Giải pháp tình thế
Thu hoạch rộ đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long và kéo dài cho đến cuối tháng 3 trên tổng diện tích 1.550.000 héc-ta. Nhưng sau ngày Tết việc tiêu thụ vẫn hết sức trầm lắng, nông dân tiếp tục không thấy bóng dáng thương lái ngay trong ngày 19/2, tức 1 ngày trước thời điểm doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được chính phủ cho vay vốn cấp bù 100% lãi suất để thực hiện tạm trữ.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long mô tả tình hình thực tế tại địa phương, khi lúa đang chín đầy đồng và giá cả thì quá thấp.
“Hiện tại lúa chín vàng đồng rồi, thương lái ép giá dữ lắm… thương lái vắng bóng từ trước Tết 10 ngày tới nay 10 ngày sau Tết hầu như xuất hiện rất ít. Lúa đang chín nhiều lắm mà nông dân không dám cắt vì không có người mua, bán khó khăn. Khổ một cái là mình bán lúa tươi mà đến thời điểm thu hoạch không có người mua thì phải chờ, trong khi nắng hạn thì lúa tươi thành khô, nhưng giá rẻ lợi nhuận ít. Từ ba vụ lúa gần đây ít có thương lái mua lúa khô, họ chỉ mua lúa tươi. Nếu phơi khô thì giá cao hơn nhưng không có người mua. Giá lúa tươi lúa đẹp hạt dài chỉ bán được 4.300 đ-4.400đ tính ra lúa khô khoảng 5.100đ-5.200đ”
Đông xuân là vụ lúa lớn nhất trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long, thu hoạch trong mùa khô nên phẩm chất hạt lúa tốt hơn các vụ hè thu, thu đông. Với diện tích canh tác khoảng hơn 1,5 triệu héc-ta của vụ đông xuân này, các tỉnh miền tây sẽ thu hoạch toàn vụ hơn 9 triệu tấn lúa tương đương 5 triệu tấn gạo. Kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 20/2 diễn ra theo cơ chế bình thường trước đây, doanh nghiệp được VFA phân bổ chỉ tiêu được vay vốn ngân hàng lãi suất 0% trong vòng 3 tháng từ 20/2 tới 20/5/2013. Theo VFA, các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình.
Đây là giải pháp tình thế, những năm đầu như thế thì thấy nó cũng phù hợp, nhưng tôi có cảm tưởng cách làm như thế nó cũng quen cũng lờn, các doanh nghiệp mang tính cách ỷ lại, chính phủ cho tạm trữ thì mua, không thì thôi. <br/>Ô. Nguyễn Minh Nhị <br/>
Được biết cơ chế mua tạm trữ gạo của VFA từng bị phê phán trong những năm trước đây là phục vụ nhóm quyền lợi, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp thay vì nông dân.
Nhận định về kế hoạch tạm trữ vụ đông xuân 2012-2013, Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho rằng: vấn đề tạm trữ xuất phát từ thực tế doanh nghiệp của Việt Nam, từ quốc doanh cho tới tư nhân, chưa thiết lập được quan hệ thị trường bền vững. Tức là mua bán thời vụ có tính cách tự phát trôi nổi, không có thị trường bền vững. Doanh nghiệp sợ lỗ lã cho nên không chịu mua gạo, chừng nào ký được hợp đồng mới mua cho chắc ăn. Tình trạng này dẫn đến lúa gạo tồn đọng nông dân không bán được lúa. Do vậy chính phủ mới có chủ trương tạm trữ hỗ trợ lãi suất vốn vay để doanh nghiệp chịu mua gạo. Việc này có mục đích giải tỏa tình trạng thời vụ đông ken. Ông Nguyễn Minh Nhị nhấn mạnh:
“Đây là giải pháp tình thế, những năm đầu như thế thì thấy nó cũng phù hợp, nhưng tôi có cảm tưởng cách làm như thế nó cũng quen cũng lờn, các doanh nghiệp mang tính cách ỷ lại, chính phủ cho tạm trữ thì mua, không thì thôi. Chỗ này là một nhược điểm của ngành lúa gạo của Việt Nam. Tôi thấy tới bây giờ mà còn duy trì cơ chế này thì đúng là bị động, là điều chưa tiến bộ. Chính phủ vì nôn nóng, chính phủ cũng chưa có cách nào để giúp cho các doanh nghiệp tự lực vươn lên đâu, phấn đấu lời ăn lỗ chịu, thủ chắc phần mình thì đẩy cái phần khó cho người nông dân. Chính phủ ở giữa để xử cái này thì nó chỉ mang tính giải pháp tình thế. Mà tình thế thì những năm đầu nó phù hợp, còn cứ kéo dài thế này thì nông dân chịu thiệt tiếp và chánh phủ cũng thiệt luôn vì mất một số tiền. Cho nên kiểu kinh doanh thế này là không tốt.”
