Lo ngại sự lây lan của sốt rét kháng thuốc
Trong cuộc họp báo thường niên tại Hà Nội diễn ra vào ngày 28 tháng 9 vừa qua, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới lên tiếng cảnh báo về tình trạng kháng thuốc chống sốt rét đang lan rộng trong vùng đến mức báo động.
Bác sĩ Babatunde Olowokure, Trưởng nhóm giám sát và phòng chống các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO cho biết:
Dựa trên nghiên cứu xác định các trường hợp kháng thuốc được phát hiện đầu tiên vào năm 2005 tại biên giới giữa Thái lan và Campuchia, hiện tại chúng ta đang có những lo ngại về sự lan ra của căn bệnh này tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kong, bao gồm Thái Lan, Capuchia, một phần Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Những gì mà chúng tôi thấy thì đây là vấn đề không thể giải quyết bởi chỉ một nước đơn lẻ, nó cần sự phối hợp hành động của không chỉ các nước trong khu vực mà còn của cả cộng đồng quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên WHO lên tiếng cảnh báo về tình trạng này. Vào ngày 24 tháng 4 vừa qua, nhân ngày thế giới phòng chống sốt rét, Bác sĩ Pascal Ringwald, Giám đốc chương trình phòng chống sốt rét toàn cầu đã tỏ ra quan ngại về tình trạng này. Ông nói:
Chúng ta đang ở một thời điểm rất quan trọng, những thành công của chúng ta trong nỗ lực phòng chống căn bệnh sốt rét là mong manh. Chương trình vẫn chưa phủ kín được mọi nơi, chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt phương pháp điều trị ACT như chúng ta mong muốn , chúng ta không sử dụng việc chẩn đoán nhanh mà đáng ra chúng ta phải làm. Thêm vào đó là các mối đe dọa khác. Tôi muốn nói đến các trường hợp kháng thuốc artimisin được tìm thấy ở vùng biên giới Thái Lan và Miến Điện.
Theo ước tính của WHO, từ năm 2000 đến năm 2010, con số người mắc bệnh sốt rét tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã giảm 37%, trong khi số người chết đã giảm 62% xuống còn 899 trường hợp vào năm 2010.
Chúng ta đang ở một thời điểm rất quan trọng, những thành công của chúng ta trong nỗ lực phòng chống căn bệnh sốt rét là mong manh. <br/>Bác sĩ Pascal Ringwald
Tại Việt Nam, con số thống kê từ năm 2000 đến 2011 cho thấy số ca tử vong vì sốt rét đã giảm từ 148 xuống còn 14, trong khi số ca nhiễm bệnh giảm từ 74,000 xuống còn 16,500 ca.
Tuy nhiên, một báo cáo được công bố vào hồi đầu tháng 4, điều tra trên hơn 3000 bệnh nhân tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện từ năm 2001 đến 2010 cho thấy số ca kháng thuốc đã tăng lên liên tục từ 0,6% lên 20% trong vòng 10 năm.
WHO lo ngại nếu sốt rét kháng thuốc không được kiềm chế kịp thời, sẽ có những hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ Olowokure giải thích:
Nếu chúng ta không kiểm soát tình hình thì có thể dẫn đến việc người bệnh sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh, và có khả năng các trường hợp bệnh này sẽ lan rộng ra hơn trước. Và có thể sẽ có khả năng có nhiều hơn các ca tử vong về bệnh, nhiều hơn các ca nhiễm bệnh, và do đó tăng chi phí để đối phó với tình hình.
Sốt rét kháng thuốc là gì?
Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng gây nên, và có tính chất lưu hành địa phương. Bệnh được lây từ người qua người nhờ muỗi anopheles. Tiến Sĩ Trần Thị Kim Dung, giảng viên môn ký sinh trùng trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh nói về cơ chế mắc bệnh như sau:
Mắc bệnh là do muỗi hút máu nó truyền bệnh từ người bệnh sang người lành, tức là phải có con muỗi thì mới gây bệnh. Còn cơ chế gây bệnh là nó gây bệnh ở lục phủ ngũ tạng, và cái chính là nó làm vỡ hồng cầu, ký sinh trùng sốt rét ký sinh trong hồng cầu người, nó tăng trưởng, tăng sinh trong hồng cầu, và hồng cầu bị vỡ ra, và mỗi lần vỡ ra thì lên cơn sốt. Có thể chết người, sốt rét mà không điều trị thì có thể là sốt rét ác tính, và sốt rét ác tính thì dễ chết, nhưng không phải tất cả mọi người đều chuyển thành ác tính, tùy theo cơ địa. Người ở trong vùng dịch tễ sốt rét, người ta quanh năm sống ở đó, không chết nhưng người ta bị hao tổn sức khỏe, bị gày mòn.
Người nhiễm ký sinh trùng sốt rét sẽ phát bệnh trong vòng thời gian từ 7 đến 21 ngày, tùy loại ký sinh trùng. Đây còn gọi là thời kỳ ủ bệnh. Khi phát bệnh, người bệnh có thể có các triệu chứng như rét, đau mỏi cơ, sốt tăng nhanh trong vài ngày, sau đó thành sốt liên tục ở khoảng 39 đến 40 độ C. Sau 2 tuần, sốt chuyển thành cơn với 3 giai đoạn là sốt rét, sốt nóng, hạ nhiệt độ và đổ mồ hôi. Cơn sốt rét kéo dài từ 6 đến 12 giờ. Các cơn sốt diễn ra có tính chu kỳ, phụ thuộc vào loại ký sinh trùng.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, triệu chứng bệnh không rõ ràng. Tiến sĩ Trần Thị Kim Dung giải thích:
Không phải lúc nào cũng là điển hình, có khi người ta sốt và nhức đầu thì người ta tưởng là viêm não. Nhiều khi cũng không sốt, nên vô cùng đa dạng và phức tạp. Nếu không ở vùng dịch tễ thì bác sĩ cũng khó nhận ra.
Hiện có 4 loại ký sinh trùng gây sốt rét. Ở Việt Nam có hai loại phổ biến là falciparum và vivax. Trong đó loại falciparum là loại gây chết người chủ yếu.
Các trường hợp kháng thuốc xảy ra không phải vì thuốc không hiệu nghiệm mà vì thuốc không được sử dụng đúng liều quy định.<br/>Bác sĩ Olowokure <br/>
Để điều trị sốt rét, người bệnh thường được bác sĩ kê đơn thuốc hỗn hợp ACT với thuốc chính là artemisin, theo khuyến cáo của WHO. Thường người bệnh được điều trị trong vòng 3 ngày sẽ khỏi bệnh.
Tuy nhiên với các trường hợp kháng thuốc, việc điều trị có thể kéo dài đến 7 ngày, và bác sĩ có thể phải sử dụng kết hợp thuốc khác để điều trị đạt kết quả.
Bác sĩ Olowokure nói về nguyên nhân của sốt rét kháng thuốc như sau:
Vấn đề về kháng thuốc xảy ra là vì người bệnh đã không sử dụng thuốc đúng liều, đúng thời gian quy định. Tức là các trường hợp kháng thuốc xảy ra không phải vì thuốc không hiệu nghiệm mà vì thuốc không được sử dụng đúng liều quy định.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc artimisin giả hoặc chỉ dùng đơn lẻ một loại thuốc artiminsin cũng được cho là các nguyên nhân khác gây ra sốt rét kháng thuốc. Việc bệnh nhân dùng một loại thuốc artimisin đơn lẻ có thể khiến ký sinh trùng quen thuốc, tức là có khả năng kháng thuốc. Ký sinh trùng có biến đổi gene kháng thuốc. Cũng chính bởi vậy mà WHO đã ra khuyến cáo các nước không sử dụng một loại thuốc artimisin để điều trị sốt rét.
Sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sốt rét kháng thuốc đã được phát hiện chủ yếu ở các tỉnh vùng biên giới với Lào và Campuchia bao gồm Bình Phước, Đắc Nông và Gia Lai. Nguyên nhân chính được cho là do người di chuyển qua biên giới. Bác sĩ Olowokure cho biết:
Sốt rét gây ra là do ký sinh trùng, vì vậy nó không thể lây trực tiếp từ người sang người, cho nên bệnh lây lan từ người sang người là do muỗi và vì vậy rất khó kiểm soát. Giữa các nước có rất nhiều người đi lại qua biên giới vì các hoạt động buôn bán hay du lịch và nó tạo ra cơ hội lớn hơn cho sự lây lan của căn bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Ký sinh trùng và Sốt rét quốc gia nói với hãng tin IRIN của Liên Hiệp Quốc rằng Việt Nam đang giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của các ca sốt rét cũng như các ca kháng thuốc. Tuy nhiên việc kiểm soát này gặp nhiều khó khăn với những công nhân lao động thời vụ trong rừng.
Hãng tin IRIN trích lời bà Eva Christophel, đại diện WHO cho biết hiện Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chính để đối phó với sốt rét kháng thuốc. Theo bà, màn chống muỗi mới chỉ được phân phát cho những người đã có đăng ký với địa phương mà thôi. Như vậy là còn rất nhiều những công nhân lao động thời vụ trong rừng, những người có nguy cơ mang trong mình ký sinh trùng sốt rét, không nhận được màn chống muỗi do không đăng ký với địa phương.
Hiện Việt Nam nhận tài trợ phần lớn từ Quỹ toàn cầu chống AIDS, viêm phổi và sốt rét. Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 40 triệu đô la từ quỹ này.
Bác sĩ Olowokure cho rằng Việt Nam đã có những thành tựu trong việc ngăn chống căn bệnh sốt rét trong các năm qua. Để đối phó với tình hình mới, WHO cũng đang giúp đỡ Việt Nam với nhiều hoạt động cụ thể.
WHO đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam, với chương trình quốc gia để kiểm soát tình hình. Chúng tôi giám sát xem liệu thuốc còn hiệu nghiệm với người bệnh hay không, tức là xem trong vòng bao lâu thì ký sinh trùng không còn trong máu người bệnh. Thường thì là 3 ngày. Việt Nam cũng được WHO giúp đỡ trong việc xây dựng kế hoạch quốc gia để ngăn chặn sư la ra của các trường hợp kháng thuốc dựa theo chương trình quốc tế. Có nhiều hoạt động đã được thực hiện liên quan đến chương trình này.
Thuốc giả chính là vấn đề đáng lo ngại, cho nên chúng tôi đang xem xét để giải quyết vấn đề nạn thuốc giả vì đây cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc. <br/>Bác sĩ Olowokure <br/> <br/>
WHO sẽ giúp Việt Nam trong việc xóa bỏ liệu pháp điều trị uống thuốc artimisin đơn lẻ. Đây chính là một trong các nguyên nhân gây ra kháng artimisin, và do đó WHO đã kêu gọi việc chấm dứt điều trị này. WHO cũng sẽ hỗ trợ chất lượng thuốc điều trị bệnh. Thuốc giả chính là vấn đề đáng lo ngại, cho nên chúng tôi đang xem xét để giải quyết vấn đề nạn thuốc giả vì đây cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc. Chúng tôi cũng củng cố hợp tác giữa các nước để kiểm soát vấn đề này.
Cho đến lúc này sốt rét kháng thuốc mới chỉ được phát hiện ở khu vực tiểu vùng sông Mekong. WHO hy vọng với sự cộng tác của các nước trong khu vực và nguồn tài chính đầy đủ, tình hình có thể được kiểm soát hoàn toàn.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Theo dòng thời sự:
- Tìm hiểu bệnh amip ăn não người
- Những tranh luận mới về thực phẩm organic (hữu cơ)
- Ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét 2011
- Bệnh ung thư và thói quen ăn uống
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần
- Thuốc kháng sinh (phần1)
- Thuốc kháng sinh (phần 2)
- Dùng thuốc giảm cân lợi hay hại?
- Thuốc mới ngăn ngừa lây nhiễm HIV/AIDS
- BỆNH VIÊM CHẢY MÁU Ở MẮT