Hàng trăm tu sĩ và phật tử Phật giáo Khmer Krom xung quanh chùa Ta Sết đã phản ứng gay gắt trước những hành động công an Việt Nam bao vây chùa Ta Sết cả tuần qua đã gây mất trật tự chùa chiền. Chính quyền tỉnh Sóc Trăng còn bắt giữ thêm hai người dân và buộc hoàn tục hai nhà sư là Đại đức Liêu Ny và Phó Đại đức Thạch Thươl, là tu sĩ chùa Ta Sết, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Đoàn công tác của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã kết hợp với công an, chính quyền địa phương tiến hành thủ tục buộc xuất tu đối với hai vị, vì cho rằng đã vi phạm giáo luật. Một cáo buộc nữa là hai vị có quan hệ với các phần tử xấu và thù địch bên ngoài, cụ thể là tổ chức Liên minh Khmer Kampuchia Krom (KKF); thông qua quan hệ này kích động, gây rối chùa chiền, lôi kéo một số sư sãi tạo cớ chống đối Giáo hội, chống đối Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, vu cáo Đảng, Nhà nước phân biệt đối xử và đàn áp đồng bào sư sãi Khmer.
Trụ trì chùa Ta Sết là Đại đức Liêu Ny phát biểu với RFA ngày 17/5 rằng Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và chính quyền không thấu hiểu tình hình và mọi hoạt động trong chùa. Nếu hai vị vi phạm giáo luật thì trước hết là bà con phật tử xung quanh chùa tố cáo, phản ánh, nhưng không phải cơ quan ban ngành của Nhà nước.
Ngược lại, sự xuất hiện của hơn 100 trăm công an chìm nổi bao vây chùa cả ngày lẫn đêm, Đại đức Liêu Ny quan ngại không an toàn cho cá nhân.
Công an bao quanh chùa
Đại đức Liêu Ny: "Công an bao quanh chùa sư. Trước cổng chùa cũng có, sau cổng chùa cũng có. Ở xã, gần xã cũng có để xem sư và sư Thạch Thươl có chạy trốn đi đâu không."
Đến ngày 20 tháng 5, hai vị bị Bộ đội biên phòng cửa khẩu Long Bình thuộc huyện An Phú tỉnh An Giang giáp cửa khẩu Chrey Thom huyện Koh Thom tỉnh Kandal của Campuchia bắt giữ và đưa về tỉnh Sóc Trăng. Ngoài hai vị sư này còn có hai thanh niên khác gồm Thạch Phum Rich và Trà Tha cũng bị bắt với cáo buộc đã cấu kết ngăn cản công việc của Đoàn công tác nhà nước và vượt biên sang Campuchia bất hợp pháp.
Trong nhiều năm qua, hai vị sư này có quan hệ mật thiết với nhà sư Kim Moul, cũng là một tu sĩ chùa Ta Sết, dẫn đầu một cuộc biểu tình ôn hòa để yêu cầu cho sự tự do tôn giáo hồi năm 2007. Sư Kim Moul đã bị bắt, buộc hoàn tục và bị giam cầm trong hai năm. Sau khi được thả, ông trốn thóat sang Campuchia và Thái Lan. Sau đó, ông được cấp quy chế tỵ nạn đến định cư tại Thụy Điển. Sau đó ông được được cộng đồng Khmer Krom bảo lãnh qua sống ở Mỹ và tu hành trở lại.
Hiện nhà sư Kim Moul cùng với tổ chức Liên minh Khmer Kampuchia-Krom (KKF) đang vận động nhân quyền cho Việt Nam.
Chính vì có mối quan hệ với người ở ngoài nước và trả lời phỏng vấn báo chí về tình trạng áp bức tôn giáo và nhân quyền Khmer Krom ở Việt Nam, Hòa thượng Dương Nhơn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định xử lí kỷ luật đối với nhà sư Thạch Thươl với hình thức không thừa nhận là tu sĩ của GHPGVN và buộc xuất tu trong vòng 3 ngày kể từ ngày 28/7/2012.
Tuy nhiên, quyết định đó bị Trụ trì chùa Ta Sết là Đại đức Liêu Ny phản bác không đúng sự thật và mang tính vu khống.
Vào ngày 14/5/2013, Hòa thượng Dương Nhơn lại công khai một quyết định khác kỷ luật buộc xuất tu đối với nhà sư Thạch Thươl, Liêu Ny và Lý Chanh Đa, vì cho rằng là do các vị sư nhiều lần điện thoại, lên mạng để trả lời phóng vấn, gửi bài, tin, ảnh để xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước phân biệt đối xử và đàn áp đồng bào sư sãi Khmer. Quan trọng hơn là bị tổ chức phản động nước ngoài, trong đó có Liên minh Khmer Kampuchia Krom (KKF) móc nối để lôi kéo sư sãi vi phạm giáo luật và pháp luật.
