Trước đề nghị của Philippines giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua tòa án trọng tài theo công ước luật biển 1982, hôm 19 tháng 2, Trung Quốc đã chính thức thông báo nước này từ chối tham gia tòa trọng tài. Bước đi này của Trung Quốc đã nằm trong dự đoán của nhiều người vì Trung Quốc đã từng tuyên bố trước đó là nước này không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo công ước liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 dù nước này có tham gia công ước. Quyết định này sẽ khiến Trung Quốc mất gì và được gì trong tranh chấp tại biển Đông? Tình hình sắp tới tại khu vực này sẽ ra sao?
Không ra toà cũng có cái lợi và cái hại
Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á thuộc học viện Quốc phòng Úc. Trước hết, trả lời câu hỏi liệu tòa trọng tài sẽ có thể vẫn được tiến hành mà thiếu Trung Quốc hay không, Giáo sư Carl Thayer cho biết:
GS. Carl Thayer: Thủ tục tòa trọng tài có thể vẫn tiến hành mà không có mặt Trung Quốc, và thủ tục là khi Trung Quốc đã chính thức thông báo với Philippines là nước này từ chối tham gia tòa thì Philippines bây giờ có thể tiếp cận với Chủ tịch của tòa quốc tế về luật biển, và yêu cầu ông lập một ban năm người của tòa. Người đứng đầu của ITLOS sẽ xem danh sách một ban gồm những người đã được chỉ định bởi các nước tham gia công ước về luật biển và chọn ra 5 người. Những người này khi gặp nhau đầu tiên, trước khi họ xem xét trường hợp này, sẽ phải đưa ra hai quyết định.
Quyết định đầu là xem xét đòi hỏi của Philippines có vi phạm luật quốc tế không, nếu họ nói không, và trên thực tế thì dường như Philippines đang muốn giải thích luật, câu hỏi thứ hai họ phải tự hỏi là tòa có thẩm quyền pháp lý không, và Philippines thì rất cẩn thận không muốn bước vào những khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố mình được miễn trừ. Khi tòa nói họ có thẩm quyền pháp lý thì tòa sẽ được tiến hành. Tòa có thể kéo đến 3, 4 năm và có thể sẽ có quyết định có lợi cho Philippines, hoặc đưa ra phản hồi. Cho nên chúng ta đang đợi Philippines chính thức thông báo với tòa và phải đợi xem ông Chủ tịch sẽ làm gì.
Việt Hà: Trung Quốc được gì và mất gì khi họ quyết định không tham gia tòa?
Cái mà Trung Quốc mất là uy tín của mình khi nước này nói về sự trỗi dậy hòa bình, về luật quốc tế bên cạnh UNCLOS đối với biển Đông...Philippines nói là chúng tôi đã làm việc với các ông suốt 17 năm mà không có giải quyết. Điều này cũng làm suy yếu luật quốc tế, nó làm cho các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc chán nản
GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Cái mà Trung Quốc mất là uy tín của mình khi nước này nói về sự trỗi dậy hòa bình, về luật quốc tế bên cạnh UNCLOS đối với biển Đông. Họ nói rằng vấn đề cần giải quyết qua song phương và Philippines nói là chúng tôi đã làm việc với các ông suốt 17 năm mà không có giải quyết. Điều này cũng làm suy yếu luật quốc tế, nó làm cho các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc chán nản, hay nói cách khác là luật quốc tế không thể được sử dụng. Đó là điều Trung Quốc nói, họ đang đứng trên luật. Điều này cần phải được giải quyết về mặt chính trị. Cái mà Trung Quốc đạt được bằng cách từ chối tham gia tòa là nó làm mạnh hơn vị trí của Trung Quốc.
Nếu Philippines tiếp tục thủ tục với tòa và tòa nhóm họp thì cũng mất 3, 4 năm. Trong thời gian đấy, Trung Quốc có thể củng cố sự có mặt của mình. Ngay cả nếu quyết định của tòa chống lại điều này thì cũng không thể loại bỏ được Trung Quốc. Một trong những yêu cầu của Philippines cần được giải quyết là việc Trung Quốc chiếm giữ các bãi đá nằm dưới mực nước biển, như vậy là anh không thể đòi chủ quyền từ những bãi đá này ra vùng biển xung quanh. Nhưng trong 3, 4 năm nữa, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xây dựng trên các bãi đá này và củng cố sự có mặt của họ. Bởi vì quyết định của tòa không có ý nghĩa bắt buộc, trong vòng 4 năm Trung Quốc cứ ngồi đó như một người chiếm giữ trái phép và cuối cùng giành được cái mà họ muốn bằng cách vượt qua các thủ tục pháp lý.
