Thị trường lương thực, thực phẩm vẫn tăng giá đều

Báo chí trong nước đưa tin các loại lương thực thực phẩm đang tiếp tục lên giá một cách vô tội vạ, và tình trạng nghịch lý là giá nhiều loại thực phẩm nguyên liệu đầu nguồn lại giảm khá mạnh, có nghĩa là giá cả mặt hàng chợ đầu mối chỉ khoảng 50% giá chợ lẻ.

Thanh Trúc hỏi ý kiến ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia hàng đầu về giá cả thị trường trong nước về nguyên nhân và vấn đề của giá thực phẩm có khuynh hướng leo thang chứ không giảm.

Xu hướng không thể đảo ngược được

Theo tiến sĩ Vũ Đình Ánh, viện phó Viện Giá Cả Thị Trường thuộc Bộ Tài Chính, nếu xét về con số vĩ mô thì giá thực phẩm trước nhất là có xuống. Một số thực phẩm có xuống giá, một số khác thì giá đứng và hiện vẫn đứng ở mức cao, ông nói tiếp, và hiện tượng này có thể giải thích được:

Tức là thực ra thì từ xưa đến nay hầu hết giá cả lương thực và thực phẩm chỉ có đà đi lên thôi chứ còn chuyện đi xuống thì rất ít. Thậm chí cả việc giá lương thực và thực phẩm xuống trong tháng Sáu vừa qua, kéo theo chỉ số giá chung đi xuống , hay thậm chí còn đáng lo ngại là từ phía nguyên nhân của câu chuyện giảm giá đó là do sức cầu hay sức tiêu dùng đã bị thu hẹp. Cái đó cần phải xử lý từ phía nguyên nhân, còn về mặt con số mà giá có đi xuống một chút hay thậm chí đứng yên thì tôi nghĩ cũng là cái phản ứng bình thường của thị trường lương thực thực phẩm Việt Nam.

Tức là thực ra thì từ xưa đến nay hầu hết giá cả lương thực và thực phẩm chỉ có đà đi lên thôi chứ còn chuyện đi xuống thì rất ít

TS Vũ Đình Ánh

Theo ông thì nên ghi nhận một điểm khá tích cực là giá cả không tiếp tục tăng cao ồ ạt như năm 2011, như vậy có lẽ là sẽ lạc quan hơn và dễ ứng xử hơn trong bối cảnh biến động kinh tế hiện nay.

Về dư luận từ người tiêu dùng, cho rằng nhà nước phải làm thế nào để giá lương thực thực phẩm phải giảm hoặc xuống mạnh một cách rõ ràng hơn, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định tiếp rằng đó cũng là điều mong mỏi thông thường không nhất thiết phải bàn đến:

Đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, rõ ràng giá sản xuất mà người nông dân Việt Nam, kể cả người trồng trọt và người chăn nuôi, hiện có xu hướng đi xuống và xuống nhanh hơn so với mức giá bán lẻ cuối cùng. Câu chuyện này được giải thích rằng hệ thống phân phối ở Việt Nam hiện nay tổ chức chưa hẳn là tốt, do đó sự biến động lương thực thực phẩm của Việt Nam thì thông thường người ta nhìn thấy những người trực tiếp tức là những nông dân sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, không được hưởng nhiều từ biến động theo xu hướng tăng của giá cả nói chung trên thị trường. Thậm chí trong rất nhiều trường hợp họ còn bị thua thiệt mà điển hình nhất là câu nói quen thuộc của người Việt Nam là “Được Mùa Thì Mất Giá”

Một siêu thị bán lẻ hàng hóa ở Hà Nội. Hình chụp ngày 17/06/2012.
Một siêu thị bán lẻ hàng hóa ở Hà Nội. Hình chụp ngày 17/06/2012. (RFA)

Tất cả những điều trên, đều bắt nguồn từ hệ thống phân phối, hệ thống tích trữ cũng như các chiến lược sản xuất và tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước liên quan tới các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam:

Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một giải pháp nào cụ thể để xứ lý. Tôi cho rằng chính là cái thu hẹp khoảng cách, làm sao mà cái biến động của xu hướng tăng giá lương thực thực phẩm nó như một xu hướng có thể nói là không thể đảo ngược được

TS Vũ Đình Ánh

Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một giải pháp nào cụ thể để xứ lý. Tôi cho rằng chính là cái thu hẹp khoảng cách, làm sao mà cái biến động của xu hướng tăng giá lương thực thực phẩm nó như một xu hướng có thể nói là không thể đảo ngược được. Làm sao mà lợi ích từ sự biến động giá lương thực thực phẩm đấy được chia sẻ giữa khối người làm thương mại, tức khâu phân phối, với khối những người trực tiếp sản xuất đổ mồ hôi làm ra những sản phẩm nông nghiệp như vậy. Sự chia sẻ về kiến thức giá đó sẽ đem lại lợi ích là vừa đảm bảo cho khâu sản xuất tức khâu cung, vừa đồng thời có thể giúp giảm bớt mức độ tăng quá nhanh của giá lương thực thực phẩm trên thị trường bán lẻ.

