Có phải đây là thời điểm Bộ Giáo Dục cần đưa ra những giải pháp chiến lược cho nền giáo dục nước nhà?
Ngậm ngùi làm đơn xin nghỉ học
Năm học mới vừa bắt đầu, một mùa tựu trường nữa lại đến nhưng dường như người ta không còn bắt gặp hình ảnh nên thơ của ngày khai giảng như trong áng văn bất hủ “Tôi đi học” của Thanh Tịnh nữa. Năm học 2012-2013 với nhiều nỗi lo toan, than vãn, kêu ca và thậm chí là những giọt nước mắt tủi buồn vì nghèo mà không được đi học.
Cùng với đà tăng giá vùn vụt của nhiều mặt hàng như xăng, gas, điện, thức ăn…tiền học phí năm nay được cho là tăng quá cao. Nào tiền cơ sở vật chất, đồng phục, sách giáo khoa, bảo hiểm y tế… cho đến các đơn xin phép, sổ liên lạc, giấy bao tập, phiếu báo điểm, thư mời họp, túi đựng giấy kiểm tra cùng nhiều khoản phí khác lên đến hàng triệu đồng. Nhiều gia đình ở thôn quê phải bán đến hạt thóc cuối cùng để gom góp đóng tiền cho con đến trường. Nhiều em nhỏ trong 3 tháng hè phải trôi dạt lên các thành phố lớn để kiếm sống, dành dụm tiền cho năm học này.
Hiện nay, cũng có rất nhiều sinh viên cố gắng hết sức mình để vừa học vừa làm nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, công ăn việc làm không có thì phần nhiều trong số đó đành phải ngậm ngùi làm đơn xin nghỉ học
Không ít gia đình phải cho con nghỉ học vì không có tiền trong thời bão giá hiện nay. Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra con số thống kê có đến gần 1.200 sinh viên trong cả nước phải nghỉ học vì gia cảnh khó khăn. Rất nhiều sinh viên phải giảm bớt bữa ăn, nhịn đói mà vẫn không đủ tiền đi học. Hiện nay, cũng có rất nhiều sinh viên cố gắng hết sức mình để vừa học vừa làm nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, công ăn việc làm không có thì phần nhiều trong số đó đành phải ngậm ngùi làm đơn xin nghỉ học.
Trường hợp thủ khoa Vũ Văn Hoàng của Đại học Vinh phải vào miền Nam tha phương cầu thực mà không được bước chân vào giảng đường đại học là một hình ảnh đầy xót xa trong tâm thức của nhiều người. Nhiều bậc phụ huynh cho biết hoàn cảnh khó khăn đành phải cho con nghỉ học. Một phụ huynh có con vừa nhập học mẫu giáo chia sẻ với đài RFA rằng không nỡ để con mình phải chịu cảnh mù chữ nên đành lòng phải dồn hết ưu tiên cho con được đi học. Chị Yến Hạnh chia sẻ:
"Phải chịu thôi. Đúng ra là mình không có lựa chọn đâu. Không lẽ mình cho con mình nghỉ học? Kinh tế thì khó khăn mà mọi thứ thì vẫn lên vù vù. Tất cả chi phí đều lên trong khi lương thì lại không lên nhưng mà mình phải đóng tiền cho con mình học thôi."
Cô Ngọc Chi ở TP. HCM có 2 đứa con đang học ở trường phổ thông cho biết với đồng lương kiếm ra hàng tháng không đủ chi trả cho tiền học phí của con mình. Cô Ngọc Chi nói:
“Về sách giáo khoa tăng hơn 50%. Riêng sách Anh văn thì một cuốn trong bộ sách Anh văn của lớp 1, lớp 2 sử dụng đã là hai trăm mấy chục ngàn một cuốn rồi. Tính theo tiền lương thì đã gấp đôi ngày lương của mình. Ví dụ như lương mình một trăm mấy thì một cuốn sách đã là hai trăm mấy. Chi phí trong trường còn có chi phí học thêm. Ở trong trường
thì dạy theo tốc độ để xong giáo án nhưng để con mình bắt kịp thì tất cả phụ huynh phải cho con mình đi học thêm. Ví dụ như Anh văn , Toán, Lý, Hóa…thì một môn ở đây “bèo” nhất cũng là 400 ngàn.”
Có thể nói học phí chính khóa dành cho bậc trung học cơ sở chỉ có 15.000 đồng/tháng nhưng các khoản mà phụ huynh phải đóng hàng tháng lên đến gấp 30 lần số tiền quy định. Một ví dụ điển hình trong năm học 2012-2013, sinh viên học ở trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. HCM phải đóng khoảng 70 triệu đồng cho một năm học.
Đừng để giáo dục nước nhà đi thụt lùi
Trường học nào cũng đều có những lý giải giống nhau về nguyên nhân vì sao phải tăng học phí. Với lý do chờ ngân sách của nhà nước là rất chậm, có nhiều vấn đề phát sinh như trượt giá, đầu tư cơ sở vật chất, trợ cấp thêm cho giáo viên…nên chỉ còn có cách là nhờ vào sự giúp đỡ và đóng góp của phụ huynh.
Tôi nghĩ rằng là vấn đề xã hội hóa giáo dục mà xã hội hóa bằng cách bắt người dân đóng một mức tiền cao để có thể có được giáo dục, có được lớp học thì đó là một điều thụt lùi...
GS.Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng quan tâm đến vấn đề này và ông luôn tỏ rõ quan điểm là trong lãnh vực giáo dục thiếu tính dân chủ khi người dân phải đóng học phí quá cao. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ rằng là vấn đề xã hội hóa giáo dục mà xã hội hóa bằng cách bắt người dân đóng một mức tiền cao để có thể có được giáo dục, có được lớp học thì đó là một điều thụt lùi bởi vì nhà nước bảo đảm cho nhân dân dù bất cứ giai cấp nào cũng có điều kiện để học hành. Người dân đã đóng thuế và nhà nước cũng phải dùng tiền thuế đó để bảo đảm cơ may cho mọi người.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu lên bài toán học phí ở những quốc gia mà ông cho là nghiêm túc đã giải quyết trong nhiều năm qua bằng phương cách nhà nước phải chịu phần học phí chính cho từ cấp tiểu học cho đến bậc đại học. Giáo sư Hưng kiến nghị với chính phủ Việt Nam nên học hỏi và áp dụng những phương cách hiệu quả để giải quyết được thỏa đáng tình trạng học phí quá cao hiện nay.
Báo chí đăng tải những số liệu thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo về học sinh sinh viên phải nghỉ học vì không kham nổi mức học phí quá cao nhưng vẫn chưa có thông tin nào về những giải pháp từ Bộ cho hiện trạng này. Có phải đã đến lúc Bộ Giáo Dục cần phải lên tiếng và đưa ra những giải pháp kịp thời để nền giáo dục nước nhà không đi thục lùi như nhận định của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng?
Theo dòng thời sự:
- Sinh viên với việc làm thời vụ
- Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức
- Vì sao học sinh bỏ học?
- Chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế
- Những khó khăn của Đại học ngoài công lập
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Những điểm sáng và tối của Giáo dục Việt Nam năm 2011
- Giáo viên Anh ngữ cấp tiểu học, yếu và thiếu
- Hai cử nhân khuyết tật tham gia chương trình cao học trên mạng
- Giáo Dục Mầm Non
- Sách thiếu nhi dạy trẻ em cách gian lận