Biển Đông bài toán không lời giải?
Việt Hà: Với việc Trung Quốc khước từ tham gia tòa trọng tài, và những hành động gửi thêm tàu ra biển Đông thời gian gần đây của nước này, theo ông đánh giá tình hình căng thẳng trên biển Đông thời gian tới sẽ ra sao?
Cho nên sẽ có hai khả năng xẩy ra là đụng độ do tai nạn, mặt khác TQ sẽ có hành động mạnh vì họ nói là các nguồn tài nguyên thuộc về họ. Họ sẽ mang ra những lực lượng hùng hậu...Chúng tôi có thể thấy dẫn chứng ở bãi cạn Scaborough, họ đang chiếm giữ và lấy đi từ Philippines. Philippines không thể vào đó nữa vì họ căng rào và cử nhiều tàu hơn đến đó
GS. Carl Thayer
GS. Carl Thayer: Lập luận của tôi là sẽ như vậy, bởi biển Đông là vùng biển đóng, nó giống như một cái bồn tắm, một vùng biển nhỏ. 2 năm trước và gần đây Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng lực lượng hải giám và thực hiện luật kiểm ngư tại đây, và công suất tàu bây giờ đã tăng từ 1,000 tấn lên 2000 tấn, 4000, 5000 tấn, cho nên họ sẽ có nhiều loại tàu và máy bay trực thăng, một năng lực lớn với đội ngũ nhân lực nhiều để tuần tra khắp vùng biển Đông. Trong khi đó, ở mức độ nhỏ hơn, Philippines cũng xây dựng đội tàu tuần duyên của mình, Nhật bản cho họ 10 tàu. Việt Nam cũng xây dựng đội cảnh sát biển. Đây là những nỗ lực nhỏ, nhưng dần dần sẽ có nhiều tàu ở khu vực này để bảo vệ chủ quyền. Điều quan trọng hơn nữa là nếu Philippines và Việt Nam quyết định mở thầu các khu vực khai thác dầu khí thì Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh.
Cho nên sẽ có hai khả năng xẩy ra là đụng độ do tai nạn, mặt khác Trung Quốc sẽ có hành động mạnh vì họ nói là các nguồn tài nguyên thuộc về họ. Họ sẽ mang ra những lực lượng hùng hậu, không phải là quân đội. Chúng tôi có thể thấy dẫn chứng ở bãi cạn Scaborough, họ đang chiếm giữ và lấy đi từ Philippines. Philippines không thể vào đó nữa vì họ căng rào và cử nhiều tàu hơn đến đó, hơn cả Philippines. Đó là cách Trung Quốc đang làm và tương lai tại đây có rất nhiều rủi ro.
Việt Hà: Vậy Việt Nam học được bài học gì từ vụ việc này, thưa ông?
GS. Carl Thayer: Việt Nam cũng chiếm giữ các bãi ngầm và nếu tòa nói các bãi mà Trung Quốc chiếm không thể đòi chủ quyền ra các vùng biển xung quanh thì Việt Nam cũng mất. Còn nếu vùng vùng biển của Philippines được xác định theo luật, thì Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự với đường cơ sở của mình. Một trong các vấn đề ở phần đông nam của Việt Nam mà Việt Nam dùng từ miêu tả là hình phụ nữ có mang, họ vẽ đường cơ sở mở rộng không hợp lý theo luật quốc tế và Việt Nam sẽ phải rút lại chỗ này. Một trong các tranh chấp của việt Nam là ở quần đảo Hoàng Sa không được đề cập ở đây. Đây là vấn đề chủ quyền giữa hai nước và công ước quốc tế không dùng để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền , nó được dùng để giải quyết tranh chấp vùng nước giữa hai quốc gia. Hoàng sa là vấn đề giữa hai nước. Trung Quốc nói không ai được đụng vào, và họ tiếp tục làm những gì mà họ đã làm với các ngư dân tại đây.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.