Không còn cơ may
Tình hình Ai Cập ngày càng trầm trọng kể từ cuộc giải tán biểu tình cắm lều gây đổ máu nặng nề cách nay một tuần. Con số tử vong tính đến ngày thứ tư 21 tháng 8 đã lên đến khoảng 1000 người, trong đó có trên 100 cảnh sát thiệt mạng. Dân chúng thuộc phía đối kháng đốt phá, tấn công nhiều nhà thờ Thiên chúa Giáo mặc dù các tín đồ Thiên Chúa không liên can gì đến tình hình hiện nay và cũng không ủng hộ hay chống đối bên nào.
Người được coi là đang điều khiển chính phủ lâm thời, tướng Abdel Fattah al-Sissi, Tổng tư lệnh quân đội kiêm bộ trưởng quốc phòng, là nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong chính quyền Cairo hiện nay. Ông được sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội và lực lượng an ninh Ai Cập. Ông từng tuyên bố hành động của quân đội là hành động nổi dậy của người dân Ai Cập chống lại một chế độ chính trị bất công. Ông thống trách Hoa Kỳ đã quay lưng lại với người dân Ai Cập khi không chịu ủng hộ mà còn doạ cắt và hoãn viện trợ quân sự.
Khi mối đe doạ đối kháng của Huynh đệ Hồi giáo còn tồn tại, người ta không hy vọng chính quyền sẽ tái lập một chế độ dân sự trong thời gian ngắn sắp tới như Mỹ thúc đẩy và kỳ vọng, mà sẽ phải thấy những hành động quyết liệt và lâu dài hơn nữa của chính quyền để đẩy hẳn tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ra ngoài vòng pháp luật. Quân đội tỏ ra nhất quyết triệt tiêu tận gốc tổ chức này. Huynh đệ Hồi giáo không có cơ may nào trở lại nắm chính quyền.
Nói vì phải nói, làm vẫn phải làm
Trên bề mặt ngoại giao và pháp lý, Hoa Kỳ đã tỏ sự ủng hộ chính phủ của Phong trào Huynh đệ Hồi giáo từ những ngày đầu khi tổ chức này thắng cử và nắm chính quyền. Nhưng nhiều người không tin đó là ý muốn thực sự của Washington đối với một chính quyền Hồi giáo bảo thủ, tuy chưa đến mức cực đoan, nhưng tỏ ra muốn đưa Ai Cập trở thành một quốc gia Hồi giáo chính thống, với luật Sharia làm nền tảng pháp lý cho xã hội. Hoa Kỳ cần một đồng minh Ai Cập thuận thảo với Israel, đó là điều quan trọng nhất, và một nước bạn đứng cùng bên, trên mặt trận chống khủng bố toàn cầu, chống lại những thành phần Hồi giáo cực đoan đòi tiêu diệt Hoa Kỳ, một chính quyền tách khỏi ảnh hưởng của Nga, hay Liên Xô trước đây. Vì thế Washington phải duy trì viện trợ quân sự cho Cairo ở mức trên 1 tỉ đô la hằng năm dù điều gì xảy ra trên chính trường Ai Cập. Chính phủ Cairo vừa nhắc tới Nga như một nước từng cung cấp vũ khí cho Ai Cập trước khi Cairo ngả sang phía Mỹ.
Vậy tại sao hành pháp Hoa Kỳ và Tổng thống Obama nói đến chuyện phải cân nhắc vấn đề hoãn và ngưng viện trợ quân sự, nếu người Mỹ không thực tâm muốn như vậy?
Washington nói như vậy là vì phải nói, vì danh tiếng và uy tín của nước Mỹ như một quốc gia luôn luôn đề cao và bảo vệ dân chủ ở khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Morsi là chính quyền được dân bầu qua tuyển cử dân chủ, nhưng không phải là chính phủ mà Hoa Kỳ muốn có tại Ai Cập, vì Huynh đệ Hồi giáo chủ trương bảo thủ tôn giáo và chống Israel, ủng hộ lực lượng Hamas tại Palestine. Nói rõ ra, ngoài mặt thì Washington buộc lòng phải tỏ ra ủng hộ chính phủ Morsi, và công luận Mỹ cũng chỉ trích chính phủ chưa đủ cứng rắn với chính quyền lâm thời Ai Cập, nhưng Hoa Kỳ không thể bỏ rơi chính quyền mới, vì họ giữ đúng chủ trương của Washington ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.
Từ chỗ đó, điều mà Hoa Kỳ nên làm và vẫn làm là duy trì viện trợ quân sự cho Ai Cập, chỉ hoãn tượng trưng một vài đề mục trong danh sách vũ khí, quân dụng. Công luận Mỹ nói thì cứ nói, đảng đối lập cũng mạnh tiếng chỉ trích, nhưng chính bên Cộng Hoà cũng hiểu là Toà Bạch ốc phải làm như vậy. Họ chỉ trích chính phủ là để lấy tiếng cho nước Mỹ thôi, cũng như chính phủ Mỹ phản đối hành động của Cairo cũng là để lấy tiếng mà thôi. Tướng Abdel Fattah al-Sissi trả lời phỏng vấn đã có lời trách cứ Tổng thống Obama, nói rằng bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel gọi điện thoại cho ông hầu như hằng ngày, trong khi ông Obama chưa hề nói chuyện. Điều đó chứng tỏ chính phủ Hoa Kỳ vẫn kín đáo ủng hộ Cairo, và Cairo với Washington trách cứ nhau cũng chỉ cho có lệ mà thôi. Cairo phải giữ tiếng tăm bảo vệ dân chủ cho Washington, tránh cho người Mỹ trách nhiệm tiếp tay lật đổ một chế độ dân chủ. Trong khi đó, Washington bằng mọi cách phải duy trì viện trợ quân sự cho Ai Cập, vì chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Không còn chỗ đứng
Người ta lưu ý rằng nhiều nước đồng minh của Mỹ ở Trung đông vẫn coi phong trào Huynh đệ Hồi giáo là mối đe doạ chính trị cho vương quyền hay chính quyền của họ. Đó là Á Rập Xê-Út, Các Tiểu Vương quốc Á Rập thống nhất, nhất là Israel, đều ủng hộ chính phủ lâm thời Cairo. Á Rập Xê-Út tuyên bố Washington cắt viện trợ thì đã có Riyadh và UAE điền vào chỗ trống, mà còn cam kết điền thế dồi dào hơn Washington nữa. Trong khi đó Israel cho rằng việc Huynh đệ Hồi giáo bị loại khỏi chính quyền là một đòn mạnh mẽ đánh vào những lực lượng chính trị Hồi giáo ở Trung đông và Bắc Phi, và đưa những người có sự cảm nhận tốt đẹp hơn vào các chính quyền.
