Sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng hoàn hảo
Tuy nhiên, cuộc sống công nghiệp hóa ở các đô thị cũng làm các bà mẹ ngày càng thiên về sự lựa chọn nuôi con bằng sữa bình ngay từ khi trẻ mới lọt lòng. Thực trạng này đang dẫn đến những tác động xấu đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Từ lâu ai cũng biết sữa mẹ là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Và cho đến nay cũng không có loại sữa nào tốt cho trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ. Với lợi ích chính đáng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khỏe trẻ em, từ năm 1992, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã chọn tuần lễ đầu tiên của tháng 8 hàng năm là Tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” để cổ động và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn thế giới.
Tuần lễ “Nuôi con bằng sữa mẹ” năm nay được phát động tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Ông Mickey Chopra, người đứng đầu tổ chức Chăm sóc Sức khỏe của UNICEF đã phát biểu tại buổi lễ phát động chương trình này như sau:
Sữa mẹ bao giờ cũng là nguồn thực phẩm quý giá nhất đối với trẻ em. Bú sữa mẹ, bênh cạnh nguồn dinh dưỡng quý giá đó, trí tuệ và thể chất của bé cũng sẽ phát triển tốt hơn khi trẻ được hưởng sự ôm ấp, yêu thương của mẹ.
Bác sĩ Tuyết Mai
“Trong chương trình Tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” năm nay, chúng tôi chú trọng vào chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ - chỉ 10 bước, thân thiện hơn với trẻ”, nhấn mạnh 10 điểm đơn giản mà các bệnh viện phụ sản, các trung tâm y tế và cộng đồng cần lưu ý để đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cung cấp những thông tin để khuyến khích và giúp đỡ các bà mẹ nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ ít nhất là trong 6 tháng đầu đời của bé.”
“Mười bước, thân thiện hơn với trẻ” là những hướng dẫn cho các bà mẹ có thể nuôi con bằng sữa mẹ sớm, trong vòng một giờ đầu tiên sau khi sinh, và cách duy trì nguồn sữa khi phải xa con trong mấy tiếng đồng hồ. Đồng thời, huấn luyện cho các nhân viên y tế những kỹ năng và kiến thức cần thiết để chỉ dẫn cho các phụ nữ mang thai biết về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tiến sĩ Mickey Chopra đưa ra lời kêu gọi đối với các cơ sở y tế trong việc tham gia chương trình này và giải thích rằng, dựa vào kinh nghiệm đã thực hiện ở Ghana. Ông cho biết:
“Chúng tôi rút kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đã tham gia chương trình này, và nhận thấy rằng, chẳng hạn như tỉ lệ các bà mẹ ở Ghana nuôi con bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng sau khi sinh đã tăng từ mức dưới 10% lên hơn 50%. Và chúng tôi khám phá ra rằng các nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng đối với việc tạo khởi đầu cho một phụ nữ mang thai thành công trong việc nuôi con bằng sữa mẹ sau này.
Các nhân viên y tế đã vận động, và cung cấp thông tin về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ cho các sản phụ. Và vì thế cho nên việc huấn luyện, và trang bị kiến thức cho đội ngũ nhân viên y tế để làm công tác này là điều quan trọng vì nó sẽ mang lại hiệu quả to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.”
Tổ chức Y tế Thế giới, WHO đã từng khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bú cùng với chế độ bổ sung dưỡng chất hợp lý đến khi trẻ ít nhất được 2 tuổi.
Bác sĩ Tuyết Mai, một chuyên gia về Dinh dưỡng được đào tạo tại Nhật bản cho biết:
“Sữa mẹ bao giờ cũng là nguồn thực phẩm quý giá nhất đối với trẻ em. Bú sữa mẹ, bênh cạnh nguồn dinh dưỡng quý giá đó, trí tuệ và thể chất của bé cũng sẽ phát triển tốt hơn khi trẻ được hưởng sự ôm ấp, yêu thương của mẹ.”
