Cho đến ngày 8/3 năm 2012 này, Hòa Ái gửi đến quý vị sinh hoạt và cảm nhận của các cô giáo trong ngày lễ đặc biệt này. Mời quý vị cùng theo dõi.
Ngày vui ở trường
Dù không là một ngày lễ trang nghiêm, được tổ chức long trọng, nhưng ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 thật sự là một ngày lễ vui nhất ở các trường học. Các cô giáo không được chế độ nghỉ 1 ngày trong ngày lễ quốc tế dành cho họ. Các thầy giáo lại có một ngày vất vả, cực nhọc do phải ở lại trường sau giờ học và trổ tài nấu nướng, chiêu đãi các cô. Nhiều trường có những sinh hoạt như thi đấu thể thao, tranh tài ở các tiết mục văn nghệ, thi hái hoa dân chủ…Tiết mục các cô chờ đợi nhất là được tự do thoải mái thảo luận trong khi chờ các thầy nấu nướng, dọn bàn mời các cô thưởng thức. Trong cuộc trò chuyện của đài RFA với các cô giáo khắp nơi, Hòa Ái được biết có những trường, các cô vinh hạnh được chính thầy hiệu trưởng tận tay xuống bếp trong ngày 8/3 này:
Riêng Công Đoàn tổ chức thưởng cho giáo viên nữ chúng tôi - mỗi người được một phần tiền chỉ có 50 nghìn thôi. Nhưng đó cũng là phần tượng trưng.
Một Cô giáo
“Thường ngày 8/3, mấy thầy vô nấu một vài món gì đó, mấy cô dọn lên ăn. Tổ chức tọa đàm, hái hoa dân chủ…Vì thầy cô nào cũng phải dạy đến 4 giờ chiều mớibắt đầu tổ chức 8/3.”
“8/3 thì Công Đoàn tổ chức cho các thầy giáo phải thi nấu ăn,tổ nào cũng phải thi nấu ăn, đại diện 2 người. Món ăn đưa ra do Công Đoàn qui định là món ăn tự chọn. Xong rồi, được giải thì lãnh thưởng. Phần món ăn đó được tổ chức trong tổ để cho các nữ, đại khái thì các cô giáo được thưởng thức. Riêng Công Đoàn tổ chức thưởng cho giáo viên nữ chúng tôi - mỗi người được một phần tiền chỉ có 50 nghìn thôi. Nhưng đó cũng là phần tượng trưng.”
Thùy theo mỗi cơ sở trường học mà cô giáo được nhận phần quà trong ngày lễ 8/3 hay không . Những trường học có kinh phí từ căn tin, hay do vận động hội Phụ Huynh Học Sinh và các doanh nghiệp địa phương trong khu vực đóng góp thì các cô sẽ nhận được một bì thư với phần tiền nho nhỏ gọi là tượng trưng. Đa số các trường học ở vùng xa vùng sâu thì không nhận được phần quà tượng trưng này. Tiền quỹ của Công Đoàn trích ra cho phần nấu nướng trong buổi tiệc mừng là do chính các thầy cô đóng góp hàng tháng. Một cô giáo dạy ở vùng xa cho biết:
“Ngày 8/3 thì chắc lấy tiền của Công Đoàn. Công Đoàn là tiền của mình đóng vô. Tiền trừ lương của mình. Công Đoàn phí trừ là 38.500 đồng. Như vậy là hơn 10 phần trăm.”
Dù không được nhận quà, dù không được học sinh tặng hoa, nhưng đối với các cô ngày 8/3 thật sự là một ngày vui. Các cô cảm thấy được có một ngày trong năm được đồng nghiệp nam tôn vinh, chúc tụng và xuống bếp trổ tài nấu nướng cho mình là một điều khích lệ. Hòa Ái hỏi thăm thầy giáo cũ rằng thầy có thấy bị ép buộc phải “hầu” các cô trong ngày Phụ Nữ Quốc Tế không, thầy vui vẻ đáp:
“Thì chuyện phục vụ là chuyện bình thường thôi. Phụ nữ một năm người ta có một ngày lễ này thôi. Cho nên mình phải phục vụ từ A đến Z hết. Đó là vui vẻ làm, vì đối với thầy, ngày nào cũng là ngày 8/3.”
Bình đẳng giới?
Bình quyền thì không thấy bình quyền đâu em ơi. Có lẽ người Việt Nam chúng ta cũng còn một cái gì đó, chứ thấy không bình quyền.
Một Cô giáo
Đa phần các cô giáo tâm tình là lấy chồng thầy giáo thì có thể nghèo khó về vật chất, nhưng đổi lại được đời sống tinh thần mà không phải gia đình nào trong xã hội hiện nay cũng có được. Vì là một nhà giáo, với tư chất của một người hiểu biết, một gương mẫu cho học trò, nên trong đời sống gia đình các cô có được sự tôn trọng và sự đồng cảm cũng như sự giúp đỡ từ người chồng mà cũng là người đồng nghiệp. Các cô cho biết nếu lấy chồng thầy giáo thì đa phần không phải gặp cảnh bạo hành như những phụ nữ khác. Khi đặt câu hỏi về quan điểm bình quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay thế nào, các cô nhận xét:
“Bình quyền thì không thấy bình quyền đâu em ơi. Có lẽ người Việt Nam chúng ta cũng còn một cái gì đó, chứ thấy không bình quyền. Nhưng mình cảm thấy mình hưởng được một ngày được tự do, được người ta phục vụ cho mình thôi. Chứ bình quyền thì chưa thấy gì thể hiện rõ. Mình cảm thấy đó là một ngày mình được hạnh phúc. Mình được mọi người nam giới lo cho mình vậy thôi. Chứ nói bình quyền thấy lớn lao quá, thấy chưa nghĩ được điều đó, thấy chưa thể hiện được điều đó.”
“Cô thấy đa số kinh tế trong gia đình là người nữ lo. Người nữ gánh vác nặng nhọc lắm. Đa số tầng lớp, lấy số đông, tầng lớp nghèo là người phụ nữ Việt Nam cực khổ lắm, gồng gánh, gánh vác tất cả mọi chi phí trong gia đình này nọ, phụ nữ lo toan hết. Cho nên người đàn ông tự nhiên bị hụt hẫng, bị mất vai trò trong gia đình. Cô thấy “nể”, không không tôn trọng lắm.”
Dù xã hội Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhiều với chiều hướng văn minh hơn, giảm bớt nhiều những lề lối cổ hủ, quan niệm hẹp hòi, nhưng như nhận xét là “bình quyền” vẫn còn quá lớn lao, nên nữ giới Việt Nam vẫn mong chờ mỗi một ngày đều là ngày 8/3, không phải chỉ duy nhất một ngày lễ trong năm tượng trưng để an ủi họ.
Video: Phụ nữ Việt Nam mong ước gì nhân ngày 8 tháng 3