Dù có lộ trình mở cửa thị trường nông sản theo các hiệp định song phương, đa phương nhưng một số ngành nông nghiệp Việt Nam trong đó có mía đường vẫn thiếu chuẩn bị và sống nhờ chính sách bảo hộ của Nhà nước. Điều gì sẽ xảy ra khi việc bảo hộ chấm dứt.
Thuế nhập khẩu đường sẽ về 0%
Ngành mía đường không thể cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa thị trường vào năm 2015. Lúc ấy thuế nhập khẩu đường từ 5% sẽ về 0% theo lộ trình hiệp định AFTA khu mậu dịch tự do ASEAN.
Công nghiệp mía đường của Việt Nam với 40 nhà máy sản lượng 1,5 triệu tấn/năm và 300.000 héc-ta cây mía hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long bị lỗ vốn, khi nhà máy đường hạ giá mua mía hơn 100đ/kg. Hậu quả dẫn đến việc nông dân chặt bỏ mía để trồng loại cây khác, hoặc đào ao nuôi tôm.
Trong khi đó các công ty sản xuất đường thì vì giá thành cao, không thể cạnh tranh với đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam khoảng 400.000 tấn mỗi năm, chi phối gần 1/3 thị trường tiêu thụ. Thí dụ điển hình giá đường thành phẩm của các nhà máy Việt Nam từ 11.000đ tới 12.000đ/kg tới tay người tiêu dùng từ 13.000đ-14.000đ/kg, trong khi đường cùng loại của Thái Lan dù đi qua Campuchia rồi nhập lậu về Việt Nam mà chỉ khoảng 10.000đ/kg. Đó là chưa so sánh với giá đường cực rẻ chỉ 7.000đ/kg do Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sản xuất ở Attapeu bên Lào.
HAGL họ làm được một việc rất tốt, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp đưa chất dinh dưỡng vào trong nước tưới luôn, họ đã nâng năng suất mía lên 2 tới 3 lần so với VN. <br/> -TS Đặng Kim Sơn
Nếu các doanh nghiệp mía đường của Việt Nam làm được như HAGL bên Lào, thậm chí chỉ đạt 7 phần của họ, thì mới có thể nói chuyện cạnh tranh với khu vực. Điều gì khiến ngành đường Việt Nam tụt hậu đến vậy so với nước bạn Lào, khi mà nhà đầu tư chính là một người đến từ Việt Nam. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn từ Hà Nội nhận định:
“Cái mà tôi được biết về mô hình của HAGL là họ làm được một việc rất tốt, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp đưa chất dinh dưỡng vào trong nước tưới luôn, họ đã nâng năng suất mía lên 2 tới 3 lần so với Việt Nam. Tôi nghĩ đấy là một giải pháp một con đường đi rất hay, cho dù cây mía ở Việt Nam có thể không có vị thế cất cánh. Nhưng mà đối với những cây trồng khác trong tương lai, một trong các nhiệm vụ quan trọng của quá trình tái cơ cấu lại nông nghiệp là phải áp dụng khoa học công nghệ, phải đảm bảo một nền sản xuất vừa tiên tiến vừa thân thiện với môi trường.”
Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đầu tư ở Attapeu bên Lào hình thành một cụm công nghiệp mía đường, kể cả một nhà máy sản xuất cồn ethanol. Nhà máy đường HAGL nằm ngay cạnh vùng nguyên liệu sản xuất mía trên diện tích 6.000 ha và sẽ phát triển lên 12.000 ha. Cánh đồng mía của HAGL được cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, trồng và thu hoạch cũng như hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Cách làm này sử dụng ít nhân công nhưng đạt năng suất trung bình 120 tấn mía/ha, đặc thù có khu đạt 140 tấn mía/ha; năng suất bình quân ở các nước trong khu vực là 90 tấn mía /ha . Trong khi đó các vùng trồng mía ở Việt Nam chỉ đạt năng suất từ 60-70 tấn mía/ha. Do năng suất cao, giá thành 1 tấn mía của HAGL ở Lào chỉ 260.000đ so với 800.000đ tới 1 triệu đồng/tấn mà nông dân Việt Nam phải chi phí.
