Trong báo cáo gửi QH, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng: mức lương hiện hành của Bộ trưởng hiện nay chỉ vào khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.
Dư luận xã hội đặt câu hỏi, vậy Bộ trưởng VN sống bằng gì?
Nghịch lý của đồng lương và đời sống
Một điều khá nghịch lý ở VN, đó là tiền lương hầu hết là không đủ trang trải các nhu cầu cuộc sống của người lao động, đó là điều hết sức phổ biến và được coi là chuyện bình thường.
Điều đó xảy ra với mọi đối tượng làm công ăn lương của nhà nước trong toàn xã hội, điều đáng ngạc nhiên là cho dù người đó là các chính khách hay Bộ trưởng.
Mới đây, trong báo cáo gửi QH, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng mức lương hiện hành của bộ trưởng hiện nay chỉ vào khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.
Bình luận về vấn đề này, từ Hà nội Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nguyên Biên tập viên của Tạp chí Cộng sản cho biết:
“Phải nói là cái mức lương 14,4 triệu đồng này, nếu một gia đình Bộ trưởng có vợ và 2 đứa con với mức tiêu của chức vụ Bộ trưởng hiện tại thì số tiền này chỉ đủ cho họ ăn sáng. Tức là mỗi người bình quân hơn 3 triệu. Nhưng thực chất số tiền như thế chỉ đủ cho một người trong nhà họ ăn sáng mà thôi.”
Theo báo Dân trí, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng "Hiện tại, không có ai sống bằng đồng lương thật, kể cả người lao động bình thường cho đến những quan chức ở cấp bậc cao… Còn tôi thấy chắc chắn một điều là thu nhập của các Bộ trưởng rất cao, cứ trông cách sống của họ là biết"
Phải nói là cái mức lương 14,4 triệu đồng này, nếu một gia đình Bộ trưởng có vợ và 2 đứa con với mức tiêu của chức vụ Bộ trưởng hiện tại thì số tiền này chỉ đủ cho họ ăn sáng.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Điều đó cũng trùng hợp với dư luận khi cho rằng, trên thực tế cuộc sống của những người là Bộ trưởng hay tương đương rất cao, giàu sang tột đỉnh. Họ có đầy đủ nhà lầu xe hơi, biệt thự, con cái du học nước ngoài ..., không thua gì các nhà giàu ở các nước tư bản.
Đây là một sự khác biệt rất cơ bản giữa thời bao cấp và thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. TS. Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết cuộc sống của các Bộ trưởng thời bao cấp đã sống ra sao. Ông nói với chúng tôi:
“Theo tôi hồi xưa, cái nhu cầu cho một cán bộ không cao lắm, những tiêu chuẩn bao cấp, qua tem phiếu và các chế độ cho các cấp lãnh đạo là đủ, không có cần chi phí nào khác. Do không có nhu cầu nên nó không có đòi hỏi tham nhũng gì cả. Còn việc cho các con em các bộ cao cấp đi học nước ngoài, thì qua bên đó họ cũng được học bổng, nên gia đình cũng không tốn kém gì cả.”
Theo VnEconomy, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐBQH đã nói thẳng về thu nhập của các Bộ trưởng, ông cho biết: "Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng…Thu nhập của Bộ trưởng cao gấp nghìn lần mức lương".
100% ai cũng biết
Trả lời câu hỏi, vậy hiện nay các Bộ trưởng (và chức vụ tương đương) đã và đang sống bằng nguồn thu nhập nào?
Hiện tại, không có ai sống bằng đồng lương thật, kể cả người lao động bình thường cho đến những quan chức ở cấp bậc cao… Còn tôi thấy chắc chắn một điều là thu nhập của các Bộ trưởng rất cao, cứ trông cách sống của họ là biết
ĐBQH Dương Trung Quốc
Bằng một thái độ thẳng thắn, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho chúng tôi biết nhìn nhận của ông, ông nói:
“Tiền của họ có được chủ yếu là do tham nhũng, do chấm phẩy %, do nhận đút lót, rồi việc lên lương lên chức của cấp dưới… Đó là các khoản thu nhập từ tham nhũng dồn đến Bộ trưởng và từ Bộ trưởng nó sẽ tiếp tục dồn lên Bộ Chính trị. Đó là cái điều mà dân VN gần như 100% ai cũng biết, do vậy có nói kiểu gì đi chăng nữa thì 100% dân VN họ cũng không tin. Chắc chắn là họ sống được là nhờ tham nhũng”
Khi trả lời qua điện thoại, TS Trần Nhơn đã từ chối trả lời câu hỏi này của chúng tôi, tuy vậy ngay sau đó qua e.mail, ông cho chúng tôi biết thêm:
“Đó là chưa kể không ít các đương sự phải chạy tốn rất nhiều tiền để đầu tư vào các chiếc ghế đó. Nên khi được ngồi vào chiếc ghế ấy, họ phải nghĩ ngay đến việc "hoàn vốn đầu tư".”
