Hướng xuất hành đầu năm
Thế vận hội mùa đông sẽ khai mạc tại Sochi vào ngày 7 tháng 2, và cả thế giới đang hồi hộp trước lời đe dọa khủng bố của lực lượng Hồi giáo chống Nga đòi độc lập cho vùng Checnya. Trong khi đó nhiều nguyên thủ quốc gia từ chối lời mời của Tổng thống Vladimir Putin mời họ tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Sochi, với lý do nước Nga không tôn trọng nhân quyền. Nhiều quốc gia chưa ngỏ ý từ chối đã nhận được thư cảnh báo khủng bố của lực lượng Hồi giáo nói trên. Riêng về Nhật Bản và Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đáp ứng lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa động 2014 ở Sochi.
Chẳng biết ông Tập có nhờ thầy coi hướng và ngày giờ xuất hành không, nhưng ông Tập tuổi Quý Tỵ sinh tháng Mậu Ngọ,ngày Đinh Dậu, đã chọn hướng chính Tây, vượt 6200 km để đến Sochi vào ngày 6 tháng 2 tức 7 tháng giêng âm lịch, trong chuyến xuất ngoại này (trong khi lịch khuyên nên xuất hành hướng đông nam) và với tính cách quốc gia thì đây là chuyến xuất hành đầu năm của vị nguyên thủ quốc gia Trung Hoa trong năm Giáp Ngọ. Việc phán định tốt xấu hên xui phải được dành cho các nhà tử vi lý số, qua những dữ kiện nêu trên.
Chỉ biết, qua lời bộ ngoại giao Trung Quốc, là ông sẽ không nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Có tin nói là bộ ngoại giao Bắc Kinh yêu cầu người Nga đừng xếp đặt cho hai nhà lãnh đạo ngồi gần nhau ở mọi nơi trên đất Nga.
Cô lập, cô đơn
Bàn về chuyến đi đầu năm của ông họ Tập, người ta cho rằng đối với thế giới, ông muốn chứng tỏ Trung Quốc, dưới quyền lãnh đạo của ông, là một quốc gia luôn mong muốn xây dựng hợp tác quốc tế cho hoà bình và văn hóa tốt đẹp của thế giới. Thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc nói là chủ tịch họ Tập muốn bày tỏ sự ủng hộ nước Nga trong việc tổ chức thế vận hội mùa đông. Trong khi đó ta cũng biết nhiều nước phương Tây đã tẩy chay lễ khai mạc này với lý do Moscow cấm người đồng tính luyến ái cổ động trong lễ hội Sochi, và Trung Quốc cũng đang bị chỉ trích vì những vụ vi phạm nhân quyền. Mới hôm thứ tư có vụ ông Hứa Chí Vĩnh và luật sư của ông phản đối phiên tòa bằng sự im lặng, vì họ nói phiên tòa chỉ là màn kịch, họ không thể đồng lõa đóng trong màn kịch thô kệch đó.
Trung Quốc có vẻ như đang "chọn bạn mà chơi" trong lúc bị "cô đơn" vì tội xâm phạm nhân quyền và vì vùng nhận dạng phòng không, thêm nữa là thông cáo buộc các nước phải xin phép khi đánh cá ở biển Đông Việt Nam.
Sau khi Bắc Kinh giành chiếm không phận nhận dạng phòng không và thông báo tàu cá các nước phải xin phép hành nghề trong vùng hải phận chín đoạn, thường gọi là vùng lưỡi bò, các nước xung quanh như Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Philippines cùng với Hoa Kỳ, và cả Ấn Độ cùng một số nước khác, đã mạnh mẽ phản đối. Mỹ, Nhật, Hàn quốc còn điều động phi cơ, tàu chiến họat động ngay trong vùng nhận dạng phòng không đó như để tỏ ra coi thường những quy định độc đoán của Bắc Kinh, tuy rằng vẫn chỉ thị cho các phi cơ dân dụng báo cáo nhận dạng cho Hoa Lục.
Vòng đai Ấn Độ Dương- biển Đông- Hoa Đông
Nói đến Ấn Độ lại nhớ những chuyến đi trong tuần qua của bà Tổng thống Hàn quốc Park Geun-Hye sang Ấn Độ, trong khi từ nhiều năm nay Nhật Bản đã xác định rất minh bạch ý muốn liên minh với cường quốc Nam Á xa xôi này.
Từ năm 2007 khi ông Shinzo Abetrong nhiệm kỳ thủ tướng thứ nhất đã tuyên bố "một nước Ấn Độ hùng cường giúp cho Nhật những lợi ích lớn lao nhất, cũng như một nước Nhật hùng mạnh cũng nằm trong quyền lợi to lớn nhất của Ấn Độ".