Dĩ nhiên để đạt kết quả đó HAGL phải bỏ vốn đầu tư cả trăm triệu USD trong kế hoạch dài hạn của họ, trong khi người nông dân trồng mía ở Việt Nam phải tự bươn chải trên đồng mía nhỏ bé của mình. Chẳng có doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền đầu tư cho vùng nguyên liệu mía tập trung và áp dụng cơ giới hóa. Các nhà máy đường chỉ bao tiêu mua mía và sẵn sàng hạ giá bằng nhiều cách kể cả biện pháp đo chữ đường. Ngoài ra nông dân phải tự chở tới nhà máy, thậm chí ở rất xa nên khi tới nơi cả mía và chữ đường cùng hao hụt.
Cần cải tổ nông nghiệp
Về vấn đề cải tổ nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn nhận định rằng việc sản xuất tập trung cho cây trồng hoặc chăn nuôi có thể được giải quyết, cho dù diện tích đất của nông dân Việt Nam là quá nhỏ bé. Ông đưa ra thí dụ:
Tôi nghĩ rằng nếu biện pháp tổ chức tốt gắn bó với quyền lợi của nông dân một cách hợp lý vững bền và áp dụng khoa học công nghệ, thì chắc chắn đem lại hiệu quả cho nền nông nghiệp. <br/> -TS Đặng Kim Sơn
“Tôi chưa rõ lắm về cách thức HAGL hợp tác với nông dân Lào để có được diện tích rất rộng. Nhưng ở Việt Nam cũng có trường hợp như Doanh nghiệp TH True Milk, bằng cách hợp đồng với các nông dân đang quản lý sử dụng đất của các nông lâm trường họ cũng có thể có trong tay hàng chục ngàn héc-ta và họ cũng có điều kiện để áp dụng khoa học công nghệ rất tiên tiến, đem lại hiệu quả sản xuất rất cao. Hiện nay họ đang nuôi 20.000 con bò ở Nghệ An một vùng đất rất khắc nghiệt mà cho năng suất sữa rất cao, bán rất chạy. Tôi nghĩ rằng nếu biện pháp tổ chức tốt gắn bó với quyền lợi của nông dân một cách hợp lý vững bền và áp dụng khoa học công nghệ, thì chắc chắn đem lại hiệu quả cho nền nông nghiệp.”
Công nghiệp mía đường của Việt Nam được phục hồi sau khi chương trình 1 triệu tấn mía đường bị sụp đổ trong thập niên 1990. Lúc đó hàng loạt nhà máy quốc doanh bên bờ vực phá sản vì công nghệ lạc hậu mua hàng phế thải của Trung Quốc. Nhà máy được thành lập theo phong trào và không gắn với vùng nguyên liệu trồng mía. Nhà nước đã cho cổ phần hóa hoặc giải thể các công ty thua lỗ. Tổng nợ hầu như không thể thu hồi của 44 nhà máy đường trong thời kỳ 1990 lên tới 8.000 tỷ đồng theo thời giá lúc đó.
Ngày nay hầu hết nhà máy đường là tư nhân, FDI, hoặc cổ phần hóa từ nhà máy quốc doanh. Cuối năm 2013 Hiệp hội mía đường Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn nhập đường của HAGL về Việt Nam đã gởi công văn cho Bộ Công thương nói rằng, giá đường Việt Nam cao hơn giá khu vực và thế giới vì các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội bảo hộ vùng nguyên liệu mua mía với giá tương đối ổn định cho nông dân. Hiệp hội cho rằng: “Trong khi các quốc gia đứng đầu về sản xuất đường như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan…giá mía mua vào chỉ xoay quanh ở mức 30-35 USD/tấn với chất lượng 13 chữ đường trở lên, thì các nhà máy chế biến đường ở Việt Nam phải chấp nhận mua mía với giá từ 45-50 USD/tấn với chất lượng mía 9-10 chữ đường.”
Trên báo chí không thấy Hiệp hội mía đường nói gì về hướng đầu tư sản xuất mía trên diện tích lớn và áp dụng khoa học công nghệ để đạt năng suất mía cao hơn, hạ giá thành sản xuất mía tương tự như HAGL.
Câu chuyện mía đường là một thí dụ về khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản khác như bắp, đậu nành…khi Việt Nam mở cửa thị trường theo các Hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam tham gia.