Bắc Hàn muốn gì khi leo thang thách thức?

Bắc Hàn liên tục leo thang đe dọa chiến tranh trong hai tuần nay. Hành động đe dọa lên tới mức cao nhất vào hôm nay khi Bắc Hàn khuyến cáo các tòa đại sứ nên di tản nhân viên sau ngày 10 tháng tư sau khi chuyển hai dàn hỏa tiễn sang phía đông. Với tương quan lực lượng trứng chọi đá, thực sự Bắc Hàn muốn gì? Liệu Hoa Kỳ có còn kiên nhẫn, khi Bắc Hàn đã tạo điều kiện đủ để người Mỹ có hành động ngăn đe Bình Nhưỡng?

Leo thang mãi, không ai sợ

Thứ bảy 30 tháng 3 công bố văn bản gọi là “Bản tuyên chiến toàn diện”. Thứ ba 02 tháng tư tuyên bố cho lò phản ứng hạt nhân Yongbyon tái hoạt động. Thứ tư đóng cửa đường qua biên giới vào khu công nghiệp liên doanh Nam Bắc Hàn Keasong. Thứ năm chuyển hai dàn hỏa tiễn tấn công sang bờ biển phía đông. Thứ sáu khuyến cáo các tòa đại sứ ở Bình Nhưỡng nên di tản nhân viên, không bảo đảm an toàn cho nhân viên ngoại giao sau sáu ngày nữa.

Tân Hoa Xã cho biết bộ ngoại giao Bắc Hàn nói với họ rằng "câu hỏi hiện tại không phải là sẽ xảy ra chiến tranh hay không, mà là khi nào chiến tranh xảy đến trên bán đảo Triều Tiên." Lời nói có vẻ như lời nhắn gửi để cảnh báo một cuộc chiến tranh phòng thủ, hay cuộc phòng bị một trận phản công sau khi Bắc Hàn đánh phủ đầu vào Hàn quốc hay một căn cứ Mỹ nào đó.

Mỹ, Hàn và thế giới có sợ hãi trước những hành động mà quốc tế gọi là “kích động tinh thần cuồng chiến” ấy không?

Trước hết, Hàn quốc có thủ đô Seoul nằm trong tầm “lưỡi hái tử thần” của các dàn đại pháo bên kia ranh giới cách đó 40km, thì chỉ có 26% người dân Seoul lo ngại cuộc pháo kích phủ đầu của Bình Nhưỡng. Số còn lại có mối âu lo chính yếu là công việc làm ăn và tình trạng kinh tế.

Bộ ngoại giao Anh nói chưa thấy cần di tản nhân viên, và Bắc Hàn làm việc này chỉ để tiếp tục chiến dịch cường điệu hóa việc gọi là “Mỹ- Hàn quốc đang đe dọa Bắc Hàn bằng cuộc tập trận để ngụy trang hành động quân sự.”

Phát ngôn viên chính phủ Ba Lan nói Warsaw coi những lời lẽ mới nhất của Bình Nhưỡng chỉ là một yếu tố không xứng hợp để gia tăng áp lực, trong khi không có một nguy cơ quân sự nào đến từ bên ngoài Bắc Hàn.

Các tòa đại sứ của các nước Liên Minh châu Âu cho biết họ liên lạc thường xuyên và theo dõi tình hình, không nói đến chuyện di tản. Đức triệu đại sứ Bắc Hàn đến để bày tỏ mối quan ngại.

Lò hạt nhân Yongbyon, tháp lạnh bị phá hủy chưa phục hồi - german foreign ofice photo
Lò hạt nhân Yongbyon, tháp lạnh bị phá hủy chưa phục hồi - german foreign ofice photo (german foreign ofice photo)

Liên Hiệp Quốc tỏ ra quan tâm sâu xa đến tình hình, nhưng các nhân viên cứu trợ nhân đạo vẫn làm việc như bình thường tại Bắc Hàn.

Lãnh tụ Fidel Castro của Cuba viết thư cho Kim Jong-Un, khen ngợi những thành quả kỹ thuật của Bình Nhưỡng, nhưng cảnh giác họ Kim đừng gây cuộc chiến tranh mà sẽ hủy hoại 80% nhân loại. Nhà lãnh đạo già cả của Cuba đồng thời tỏ ý quan ngại rằng cuộc khủng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên hiện nay là nguy hiểm hơn hết kể từ cuộc khủng hoảng chiến tranh hạt nhân ở Cuba 50 năm trước. Lúc đó chủ tịch Fidel Castro đã nói với chủ tịch Krutchev của Nga hãy tấn công Hoa Kỳ bằng nguyên tử trước khi Hoa Kỳ đánh sang Cuba.

