Năm học mới 2017-2018 vừa khai giảng trong những ngày đầu tháng 9 với phản ánh của nhiều phụ huynh rằng tình trạng lạm thu ở các trường công lập vẫn đang tiếp diễn.
Tiếp tục lạm thu
Song hành với niềm vui tựu trường của học sinh được gặp lại quý thầy cô cùng bè bạn sau ba tháng nghỉ hè là nỗi lo canh cánh của phụ huynh về việc phải đóng thêm các khoản phụ phí, mà đối với nhiều gia đình đó là một gánh nặng.
Năm học 2017-2018 vừa khai giảng, Báo mạng Tuổi Trẻ Online liên tục đăng tải thông tin liên quan phản ánh của phụ huynh học sinh tại các trường Trung học phổ thông Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa, Tiểu học Vĩnh Ninh và Tiểu học Lê Lợi ở thành phố Huế thu tiền “hỗ trợ tự nguyện” quá cao, không đúng quy định. Báo Tuổi Trẻ Online còn nêu trường hợp phụ huynh ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh kêu than rằng mới đưa con vào học lớp một mà phải đóng tiền mua báo 100 ngàn đồng/tháng; hay dẫn nguồn từ chia sẻ của nhiều phụ huynh có con em theo học tại Trường Tiểu học Chu Văn An, tỉnh Đồng Tháp trên mạng xã hội cần phải có đủ 16 triệu 738 ngàn đồng để đóng cho các khoản thu của trường trong năm học mới này.
Đại diện của một số trường học theo như phản ánh của phụ huynh trên Báo Tuổi Trẻ Online nêu danh, lên tiếng xác nhận sự việc như Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Cao Lãnh, ông Nguyễn Văn Ngợi cho biết khoản thu dự kiến của một lớp 1 tại Trường Tiểu học Chu Văn An là đúng, và đã yêu cầu lãnh đạo của trường tiểu học này chấn chỉnh, đồng thời ra thông báo về các khoản thu đầu năm cho tất cả phụ huynh tường tận. Còn Hiệu phó của Trường Trung học phổ thông Ba Đình nói rằng nhà trường sẽ yêu cầu Hội phụ huynh học sinh không được thu các khoản tiền không đúng quy định của ngành. Trong khi đó, Phó Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Huế khẳng định việc thu tiền “hỗ trợ thiện nguyện” là không sai quy định và được Ủy ban Nhân dân thành phố Huế chấp thuận.
Trong cái gọi là quỹ của Hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu các trường hưởng nhiều nhất. Còn các khoản thu khác đều có những mục đích cụ thể…Ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Thường là Ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ<br/>-Cựu Chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục
Một chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục đã nghỉ hưu, không muốn nêu tên, từng lên tiếng với RFA rằng việc thu tiền tràn lan tại các trường công lập bắt đầu từ khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ 20, khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục và tình trạng lạm thu đã tới mức không thể kiểm soát nổi trong những năm gần đây. Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh là nhiều trường học thành lập Ban phụ huynh để thu tiền hộ nhà trường:
“Trong cái gọi là quỹ của Hội cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu các trường hưởng nhiều nhất. Còn các khoản thu khác đều có những mục đích cụ thể…Ai tham gia vào những công việc này thì người đó hưởng lợi. Thường là Ban giám hiệu và các nhân viên kế toán, thủ quỹ.”
Kể từ năm học 2011-2012 Bộ Giáo Dục ban hành quy định cấm thu tiền “xây dựng trường” và cấm thu tiền “trái tuyến” cũng như các điều lệ dành cho ban đại diện phụ huynh học sinh nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm thu núp bóng danh nghĩa hội phụ huynh. Mặc dù vậy, theo như nhận xét vừa rồi của vị chuyên gia từng làm việc trong Viện Khoa học Giáo dục thì tình trạng lạm thu tại các trường công lập vẫn không ngăn chặn được là do chủ ý của ban giám hiệu nhà trường.
