Đối tượng bị cưỡng bức
Theo tổ chức này thì những phụ nữ ở Solomon và một số đảo quốc tại khu vực Thái Bình Dương đang là nạn nhân của cái nghèo, bạo lực tình dục và giới.
Ở Thái Bình Dương, nằm về phía Đông của Australia, là hàng loạt các quốc đảo nhỏ như Solomon, Tavalu, Fiji với hàng ngàn đảo và bãi đá. Đây là những quốc đảo nhỏ và nghèo, khá xa cách với thế giới do yếu tố địa lý. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà phụ nữ và trẻ em nơi đây là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do cái nghèo và thiếu thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Ân xá quốc tế công bố hôm mùng 6 tháng 9 về những phụ nữ sống tại các khu ổ chuột ở quần đảo Solomon cho thấy một bức tranh rất ảm đạm về cuộc sống của phần đông phụ nữ và trẻ em ở quần đảo này. Ông Patrick Holmes, Giám đốc điều hành tổ chức Ân Xá quốc tế New Zealand cho biết:
"Nạn bạo hành tình dục và giới có thể nói là khá phổ biến ở khu vực các quốc gia tại Thái Bình Dương, không chỉ ở đảo quốc Solomon, mặc dù báo cáo của chúng tôi tập trung vào Solomon. Điều mà chúng tôi làm là cố gắng tạo một đường nối giữa cái nghèo đói ở các quốc đảo thuộc vùng Thái Bình Dương, với thiếu vệ sinh và nước sạch. Tại các nước này, người phụ nữ thường phải đi rất xa để lấy nước vào các vùng có nhiều bụi rậm hoặc tối tăm, không an toàn để lấy nước cho gia đình."
Báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế có tên ‘Phẩm giá ở đâu’ cho thấy tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại quốc đảo Solomon bắt đầu vào những năm 1970 đến nay đã khiến hàng ngàn người từ nông thôn dồn về thành thị. Rất nhiều người trong số họ phải sống ở trong các khu ổ chuột ở các thành phố lớn, nhất là thủ đô Honiara. Có nhiều gia đình, có đến 10 người sống trong một căn nhà tạm bợ ở các khu ổ chuột.
Tôi rất sợ đi lấy nước vào mỗi sáng bởi vì có một số người đàn ông trong khu ổ chuột vẫn còn thức uống rượu từ đêm hôm trước và thường họ sẽ dồn sự chú ý đến tôi và cưỡng bức tôi.
Bà Maria, cư dân Honiara
Hiện Honiara có khoảng 64 ngàn dân, trong đó 1/3 đang phải sống trong các khu ổ chuột. Báo cáo vào năm 2009 do Úc thực hiện phỏng vấn 208 gia đình ở các khu ổ chuột tại Honiara cho thấy có đến 92% số hộ không có nước sạch trong nhà. Họ phải đi lấy nước rất xa nhà. Có 20% số hộ lấy nước từ giếng và suối nước.
Phụ nữ và các em gái thường là những người đi lấy nước cho gia đình. Mỗi lần đi lấy nước, họ phải đi xa đến 1 cây số hoặc hơn. Và trong các chuyến đi lấy nước như vậy, họ thường dễ chở thành nạn nhân của các vụ cưỡng bức. Maria, một phụ nữ 38 tuổi ở Honiara cho Ân xá quốc tế biết:
"Tôi phải thức dậy từ khoảng 4 giờ 30 sáng mỗi ngày. Sau buổi cầu nguyện sáng, tôi bắt đầu chuẩn bị bữa sáng, chuẩn bị cơm trưa ở trường cho lũ trẻ. Nếu không còn nước sạch trong nhà, tôi phải đi bộ đến đường ống lấy nước ở rất xa. Tôi rất sợ đi lấy nước vào mỗi sáng bởi vì có một số người đàn ông trong khu ổ chuột vẫn còn thức uống rượu từ đêm hôm trước và thường họ sẽ dồn sự chú ý đến tôi và cưỡng bức tôi."
Bị xâm phạm quyền phụ nữ
Thống kê của Tổ chức ân xá quốc tế cho thấy có đến 2/3 phụ nữ ở vùng Thái Bình Dương thừa nhận là đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Nhiều phụ nữ ở khu ổ chuột của Honiara nói với tổ chức Ân xá quốc tế rằng mặc dù họ là nạn nhân của các vụ tấn công, lạm dụng về thể xác và tình dục, thế nhưng họ lại rất sợ phải báo cáo các vụ việc lên cảnh sát vì sợ bị trả thù.
Việc thiếu nước sạch đã khiến cho dân cư ở các khu ổ chuột tại Solomon phải sống trong tình trạng mất vệ sinh, tạo cơ hội cho các bệnh lây nhiễm, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Một cư dân sống tại một khu ổ chuột ở Honiara đã hơn 20 năm cho tổ chức Ân xá quốc tế biết là họ đã phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch như vậy suốt 20 năm qua. Mọi người đều thiếu nước để cọ rửa nhà vệ sinh hàng ngày.
Các tìm hiểu của Tổ chức Ân xá quốc tế cho thấy phần lớn người dân ở các khu ổ chuột phải sử dụng nước ở sông, hồ để tắm rửa. Người dân nhiều nơi phải dùng nước mất vệ sinh trong các giếng để làm nước ăn. Những người dân ở nơi đây và những người làm công tác y tế luôn luôn lo lắng vì rất nhiều cư dân ở các khu ổ chuột thường xuyên bị các bệnh như tiêu chảy, hay tả do sử dụng nước không hợp vệ sinh.