Khi được hỏi, sự khác biệt cơ bản giữa thời kinh tế bao cấp trước kia và thời kinh tế thị trường hiện nay, khi mọi chi tiêu Bộ trưởng (kể cả tiền tham nhũng) vẫn dùng từ nguồn từ ngân sách?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thừa nhận và cho rằng, về bản chất thì giống nhau, kể cả tiền và vật chất mà các Bộ trưởng có được từ tham nhũng cũng là các đồng tiền thuế của dân. Ông cho biết:
“Khác nhau ở chỗ là tiền, thời bao cấp thì không có tiền hoặc ít tiền. Nhưng thời này thì nhiều tiền vì có nhiều dự án, bây giờ là kinh tế thị trường rồi, thì chủ yếu người ta dùng tiền để giao dịch, vì nó đơn giản hơn. Thời trước thì không có tiền thì họ chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn ưu đãi. Cái khác nhau cơ bản là như thế.”
Trả lời câu hỏi, nên có giải pháp hợp lý thế nào để Bộ trưởng có thể sống bằng thu nhập chính đáng của họ, mà không phải tham nhũng như hiện nay?
Trong trường hợp đó, lương ko biết phải tăng lên mấy chục lần cho đủ, để khắc phục cơ bản tình hình này, chỉ có công khai hóa, minh bạch mọi khâu tuyển chọn và sử dụng cán bộ. TS. Trần Nhơn đề xuất suy nghĩ của ông, ông nói:
“Trong một thể chế, cơ chế tài chính mà ông không cho nó cân bằng thì nó sẽ tự động cân bằng, nhưng cái tự động đó sẽ sinh ra tiêu cực, sẽ sinh ra tham nhũng. Nên theo tôi bây giờ lương Bộ trưởng, nếu để họ không tham nhũng, thì phải ở mức 20 đô la Mỹ/giờ làm việc. Tức là cỡ gấp 6-7 lần mức lương 15 triệu bây giờ.”
Tiền của họ có được chủ yếu là do tham nhũng, do chấm phẩy %, do nhận đút lót, rồi việc lên lương lên chức của cấp dưới… Đó là các khoản thu nhập từ tham nhũng dồn đến Bộ trưởng và từ Bộ trưởng nó sẽ tiếp tục dồn lên Bộ Chính trị. Đó là cái điều mà dân VN gần như 100% ai cũng biết
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Không thể dùng các chính sách kinh tế hay các ưu đãi về thu nhập đối với các Bộ trưởng của VN, vì các Bộ trưởng VN hiện đã đi qua xa, họ không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình khẳng định:
“Bây giờ Bộ trưởng VN có thu nhập gấp hàng trăm lần lương của Bộ trưởng Singapore cơ, thì bây giờ lại dùng tiền lương để bảo họ đừng tham nhũng nữa thì không được đâu. Vấn đề là phải có một cơ chế giám sát độc lập, tức là các đảng phái giám sát nhau, hoặc người dân tham gia giám sát nhà nước và hệ thống công quyền. Phải có những thiết chế như thế thì mới có thể giám sát được. Chứ còn còn có liên quan, còn chức còn quyền, còn quyền lợi liên quan đến nhà nước thì làm sao mà chống được? Nó phải riêng biệt ra và không liên quan. ”
TS. Trần Nhơn đã đề xuất giải pháp chung, ông cho biết:
“Chống tham nhũng thì phải minh bạch hóa, công khai hóa tức là một khi họ định tham nhũng thì đã lộ ra ngay, thông tin đã có trên báo chí. Nếu như thế thì họ sẽ không dám tham nhũng, vì nếu ông bị lộ ra thì mọi quyền lợi sẽ mất hết. Nhưng mà phải làm cho họ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng vì có cơ chế minh bạch và có nhiều kênh kiểm tra.”
Dư luận cho rằng, không chỉ đối với các Bộ trưởng hay các chính khách khác, mà kể cả toàn bộ viên chức nhà nước, nếu như có được mức lương thỏa đáng thì họ sẽ yên tâm làm việc, có trách nhiệm hơn khi thấy cống hiến của mình được ghi nhận. Khi đó họ sẽ không cần phải vòi vĩnh hay tìm mọi cách tham nhũng để đảm bảo chi phí cho cuộc sống của bản thân và gia đình họ. Đó cũng là cách để giữ và tôn trọng tư cách làm người cho họ.