Thủ tướng chính phủ Việt Nam vừa lên tiếng kêu gọi lực lượng công an phải làm tốt nhiệm vụ giữ gìn ổn định chính trị, trật tự xã hội.
Vì sao lại có kêu gọi đó và thực tế bất ổn tại Việt Nam do dâu mà ra?
Kêu gọi cũ trong tình hình mới!
Ngày 19 tháng 8 hằng năm tại Việt Nam là ngày truyền thống của lực lượng công an Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm ngày 16 tháng 8 đã đến và phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Bộ Công an tại Hà Nội.
Trong phát biểu, ông Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi công an không thể để tội phạm tràn lan, không để cho các băng nhóm tội phạm xuất hiện và hoạt động ngang nhiên. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng ‘các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện ‘diễn biến hòa bình’, hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá gây mất ổn định chính trị, xã hội.’
Theo ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì ‘một đất nước mất ổn định chính trị không thể phát triển, không thể chăm lo cho đời sống của nhân dân’. Ông chỉ thị công an ‘phải làm thật tốt, dứt khoát không để nhem nhóm hình thành tổ chức chống đối, phá hoại đất nước’.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm vì công khai lên tiếng và hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, một trong những người khởi xướng Hội Anh em Dân chủ tại Việt Nam, đưa ra nhận định về những phát biểu của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với ngành công an vừa qua như sau:
'Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam; ráo riết thực hiện 'diễn biến hòa bình', hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá gây mất ổn định chính trị, xã hội.'
NTD
Hằng năm cứ vào dịp ngày 19 tháng 8- ngày truyền thống của ngành công an thì ông Nguyễn Tấn Dũng luôn luôn đến tham dự và có bài phát biểu ở đó. Trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn theo dõi những phát biểu của ông ấy thì phát biểu năm nay với những năm trước đây hoàn toàn giống hệt nhau. Thông điệp là không chấp nhận cho những tổ chức chính trị đối lập được hình thành, phá hoại đất nước. Đó là thông điệp chung thôi. Nhưng đáng lẽ năm nay không nên lập lại thông điệp cũ của những năm trước bởi vì nay có những thay đổi trong tình hình; nhưng thật ngạc nhiên khi ông ta cũng lặp lại thông điệp như vậy.
Còn đối với chúng tôi, quan điểm của những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước, hay đấu tranh để dân chủ hóa đất nước không phải là những hành động hay hành vi phá hoại đất nước hay làm rối loạn tình hình, chính trị xã hội.
Chúng ta biết tiến trình dân chủ hóa là một quá trình để ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay; những ngày sau đó sẽ tốt đẹp hơn cho người dân. Nhân quyền của ngày hôm nay phải được cải thiện hơn ngày hôm qua, ngày mai phải tốt hơn này hôm qua. Đó không phải là quá trình chung của cả nhân loại trên khắp thế giới này chứ không phải của chỉ Việt Nam. Cho nên việc ông ta phát biểu như vậy là quyền của ông ta, còn việc của chúng tôi đấu tranh, chúng tôi không quan tâm đến điều đó. Việc chúng tôi vẫn làm là cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, quyền con người của người dân Việt Nam được tôn trọng hơn và quyền làm chủ đất nước của người dân phải được thực thi trong thực tiễn. Đó là những điều mà chúng tôi đang nổ lực để làm chứ chúng tôi không bao giờ phá hoại đất nước, không bao giờ gây ra rối loạn chính trị để cuộc sống của người dân xấu đi.
Thực tế hoạt động công an
Truyền thông trong nước lâu nay loan tin những vụ việc công an ăn tiền của người dân, lạm quyền, gây ra những cái chết cho người dân ngay tại đồn; trong khi đó tình hình trật tự tại nhiều địa phương lại không được bảo đảm.
Trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn theo dõi những phát biểu của ông ấy thì phát biểu năm nay với những năm trước đây hoàn toàn giống hệt nhau. Thông điệp là không chấp nhận cho những tổ chức chính trị đối lập được hình thành, phá hoại đất nước.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Rất nhiều người dân cho biết khi gặp biến kêu cứu đến công an không được giúp đỡ, đáp ứng. Đặc biệt những thành phần bị cho là ‘chống đối Nhà Nước’ còn tố cáo chính công an để mặc, bảo kê cho những thành phần bất hảo tấn công họ.
Bà Lê thị Thanh Hương, một dân oan khiếu kiện hơn chục năm qua và nay đang bệnh hoạn vì bị trả thù do tố cáo tham nhũng, từng kêu cứu đến công an nhưng lại bị trả thù tàn bạo hơn. Bà kể lại trường hợp của bản thân như sau:
Tôi trực tiếp báo cáo với Tổng Cục Cảnh sát về vụ án tham nhũng; thế nhưng Tổng Cục giao cho C37 là cục thống tham nhũng. Họ về điều tra nhưng không hiểu họ điều tra thế nào, rồi lại đi, và không được giải quyết. Lúc đó họ bố trí đánh tôi gãy hết răng, máu me be bét. Báo cáo với Công an phường Hoàng Văn Thụ, Công an quận Hoàng Mai nhưng không được sự giúp đỡ. Vì vậy cuối cùng tôi phải bỏ đi chỗ khác ở để lánh nạn.