Lạm thu do thiếu kinh phí?

Thế nhưng, nhiều hiệu trưởng của các trường phổ thông tại Việt Nam đã lên tiếng trần tình với truyền thông quốc nội rằng tệ trạng lạm thu sẽ không tái diễn chỉ khi nào khó khăn về kinh phí vận hành trường học được tháo gỡ. Các hiệu trưởng đưa ra số liệu ngân sách hàng năm của trường dành gần trọn 90% để trả lương cho giáo viên và chỉ còn xấp xỉ từ 10-15% trang trải cho các khoản chi thường xuyên khác. Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội nói rằng “Chúng tôi đang thu sai. Nhưng vì thu đúng thì chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ.”
Trong khi vấn đề liên quan thiếu hụt kinh phí của các trường công lập chờ đợi được giải quyết ở cấp vĩ mô, một số bậc cha mẹ của học sinh chia sẻ với RFA về đề nghị của họ rằng phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức về Luật Giáo dục cũng như các nghị định của Chính phủ và những quy định do Bộ Giáo Dục ban hành thì sẽ góp phần tránh được việc phải đóng góp những khoản thu không đúng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tham gia vào các quyết định thu phụ phí của trường trên tinh thần biểu quyết dân chủ.
Một giáo viên nghỉ hưu ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tên Vĩnh Lê nói với chúng tôi ông rất hài lòng về cách thức tổ chức sinh hoạt của ban phụ huynh tại trường tiểu học mà cháu nội của ông đang theo học. Vị giáo viên nghỉ hưu này cho biết mỗi khi lớp học của cháu ông có nhu cầu thật thiết yếu nào cần sự hỗ trợ tài chính từ phụ huynh thì các phụ huynh sẽ biểu quyết và đóng góp theo kết quả đồng thuận của số đông. Trong trường hợp thiểu số phụ huynh không thể đóng góp thì Hội phụ huynh của trường sẽ giúp đỡ. Trả lời câu hỏi của RFA về nguồn tài chính của Hội phụ huynh trường tiểu học này có từ đâu, vị giáo viên nghỉ hưu giải thích:
Bộ Giáo Dục thông báo cấm các trường đóng quỹ thế này thế kia. Những địa phương nào vi phạm thì bị xử lý, mà xử lý ngay hiệu trưởng và kế đến là Sở Giáo Dục của địa phương<br/>-Thầy giáo Vĩnh Lê
“Hội phụ huynh học sinh của trường thì không làm gì gọi là dính dáng đến tiền bạc của lớp học hết, mà Hội có một quỹ gọi là ‘Quỹ học bổng’. Quỹ học bổng là do các cấp ở trên tài trợ hoặc do các nhà mạnh thường quân cho. Hội phụ huynh học sinh vận động các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ này.”
Ông giáo Vĩnh Lê còn nói rõ theo thiển ý của ông Bộ Giáo Dục cần phải xử lý triệt để các trường hợp lạm thu để tệ trạng này được dứt điểm:
“Bộ Giáo Dục thông báo cấm các trường đóng quỹ thế này thế kia. Những địa phương nào vi phạm thì bị xử lý, mà xử lý ngay hiệu trưởng và kế đến là Sở Giáo Dục của địa phương.”
Ý kiến của ông giáo nghỉ hưu Vĩnh Lê được nhiều phụ huynh mà Đài RFA tiếp xúc ủng hộ. Họ nói rằng Bộ Giáo Dục cần xử lý các trường hợp vi phạm trong việc lạm thu một cách công khai và minh bạch, chứ không nên kéo dài tình trạng ban giám hiệu của trường giải quyết nội bộ và “rút kinh nghiệm” để rồi đến hẹn lại lên, khi mỗi năm học mới được bắt đầu với điệp khúc “trường học vẫn cứ lạm thu”.