Nói đến Nga thì lần này Liên Bang Nga có phản ứng đặc biệt nhất. Một phát ngôn viên tòa đại sứ Nga ở Bình Nhưỡng cho biết nhận được khuyến cáo di tản của Bắc Hàn. Moscow nói đang nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh khuyến cáo đó, nhưng một thông cáo của bộ ngoại giao Nga nói rằng Nga hy vọng các bên liên quan tỏ ra tự kiềm chế, và Nga coi “hành vi kích động tinh thần cuồng chiến của quân đội là hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Tóm lại Bắc Hàn không làm ai sợ được, và nước bạn Liên Bang Nga phải lên lớp đúng “tẩy” của giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, y như lời từ một người bạn đã từng trải qua kinh nghiệm đó, nay có lời khuyên.

Máy bay tàng hình B-2 thí nghiệm ném bom chùm - airforcetech.com photo
Máy bay tàng hình B-2 thí nghiệm ném bom chùm - airforcetech.com photo (Máy bay tàng hình B-2 thí nghiệm ném bom chùm - airforcetech.com photo)

Còn đối tượng chính của hồi trống trận um xùm của Bắc Hàn thì sao? Tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, nói ông không thấy hành động của Bắc Hàn có gì mới mẻ, mà chỉ là sự tiếp nối màn hành động đã khởi diễn, và ông không tin sẽ xảy ra chiến tranh. Tướng Dempsey cho biết ông chuẩn bị đi Bắc Kinh trong mấy tuần nữa, nhưng sẽ ông không nói Trung Quốc kiềm chế Bắc Hàn, vì ông biết Trung Quốc không làm được việc đó. Chuyến đi sẽ chỉ để làm việc với Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc mà thôi.

Tính báo Hàn quốc được thông tấn xã Yonhap trích dẫn cho biết Bắc Hàn đã vận chuyển hai dàn hỏa tiễn sang bở biển phía đông, nhìn ra biển Nhật Bản và quần đảo Nhật Bản. Tin tức cho hay đó là hai hỏa tiễn tầm trung Musudan bắn xa 3 ngàn km. Có tin nói một trong hai hỏa tiễn này là hỏa tiễn liên lục địa KN-08, nhưng chưa có tin nào được kiểm chứng chắc chắn. Chỉ biết hai hỏa tiễn được chở qua bằng xe lửa, và sẵn sàng được đặt lên dàn phóng lưu động do xe truck lớn kéo.

Hầu hết giới quan sát của Hoa Kỳ đều coi nhẹ những hành động của Bắc Hàn trong mấy tuần nay, tin chắc rằng Bắc Hàn chưa có đầu đạn hạt nhân đủ trình độ để đem gắn vào đầu hỏa tiễn và không dám gây chiến.

Cơ hội cho Hoa Kỳ , khó chịu cho Trung Quốc

Nhưng trước hành động Bắc Hàn phùng mang thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, bộ quốc phòng Hoa Kỳ không bỏ lỡ cơ hội đưa thêm hai tàu chiến sang Thái Bình Dương, một dàn radar X-band sang biển Nhật Bản và cả một hệ thống hỏa tiễn lá chắn đem đặt ở Guam.

Hiển nhiên Trung Quốc phải rất khó chịu về việc này, sau khi đã chỉ trích Hoa Kỳ dựng thêm 14 dàn hỏa tiễn phòng thủ ở Alska-California nói là để phòng chống phi đạn từ Bắc Hàn. Trung Quốc khó chịu là phải , vì kho vũ khí của Trung Quốc có thể có khoảng 130 phi đạn hạt nhân có thể bắn tới Hoa Kỳ, nhưng những dàn lá chắn hỏa tiễn được dựng lên ngày càng nhiều, đã gần đủ để đánh chặn trận mưa phi đạn hạt nhân từ Trung Quốc, nếu chẳng may trong 1 phần ngàn cơ hội Trung Quốc phát động chiến tranh.

Giới quan sát quốc tế vẫn loay hoay với câu hỏi Bắc Hàn muốn gì? Tại sao ở thế thua kém rõ ràng về lực lượng mà lại cứ đòi đánh Mỹ, đánh Nam Hàn, mà lại tấn công trước, đánh phủ đầu chứ không phải kháng chiến tự vệ? Sợi dây đàn máu lửa đã được Bắc Hàn căng hết mức. Liệu dám chơi điệu khúc hạt nhân chăng? Nếu không thì làm gỉ gỡ thể diện bây giờ?

