Dư luận với việc chôn chất thải Formosa ở Hà tĩnh

0:00 / 0:00

Việc một số tổ chức và cá nhân ở Hà Tĩnh tiếp tay để chôn giấu chất thải của Formosa tại nhiều địa điểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng.

Dân phát hiện

Tính đến ngày 23/7/2016, các cơ quan chức trách đã phát hiện 8 điểm chôn lấp và xử lý chất thải của Formosa Hà Tĩnh, tại nhiều khu vực thuộc thị xã KỳAnh và một số huyện thuộc tỉnh Hà tĩnh. Theo báo cáo của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, khi kiểm tra chứng từ xuất kho cho thấy số lượng chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra khỏi nhà máy lên đến 267 tấn, chứ không phải là 100 tấn như thông tin trước đây.

Trong một tâm trạng lo lắng, ông Liên, một người dân ở huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh cho biết, tình trạng chôn lấp chất thải của nhà máy Formosa đã diễn ra từ nhiều năm qua, người dân ai, ai cũng biết song các cơ quan chức năng thì đã làm ngơ. Ông nói với chúng tôi:

Nói chung bây giờ mới phát hiện được, điều dân họ nói từ lâu rồi nhưng bây giờ mới lòi ra. Nhưng họ chôn bao nhiêu thì mình không biết được vì họ chôn trộm. <br/> - Ông Liên, huyện Kỳ Anh <br/>

“Nói chung bây giờ mới phát hiện được, điều dân họ nói từ lâu rồi nhưng bây giờ mới lòi ra. Nhưng họ chôn bao nhiêu thì mình không biết được vì họ chôn trộm. Đến khi họ giải quyết hâu quả thì người dân cũng chỉ biết họ đã móc lên rồi và để thí nghiệm, song kết quả ra sao thì chỉ ở trên biết chứ người dân cũng không biết được mà có biết cũng chẳng làm gì được. Người dân bây giờ khốn khổ vì mọi thứ nhiễm độc, cũng chẳng ai biết cái chất độc ấy ra thế nào, nhưng chất độc là chắc chắn có.”

Ông Sáng một người dân ở Vũng Áng cho rằng, đây là một chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh nhằm tiếp tay cho Formosa, mà bất chấp hậu quả đối với người dân khu vực này. Ông khẳng định:

“Đó là âm mưu và ý đồ của chính quyền Hà Tĩnh muốn che giấu cho Formosa, bởi vì chính quyền Hà Tĩnh cũng muốn có cái gì để làm quà tặng cho Formosa. Khi Formosa đến đây cắm đất để có ý định làm ăn lâu dài, thì người dân cũng cảnh giác với tất cả các việc làm của Formosa. Hiện nay nhân dân ở Kỳ Anh thì cực kỳ bức xúc, vì họ không hiểu rằng vì lý do gì mà người dân ở đây phải chịu đựng điều mà giống như chiến tranh diệt chủng như vậy.”

Ông Liên bày tỏ sự nghi ngờ:

“Tôi cũng không hiểu ông Giám đốc Môi trường nghĩ thế nào mà lại cho chôn như vậy, nhưng căn cứ vào các câu trả lời của ông ấy thì ông ấy bảo mua bùn ấy về trồng chuối hay gì đấy. Tôi nghĩ ông ấy biết (có chất độc) chứ đã là Giám đốc Môi trường thì làm sao không biết được? Tôi nghĩ chắc dân ở gần vùng đó sẽ biết ông ấy nhận tiền bao nhiêu, như thế nào ... có điều tra mới biết được.”

Theo báo Đại Đoàn kết ngày 14/7/2016, Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh là đơn vị không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp, nhưng đã ký kết với Formosa Hà Tĩnh hợp đồng vận chuyển, xử lý bùn thải sinh hoạt và công nghiệp. Theo hợp đồng, Công ty Formosa phải giám sát địa điểm xử lý bùn thải và Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh phải chuyển giao số bùn thải của Formosa cho các đơn vị có chức năng xử lý. Song trên thực tế thì các bên đã không thực hiện cam kết và đã tự chôn lấp chất thải không đúng nơi quy định.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đánh giá về hành vi nói trên, TS. Tô Văn Trường, một Chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước & Môi trường nhận định:

“Khi mà đưa chất thải đi chôn lấp mà không đúng chức năng nhiệm vụ, như Công ty Môi trường Đô thị thì chỉ có chức năng xử lý, nước thải, chất thải sinh hoạt. Còn xử lý các chất thải độc hại thì phải được phép của cơ quan chức năng, vì thế đây là việc làm không đúng quy chế mà báo chí trong nước đã nói nhiều rồi.”

Ông Sáng cho biết, nguy hiểm nhất là các địa điểm tập kết hay chôn giấu chất xả thải của Formosa, có những nơi ở các địa điểm ở đầu nguồn sông Trí, là nơi cung cấp nước sinh hoạt hay sát với bãi biển Thiên Cầm. Theo ông, điều khó hiểu là khi phát hiện ra vụ việc này thì cơ quan thủy lợi đã cho xả nước từ các đập. Ông nói:

“Bãi đấy là bãi đất của chính quyền Thị xã Kỳ Anh cấp cho Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh, cái vùng đấy là rất gần với khu vực hồ nước cấp nước sạch cho dân sử dụng. Bây giờ người ta vẫn tiếp tục xả nước, nhưng xả kiểu lai rai, nhưng môi trường hiện vẫn ô nhiễm bình thường.”

Ông Sáng cho biết thêm, việc biển đã bị ô nhiễm nay trên đất liền cũng như vậy, điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của dân chúng địa phương và đẩy người dân vào tình thế tuyệt vọng chờ ngày chết. Ông bày tỏ:

Bộ Tài Nguyên Môi Trường và Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh là hai nơi phải chịu trách nhiệm, đó là các anh quản lý nhà nước ở cấp Bộ và cấp Sở. <br/> - TS. Tô Văn Trường <br/>

“Cái này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cực kỳ nghiêm trọng, bây giờ ở đây nước uống bị ô nhiễm, cá ăn bị ô nhiễm, người dân thì thất nghiệp không có việc làm. Người dân bây giờ chỉ ngồi chờ chết thôi. Về sức khỏe thì mọi người đi khám thì có tới 80-85 % bị nhiễm độc tố. Những người đi khám đều có giấy xác nhận của Bệnh viện, nhưng Bệnh viện thì họ dặn rằng đừng để cho cán bộ chính quyền biết. Vì họ sợ rằng cán bộ chính quyền sẽ đe dọa cơ sở y tế.”

Nói về trách nhiệm của ngành Y tế trong việc xử lý các tác động của môi trường đối với người dân địa phương vùng ô nhiễm. Một vị bác sĩ tại Sài Gòn yêu cầu giấu danh tính khẳng định:

“Trước tình hình này lẽ ra Bộ Y tế phải triển khai cho khám tất cả những người có nguy cơ phơi nhiễm hay nhiễm độc thì phải khám 100%. Sau đó phải khám phân loại để xem có bị hay không bị và bị tới mức độ nào để có phác đồ xử trí. Theo quy định ở vùng dịch bệnh có nguy cơ phơi nhiễm chất độc thì anh phải có động tác khám sàng lọc. Nhất là nguyên nhân lại là do nhà nước và doanh nghiệp gây ra.”

Chúng tôi đã liên lạc tới ông Võ Tá Đinh - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu về vụ việc này, nhưng không nhận được sự trả lời.

Khi được hỏi, cơ quan quản lý nhà nước nào phải có trách nhiệm trong vấn đề để xảy ra việc chôn dấu chất thải của Formosa tại khu vực Hà Tĩnh?

TS. Tô Văn Trường khẳng định:

“Bộ Tài Nguyên Môi Trường và Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh là hai nơi phải chịu trách nhiệm, đó là các anh quản lý nhà nước ở cấp Bộ và cấp Sở. Bây giờ Bộ TNMT đã đưa đoàn kiểm tra vào để lấy mẫu phân tích đánh giá mức độ độc hại như thế nào, phải từ đó để tìm ra nguyên nhân để có thể xử lý được.”

Theo TTXVN, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, cơ quan chức năng sẽ xác định rõ trách nhiệm của người phát sinh ra chất thải đó, rồi sẽ kiểm tra làm rõ năng lực, cơ sở pháp lý của người nhận chất thải.

Theo ông "Trường hợp đưa chất thải nguy hại ra môi trường chôn lấp thì theo quy định của pháp luật hình sự đã có quy định xử lý, quan điểm là sai phạm tới đâu, lỗi vi phạm tới đâu thì phải xử lý tới đó, xử lý thật nghiêm để răn đe."