Về phía Ấn Độ thì lâu nay đã tỏ mối quan tâm nhiều hơn đến Đông Nam Á, nơi địa bàn biển Đông bị Trung Quốc áp chế kịch liệt, mà ít lưu tâm đến vùng Đông bắc Á xa xôi. Tuy nhiên quan hệ kinh tế và quốc phòng với Nhật Bản đã biến chuyển mạnh mẽ từ khi ông Shinzo Abe trở lại ghế Thủ tướng, sau đó là lúc Tokyo và Bắc Kinh đấu khẩu ngoại giao dữ dội vì vấn đề Senkaku/ Điếu Ngư và vùng nhận dạng phòng không.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsonuri Onodera đã thăm Ấn Độ gần như cùng lúc với chuyến công du của bà Tổng thống Hàn quốc.Tháng trước, Nhật Hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko đã mở chuyến thăm lịch sử sang Ấn Độ, vào thời gian 53 năm kể từ khi Hoàng thái tử Akihito và công nương Michiko thăm Ấn từ năm 1960. Thêm nữa, vào chủ nhật ngày 26 tháng này Thủ tướng Shinzo Abe cũng sẽ thăm chính thức Ấn Độ nhân ngày quốc khánh ở New Delhi.
Trong bối cảnh mối giao hảo Nhật Ấn tăng tiến mạnh mẽ trong tinh thần liên kết, Hàn quốc không thể ngồi yên, giữa khi Seoul vừa tranh chấp lãnh hải với Tokyo vừa đòi lãnh hải với Bắc Kinh.
Về phía Ấn Độ, chiến lược "Hướng về phía Đông" từ hai thập niên nay của New Delhi nay đang được hâm nóng và tăng tiến với những chuyến công du của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn quốc. Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Antony đã mô tả Hàn quốc như một thành tố quan yếu trong nhãn quan của New Delhi về một kiến trúc Đông Á đang vươn lên.
Trong khi đó đối với Seoul Trung Quốc không phải là mối quan tâm hàng đầu, mà Bắc Hàn mới là mối lo sát cạnh.
Điều Seoul cần đến là sức mạnh của hải quân Ấn Độ và kỹ thuật hỏa tiễn, không gian, để có thể bắt kịp và vượt qua khả Bắc Hàn trong lãnh vực này. Ngược lại New Delhi cũng cần liên kết với kỹ thuật công nghiệp và thương mại của Seoul, cùng với một địa bàn hoạt động ở cửa ngõ bên bờ Hoa Lục, mà không đâu tốt hơn là hải phận biển Nhật Bản giữa hai nước Nhật Hàn.
Năm 2009 hải quân Ấn Độ đã bắt giữ một chiếc tàu hàng của Bắc Hàn quanh vùng quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ dương, phát hiện hàng hóa có phóng xạ trên tàu này.
Hai nước Ấn-Hàn cũng còn cần nhau trong lãnh vực đầu tư, với kỹ thuật của Hàn quốc và thị trường Ấn Độ rộng lớn.
Đối trọng
Trong khi đó thì Trung Quốc không trông mong gì được vào Bắc Hàn, và Bắc Kinh hẳn phải thấy vòng đai hải quân của liên minh Mỹ-Úc-Nhật-Ấn càng ngày càng siết chặt quanh tham vọng đại dương của họ, như thường được nói nhiều lần trên diễn đàn này. Nay "liên minh vòng đai nam Trung Hoa" lại có thêm Hàn quốc là một nước có nền kỹ thuật đáng kiêng nể. Cầm bút chì vạch một đường nối các thủ đô Ấn Độ, Singapore, Philippines, Việt Nam, Okinawa, Nhật Bản, nay lại thêm Seoul của Hàn quốc, người ta thấy ngay đại lục Trung hoa bị bọc kín từ nam sang đông.
Chỉ còn nước Nga ở phía bắc là chìa tay tiếp cứu cho xứ khát dầu nhất thế giới này, sau chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình với những hiệp ước khổng lồ về nguyên nhiên liệu và thương mại.
Tuy rằng trên bình diện chiến lược, Nga vẫn tỏ rõ ý không muốn Trung Quốc tung hoành như chỗ không người ở vùng biển phía nam Trung Hoa, nhưng hai nước này vẫn cần đến nhau để lập thế đối trọng với siêu cường hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, mà nay đang hồi phục kinh tế và chuyển trục chiến lược sang châu Á.
Cho nên Bắc Kinh phải kiến tạo mối giao hảo với Moscow trong mọi cơ hội, và nhân đó chủ tịch Trung Quốc đã chọn Sochi làm hướng xuất hành đầu năm con ngựa.