Thiếu nhà vệ sinh, thiếu nước sạch trong nhà, phụ nữ tại các khu ổ chuột ở Solomon phải ra sông suối để tắm, giặt. Rất nhiều người trong số họ nói với tổ chức Ân xá quốc tế rằng họ không có chỗ riêng kín đáo để tắm rửa mỗi khi đến tháng. Điều này vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của phụ nữ, đó là chưa kể họ còn có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của các vụ tấn công, hãm hiếp.
Trong khi gánh nặng lấy nước đè lên đôi vai của những người phụ nữ, thì những người đàn ông ở các khu ổ chuột hầu như không giúp gì cho họ trong việc này. Khi được phỏng vấn bởi tổ chức Ân xá quốc tế, những phụ nữ ở đây cho biết đàn ông thường bận chơi bóng, hay uống rượu, trong khi phụ nữ bận đi lấy nước và chăm lo chuyện gia đình. Ông Patrick Holmes cho biết:
"Những người phụ nữ ở các nước thuộc khu vực này là những người chính chăm lo gia đình, lo cho con cái, cho chồng, họ phải làm mọi việc trong nhà, và thường thì trong văn hóa ở các nước này thì người đàn ông thường phải là người kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng cũng thường xảy ra là người phụ nữ phải làm cả hai việc là chăm lo gia đình và kiếm tiền."
Người phụ nữ không có đủ đại diện của mình trong hệ thống quyền lực của chính phủ, vì vậy họ không có được tiếng nói mạnh mẽ trong chính phủ.
Ông Patrick Holmes
Theo ông Patrick Holmes, thì mặc dù quán xuyết hết chuyện gia đình, nhưng khi người đàn ông say rượu, người phụ nữ lại trở thành nạn nhân của các trận đòn từ những người đàn ông trong gia đình.
Chính phủ Solomon cũng nhìn thấy vấn đề mà những phụ nữ và trẻ em nước này đang phải gánh chịu. Solomons cũng đã tham gia vào công ước của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ từ năm 2002. Tuy nhiên, theo tổ chức Ân xá quốc tế thì Solomon vẫn chưa thực hiện tốt các cam kết của mình với quốc tế trong vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu theo ông Patrick Holmes cho biết không phải do thiếu ý chí chính trị mà do thiếu tài chính, tiền tài trợ từ quốc tế, và điều quan trọng hơn cả là thiếu sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan quyền lực của chính phủ.
"Chúng tôi không nghĩ là họ không quan tâm, chính phủ Solomon đã làm được một vài điều tốt, họ đang đi đúng hướng. Vấn đề không nằm ở chỗ thiếu ý chí chính trị mà thiếu tiền, các nước này phụ thuộc rất nhiều vào tiền kiều hối mà người dân của họ đang sống ở Australia, New Zealand gửi về, ngoài ra là tiền trợ giúp từ nước ngòai, chủ yếu là úc và new Zealand. Thời gian gần đây thì họ đã nhận thêm tiền trợ giúp từ Trung Quốc và Ấn Độ. Họ sẵn sàng nhưng họ thiếu tiền, ngoài ra là thiếu sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống quốc hội, tức là người phụ nữ không có đủ đại diện của mình trong hệ thống quyền lực của chính phủ, vì vậy họ không có được tiếng nói mạnh mẽ trong chính phủ."
Nghèo và thiếu thông tin
Trong khi đó, các đảo quốc như Solomon, Tuvalu, hay Fiji lại là những nước rất ít được chú ý trên thế giới do vấn đề địa lý xa cách. Cũng chính vì vậy mà các chương trình trợ giúp về phát triển của quốc tế và Liên Hiệp Quốc cũng ít đến các nước này. Ông Patrick Holmes giải thích:
"Khu vực này nhìn chung không nằm trong bản đồ về quyền con người hay phát triển được chú ý nhiều. Có nhiều người có lẽ cũng chẳng biết đâu là đảo Solomons. Có rất nhiều các chương trình cho châu Á và châu Phi nhưng dường như khu vực này vẫn chưa được thế giới chú ý đúng mức."
Nhưng tình hình đang dần thay đổi. Vào đầu tháng này, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đến thăm Solomon. Trong buổi họp báo chung với thủ tướng Solomon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh đến tình trạng của người phụ nữ tại đây. Ông nói:
"Chúng ta cần phải cải thiện điều kiện của phụ nữ nơi đây. Tôi đã thảo luận vấn đề này với Solomon và các thành viên của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương để thúc đẩy vấn đề nữ quyền. Cần phải ngăn chặn nạn bạo hành nhằm vào phụ nữ."
Khu vực này nhìn chung không nằm trong bản đồ về quyền con người hay phát triển được chú ý nhiều. Có nhiều người có lẽ cũng chẳng biết đâu là đảo Solomons.
Ông Patrick Holmes
Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng tình hình các quốc đảo ở Thái Bình Dương là một bức tranh nhiều màu sắc. Mặc dù vẫn còn những điểm tối là các vùng xa xôi nơi phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của sự nghèo đói, của bạo lực, đã có những điểm sáng nơi có các phong trào phụ nữ. Một số quốc đảo đã có quy định rõ ràng về số ghế trong quốc hội dành riêng cho phụ nữ. Theo ông Patrick Holmes thì đây chính là những thay đổi tích cực dù còn phải mất rất nhiều thời gian nữa để phụ nữ và trẻ em nơi đây có thể thực sự có được những quyền cơ bản như đúng trong các công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em và phụ nữ.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org