Việc thu tiền điện theo cách mới của EVN trong tháng 6.2014 vừa qua đã khiến hóa đơn tiền điện của người sử dụng tăng vọt đến 2 lần, cá biệt tăng từ 3-5 lần.
Ở Hà nội và một số tỉnh trong những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc hóa đơn tiền điện của các hộ dân bỗng nhiên tăng lên nhiều so với các tháng trước đó.
Trong bài “Cả làng kiện hóa đơn điện sai, EVN phải trả lại tiền” của báo điện tử Vietnamnet cho biết, đã có hàng loạt hộ gia đình ở thôn 4 (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đồng loạt phản đối khi thấy hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng đột biến từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng. Sau khi các hộ dân khiếu nại, đại diện điện lực ở địa phương đã phải trả lại tiền.
Theo bài báo cho biết, ông Hồ Xuân Hòa một người dân ở địa phương trên đã bức xúc rằng: "Tại sao khi có sự cố tính giá điện sai, Công ty Điện Lực Nghệ An không rà soát toàn bộ các công tơ điện để tính lại một cách tổng thể. Cứ ai có khiếu nại thì họ giải quyết cho trường hợp đó. Vậy những người không để ý hay không biết cách tính giá điện mới thì phải chịu thiệt sao?. Ở thôn 4, theo tìm hiểu của tôi, cứ 10 hộ thì có tới 9 hộ bị tính sai tiền điện".
Hóa đơn tiền điện tăng lên rất nhiều với cách tính có nhiều mức khác nhau, tôi cũng chưa hiểu nguyên nhân là vì sao?<br/> - Bà Nguyễn Thị Phương, Hà Nội
Từ Hà nội, bà Nguyễn Thị Phương, một khách hàng tiêu thụ điện ở Quận Hoàn kiếm cho biết: bà rất bất ngờ khi hóa đơn tính tiền điện của gia đình bà tháng này bỗng tăng vọt so với các tháng trước. Từ trước đến nay việc nhân viên ngành điện ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng ra sao bà hoàn toàn không biết và hàng tháng gia đình bà phải trả đúng hạn và đủ chi phí tiền điện theo hóa đơn. Nếu không sẽ bị cắt điện.
Trao đổi với chúng tôi bà Phương nói:
“Hóa đơn tiền điện tăng lên rất nhiều với cách tính có nhiều mức khác nhau, tôi cũng chưa hiểu nguyên nhân là vì sao? Tôi mong ngành điện giải thích rõ lý do vì sao lại tăng nhiều như vậy. Và đây có phải là hình thức tăng giá điện hay không. Tôi thấy so với hóa đơn tháng trước thì tháng này tiền điện tăng nhiều lắm”.
Theo Tổng Công ty Điện lực Hà nội cho biết: việc hóa đơn tiền điện tăng lên là có thật, song với lý do là do trong tháng 5-6.2014 thời tiết có những đợt nắng nóng đột biến và kéo dài. Trước phản ảnh của dư luận, ngành điện lực đã chỉ đạo việc kiểm tra và rà soát quá trình ghi chỉ số công tơ, cũng như quá trình tính toán hóa đơn tiền điện cho khách hàng, thì thấy hoàn toàn không có sai sót. Tuy nhiên đơn vị này cho biết sẽ tiến hành lập lại hóa đơn và trả lại tiền cho khách hàng nếu ai phát hiện ra sai sót.
Một cán bộ Ban Kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực Hà nội đề nghị giấu tên nói với chúng tôi:
“Trong việc chốt chỉ số thì chúng tôi đã quy định rõ đối với các khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt thì chúng tôi phải đến chốt từng khách hàng với sự xác nhận của khách hàng. Còn đối với gần 2 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt thì việc chốt chỉ số thì chúng tôi vẫn chốt theo phiên chỉ số bình thường, tiền điện được tính theo phương pháp nội suy theo biểu giá cũ và biểu giá mới. Đảm bảo là tất cả các dữ liệu của phiên ghi chỉ số công tơ được chúng tôi quản lý rất chặt chẽ”.
Nhiều người nghi ngờ rằng ngành điện đã dùng phương pháp ước chừng chỉ số công tơ điện thay cho việc chốt chỉ số công tơ thực tế trong đợt chốt chỉ số công tơ bắt buộc ngày 1.6.2014, dẫn đến chỉ số tiền điện dồn lại.
Cũng có nhiều người sử dụng điện cho rằng sự tăng đột biến của hóa đơn điện là do việc thay đổi cách tính hóa đơn tiền điện, với 12 mức giá khác nhau và số lượng chỉ số được tính theo giá khởi điểm 1.418đ/Kwh bị hạ xuống thấp hơn so với trước. Dư luận đặt câu hỏi việc thay đổi cơ cấu biểu giá điện mới theo quyết định 28 của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 1.6.2014 có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá trong hóa đơn điện của người sử dụng hay không?
Thắc mắc này được trao đổi với một cán bộ có thẩm quyền ở cơ quan Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính và được biết: việc thay đổi cơ cấu biểu giá điện mới là biện pháp cần thiết để buộc khách hàng phải tiết kiệm điện, đặc biệt là việc hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm.
Trong việc chốt chỉ số thì chúng tôi đã quy định rõ đối với các khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt thì chúng tôi phải đến chốt từng khách hàng với sự xác nhận của khách hàng. <br/> - Một cán bộ Điện lực Hà Nội <br/>
Nói về sự thay đổi trong cách giá tính tiền điện mới, một cán bộ ở Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết:
“Thay đổi cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt thực ra là bố trí lại một số bậc cao, chứ không thay đổi ở các bậc thấp, mục đích để sắp xếp lại giá điện một cách hợp lý hơn. Vì biểu giá cũ còn quá nhiều lũy tiến, bậc nọ cách bậc kia còn chưa khoa học thì người ta sửa đổi thôi. Và bây giờ là có chia ra giờ cao điểm và giờ thấp điểm, nếu sử dụng trong giờ cao điểm thì giá sẽ cao hơn”
Khi được hỏi nhà nước cần có những biện pháp gì để tránh gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng điện? T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thấy rằng: không chỉ riêng đối với ngành điện, mà nền kinh tế Việt nam nói chung hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề minh bạch trong việc sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh độc quyền. Theo ông, việc ngành điện tự cho mình quyền quá lớn trong việc định đoạt giá bán điện là hậu quả của cơ chế độc quyền trong kinh doanh. Điều này cần sớm được xem xét và xóa bỏ để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và mang tính cạnh tranh.
Từ Hà nội T.S Lê Đăng Doanh cho biết:
“Theo tôi điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra việc giám sát việc thực thi chính sách, việc hoàn thành nhiệm vụ cũng như chế độ công khai minh bạch phải được cải thiện một cách rõ rệt.”
Điện là một mặt hàng thiết yếu quan trọng có liên quan và tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Việc minh bạch trong cách tính giá cũng như việc quản lý tiền điện trong bối cảnh kinh doanh điện vẫn là một ngành kinh doanh độc quyền là điều vô cùng cần thiết, để đảm bảo lợi ích của khách hàng tiêu thụ điện.