Ai được lợi?
Trong hơn 1 năm qua, Bộ NN-PTNT và các nhà khoa học thực hiện rất nhiều cuộc hội thảo để tìm ra một cơ chế tạm trữ lúa gạo mang lợi ích trực tiếp đến nông dân nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải đáp. Trên thực tế doanh nghiệp không trực tiếp mua lúa của nông dân mà chỉ mua gạo lức nguyên liệu tại kho của mình. Điều này tạo ra trung gian thương lái, vì nông dân không thể chở lúa đi sấy rồi xay ra gạo và đem bán tận kho doanh nghiệp. Dù cơ chế bất cập, nhưng giới chức của Bộ là Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt phát biểu với báo chí là cho tới nay “chưa có cơ chế nào tốt hơn cơ chế tạm trữ của VFA để có thể thay thế.”
Cũng như những vụ lúa được thực hiện tạm trữ đã qua, các Bộ ngành của chính phủ tính toán giá bình quân sản xuất lúa vụ đông xuân 2012-2013 ở đồng bằng sông Cửu Long là khoảng trên 3.600đ/kg và như thế giá sàn mua gạo tạm trữ được tính ở mức tương đương giá lúa không dưới 5.000đ/kg. Mức giá này được cho là tính toán đủ cho nông dân có lãi 30%. Tuy vậy người nông dân đồng bằng sông Cửu Long có cách nhìn nhận rất khác:
Tôi không biết mấy ông có tính tiền thuê đất không? phải tính chứ vì đất là tài sản của tôi mà. Vì họ không tính tiền thuê đất, tiền công của mình quản lý nếu tính đủ thì thật ra là huề thôi.<br/>Một nông dân ĐBSCL
“Ngành nông nghiệp tính giá thành vụ đông xuân này khoảng 3.616đ/kg lúa. Tôi không biết mấy ông có tính tiền thuê đất không? phải tính chứ vì đất là tài sản của tôi mà. Vì họ không tính tiền thuê đất, tiền công của mình quản lý nếu tính đủ thì thật ra là huề thôi.”
Cả nông dân lẫn chuyên gia đều biết rằng, đầu ra tiêu thụ và xuất khẩu mới là yếu tố quyết định giá cả lúa gạo và lưu thông thị trường. Trong những năm gần đây Việt Nam luôn xuất khẩu từ 7 triệu tấn gạo trở lên, thậm chí năm 2012 xuất tới 7,7 triệu tấn, điều này cho thấy gạo Việt Nam có thị trường tiêu thụ. Còn chính sách điều hành hoạt động xuất khẩu gạo được thực hiện như thế nào lại là câu chuyện khác.
Câu hỏi của nông dân gởi đến chúng tôi là phải chăng có sự vận dụng thông tin phục vụ lợi ích nhóm để xảy ra tình trạng lúa tồn đọng, dẫn tới những khoản cho vay khổng lồ được ngân sách cấp bù lãi suất và thực hiện thu mua với giá thấp nhất có thể. Ai được lợi về tình trạng này, chắc chắn đó không phải là nông dân.
Theo dòng thời sự:
- Xuất khẩu gạo với dự báo xám
- Phía sau 9,2 tỷ USD xuất siêu nông lâm nghiệp
- Nông dân cần lợi nhuận, chẳng cần đứng đầu
- Tìm giải pháp thay thế mua tạm trữ gạo
- Giá lúa vẫn thấp dù được "mồi" giá
- Tại sao nông dân sợ hãi "mua tạm trữ"
- Đồng bằng Cửu Long: bấp bênh giá lúa
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Lúa gạo bất ổn cả sản xuất lẫn đầu ra
- Thị trường hàng hóa: lời giải được mùa mất giá
- Lại tái diễn được mùa rớt giá
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?