Đến tham dự hội nghị Giao ban báo chí vào ngày 20 tháng 6 vừa qua tại Hà Nội, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu rằng “báo chí trong nước đang bị mạng xã hội dẫn dắt”.
Lý do khách quan
Năm 2011 trong bài phát biểu đọc tại tại Hội nghị “Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đối với báo chí” tổ chức tại Brussells, Bỉ, nhà báo nổi tiếng người Pháp Jean Quatremer cho biết ông đã sử dụng các kênh truyền thông mạng như blog, Facebook, Twitter để đăng tải những nội dung bị tránh né, từ chối bởi các cơ quan truyền thông khác. Ông bảo thêm phải làm việc này vì rất nhiều độc giả cần những tin tức “bị chối bỏ”.
Do đó, nhận định của ông Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có lẽ không phải là mới lạ trong thời đại có thể được xem là đỉnh cao của truyền thông mạng xã hội. Thế nhưng, thời gian không phải là vấn đề được mang ra tranh cãi trong phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, thay vào đó, là những ý kiến về nguyên nhân vì sao có tình trạng như thế.
Nhà báo tự do Vũ Bình, người bất đồng chính kiến từng bị nhà nước Việt Nam tuyên án 7 năm tù giam vì cáo buộc tội gián điệp cho biết ông đồng ý với nhận định của ông Võ Văn Thưởng.
“Nhìn nhận khách quan điều đó là đúng. Lý do là những thông tin trên mạng xã hội thứ nhất là nó nóng hổi vì mỗi người có tin là người ta đăng lên ngay, họ không qua kiểm duyệt không mất thời gian.
Và thứ hai, phần lớn những người đăng tin có uy tín, có nhiều người theo dõi, nhiều bạn bè, thì thông tin tương đối là khách quan, trung thực.”
Theo nhà báo tự do Vũ Bình, khi có nhiều đối tượng đăng tin như thế thì việc dẫn dắt độc giả nghiêng về các trang mạng xã hội là điều tất yếu.
Giới hạn của tính khách quan
Một khía cạnh khác về từ “dẫn dắt” được hiểu theo phân tích của nhà báo tự do Vũ Bình, đó là nội dung thông tin trong bài viết của báo chí hiện tại không được xuất phát chính xác từ bản chất của thời sự.
Bây giờ báo chí cứ viết theo lối tuyên truyền thì sẽ rất ít độc giả, nên đành đi tìm những thông tin trên mạng xã hội ... để viết theo, rồi bắt chước.<br/> - Nhà báo Vũ Bình
“Tôi nghĩ từ dẫn dắt nó có cả khía cạnh khác, ví dụ như sự phân tích khách quan và trung thực (của mạng xã hội) chứ không bị định hướng chỉ bảo bởi Ban Tuyên giáo. Cho nên nói ‘dẫn dắt’ theo nghĩa đó tôi nghĩ rất là khả dĩ, rất là hợp.”
Ông cho rằng những cây bút tự do, trong đó có cả bloggers thường có những phân tích khách quan, trung thực và công bằng. Điều này đã thu hút độc giả và cả báo chí quốc doanh.
“Bây giờ báo chí cứ viết theo lối tuyên truyền thì sẽ rất ít độc giả, nên đành đi tìm những thông tin trên mạng xã hội rồi tìm những lập luận, những đánh giá khách quan trên mạng xã hội để viết theo, rồi bắt chước.”
Cũng tại hội nghị Giao ban báo chí, ông Võ Văn Thưởng có nêu lên tình trạng đưa tin, đăng bài rồi rút xuống ngay sau đó. Những động thái này càng làm cho độc giả đặt câu hỏi về tính khách quan của báo chí nhà nước. Liệu thông tin đã đăng có chính xác hay không? Hay vì không chính xác nên phải rút xuống?
Đây chính là điểm được nhà báo tự do Vũ Bình cho là giới hạn của tính khách quan mà người đọc được quyền đòi hỏi ở các hệ thống truyền thông, kể cả báo chí do nhà nước quản lý.
“Sự khách quan dừng lại ở định hướng của Ban Tuyên giáo, nói một cách chung hơn là của đảng cộng sản. Nó làm lợi cho nhà cầm quyền hiện nay.”
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất, chủ trang mạng Một Góc Nhìn Khác chia sẻ ý kiến của ông về định hướng của báo chí quốc doanh xưa nay.
“Báo chí Việt Nam lâu nay bị nhốt trong một cái lồng rồi. Hãy thả báo chí ra. Tôi nghĩ trong tình thế này báo chí cũng là một kênh bị tiết chế bởi chính truyền thông.”
Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn. <br/> - Tiến sĩ Nguyễn Đức An
Gần đây nhất, những ai theo dõi chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều biết đến câu chuyện Cây đèn Hoa Kỳ, quốc phẩm được đề xuất thực hiện để mang tặng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Hình dáng, chi tiết của món quà được báo trong nước đăng tải trên mạng xã hội. Nhưng vài giờ sau đó, toàn bộ các báo mạng đồng loạt rút bài. Sự việc này tạo nên một làn sóng tranh luận khôi hài trên các trang mạng xã hội với những suy đoán về lý do vì sao tất cả những bài viết liên quan đến cây đèn Hoa Kỳ đều bị lấy xuống.
Một trong những suy đoán đó là của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ông cho rằng thiết kế của cây đèn Hoa Kỳ có một chi tiết sai, chính là quốc kỳ của nước Mỹ trên thân đèn.
“Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai. Lá cờ Mỹ có 7 vạch màu đỏ, trong đó 4 vạch đầu tiên là bằng với khung xanh của các ngôi sao, trong khi lá cờ Mỹ trên cái đèn chỉ thấy 3 vạch màu đỏ bằng với khung xanh.”
Lý giải nguyên nhân của những tình trạng rút bài sau thời gian đăng tải không bao lâu, nhà báo tự do Vũ Bình cho rằng do ban Tuyên giáo chưa kịp định hướng.
“Ví dụ như giàn khoan HD981 vừa vào Biển Đông, chưa kịp định hướng thì cứ nghĩ là được đăng bình thường thì các báo đăng lên. Nhưng ở trên lúc ấy mới cập nhật tin tức, họp hành, biết là chuyện này không nên đưa, không có lợi cho nhà cầm quyền, thế là mới đưa ra những cấm đoán, thông báo sau.”
Trong tình huống đó, chính mạng xã hội lại là công cụ truyền thông đưa người dân đến với thông tin đó. Cư dân mạng chụp lại, hoặc sao chép lại nội dung của bài báo trước khi bị tháo khỏi mặt trận thông tin chính thống của Ban Tuyên giáo.
Và sau đó, họ truyền nhau bằng các công cụ mạng xã hội.
Phản biện
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức An, Giảng viên cao cấp ngành báo chí tại Đại học Bournemouth, Anh, có đăng tải một bài viết trên báo Tuổi trẻ trong nước chia sẻ quan điểm của ông về mạng xã hội. Ông đưa ra một cách nhìn khác từ cái bất lợi của những nguồn tin chưa được kiểm chứng do cộng đồng mạng truyền nhau.
Ông cho rằng vai trò của báo chí chính thống vẫn đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ số.
“Thế giới mạng đang đi ngược lại truyền thống. Thường thì báo chí truyền thống lọc thông tin trước khi xuất bản, còn Facebook lại là nơi người ta có quyền xuất bản trước, rồi mới lọc ngược lại người đọc.
Người ta cũng có thói quen theo kiểu bầy đàn, tức là dễ tin vào những điều có nhiều người tin – vì họ cảm thấy an toàn hơn. Cứ thế, độc giả có xu hướng cuốn theo sự đồng ý hơn là bất đồng. Họ không thể, và có khi không muốn nghe ý kiến trái chiều”.
Phản biện của Tiến sĩ Nguyễn Đức An được đưa ra dưới góc nhìn chuyên môn của một ký giả trong một xã hội tự do báo chí. Bởi vì, theo nhà báo tự do Vũ Bình, ở Việt Nam hiện tại, như một lẽ tự nhiên, người dân không muốn xem và đọc thông tin trên báo chí truyền thống nữa, tạo cơ hội cho các mạng xã hội làm nhiệm vụ thay thế.