Đây mới là lý do chính yếu khiến phong trào Huynh đệ Hồi giáo không còn chỗ đứng trên sân khấu chính trị ở trong khu vực Trung đông, Bắc Phi, mặc dù họ có gốc rễ và hoạt động ở nhiều nước trên thế giới.
Nguy cơ nội chiến?
Tuy nhiên ta đừng quên rằng phong trào này được khá đông đảo quần chúng Hồi giáo ủng hộ mạnh mẽ. Như thế liệu có thể xảy ra nội chiến chăng?
Chỉ xảy ra nội chiến nếu lực lượng chống chính phủ có được sự yểm trợ từ những nước láng giềng hay các cường quốc ở xa. Nay nhìn vào Ai cập ta thấy vùng đông bắc là bán đảo Sinai đối diện Israel, xuôi xuống hướng nam, bên kia Hồng hải ở cạnh phía đông là Á Rập Xê-Út, phía nam là Sudan, vòng qua phía tây là Libya, ngược lên phía bắc là Địa Trung hải. Không có một nước nào trong số đó muốn ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo hết, ngoại trừ Sudan có thể chứa chấp Al Qaeda.
Hai nước cạnh tranh ảnh hưởng với Á Rập Xê-Út là Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ có chút thân thiết với Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thì ở xa. Liên minh châu Âu EU đòi cắt viện trợ cho Cairo, nhưng mối viện trợ đó không đáng kể, và EU không bao giờ đi giúp Huynh đệ Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích quân đội Ai Cập nhưng không hẳn đã ưa chuộng gì phong trào Huynh đệ Hồi giáo, chính vì lý do thế quyền và thần quyền tranh chấp giống như đối với Á Rập Xê-Út và UAE. Cho nên phong trào Huynh đệ Hồi giáo không thể gây nội chiến thắng lợi dù có sự ủng hộ của nhiều người Ai Cập trong nước và người Hồi giáo ở một số quốc gia trên thế giới .
Nhiều người Ai Cập ở vùng quê và giới bình dân thường ủng hộ phong trào, trong khi những người thành thị thì đa số đều chống đối chủ trương của Huynh đệ Hồi giáo muốn đưa thần quyền vào chính trị. Còn các lực lượng khủng bố quốc tế, như al Qaeda và chân tay của chúng thì sao?
Về phía Huynh đệ Hồi giáo, lãnh tụ Mohamed Morsi được Phong trào tuân phục, trước đây đã nhiều lần bác bỏ mọi đường lối bạo lực, xác nhận Huynh đệ Hồi giáo không hề có quan hệ về lý tưởng hay tri thức nào với tổ chức Al-Qaeda, và chỉ chấp nhận những biện pháp tranh đấu chính trị ôn hoà có lợi cho xã hội. Ông thường nói những hành động bạo lưc nếu có thỉ chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, cá nhân, phe nhóm trong hay ngoài phong trào, không phải là chủ trương của Huynh đệ Hồi giáo.
Về phía Al-Qaeda, tổ chức này không có mối quan hệ chính thức với Huynh đệ Hồi giáo, nhưng tỏ ra có cảm tình và sẵn sàng ủng hộ HĐHG vì mang tính tổ chức cao, tính quảng bác và thuyết phục về học thuyết. Con của nhân vật Al Qaeda nguy hiệm nhất thế giới, Al Zawahiri, vừa bị giết trong những cuộc xáo trộn vừa qua tại Ai Cập. Al Zawahiri tuyên bố phong trào Huynh đệ Hồi giáo cần được giúp đỡ để trở lại chính quyền.
Trong khi đó Huynh đệ Hồi giáo chưa từ bỏ chủ trương đấu tranh ôn hoà, chống lại các biện pháp bạo lực, mặc dù giới lãnh đạo đang bị truy lùng, bắt giam, lẩn trốn tứ tán khắp nơi trong và ngoài Ai Cập. Chưa một ai trong giới lãnh đạo này tuyên bố phải sử dụng bạo lực để lấy lại chính quyền. Những hành động bạo lực, theo lãnh tụ Morsi nói trước đây, chỉ là những hành vi đơn lẻ, bộc phát, ngoài chủ trương của phong trào.
Ít ra thì đến nay Phong trào Huynh đệ Hồi giáo chưa thay đổi chủ trương ôn hoà, trong khi chính quyền và quân đội Ai Cập đã mạnh tay ngăn ngừa một cuộc tổng nổi dậy, một cuộc nội chiến có lực lượng khủng bố Al Qaeda hậu thuẫn và sẽ tiến tới chủ động. Cuộc nội chiến như vậy chưa có cơ hội và cũng khó có cơ hội diễn ra ở Ai Cập.