Hôm 7/8/2014, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) tại Thủ đô Washington có phổ biến bài viết về việc Hoa Kỳ cần lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN. Vũ Hoàng phỏng vấn đồng tác giả Murray Hiebert, nghiên cứu chính trị Đông Nam Á của CSIS. Trước tiên, ông Hibert cho biết những điểm chính trong bài viết của mình:
Kế hoạch này bắt nguồn từ nhiều thứ nhưng cụ thể là sau chuyến thăm của chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang hồi tháng 7 năm ngoái khi 2 nước quyết định thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Điều này có nghĩa rằng 2 quốc gia nhất trí cải thiện quan hệ trên tất cả mọi cấp độ kể cả những quyết định thảo luận các vấn đề khó khăn. Tôi cho rằng, cuối cùng khi 2 quốc gia muốn hoàn toàn bình thường hóa các mối quan hệ thì việc dỡ bỏ một số lệnh cấm trong những lĩnh vực như an ninh hàng hải, radar hay những lĩnh vực tương tự, có thể sẽ có lợi cho Việt Nam và cũng giúp Hoa Kỳ trước những quan ngại về sự lấn lướt của Trung Quốc ngày càng tăng trên Biển Đông.
Vũ Hoàng: Với việc ông Ted Osius vừa được đề cử trở thành tân đại sứ Hoa Kỳ đến Việt Nam, ông nghĩ rằng ông Osius sẽ trở thành một nhân tố thúc đẩy cho tiến trình dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương từ Mỹ?
Ông Hiebert: Khi ông Ted Osius được đề cử 2 tháng trước đây, tôi nghĩ rằng vấn đề này đã được nêu lên có lẽ là từ thượng nghị sĩ John McCain. Họ đã thảo luận và dường như là thượng sĩ McCain đã ủng hộ ý kiến đó. Và rồi tuần trước, phía Hoa Kỳ đã cử phái đoàn quốc hội tới Việt Nam trong đó có thương nghị sĩ McCain. Như tôi được biết, đã có những trao đổi cho thấy phía đại biểu quốc hội Hoa Kỳ quan tâm, đồng thời, phía chính quyền Hà Nội cũng tỏ ý muốn phía Mỹ bắt đầu giảm bớt những cấm vận về việc bán thiết bị quân sự cho họ.
Tôi cho rằng, nếu mục tiêu của chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ là cải thiện các mối quan hệ của mình, thì đây là thời điểm lý tưởng để thực hiện các bước tiến đó. <br/> - Ông Hiebert
Vũ Hoàng: Ông đánh giá thế nào về bối cảnh hiện nay giữa 2 quốc gia khi gần đây Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận hạt nhân dân sự gọi tắt là Hiệp định 123 và có thể trong tương lai là bán vũ khí sát thương?
Ông Hiebert: Theo tôi thì có 2 bước trong tiến trình cải thiện các mối quan hệ. Dĩ nhiên là còn rất nhiều những vấn đề khác nữa. Về phía Hoa Kỳ, vấn đề lớn đối với chính quyền hiện tại là tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Như quý vị thấy là thông thường khi vấn đề cải thiện quan hệ với Việt Nam bao gồm việc Việt Nam nằm trong Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các hiệp định thương mại gồm cả thiết bị quân sự thì vấn đề nhân quyền lại được nêu lên. Vấn đề nhân quyền này bao gồm việc bắt giữ các bloggers của Việt Nam cũng như các vấn đề khác liên quan đến dân chủ, các nhà vận động nhân quyền tại Việt Nam.
Do đó, tôi hoàn toàn nghĩ rằng đối với những vấn đề như quân sự, cấm bán thiết bị quân sự… sẽ được giải quyết bằng những đòi hỏi từ cả 2 phía, cần vạch ra cách thức giải quyết sự khác biệt về vấn đề nhân quyền. Tiến trình này cũng đòi hỏi phía Việt Nam cần dễ dãi hơn đối với những người nêu lên chính kiến của họ về vấn đề chính trị một cách bất bạo động.
Vũ Hoàng: Như ông có nhắc tới lúc đầu là Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông, ông có nghĩ rằng đây là nhân tố khiến Hoa Kỳ có thể đẩy nhanh việc dỡ bỏ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để đối lại những sự việc trên?
Ông Hiebert: Điều này đúng là mang lại động lực để giải quyết vấn đề. Cả hai quốc gia đều lo ngại đến sự lấn lướt gần đây của Trung Quốc. Do đó, tôi có thể khẳng định rằng mặc dù cả phía Mỹ lẫn Việt Nam đều nói họ cải thiện quan hệ chỉ trên phương diện song phương nhưng thực chất Trung Quốc cũng là một nhân tố trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Tiến trình này cũng đòi hỏi phía Việt Nam cần dễ dãi hơn đối với những người nêu lên chính kiến của họ về vấn đề chính trị một cách bất bạo động. <br/> - Ông Hiebert<br/> <br/>
Tôi cho rằng, nếu mục tiêu của chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ là cải thiện các mối quan hệ của mình, thì đây là thời điểm lý tưởng để thực hiện các bước tiến đó. Tôi nghĩ rằng về phía Việt Nam điều này có thể khá khó khăn vì giữa năm tới, Đảng Cộng Sản sẽ bắt đầu cho kỳ đại hội Đảng diễn ra vào đầu năm 2016 trong khi đó, phía Hoa Kỳ cũng có các cuộc bầu cử quốc hội và Tổng thống diễn ra vào năm 2016. Vì lẽ đó, cả 2 phía nên đẩy nhanh tiến trình này càng sớm càng tốt vì khi mùa chính trị diễn ra thì những vấn đề cải thiện quan hệ sẽ không còn được chú trọng.
Vũ Hoàng: Như chúng ta biết là Hoa Kỳ và Nhật Bản là các quốc gia đồng minh, nếu trong trường hợp trở ngại về bán vũ khí sang Việt Nam, ông nghĩ có khả năng nào Hoa Kỳ sẽ thông qua liên minh quân sự là Nhật Bản để họ trở thành bên thứ ba bán vũ khí cho Việt Nam?
Ông Hiebert: Đây là một câu hỏi khá khó. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy Nhật Bản đang trợ giúp cho Việt Nam tàu chiến, một số tàu tuần duyên… Dĩ nhiên, Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, việc bán vũ khí cho Việt Nam thì lại có thể gặp phải những khó khăn bởi một số điều khoản trong hiến pháp của Nhật Bản không cho phép thực hiện điều này.
Tôi không biết liệu cách thức gián tiếp này có thực thi được hay không. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ không thể bán vũ khí trực tiếp sang Nhật Bản, rồi Nhật Bản lại tiếp tục bán vũ khí đó sang Việt Nam… điều này chắc chắn sẽ vấp phải những lệnh cấm bán vũ khí tương tự. Vì vậy, để việc bán vũ khí có thể thực hiện được đòi hỏi phải dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Tôi tin là Quốc hội Hoa Kỳ sẽ chẳng lấy gì làm vui vẻ khi sự việc lại phải thông qua một nước thứ 3 như vậy cả.
Vũ Hoàng: Cảm ơn ông đã giúp chúng tôi thực hiện chương trình này.