Phát triển mạnh khối doanh nghiệp tư nhân
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017, diễn ra vào sáng ngày 13 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một trong số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu hàng đầu là Chính phủ phải nỗ lực tạo lập môi trường cạnh tranh toàn diện; bao gồm phát triển đồng bộ các loại thị trường, tăng quy mô và mức độ cạnh tranh thị trường, đồng thời đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nêu lên Chính phủ chú trọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp; đặc biệt các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Chủ trương về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định ban hành trong Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5 hồi đầu tháng 6 vừa qua. Và, tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ 2, được tổ chức vào cuối tháng 7 với sự tham dự của khỏang 1000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh đưa tế tư nhân thành ngành mũi nhọn và là động lực để phát triển kinh tế, sẽ phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp của khối doanh ngiệp này lên từ 50 đến 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Trao đổi với RFA về Nghị quyết 10 của Trung ương, Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết so với nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc nhận định nếu kinh tế tư nhân phát triển thì nguồn thu ngân sách có thể tăng lên, sẽ đóng góp làm giảm bớt bội chi ngân sách nhà nước và nợ công. Theo đề nghị của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những giải pháp có hiệu quả và cần thiết là nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động trong các lãnh vực thuần túy thương mại.
Một, hai năm gần đây thì gần như là tất cả những công trình lớn đều được chính phủ ưu tiên cho các tập đoàn tư nhân lớn. Bây giờ với tình hình hình hiện nay, thì môt số tập đoàn tư nhân lớn cũng phát triển rất nhanh, tạo được uy tín trên thị trường. Thí dụ trong ngành thực phẩm như tập đoàn Hassan hay Vinamilk thì cũng từ nhà nước được tư nhân hóa. Thủy sản thì có rất nhiều tập đoàn làm việc rất bài bản<br/>-Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, Phó Khoa Kinh Tế, Đại Học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội đánh giá tình hình hoạt động kinh tế tư nhân trong vài năm trở lại đây:
“Một, hai năm gần đây thì gần như là tất cả những công trình lớn đều được chính phủ ưu tiên cho các tập đoàn tư nhân lớn. Bây giờ với tình hình hình hiện nay, thì môt số tập đoàn tư nhân lớn cũng phát triển rất nhanh, tạo được uy tín trên thị trường. Thí dụ trong ngành thực phẩm như tập đoàn Hassan hay Vinamilk thì cũng từ nhà nước được tư nhân hóa. Thủy sản thì có rất nhiều tập đoàn làm việc rất bài bản.”
Tuy nhiên, bênh cạnh những đánh giá tích cực của giới chuyên gia kinh tế về chủ trương của Chính phủ Việt Nam chú trọng vào phát triển kinh tế tư nhân, thì vẫn có không ít ý kiến cho rằng giữa chính sách và thực thi là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, ở Singapore, cho biết ghi nhận của ông về thực trạng khác biệt giữa khối doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam:
“Vấn đề phát triển kinh tế tư nhân thì về mặt lý thuyết Đảng coi kinh tế tư nhân là thành phần bình đẳng, và khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy Đảng vẫn có những ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như dành nguồn lực đất đai, việc tiếp cận các nguồn vốn. Thành phần kinh tế tư nhân vẫn bị lép vế. Bây giờ, chỉ có thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là phát triển mạnh, thành phần tư nhân vẫn có nhiều trở ngại.”
Doanh nghiệp tư nhân đối mặt nhiều trở ngại
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, một số các doanh nghiệp tư nhân chia sẻ công việc kinh doanh thực tế vẫn gặp nhiều trở ngại trong vấn đề thủ tục hành chính, chi phí cạnh tranh cao do lãi suất vay ngân hàng không ưu đãi…và rất khó cạnh tranh nổi với các nhóm lợi ích. Một giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu nói với chúng tôi:
“Thị trường bị lũng đoạn bởi các nhóm mạnh quá, đến nỗi bây giờ có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được tình hình. Tạm gọi đó là nhóm lợi ích, nhóm thân hữu. Nhóm thân hữu này cạnh tranh với nhóm thân hữu khác, bằng thủ đoạn này hay thủ đoạn khác, chứ giới doanh nghiệp tư nhân làm sao mà cạnh tranh với các nhóm đó được.”
Tại cuộc gặp gỡ với Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới-World Bank, ông Ousmane Dione vào hạ tuần tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng việc gì tư nhân làm được thì Chính phủ để cho tư nhân làm. Bên cạnh đó, các nhà quan sát tình hình Việt Nam ghi nhận Chính phủ Hà Nội đang nỗ lực thực hiện quá trình cổ phần hóa tại quốc gia này trong nhiều năm qua và hiện tại đang trong giai đoạn cuối cùng, là các doanh nghiệp nhà nước còn lại sẽ thoái vốn và bán cổ phần cho tư nhân.
Diễn tiến mới nhất liên quan, vào ngày 18 tháng 12, Bộ Công Thương mở phiên đấu thầu chào bán xấp xỉ 344 triệu cổ phần, tương đương 54% vốn của Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), là công ty chiếm thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam. Qua phiên đấu thầu này, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage, trong đó ThaiBev có chủ sở hữu 49% mua trọn lô thầu, tương đương 4,8 tỷ đô la Mỹ và đã đặt cọc 10%, cùng với một nhà đầu tư cá nhân là ông Ngô Vinh Hiển, ở Hà Nội mua 20 ngàn cổ phần.
Trên thế giới không có một đất nước nào dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu là chuyện hiện hữu rồi<br/>-Tiến sĩ Ngô Trí Long
Mặc dù Bộ Công Thương Việt Nam cho báo giới trong nước biết phiên đấu thầu Công ty Sabeco được thực hiện đúng lộ trình và theo nguyên tắc công khai minh bạch, tuân thủ đúng quy luật thị trường; thế nhưng các nhà phân tích cho rằng việc đánh giá và thời gian chuẩn bị của phiên đấu thầu Sabeco quá ngắn, không đủ cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Theo như chúng tôi trình bày ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng giữa chính sách và thực thi tại Việt Nam là một khỏang cách rất xa; do đó, các chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ cần thiết phải làm việc chặt chẽ với khối doanh nghiệp tư nhân để tháo gỡ các vướng mắc và trở ngại mà khối này đang đối mặt, cũng như phải tìm các giải pháp hỗ trợ một cách hiệu quả, chẳng hạn như cần có chính sách tiền tệ thích hợp để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.
Trong khi đưa ra các đề xuất nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế lưu ý điểm mấu chốt nếu Chính phủ Hà Nội, qua Nghị quyết 10 của Trung ương vẫn khẳng định theo đuổi quan điểm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt, thì nền kinh tế Việt Nam không có dấu hiệu phát triển lạc quan trong thời gian tới, như Tiến sĩ Ngô Trí Long từng nhận định:
"Trên thế giới không có một đất nước nào dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu là chuyện hiện hữu rồi."
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), hồi cuối tháng 9 đưa ra báo cáo cho thấy Việt Nam xếp hạng 60/138 nền kinh tế, so với vị trí 56/140 của năm 2015, tụt 4 hạng trên Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2016-2017.