Cảnh cáo, biểu diễn lực lượng

Có lẽ nên nói tới điều mà Bắc Hàn không muốn trước khi nói đến chuyện họ muốn gì. Người ta tin chắc Kim Jong-Un không muốn có chiến tranh thực sự như lời lẽ đe dọa hung hăng trong cái gọi là “Bản tuyên chiến toàn diện”. Trước đây đã có lần xác định điều đó, và bây giờ dù Bình Nhưỡng làm gì thì cũng không dám tung ra chiến tranh thực sự. Kim Jong-Un có kém già dặn thì cũng có quân sư là ông cậu bà cô trong hàng ngũ lãnh đạo, nên tất cả phải biết rất rõ là chỉ một hành động chiến tranh toàn diện thực sự cũng sẽ lãnh hậu quả thảm khốc ngay lập tức. Dường như Hoa Kỳ và Hàn quốc vẫn cứ để cho họ Kim dương oai diễu võ, càng nhiều càng tốt, để khi bị phản công hay thậm chí bị đánh phủ đầu thì không ai trách được Mỹ và đồng minh.

Không những thế mà dường như Hoa Kỳ còn chọc tức họ Kim để thử thách xem người này lên gân tới đâu, khi điều động pháo đài bay B-52 và sau đó là hai chiếc oanh tạc cơ không lồ tàng hình B-2 bay thao dượt trong không phận Hàn quốc. Mới đây còn nói điều động những phi đội F-22 Raptor sang dự tập trận. Làm như thế trong khi vẫn nói Bắc Hàn không gây chiến tranh, phải chăng Hoa Kỳ gài bẫy cho Bắc Hàn tạo điều kiện đủ trước quốc tế cho Mỹ đánh phủ đầu, hay tốt hơn thế, là phản công và tiêu diệt cả lực lượng hạt nhân cùng hỏa tiễn của Bắc Hàn ngay khi phi đạn Bắc Hàn rời dàn phóng, đồng thời tiêu diệt cả toàn bộ chế độ độc tài đang gây khó chịu cho cả thế giới?

Khu trục hạm USS Decatur thí nghiệm hỏa tiễn đánh chặn của hệ thống Aegis- wikipedia commons photo
Khu trục hạm USS Decatur thí nghiệm hỏa tiễn đánh chặn của hệ thống Aegis- wikipedia commons photo (wikipedia commons photo)

Về điều này, nhiều ý kiến cho rằng Washington không thể tung ra một cuộc chiến tranh nữa, như lời Tổng thống Obama và các ngoại trưởng Clinton, John Kerry nhắc đi nhắc lại và xác định nhiều lần, rằng Iraq và Afghanistan đã là quá nhiều.

Ngân sách giới hạn, tiềm năng hao mòn và khó khăn kinh tế hiện nay cũng cột tay người Mỹ lại giả sử họ muốn chiến tranh. Hành động của Mỹ như vậy không phải muốn thúc đậy Bắc Hàn gây chiến tranh thực sự, mà nhắm mục đích vừa trấn an Hàn quốc, Nhật Bản, vừa cảnh cáo Bình Nhưỡng bằng cách cho thấy trước chiến thuật và tương quan lực lượng hơn hẳn.

Hoạt động thao dượt máy bay tàng hình khổng lồ ngay bên cạnh đối phương mang tính cách biểu hiện rất đặc biệt, khi người ta biết rằng lực lượng phòng không của Bắc Hàn lạc hậu hơn hết so với các cường quốc hạng nhì về vũ khí cổ điển, chưa nói tới chiến tranh hạt nhân. Ngay cả lực lượng phòng không của Trung Quốc cũng chưa chắc đối phó được hữu hiệu với những phi cơ tàng hình chiến thuật Raptor F-22 và phi cơ chiến lược B-2 của Mỹ. Cho nên đó là một lời cảnh cáo rất cụ thể mà Bắc Hàn gọi là hành động khiêu khích cũng không phải là quá đáng, để rồi sau đó Bình Nhưỡng liền leo thang và tuyên chiến toàn diện với Hàn quốc bằng chiến tranh hạt nhân, tuy chưa có khả năng phóng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân!

Lời cảnh cáo Bắc Hàn và trấn an đồng minh phải có gì đặc biệt, cụ thể, đổi khác. Khi Bắc Hàn liên tục leo thang về vũ khí hạt nhân và chứng tỏ khả năng về hỏa tiễn liên lục địa, thì Hoa Kỳ không thể cứ tập trận như thường lệ hằng năm. Ngoại trưởng Kerry còn tiếp tục trấn an Ngoại trưởng Hàn quốc Yun Byung-Se tại Washington rằng Hoa Kỳ điều động hai khu trục hạm USS McCain và USS Decatur có hệ thống Aegis chống hỏa tiễn và các phi cơ tàng hình Raptor-22 sang Tây Thái Bình Dương và Hàn quốc cùng với dàn lá chắn trên đất ở Guam và siêu radar trên biên Nhật Bản là để bảo vệ đồng minh, và cho thấy không ai sợ gì những sự khiêu khích liều lĩnh và phi lý.

