Tại sao các sinh hoạt chính trị tự phát ít lôi kéo được người dân?

0:00 / 0:00

Biểu tình, tụ họp tưởng niệm, kỷ niệm ... là những sinh hoạt chính trị của công dân được Hiến pháp quy định. Nhưng vì sao các cuộc biểu tình hay tham dự các phiên tòa ở Việt nam lại không lôi kéo được đông đảo người dân tham gia?

Không như mong đợi

Hoạt động chính trị đường phố hay còn gọi là phong trào xuống đường tự phát của dân chúng ở Việt Nam đã có từ thế kỷ trước. Đó là các cuộc biểu tình ôn hòa, các lễ tưởng niệm, kỷ niệm một sự kiện chính trị.... hoặc các hoạt động tham dự các phiên toà xét xử các nhà hoạt động chính trị - xã hội.

Khi những người có cùng lợi ích tập hợp nhau lại, thì tiếng nói của họ sẽ phát huy tác dụng, phần nào đánh động và tạo áp lực để các cơ quan chính quyền để họ lắng nghe nguyện vọng của một bộ phận dân chúng.

Nhìn chung, phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam thời gian qua đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng các hoạt động chính trị tự phát vẫn diễn ra lẻ tẻ, thiếu tổ chức. Với số người tham gia còn rất khiêm tốn và không thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội.

Đánh giá tình hình chung của các hoạt động này hiện nay, ông Vũ Quốc Ngữ một nhà hoạt động xã hội ở Hà nội cho rằng: phong trào dân chủ tuy chưa mạnh mẽ, nhưng đã có các bước tiến lớn trong mấy năm vừa qua. Do phong trào phải đối mặt với một chính quyền rất tàn bạo và tinh vi trong việc đàn áp đối lập. Còn nhân dân thì nói chung ngại va chạm với chính quyền, sợ bị gây khó dễ đến cuộc sống gia đình, công việc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Ngữ nói:

“Phong trào dân chủ tuy không được mạnh mẽ như mong đợi nhưng cũng là bước tiến lớn trong mấy năm vừa qua. Khi gặp nhiều cựu tù chính trị như Phạm Hồng Sơn, Phạm Thanh Nghiên và Nguyễn Văn Đài, họ cho biết trong thời điểm họ bị bắt cách đây 5-6 năm, có rất ít người tranh đấu dân chủ, và khi đó họ cảm thấy rất cô đơn. Nhưng bây giờ thì lớn mạnh rất nhiều“

Khi được hỏi nguyên nhân do đâu các hoạt động chính trị tự phát ít được sự hưởng ứng của đa số người dân? Blogger Lê Anh Hùng từ Quảng trị cho rằng, gần đây việc thăm dò độc giả chọn thích và không thích trong một số bài viết ca ngợi chế độ trên các trang mạng chính thống đã cho kết quả với tỷ lệ lớn nghiêng về phía không thích. Đây có thể coi là một “hàn thử biểu” khá chính xác về mức độ thức tỉnh của dân chúng.

Tuy vậy, theo ông Hùng thừa nhận trên thực tế thời gian qua, các cuộc tụ tập đông người do các cá nhân, tổ chức dân chủ kêu gọi lại ít được sự hưởng ứng của đa số người dân. Nói về các nguyên nhân, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Hùng cho biết:

Phong trào dân chủ tuy không được mạnh mẽ như mong đợi nhưng cũng là bước tiến lớn trong mấy năm vừa qua. <br/> - Ông Vũ Quốc Ngữ <br/>

“Theo tôi, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây: Mặc dù nhiều người dân đã thức tỉnh, nhưng đa số họ vẫn chưa vượt qua được cả nỗi sợ hãi lẫn sức ỳ vốn đã bén rễ qua hàng chục năm sống dưới chế độ hà khắc và mị dân hiện nay. Tổ chức của phong trào dân chủ còn lỏng lẻo. Điều này dĩ nhiên là hạn chế hiệu quả của phong trào. Và một nguyên nhân nữa là sự đàn áp vừa tàn khốc, vừa xảo quyệt của bộ máy cầm quyền, với đủ mọi hình thức khác nhau.”