Một số báo trong nước từng có nhiều bài viết nói đến tình trạng bất an trong xã hội. Nạn cướp giật, chém giết … xảy ra tràn lan mà công an không thể trấn dẹp.
Luật sư Nguyễn Văn Đài trình bày về tình trạng này:
Nếu xét những vụ việc xảy ra như vừa qua, thì an ninh chính trị hay an ninh xã hội hoàn toàn không được như những gì họ cam kết hay những gì họ nói. Ví dụ rất nhiều người dân đã bị chết một cách oan ức, bị trộm cướp…
Một số người viết trên facebook sau khi nghe thủ tướng phát biểu với lực lượng công an hôm ngày 16 tháng 8 về những thế lực thù địch, phản động, họ cho rằng hình tượng được sử dụng đó giống như 'ông Ba bị' mà người lớn thường mang ra dọa trẻ con mỗi khi nói không nghe lời
Nếu để ý trên rất nhiều tuyến đường giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh có những biển đề là khu vực nguy hiểm, thường xảy ra trộm cướp, giết người… Thế thì một đất nước ‘hòa bình’ với lực lượng công an đông đảo hằng trăm ngàn người như vậy, chi phí lớn như vậy mà để xảy ra tình trạng không thể kiểm soát nổi, phải cắm biển để người dân tự bảo vệ mình; như thế là điều không tốt. Thứ hai những sự việc xảy ra như ở Bình Dương, Đồng Nai, một số quận ở Sài Gòn trong tháng năm vừa rồi như bạo loạn, thì họ thể hiện sự rất yếu kém; để xảy ra tình trạng như thế rồi cuối cùng lại đổ lỗi cho người dân. Đáng lẽ ra chính quyền phải có can thiệp, phải có dự phòng trước những tình huống như vậy; nhưng theo tôi họ không những không hoàn thành nhiệm vụ, mà còn không xứng đáng với những đồng tiền thuế của người dân đóng góp mà để xảy ra những chuyện lớn như vậy.
Tình trạng đó cũng được bà Lê thị Thanh Hương thừa nhận xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội:
Tại khu vực tôi sống xảy ra rất nhiều bọn côn đồ, đầu gấu, bán thuốc phiện, mà công an vẫn để chúng nhởn nhơ, sống ngoài vòng pháp luật.
Chuyện thứ hai là công an phường Hoàng Văn Thụ, dân trồng rau thì ban đêm lại đổ đất lên rau của dân để cướp ( đất).
Công an tại Việt Nam được gọi là công an nhân dân, mỗi khu vực đều có một viên công an phụ trách. Ngoài ra lực lượng này còn được hổ trợ bởi mạng lưới an ninh và những nhóm khác như dân phòng, trật tự… Từ khi chính quyền cộng sản nắm quyền cho đến nay, nhất cử- nhất động của người dân đều không thể qua mắt các lực lượng đó. Dân chúng hiểu rằng chỉ có công an, an ninh bỏ lơ thôi chứ tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của họ.
Ngoài ra những biểu lộ tư tưởng bất đồng với Nhà nước cũng không thoát khỏi sự theo dõi của lực lượng công an nhân dân. Đây là lực lượng được gọi là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ.
Bà Lê thị Thanh Hương lập luận rằng bao lâu nay trong xã hội Việt Nam tình trạng vi phạm pháp luật của giới chức chính quyền vẫn diễn ra vì có sự thông đồng từ trên xuống dưới, chứ đa phần người dân đều tuân phủ luật pháp do Nhà nước đề ra.
Hướng đi cần thiết
Một số người viết trên facebook sau khi nghe thủ tướng phát biểu với lực lượng công an hôm ngày 16 tháng 8 về những thế lực thù địch, phản động, họ cho rằng hình tượng được sử dụng đó giống như ‘ông Ba bị’ mà người lớn thường mang ra dọa trẻ con mỗi khi nói không nghe lời.
Những tiếng nói bất đồng chính kiến luôn bị qui kết tội danh âm mưu lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống Nhà nước, tay sai của thế lực thù địch, phản động từ nước ngoài… Công an tập trung trấn áp những đối tượng đó.
Vào cuối tháng bảy vừa qua, 61 đảng viên gồm những vị có tiếng trong đảng, gửi thư ngỏ đến cho Ban chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể các đảng viên khác, thừa nhận sai lầm, yếu kém về trách nhiệm và năng lực lãnh đạo của tổ chức này suốt mấy mươi năm qua. Những vị này kêu gọi phải thay đổi.
Tuy nhiên dường như mọi lời kêu gọi đều bị đảng và Nhà nước bỏ ngoài tai. Những vị như ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không thay đổi tư duy mà họ đã được ‘lập trình’ là đổ lỗi mọi bất ổn xã hội ở Việt Nam do thế lực thù địch, phản động gây ra.