Chiến đấu cơ F-22 Raptor, khả năng chiến đấu ngang sức với 10 Sukhoi 35 - devicemag.com photo
Chiến đấu cơ F-22 Raptor, khả năng chiến đấu ngang sức với 10 Sukhoi 35 - devicemag.com photo (devicemag.com photo)

Thêm vào đó Hoa Kỳ cũng không muốn Bắc Hàn gây chiến trong lúc này hay bất cứ lúc nào khác về sau này. Vì Bắc Hàn tuy không làm gì được lực lượng Mỹ ở Guam hay Hawaii như dọa dẫm, nhưng lời đe dọa rất hiện thực đối với Hàn quốc. Thủ đô Seoul chỉ cách ranh giới ngưng chiến có 40 km. Và ta đừng quên rằng từ năm 1996 Bắc Hàn có 16 quân đoàn bao gồm 153 sư đoàn, 13 lữ đoàn chiến xa, 30 lữ đoàn pháo binh và 25 lữ đoàn lực lượng đặc biệt, chưa kể những đơn vị chiến tranh sinh hóa học và chiến tranh tin học nữa.

80% lực lượng này bố trí ở phía bắc ranh giới ngưng bắn, phía nam thủ đô Bình Nhưỡng. Lực lượng quy ước này rất đáng kể. Tuy quân đội Hàn quốc trang bị mạnh hơn và tối tân hơn, Bắc Hàn vẫn có thể tàn phá thủ đô Seoul giết hằng trăm ngàn người ngay trận pháo đầu tiên mà lực lượng Mỹ- Hàn không thể chặn được, ngoại trừ một cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng pháo binh quy ước bên kia ranh giới, với điều kiện phải phá hủy được những vị trí pháo đào sâu trong hầm núi cũng như mọi dàn phóng phi đạn di động rất khó tìm bắt. Có thể người Mỹ tin vào các máy bay không lồ tàng hình B-2 trang bị bom lớn có JDAM hướng dẫn chính xác tới mục tiêu, các phi cơ tự hành viễn khiển UAV cùng các máy bay chiến thuật tàng hình nhiều loại. Mỹ còn nhiều vũ khí cần thí nghiệm trên chiến trường. Tạo cơ hội là điều "rất đáng tiếc", như lời phát ngôn viên Ngũ giác đài cảnh cáo dưới đây.

Thực sự muốn gì?

Hỏi Bắc Hàn muốn gì, thì vũ khí hạt nhân có thể là ý muốn thực sự, khi họ mở lại trung tâm hạt nhân Yongbyon, vì ta thường nói khó có nước nào ngưng được tham vọng vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn và Iran không ngoại lệ.

Tuy nhiên trước đây khi Kim Yong-Il thỏa thuận với Mỹ và Liên Hiệp Quốc về từ bỏ chương trình hạt nhân thì đã phá hủy tháp lạnh của trung tâm Yongbyon này, và người ta không chắc là trung tâm này có nối kết với mạng lưới điện rất lạc hậu và thiếu thốn của Bắc Hàn hay không. Giới chuyên môn ước tính là ít nhất 6 tháng nữa Yongbyon mới từ từ hoạt động lại, chưa nói đến công suất. Và chỉ nơi này chế được đầu đạn hạt nhân bằng plutonium, để gắn được vào hỏa tiễn.

Giới quân sự Mỹ nhận xét là dù Bắc Hàn nói gì chăng nữa nhưng không thấy họ điều động và bố trí lực lượng cho một cuộc tấn công quy mô với vũ khí quy ước. Trong Hội nghị Trung ương Đảng Công nhân Bắc Hàn hôm chú nhật, Kim Jong-Un lại không nói chuyện chiến tranh hạt nhân, mà nhấn mạnh vào kinh tế, khi ông nói nguyên văn là: “Sức mạnh hạt nhân của Bắc Hàn là sức mạnh ngăn đe đáng tin cậy và bảo đảm bảo vệ chủ quyền đất nước.” Ông nói tiếp “trên nền tảng một khả năng hạt nhân hùng mạnh mới có được hoà bình và thịnh vượng cũng như hạnh phúc cho đời sống nhân dân. “ Quan điểm của lãnh đạo Bắc Hàn ở nơi cơ chế quyết định chính sách có vẻ như muốn xoay hướng tập trung nỗ lực vào các vấn đề kinh tế hơn là an ninh và chiến tranh.

Bài diễn văn đọc hôm chủ nhật nhưng đến thứ ba mới phổ biến, cùng ngày với việc tuyên bố mở lại trung tâm hạt nhân Yongbyon, được hiểu như một ngụ ý muốn dùng tiềm năng hạt nhân để đổi lấy gì đó về kinh tế.

Thế nhưng ngay hôm sau thì Bình Nhưỡng đổi mặt con thò lò, tuyên bố chiến tranh chỉ còn là vấn đề thời gian, khuyến cáo các nhân viên ngoại giao quốc tế tại Bình Nhưỡng di tản!

Các nước gần như thàn nhiên, nhưng Hàn quốc vẫn là nạn nhân trực tiếp, khi thị trường chứng khoán Seoul bán ra ồ ạt nhất từ gần 20 tháng nay. Thứ trưởng tài chính Hàn quốc Choo Kung-Ho nói lần này với thái độ gây hấn dữ dội và dai dẳng của Bình Nhưỡng, giá chứng khoán khó lòng hồi phục nhanh chóng như sau những lần họ gây sự trước đấy.

Những niềm hy vọng

Dựa trên tiền đề Bắc Hàn không dám gây chiến thực sự, phải chăng họ đang tháu cáy con bài cho cao giá bằng cách đe dọa thủ đắc vũ khí hạt nhân, đe dọa chiến tranh, để buộc Hoa Kỳ và Hàn quốc phải thỏa thuận về những điều kiện viện trợ, bỏ cấm vận?

Radar X-band để dò hỏa tiễn địch phóng đi- wikipedia commons photo
Radar X-band để dò hỏa tiễn địch phóng đi- wikipedia commons photo (wikipedia commons photo)

Đó cũng là một hy vọng. Tuy nhiên khi Bắc Kinh tuyên bố lấy làm tiếc vì Bình Nhưỡng tái khởi động nhà máy Yongbyon, liên tục kêu gọi Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán, thì Hoa Kỳ vẫn cương quyết đòi Bắc Hàn phải từ bỏ mọi chương trình hạt nhân và hỏa tiễn trước khi mở lại bàn đàm phán 6 bên. Thế rồi Bắc Hàn chuyển hỏa tiễn sang bờ biển Nhật Bản như để thách đố, ăn miếng trả miếng.

Có một hy vọng nữa là Bắc Hàn đã đi hết đoạn đường diễn tuồng viễn vông mà lo cho ngày kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ vĩ đại của họ vào 15 tháng tư, cũng là ngày quân đội trở về quê làm ruộng vụ mùa xuân, sau khi có một hành động tượng trưng để gỡ thể diện với người dân trong nước.

Thời điểm 10 tháng tư được đưa ra như hạn chót cho các phái bộ ngoại giao ở Bình Nhưỡng có thể là ngày Bắc Hàn phóng thử phi đạn tầm trung Musudan, là loại mà họ chưa phóng thử lần nào, và chính là hành động gỡ thể diện sau lớp tuồng gây chiến.

Phát ngôn viên Ngũ giác đài George Little kêu gọi Bắc Hàn ngưng khiêu khích mà hãy chú trọng nuôi ăn cho người dân, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ quốc tế để tránh bị cô lập trong nghèo đói.

Ngũ giác đài không xác nhận tin của Yonhap về hai dàn hỏa tiễn được đưa sang bờ biển Nhật Bản, nhưng cảnh cáo rằng “hành vi khiêu khích thêm nữa sẽ trở nên đáng tiếc”.

Nói như vậy, không biết Hoa Kỳ và Nhật Bản, Hàn quốc có thể nín nhịn cho qua lần phóng thử hỏa tiễn này nữa, hay đây là lúc đã có đủ lý do để biểu diễn một màn cảnh cáo sát sườn bằng cách bắn hạ hỏa tiễn của Bắc Hàn vài chục giây sau lúc cất cánh rời dàn phóng?

Nhưng nếu Musudan hay bất kỳ hỏa tiễn nào của Bắc Hàn "bay thử nghiệm" về hướng Nhật Bản thì chắc chắn sẽ bị bắn hạ. Hoa Kỳ đưa hai chiến hạm có hệ thống Aegis sang Tây Thái Bình Dương và dàn radar X-band đậu ngay trên biển Nhật Bản không phải để khoe của trong thời kỳ kinh tế khó khăn.