tối em ngồi bên giường niệm Phật, niệm chú Đại Bi cho mẹ nghe. Em thích nhất là câu “Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” vì em tin rằng Phật Thích Ca sẽ ban phép nhiệm mầu cho mẹ em mau chóng hết bệnh”.

Từ một cậu bé 16 tuổi, để trở thành một người đàn ông thành đạt như ước mơ của Thương là một quãng đường dài. Quãng đường đó không chỉ có sự cố gắng và những giọt mồ hôi mà nó còn được lấp đầy bởi tấm lòng hiếu thảo. Dù những ngày bước đi cùng con được tính bằng ngày, nhưng hẳn đối với chị Hữu đó cũng là những ngày hạnh phúc.

Quý thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”.

Mời quý vị đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình tại Facebook (Quynhchi RFA) và tại email Quynhchi@rfa.org .

Theo dòng thời sự: