Có tới 3 cuộc họp thượng đỉnh tổ chức ở Hà Nội. Trước hết là cuộc họp của lãnh đạo 10 nước ASEAN diễn ra ngày 27/10, sau đó là thượng đỉnh ASEAN với Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản diễn ra vào ngày thứ Sáu, và kết thúc với thượng đỉnh Đông Á, với sự góp mặt thêm của Australia, New Zealand, Ấn Độ, và Hoa Kỳ. Cũng trong ngày thứ Bảy, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev, chưa kể đến sự hiện diện của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là ông Ban Ki-moon.
Ông Medvedev có mặt ở Hà Nội vì năm nay là năm đầu tiên Nga chính thức trở thành thành viên của hội nghị Đông Á do ASEAN chủ trì.
Vấn đề kinh tế
Kinh tế là vấn đề lớn nhất sẽ được các nhà lãnh đạo bàn thảo tới. Thượng đỉnh Đông Á 2010 diễn ra chỉ một tuần lễ sau ngày các vị bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng các nước trong tổ chức G-20 gặp nhau ở Seoul, để cùng tìm giải pháp vực nền kinh tế toàn cầu, giảm bớt thâm thủng mậu dịch, thúc đẩy Trung Quốc ấn định lại tỷ giá đồng nhân dân tệ cho đúng hơn. Cả 3 vấn đề này đều là những điều mà các nước ASEAN và những nước bạn trong nhóm Đông Á quan tâm tới.
Điểm thứ nhì là từ khi Việt Nam đăng cai chủ tịch luân phiên ASEAN đến giờ, không thể chối cãi là việc các nước Đông Nam Á muốn xây dựng một thị trường chung theo dạng EU được nói đến rất nhiều, và thời điểm hoàn tất là năm 2015 ngày một gần hơn. Muốn làm điều này, ASEAN một mặt phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phải bàn thảo với nhau về quy luật thị trường, và nhiều điều khác nữa, trong đó sự hỗ trợ của các cường quốc kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không phải là nhỏ.
Ngoài ra, việc Trung Quốc bành trướng thế lực, nhất là thế lực quân sự ở vùng biển Đông không chỉ làm các nước ASEAN lo âu, mà ngay chính những nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn cũng lo âu, quan ngại.
Mỗi một quốc gia có mối lo âu riêng và chung. Lo âu chung là làm sao đảm bảo tuyến đường biển đi qua những khu vực đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông luôn luôn được an toàn, lo âu riêng là làm sao giải quyết những căng thẳng ngoại giao đang xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền Đảo Điếu Ngư. Cho đến hôm nay thì những đồn đãi ngoại giao vẫn nói là hai vị thủ tướng Nhật và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào chiếu thứ Sáu để nói chuyện, nhưng cả 2 chính phủ đều không lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin này.
Tôi xin phép được nói thêm về chuyện an toàn biển Đông và tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này. Nhìn sơ qua thì thấy đây là chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là giữa Trung Quốc với những nước đang tranh chấp chủ quyền, chẳng hạn như Philippines, Indonesia hay Việt Nam. Đến bây giờ, chủ trương của Bắc Kinh là một mặt nói chủ quyền thuộc về họ, mặt khác chỉ muốn đàm phán tay đôi với từng nước đang tranh chấp.
Vấn đề Biển Đông

Cho mãi đến tháng Bảy vừa rồi, Hoa Kỳ mới đưa ra phát biểu được xem là mạnh mẽ nhất, khi bà Ngoại Trưởng Clinton tuyên bố ở Diễn Dàn An Ninh Cấp Vùng ASEAN tổ chức tại Hà Nội rằng Washington có quyền lợi quốc gia ở Biển Đông, và một số người đã hiểu điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ có thể sẽ tính đến giải pháp can thiệp nếu vì bất kỳ lý do gì tuyến đường biển đó bị nghẽn.
Tuyên bố của Bà Ngoại Trưởng Mỹ khiến Trung Quốc không hài lòng, nhưng lại chứng tỏ cho các nước ASEAN biết rằng sau một thời gian bị bỏ quên, bây giờ Hoa Kỳ muốn duy trì thế lực trong khu vực, đặc biệt là trước sự kiện không thế chối bỏ là Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng về ngoại giao, về kinh tế, và hải quân của Trung Quốc cũng đang gia tăng hoạt động trên mặt biển.
Người ta khó có thể trông chờ một lời tuyên bố cứng rắn khác của bà Clinton ở Hà Nội cuối tuần này vì nhiều lý do. Trước hết là sau phát biểu mang tính cứng rắn của Hoa Kỳ ở Hà Nội hồi tháng Bảy vừa rồi, thì ngay sau đó bản thông cáo chung phổ biến ở New York sau Thượng Đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ cho thấy ngôn từ hòa hoãn hơn, nhưng cũng mang tính thúc đẩy các nước giải quyết vấn đề bằng đường lối ôn hòa nhiều hơn, tức là đi thật sát với giải pháp mà nhiều viên chức ngoại giao Mỹ lẫn Đông Nam Á gọi là giải pháp quốc tế hóa biển Đông.
Một lý do khác nữa là đừng quên, Hoa Kỳ đang cần hỗ trợ của Bắc Kinh để giải quyết chuyện Bắc Hàn và Iran theo đuổi chương trình hạt nhân. Một điều thú vị là cả 5 nước tham gia đàm phán về hạt nhân với Bắc Hàn đều có mặt ở Hà Nội, là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.
Chuyện Miến Điện
Các nước cũng sẽ nói tới chuyện Miến Điện, và chắc mọi người đều yêu cầu Trung Quốc sử dụng thế lực chính trị đang có để thúc đẩy giới lãnh đạo Miến cải tổ chính trị. Và có lẽ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng sẽ đóng góp ý kiến với thượng đỉnh về điều này.
Hôm qua ở Hà Nội, Ngoại Trưởng Alberto Romulo của Philippines gọi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 11 tới đây ở Miến Điện chỉ là trò hề vì chính phủ Miến giới hạn vận động bầu cử, cấm không cho thành phần đối lập tham gia và không cho quốc tế giám sát là những bằng chứng báo trước cuộc bầu cử sẽ không công bằng.
Ngoại trưởng Indonesia là ông Marty Natalegawa thì nói là không vì thế mà ASEAN bi quan vì vẫn chưa quá trễ để giới lãnh đạo Miến Điện chứng tỏ cho cộng đồng thế giới thấy thiện chí. Câu hỏi còn lại vẫn là giới lãnh đạo Miến Điện có chịu lắng nghe lời kêu gọi của thế giới hay không.