Trước khi bị bắt, Đại đức Liêu Ny cho RFA biết: "Sư không làm gì để chống đối Nhà nước Việt Nam. Buộc tội là do Hòa thượng làm việc chung với bên Việt Nam, buộc tội để bắt các sư hoàn tục vậy thôi. Sư không làm gì để chống đối bên Nhà nước Việt Nam. Sư chỉ làm tròn bổn phận người tu hành. Không có làm chia rẻ đất nước."
Còn Hòa thượng Dương Nhơn thì cho rằng quyết định buộc xuất tu đối với 3 vị trên được Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh lấy ý kiến rộng rãi từ sư sãi 92 chùa Khmer trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh không còn thừa nhận ba vị này là tu sĩ.
Hòa thượng Dương Nhơn phát biểu với Đài truyền hình tỉnh Sóc Trăng ngày 17/5: "Vừa qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh ra quyết định xuất tu đối với Thạch Thươl, Liêu Ny trụ trì chùa Ta Sết và Lý Chanh Đa ở chùa Preay Chóp là có sự thống nhất của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh là đúng đắn. Khi xuất tu trở về gia đình phải biết sửa đổi và chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước và thực hiện nghiêm truyền thống tôn giáo. Chỉ cho xuất tu ra khỏi chùa, trở về gia đình làm ăn bình thường. Như vậy, sư kêu gọi sư sãi các chùa và bà con Phật tử chùa Ta Sết và Preay Chóp đừng tin lời xuyên tác của ba người này là Liêu Ny, Thạch Thươl và Lý Chanh Đa. Ba người này không còn là tu sĩ nữa."
Bắt cóc nhà sư
Riêng tại chùa Preay Chóp, xã Lai Hòa, chiều ngày 16/5, công an địa phương đã bắt cóc nhà sư Lý Chanh Đa đưa về huyện Vĩnh Châu và buộc hoàn tục vì cho là vi phạm giáo luật.
Trả lời phóng viên Truyền hình Sóc Trăng, ông Lý Chanh Đa nói: "tôi hy vọng rằng phụ huynh, Nhà nước và Đảng công nhận tôi là người dân lương thiện và trung thực. Và tôi tin tưởng và hy vọng Đảng và Nhà nước tha thứ cho một công dân lương thiện này" nhưng không phải nhận tội và mong Đảng và Nhà nước tha thứ như phóng viên dịch sang tiếng Việt trước đó.
Vì tháng 2/2013, nhà sư Lý Chanh Đa có xung đột với Trụ trì chùa Preay Chóp là Hòa thượng Thạch Huôl, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Phó Ban trị sự Phật giáo tỉnh, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhà sư Lý Chanh Đa có quê quán ở huyện Vĩnh Châu. Sau nhiều năm học tập ở Campuchia trở về chùa, ông đề nghị mở lớp dạy giáo luật tại chùa. Lời đề nghị này được sư sãi và phật tử của chùa hưởng ứng nhưng bị Hòa thượng Thạch Huôl từ chối. Xung đột bắt đầu xảy ra sau khi sư sãi trong chùa và phật tử xung quanh phản ánh Hòa thượng Thạch Huôl chỉ tập trung vào các hoạt động phục vụ lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong tổ chức Human Rights Watch nhận xét: "Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn chưa tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Hơn nữa, là một cuộc tấn công vào sự độc lập của Phật giáo Khmer Krom để thực hành niềm tin của họ mà không cần sự can thiệp của nhà nước. Chính phủ Hoa Kỳ và các nước tài trợ cho Việt Nam, cần phải lên tiếng và yêu cầu Việt Nam dừng lại những hoạt động quấy rối và đe dọa nhằm chống lại người Khmer Krom và chia rẻ trong tôn giáo."
Trước những năm 1975, người Khmer Krom đã có Hiệp hội Phật giáo của họ mà không cần can thiệp từ chính phủ đương thời. Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền, Việt Nam đã giải tán Hội Phật giáo Nguyên thủy Khmer Krom và buộc các tu sĩ Phật giáo phải tham gia Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước dưới sự bảo trợ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một Ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện nay, Cơ quan này đã thành công trong việc buộc hầu hết các tu sĩ Phật giáo tham gia Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước. Những tu sĩ Phật giáo từ chối tham gia sẽ phải đối mặt với sự đàn áp của cơ quan Việt Nam hoặc Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước.