Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa lên tiếng đề nghị Ngân hàng Thế giới-World Bank tìm kiếm nguồn vốn tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035.
Hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại
Tại cuộc gặp gỡ với ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới-World Bank vào chiều ngày 20 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam hiện đang trong bối cảnh dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), thuộc World Bank kể từ đầu tháng 7 năm nay và các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA) đang giảm dần, chỉ còn vốn vay ưu đãi như nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) nên đề nghị Ngân hàng Thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay ở trong nước nhằm góp phần giải quyết những nút thắt của thách thức phát triển đến năm 2035.
Trước lời đề nghị vừa nêu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, một số chuyên gia tài chính cho rằng đây được xem như là một trong những giải pháp tốt. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập đưa ra lời nhận định với RFA:
“Trong tình thế nợ công của Việt Nam càng ngày càng tăng và Chính phủ có rất nhiều chi tiêu đầu tư thành ra tôi nghĩ rằng việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức quốc tế, trong đó có World Bank có những nguồn cho vay không hoàn trả là điều hợp lý và cần thiết cho Việt Nam.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình (tính theo GDP bình quân đầu người khoảng 2000 đô la Mỹ/năm), do đó các tổ chức tài chính thế giới hạn chế việc cho vay cũng như mức lãi suất có thể cao hơn và các điều kiện cho vay cũng khắt khe hơn.
Vị chuyên gia với hơn 35 năm kinh nghiệm trong lãnh vực tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều kiện quan trọng nhất mà các tổ chức tài chính thế giới yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải đáp ứng để được hưởng những nguồn vốn tài trợ, đặc biệt các nguồn vốn không hoàn trả là cam kết sẽ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và trao lại việc sản xuất kinh doanh cho tư nhân. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích:
“Bởi vì các tổ chức tài chính nước ngoài muốn Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường thực thụ. Trong đó vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước chỉ nên tập trung vào các ngành nghề mà tư nhân không thể đảm nhiệm được, chẳng hạn như quốc phòng hay lãnh vực kinh tế liên quan đến an ninh quốc gia hoặc an sinh xã hội của đại chúng. Chỉ trong những giới hạn như thế thì các doanh nghiệp có vốn nhà nước nên tồn tại. Và phần còn lại, nếu mà tư nhân có thể đảm nhiệm được thì phải trao trả cho tư nhân.”
<i>Trong tình thế nợ công của Việt Nam càng ngày càng tăng và Chính phủ có rất nhiều chi tiêu đầu tư thành ra tôi nghĩ rằng việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức quốc tế, trong đó có World Bank có những nguồn cho vay không hoàn trả là điều hợp lý và cần thiết cho Việt Nam<br/>-TS. Nguyễn Trí Hiếu</i>
Nhanh chóng hoàn tất cổ phần hóa
Các nhà quan sát tình hình Việt Nam ghi nhận Chính phủ Hà Nội đang nỗ lực thực hiện quá trình cổ phần hóa tại quốc gia này trong nhiều năm qua và hiện tại đang trong giai đoạn cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước còn lại sẽ thoái vốn và bán cổ phần cho tư nhân.
Tại buổi gặp gỡ với Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione, Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA; đồng thời nhấn mạnh những gì tư nhân làm được thì sẽ để cho tư nhân làm.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2, được tổ chức hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chủ trương của Chính phủ là phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50 đến 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam còn cho biết đã thành lập Hội đồng tư vấn về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tối thiểu 5% và sẽ tiếp tục tìm giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Song song với quyết tâm thực hiện chủ trương cổ phần hóa và chú trọng vào kinh tế tư nhân của Chính phủ Việt Nam để tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia là cảnh báo của giới chuyên gia phải gắn liền với cải cách chính trị. Sau Hội nghị Trung ương 5, diễn ra hồi tháng 5, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng tuyên bố với RFA rằng Việt Nam vẫn không thay đổi quan điểm cần cải cách chính trị, thì điều đó có nghĩa là không cắt đuôi ‘Định hướng Xã hội Chủ nghĩa’ nên không thể có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ theo quy chế thị trường.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, hầu hết lên tiếng mặc dù Chính phủ thực hiện tiến trình cổ phần hóa, nhưng không đạt được hiệu quả vì thực chất các nhóm lợi ích đang thao túng nền kinh tế. Chủ một doanh nghiệp tư nhân nói với chúng tôi:
“Mỗi một nhóm lợi ích có một nhóm thân hữu riêng. Nhóm thân hữu này cạnh tranh với nhóm thân hữu kia, bằng thủ đoạn này hay thủ đoạn khác, chứ giới doanh nghiệp tư nhân làm sao mà cạnh tranh với các nhóm đó được. Thị trường bị lũng đoạn bởi các nhóm mạnh quá, đến nỗi bây giờ có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được tình hình.”
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione, trong buổi gặp gỡ vào chiều ngày 20 tháng 9, đã gửi báo cáo của World Bank về Việt Nam, trong đó có đề cập đến mâu thuẫn lợi ích, đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng cho biết World Bank đang tính toán các biện pháp để huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam.
Qua thông tin từ đại diện của Ngân hàng Thế giới liên quan việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam, các chuyên gia trong lãnh vực kinh tế tài chính mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng một trong những điều kiện tiên quyết để Chính phủ Hà Nội có thể tiếp cận nguồn vốn không hoàn lại, theo như đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với World Bank, là phải rốt ráo hoàn tất tiến trình cổ phần hóa vẫn còn nhiều vướng mắc.
Gặp nhiều trở ngại
Mặc dù Chính phủ Hà Nội được cho là rất nỗ lực trong việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiều năm qua, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa vẫn bị chậm vì còn nhiều bất cập do chính sách và cơ chế tại Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam chỉ thực hiện cổ phần hóa đối với 20 doanh nghiệp trong bối cảnh quốc gia có hơn 700 doanh nghiệp nhà nước và nếu tính cả doanh nghiệp có góp vốn cổ phần của nhà nước thì con số lên đến 2000 doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố lực cản làm chậm tiến trình cổ phần hóa được giới chuyên gia nêu lên là do quy định về định giá tài sản của doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, trong đó vẫn còn những “kẻ hở” về việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vì mô hình “Kinh tế Thị trường Định hướng Chủ nghĩa Xã hội” của Việt Nam nên sẽ rất khó khăn trong việc định giá tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói nếu như nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì việc định giá tài sản, bao gồm cả hữu hình (như máy móc nhà xưởng, bất động sản) lẫn vô hình (như thương hiệu, chất lượng nguồn nhân lực) sẽ rất dễ dàng trong việc đánh giá giá trị vì theo quy luật cung-cầu của thị trường.
Lên tiếng liên quan tài sản đất đai của doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc nói rằng Nhà nước cần phải tách rõ đất của doanh nghiệp nhà nước không phải là tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Nếu không có sự tách bạch như thế thì khi cổ phần hóa các nhà đầu tư mua lại cổ phần của những doanh nghiệp có nhiều đất đai để trục lợi trong chính sách ưu đãi đối với việc cho doanh nghiệp thuê đất dài hạn từ Chính phủ. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Vấn đề phải thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng chứ không phải những nhà đầu tư chiến lược ‘giả hiệu’, là chỉ tìm đến đất rồi xây dựng trên miếng đất đó một ít công trình và ăn chênh lệch giá đất. Điều ấy sẽ không mang lại lợi ích gì cho quá trình cổ phần hóa.”
Một số các chuyên gia nêu thêm một nguyên nhân khác khiến cho quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam bị chậm là nguồn vốn của nhà đầu tư mua lại cổ phần của những doanh nghiệp nhà nước rất eo hẹp. Theo các chuyên gia, để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có thực lực, không phải “giả hiệu” như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề cập, thì cũng là một thách thức cho Chính phủ vì hiện tại chính sách đầu tư vẫn còn các hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn trong nhiều trường hợp Chính phủ không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 100% cổ phần của doanh nghiệp. Và một khi phạm vi đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bị bó hẹp và họ không thể có vai trò điều hành chủ đạo thì điều đó có nghĩa Việt Nam mất cơ hội thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều tiềm năng về vốn lẫn công nghệ.
Nếu Ngân hàng Thế giới có chính sách đặc biệt đối với Việt Nam thì sẽ phải có rất nhiều chính sách đặc biệt với rất nhiều nước khác còn nghèo hơn Việt Nam và như vậy thì Ngân hàng Thế giới sẽ không thể nào giải quyết được<br/>-TS. Lê Đăng Doanh
Ảnh hưởng bởi tham nhũng?
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam gặp phải những vướng mắc như vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định còn một nguyên nhân quan trọng nữa là chủ ý của giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước không muốn cổ phần hóa. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lập luận:
“Ban lãnh đạo biết rằng khi doanh nghiệp của họ bị cổ phần hóa họ có thể sẽ không còn ở trong vị trí lãnh đạo nữa. Khi doanh nghiệp cố phần hóa thì có hội đồng quản trị và hội đồng quản trị đóng vai trò tuyển dụng tuyển dụng ban lãnh đạo, ban quản lý. Những người quản lý trước có thể sẽ được mời lại hợp tác trong một thời gian rồi sau đó bị thay thế bằng ban quản lý mới. Thành ra, bản thân lãnh đạo của một số công ty có vốn nhà nước có thể nói là họ chống đối việc cổ phần hóa vì việc này ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của họ.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự liệu trong tình hình Việt Nam đang có cao trào chống tham nhũng thì ít nhiều sẽ góp phần tạo thuận lợi cho tiến trình cổ phần hóa tại Việt Nam.
Cũng đồng quan điểm với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng mặc dù rất nhiều doanh nghiệp nhà nước muốn cổ phần hóa trong bối cảnh chống tham nhũng hiện nay, nhưng:
“Họ đang rất cân nhắc. Họ rất e ngại rằng ngày hôm nay là anh hùng và ngày mai họ có thể vào tù.”
Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc khẳng định nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Chính phủ hành động cũng là Chính phủ lắng nghe” với ý chí làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên trong sạch hơn và đi vào đúng thông lệ quốc tế thì vấn đề cổ phần hóa được thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn. Và đây cũng là tiền đề đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng quốc tế thể theo đề nghị của Thủ tướng Việt Nam mong nhận được các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới-World Bank.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng ghi nhận có sự hoài nghi rằng World Bank không thể nào có một chính sách đặc biệt đối với Việt Nam trong thời gian tới vì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, như nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh "Vì nếu Ngân hàng Thế giới có chính sách đặc biệt đối với Việt Nam thì sẽ phải có rất nhiều chính sách đặc biệt với rất nhiều nước khác còn nghèo hơn Việt Nam và như vậy thì Ngân hàng Thế giới sẽ không thể nào giải quyết được."