Từ Hà nội, ông Trịnh Toàn một người đã nhiều lần tham gia biểu tình cho rằng, phong trào dân chủ đã có các tiến bộ vượt bậc. Song các hoạt động chính trị đường phố không thu hút được người dân vì chưa đánh trúng và các nội dung không gắn chặt với quyền lợi của số đông người dân. Đặc biệt là vấn đề các nhân vật nổi danh trong các hoạt động này chưa có tính thuyết phục và không được người dân chấp nhận. Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Toàn nhận xét:

“Những nhược điểm chính của những người hoạt động dân chủ của chúng ta là cái tôi của họ quá cao. Truyền thông lề trái của chúng ta thì đang tôn vinh các thần tượng một cách quá đáng, thiếu thực tế và không thật. Vì những người ấy không có sức lan tỏa. Người Việt nam chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống nên vấn đề đạo đức, phẩm chất là hết sức quan trọng. Một người đứng đầu đám đông lên tiếng thuyết phục, muốn có trọng lượng trước tiên họ phải là người có phẩm chất đạo đức hơn nhiều những người khác.”

Vì sao?

Một nhóm nông dân lên Hà Nội biểu tình khiếu kiện đất đai hôm 29/8/2012. AFP photo
Một nhóm nông dân lên Hà Nội biểu tình khiếu kiện đất đai hôm 29/8/2012. AFP photo (Một nhóm nông dân lên Hà Nội biểu tình khiếu kiện đất đai hôm 29/8/2012. AFP photo)

TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho biết một vài lý do đã khiến các hoạt động chính trị không thu hút được người dân. Theo ông Nguyễn Quang A thứ nhất là do bị đàn áp kinh khủng khiến người dân sợ tham gia và dần dần teo mất ý chí, thứ hai là Đảng CS vô cùng sợ mọi loại tổ chức, nên không có tổ chức nào ra đời mà ra hồn, khi không có tổ chức thì làm sao huy động được đông người. Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Quang A cho nói:

“Hàng năm có hàng trăm cuộc biểu tình, những cuộc biểu tình lớn nhỏ của bà con nông dân, bà con dân oan hoặc các cuộc tuần hành của giới đồng tính. Nhưng nó không ảnh hưởng gì đến mối anh nguy của chế độ. Đối với các cuộc biểu tình hoặc các cuộc tham gia vào các phiên xử là các hoạt động mang tính chính trị. Và một khi đã là các hoạt động chính trị thì họ chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước đó với bài bản hẳn hoi”.

Nói về các giải pháp cơ bản để khắc phục các tồn tại đã nêu trên, trao đổi với chúng tôi blogger Lê Anh Hùng nói:

“Cần không ngừng tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau để ngày càng nhiều người dân nhận ra được bản chất của chế độ, cũng như sự cần thiết phải lên tiếng bày tỏ thái độ. Hình thành các tổ chức xã hội dân sự đa dạng để liên kết các thành viên có tinh thần đấu tranh trong xã hội. Và quan tâm đến những người đấu tranh, cũng như thân nhân của họ, để họ yên tâm dấn thân cho công cuộc chung của nước nhà."

Cần không ngừng tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau để ngày càng nhiều người dân nhận ra được bản chất của chế độ, cũng như sự cần thiết phải lên tiếng bày tỏ thái độ. <br/> - Blogger Lê Anh Hùng

Ông Vũ Quốc Ngữ đồng tình với các giải pháp khắc phục của blogger Lê Anh Hùng, theo ông Ngữ cần mở rộng đấu tranh về các vấn đề thiết thực để lôi kéo được người dân như : phong trào tẩy chay một mặt hàng, một dịch vụ nào đó nếu cảm thấy người tiêu dùng bị bóc lột, lừa dối để bảo vệ quyền lợi trực tiếp của họ. Và các phong trào đường phố cần tổ chức theo nhóm, lên kế hoạch cụ thể về địa điểm, hình thức thể hiện..., phân công việc cụ thể, tính đến các phương án dự phòng khi bị cản trở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Ngữ nói:

“Cần phải viết các bài lôi kéo tầng lớp trung lưu: công chức, sinh viên, doanh nhân: cách mạng dân chủ không làm mất ổn định xã hội, trái lại, nó sẽ mang lại sự ổn định bền vững trong tương lai. Quyền lợi của nhiều người, kể cả hưu trí, công chức được đảm bảo. Vận động, tuyên truyền trong chính gia đình mình, bạn bè và những người quen biết, để họ có thể tham dự vào mà không thờ ơ với thời cuộc.”

Quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân - người có mối liên hệ trực tiếp về mặt pháp lý với Nhà nước luôn là mối quan hệ nền tảng mà mọi Nhà nước cần phải tạo lập và điều chỉnh. Các sinh hoạt chính trị của người dân luôn có giá trị tích cực, nó thúc đẩy và buộc nhà nước phải quan tâm tới nguyện vọng của một nhóm dân chúng, viecj này cần được khuyến khích.