Nhân dân là ai?

0:00 / 0:00

Hai từ Nhân dân rất thường hay được nhắc đến trong ngôn ngữ chính trị, tại Việt Nam. Việc này có liên quan đến trách nhiệm trong việc điều hành đất nước như thế nào? Và nó liên quan đến sự hình dung về quyền lực ra sao tại ở Việt Nam hiện nay?

Ngày 11/4/2014 ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, nói trong một hội nghị của các đại biểu Quốc hội về đầu tư rằng: Quốc hội chủ trương đầu tư sai thì phải nhận khuyết điểm chứ không kỷ luật được. Lý do được giải thích đằng sau phát biểu này là: Quốc hội là đại biểu của nhân dân, mà trong thể chế hiện nay ở Việt Nam có qui định nhân dân làm chủ, cho nên không thể kỷ luật nhân dân hay là người chủ được.

Quốc Hội đại diện cho nhân dân?

Mô hình của thể chế hiện nay tại Việt Nam được những người cộng sản gọi là một nền dân chủ tập trung, thường được diễn tả qua câu khẩu hiệu tuyên truyền của Đảng: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Và Nhân dân ở đây được hiểu là được đại diện bởi Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo qui định trong Hiến pháp của quốc gia. Và đây có lẽ là nguyên nhân của câu phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng, gây nhiều bàn tán sau đó.

Ông Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến hiện đang sống tại Đà Lạt, và từng đề đạt những cải tổ chính trị sâu rộng cho thể chế Việt Nam hiện tại, nói với chúng tôi về lời phát biểu của ông Hùng:

Vẫn có trách nhiệm chứ không thể đổ cho dân được. Tôi bầu anh ra mà anh làm không đúng nhiệm vụ thì dân có thể bãi miễn anh. <br/> -Hà Sĩ Phu

"Cứ cho rằng Quốc hội theo đúng ra trong chức năng là đại biểu chân chính của nhân dân, thế nhưng những đại biểu chân chính do nhân dân bầu ra đó mà làm không đúng ý nhiệm của nhân dân thì nhân dân cũng có quyền bãi miễn mà. Vẫn có trách nhiệm chứ không thể đổ cho dân được. Tôi bầu anh ra mà anh làm không đúng nhiệm vụ thì dân có thể bãi miễn anh."

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng không chấp nhận mô hình tam quyền phân lập của các cơ quan Hành pháp, Tư pháp, và Lập pháp như nhiều quốc gia phát triển hiện nay đang thực hiện nhằm kiểm soát quyền lực của nhau. Thay vào đó họ chủ trương tất cả các cơ cấu quyền lực đó thống nhất với nhau dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Ông Hà Sĩ Phu nói tiếp:

“Quốc hội ấy có phải do dân bầu đâu, mà là do đảng cử dân bầu. Thế thì cái việc anh làm trái với ý nhiệm của nhân dân, thì trách nhiệm chẳng những qui về cho các đại biểu quốc hội mà còn qui về sự lãnh đạo cao nhất là đảng nữa. Đảng cử ra, thế thì trách nhiệm quá lớn, chứ sao đổ về cho dân được. Nhân dân chúng tôi chẳng có liên quan đến các sai lầm của các ông cả.”

Hội nghị của các đại biểu Quốc hội về đầu tư hôm 11/4/2014 tại Hà Nội. Courtesy vov.
Hội nghị của các đại biểu Quốc hội về đầu tư hôm 11/4/2014 tại Hà Nội. Courtesy vov.

Trong thực tế thì đại đa số các đại biểu quốc hội ở Việt Nam là đảng viên cộng sản. Các cơ quan ngoại vi của đảng mang hình dáng các hội đoàn dân sự như Mặt trận Tổ quốc cũng do các đảng viên cộng sản nắm quyền lãnh đạo.

Những lời phát biểu về tầm quan trọng của các định chế nhà nước, hay sự cân đối quyền lực trong xã hội đôi khi được các nhà lãnh đạo Việt Nam trình bày không giống với sự hiểu thông thường của đại đa số. Hồi năm ngoái ông Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu rằng Hiến pháp là văn bản quan trọng thứ hai sau Cương lĩnh của đảng cộng sản. Nhiều nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam trong đó có nhà văn Phạm Đình Trọng đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích phát biểu này. Ông còn nói thêm rằng lời phát biểu của ông Tổng bí thư đảng là một sự nhận thức chứ không phải là một lời nói lỡ miệng.

Nay lại tới nhận thức về khái niệm nhân dân của ông chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhân dân là ai?

Vậy liệu có phải là những người cộng sản Việt Nam có sự lấn cấn nào đó trong khái niệm về Nhân dân. Trả lời câu hỏi này nhà văn Phạm Đình Trọng nói:

Họ lấn cấn trong khái niệm về cầm quyền thì đúng hơn là khái niệm về nhân dân. Theo họ thi cái gì đúng là của họ, cái gì sai là của dân. <br/> -Phạm Đình Trọng

"Họ lấn cấn trong khái niệm về cầm quyền thì đúng hơn là khái niệm về nhân dân. Theo họ thi cái gì đúng là của họ, cái gì sai là của dân. Khái niệm cầm quyền đó đáng ra thuộc về nhân dân, nhưng họ coi cái việc cầm quyền của họ là đương nhiên. Giống như điều bốn Hiến Pháp vậy. Họ cho rằng sự cầm quyền của họ là bất khả xâm phạm và họ muốn nói gì thì nói. Theo tôi thì họ sai lầm trong khái niệm cầm quyền chứ không phải khái niệm về nhân dân."

Diễn biến của phiên họp mà ông Nguyễn Sinh Hùng chủ trì lại một lần nữa đưa đến bài toán trách nhiệm tại Việt Nam. Trong những năm vừa qua không ít lần các nhà lãnh đạo Việt Nam thừa nhận là phải có một trách nhiệm cá nhân trong việc điều hành đất nước. Nhưng với cơ chế chính trị dân chủ tập trung mà cả ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp đều nằm một mối trong tay đảng cộng sản thì quả là khó khăn. Ông Nguyễn Sinh Hùng đã đưa trách nhiệm đó về Nhân dân.

Ông Hà Sĩ Phu nhận định về khái niệm Nhân dân của những người cộng sản:

“Người cộng sản họ hiểu và nói về nhân dân một cách không bình thường.

Tôi nghĩ thế này, họ cứ nói nhân dân sáng tạo ra lịch sử, nhân dân quyết định vận mệnh của đất nước. Không cần những cái câu sang trọng như vậy. Quan trọng là có nghe lời hay không."

Dĩ nhiên không ai có thể xử phạt một Nhân dân cả. Nhưng, như nhiều người đồng ý là những người trên nguyên tắc làm đại diện cho dân thì khi làm sai phải bị phế truất.