Sữa mẹ - kháng thể tuyệt vời
Chị Bảo Trâm, nhân viên của một Công ty lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù rất bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng chị đã sắp xếp thời gian để có thể nuôi hai con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Chị nói:
“Như mọi người, qua sách báo tôi cũng biết là đối với trẻ sơ sinh thì sữa mẹ là tốt nhất vì ngoài các chất dinh dưỡng trong đó mà sữa ngoài không thể có, thì sữa mẹ còn có những chất tạo sự miễn nhiễm cho những tháng đầu đời của em bé. Nên mặc dù phải đi làm vì chỉ được nghỉ hộ sản 4 tháng thôi, nhưng tôi cũng cố gắng nuôi con toàn bằng sữa mẹ ít ra là trong một năm đầu, sau đó mới cho bé dặm thêm sữa ngoài. Như vậy tạo cho bé có sức khỏe và sự đề kháng trong người.”
Chị Bảo Trâm chia sẻ kinh nghiệm:
... đối với trẻ sơ sinh thì sữa mẹ là tốt nhất vì ngoài các chất dinh dưỡng trong đó mà sữa ngoài không thể có, thì sữa mẹ còn có những chất tạo sự miễn nhiễm cho những tháng đầu đời của em bé.
Chị Bảo Trâm - SG
“Nhiều bà mẹ cứ nghĩ rằng nuôi con bằng sữa ngoài tiện lợi hơn nhưng thật sự không hẳn như vậy. Chính bản thân tôi nhận thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ tiện hơn rất nhiều. Hơn nữa trong việc nuôi con bằng sữa ngoài có bé thích hợp với loại sữa này có bé lại không, và nếu không thích hợp với sữa bột thì có bé bị táo bón, có bé bị tiêu chảy, rất nhiều trường hợp như vậy.
Nhất là đối với trẻ sơ sinh, bé bú nhiều lần trong ngày, thường cứ cách vài giờ đồng hồ, nên việc rửa bình, pha sữa, rồi đến việc lưu ý để sữa không quá nguội hay quá nóng khi cho bé bú phức tạp hơn việc nuôi con bằng sữa mẹ. Có người ngại nuôi con bằng sữa mẹ thì sẽ không giữ được dáng vóc đẹp. Có giữ được dáng vóc hay không là chuyện mình nên tập thể dục hay vận động sau khi sinh. Chứ không hẳn là vì do em bé bú mà bị ảnh hưởng, nên tôi muốn chia sẻ với các chị em kinh nghiệm của tôi.”

Trước đây, ông Jesper Morch, Trưởng đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho biết, việc nuôi con chủ yếu bằng sữa mẹ trong hai năm đầu đời và đặc biệt là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu có thể góp phần ngăn ngừa từ 12 đến 15% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Y khoa cũng cho rằng nếu bà mẹ cho con bú thì khả năng mắc bệnh ung thư vú sẽ giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, theo báo chí trong nước thì tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10% trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, 55% trẻ sơ sinh được mẹ cho bú ngay trong vòng một giờ đầu sau khi ra đời, và trên 36% bà mẹ có ý định cho con bú kéo dài đến 24 tháng tuổi. Thực trạng này đặt ra cho các ngành chức năng và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trách nhiệm cần phải có những hành động cấp thiết để thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam.
|
Cuối tuần qua Bộ Y tế Việt Nam, Liên Hợp quốc và Dự án Alive and Thrive (A&T) thuộc Quỹ Bill và Melinda Gates tại Việt Nam đã phát động Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2010. Thứ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Bá Thủy phát biểu rằng, tại Việt Nam, các nỗ lực khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ là một phần trong các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm giúp đảm bảo trẻ em được tăng trưởng và phát triển một cách tối đa tiềm năng của mình.
Để khuyến khích cuộc vận động “Nuôi con bằng sữa mẹ” đạt hiệu quả, các cơ sở y tế và nhân viên y tế cần phải hỗ trợ, cung cấp các thông tin giáo dục và tư vấn cho các phụ nữ mang thai về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đồng thời cũng chú ý hướng dẫn cho các trường hợp đặc biệt như đối với các bà mẹ bị nhiễm HIV, hay bị viêm Gan siêu vi B thì tuyệt đối không nên nuôi con bằng sữa mẹ.