Nghịch lý trên thị trường lương thực thực phẩm

Được hỏi ông nhận định thế nào về điều báo chí trong nước cho là nghịch lý trên thị trường lương thực thực phẩm , vốn là thị trường hay biến động và có giá cao nhất trong các loại mặt hàng tiêu dùng, tiến sĩ Vũ Đình Ánh phân tích rằng dùng từ nghịch lý là không sai mà còn phải hiểu là nó động chạm đến cuộc sống của cả một nửa dân số Việt Nam:

Bởi vì thực ra vấn đề này không mới và nó đã kéo dài ở Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt hiện nay đến 50% tổng số lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lãnh vực nông nghiệp. Do đó thì có thể nói là nó động chạm đến cuộc sống một nửa dân số Việt Nam mà thậm chí có thể còn hơn nữa.

Không chỉ nghịch lý về khoảng cách hay nói cách khác là cánh kéo ngày càng dãn rộng ra giữa giá sản xuất hay giá bán của người nông dân với giá bán lẻ khi đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng mà cho đến nay chưa xử lý được, thì còn một nghịch lý nữa tức là cánh kéo giữa giá đầu vào ví dụ giống, phân bón, thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật chẳng hạn, thì nó cũng tạo ra một cánh kéo khi mà giá đầu ra thông thường tăng chậm hoặc thâm chí giảm, trong khi giá đầu vào thường xuyên tăng với tốc độ cao hơn.

Không chỉ nghịch lý về khoảng cách hay nói cách khác là cánh kéo ngày càng dãn rộng ra giữa giá sản xuất hay giá bán của người nông dân với giá bán lẻ khi đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng mà cho đến nay chưa xử lý được, thì còn một nghịch lý nữa ... khi mà giá đầu ra thông thường tăng chậm hoặc thâm chí giảm, trong khi giá đầu vào thường xuyên tăng với tốc độ cao hơn

TS Vũ Đình Ánh

Ông khẳng định điều này liên quan đến tư duy về chuỗi sản xuất nông nghiệp, hiện chiếm hơn 20% GDP, thế nhưng rõ ràng Việt Nam chưa hình thành một chính sách nhất quán về chuyện quản lý sản xuất nông nghiệp từ khâu đầu vào cho đến khâu sản xuất cho đến khâu sản xuất và khâu bàn lẻ cuối cùng, hầu có thể bảo vệ lợi ích của tất cả các bên liên quan trong chuỗi sản xuất nông nghiệp đó:

Quầy bán thịt heo ở Hà Nội. AFP
Quầy bán thịt heo ở Hà Nội. AFP (AFP)

Chính điều đó làm cho cuối cùng những người trực tiếp làm ra sản phẩm bị thiệt thòi, trong khi như tôi đã nói là họ chiếm tới hơn một nửa tổng số lao động ở Việt Nam. Để có lối thoát cho câu chuyện này thì nhiều cơ quan chức năng cũng đã bàn tới đã có những đề án nghiên cứu những dự án nhưng cho tới nay vẫn chưa ra được một kết quả nào. Tôi thật sự cho rằng đây cũng là món nợ của người nghiên cứu khoa học như chúng tôi liên quan đến thị trường đối với cả người nông dân Việt Nam.

Có thể nói điều duy nhất khiến người tiêu dùng không am hiểu là tại sao giá cả không giảm xuống mà chủ yếu vẫn đứng ở mức cao. Việt Nam đang cố thực hiện từng bước mà thứ nhất là tìm cách tăng thu nhập để người dân có thể đối phó với giá cả lương thực thực phẩm cao, thứ hai là hạ giảm mặt bằng giá xuống.

Với tiến sĩ Vũ Đình Ánh, cả hai cách này rốt cuộc cũng chỉ nhắm tới việc làm sao giải quyết được những khó khăn , không chỉ trong vi mô tức các hộ gia đình và những người nội trợ, mà còn là câu chuyện chung cho cả nền kinh tế.

Về những biện pháp như đăng ký giá, kê khai hay niêm yết công khai giá, ông Vũ Đình Ánh cho là không phú hợp:

Thực ra hiện nay thị trường lương thực thực phẩm của Việt Nam đã là thị trường mà tôi đánh giá là cao nhất trong các loại sản phẩm , hàng hóa và dịch vụ. Diễn biến của giá lương thực thực phẩm của Việt Nam chủ yếu là do các qui luật thị trường hay các lực lượng thị trường điều tiết.

Cuối cùng, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường tương đối khá tự do về sản phẩm lương thực và thực phẩm, Việt Nam dường như đã thiếu quan tâm đến việc hoàn thiện một hệ thống phân phối. Chính vì thế lợi ích của người sản xuất và người phân phối cuối cùng không tương hợp với nhau và thường phần thiệt hại rơi về phía người sản xuất.

Từ điểm này, ông kết luận, các biện pháp quản lý thị trường, đăng ký, kê khai, niêm yết giá,đặc biệt đối với các nhóm hàng lương thực thực phẩm, là không cần thiết và không có tác dụng nếu chưa khắc phục được những nguyên nhân cốt lõi gây ra những vấn đề tiêu cực trên thị trường lương thực và thực phẩm vốn là cái bao tử của người dân.

Theo dòng thời sự: