Ngay sau hội thảo Gia Minh hỏi chuyện một người tham dự là thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Biển Đông lâu nay.
Không còn biển để hợp tác
Trước hết, ông đưa ra nhận định về một số điểm mới trong cuộc hội thảo lần này:
Thạc sĩ Hoàng Việt: Tôi đánh giá cuộc hội thảo lần này có nhiều cái hay hơn. Thứ nhất là có nhiều vấn đề thẳng thắn hơn, và các học giả cũng đã trao đổi thẳng các vấn đề bức xúc cũng như cần thiết của tất cả các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Và tôi cho rằng đó chính là cái mới, là cái hay và là cái hấp dẫn trong cuộc hội thảo này.
Gia Minh: Những vấn đề thẳng thắn và cơ bản thì đó là những vấn đề gì ạ?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Có rất nhiều vấn đề, trong đó thứ nhất là có thể nói đó là vấn đề phải trả lời cho câu hỏi ai là người gây ra căng thẳng trên tình hình Biển Đông vừa rồi? Bên phía Trung Quốc thì vẫn cho rằng là Việt Nam, Philippines, Nhật Bản đã gây căng thẳng trên các vùng biển. Nhật Bản thì liên quan đến Senkaku. Nhưng mà các học giả thì đặt ra câu hỏi ai mới thật sự là kẻ gây ra các căng thẳng trên Biển Đông, và hầu hết họ tập trung vào đó chính là các hành động cướp đoạt và gây căng thẳng của Trung Quốc trên rất nhiều vùng biển khác nhau, và chưa kể là họ tập trung vào vấn đề hỏi xem là cái yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc được giải thích như thế nào? Có thể tiêu biểu là ý kiến của GS Ngô Vĩnh Long khi cho rằng nếu mà Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách về "đường lưỡi bò" thì làm gì có không gian biển, làm gì có biển để mà hợp tác chung được. Còn học giả Pháp Daniel Schaeffer thì cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải từ bò cái yêu sách "đường lưỡi bò" đi vì nó không có lý do gì cả, nó cũng chả có cái cơ sở pháp luật nào, và điều đó nó ngăn cản sự hợp tác và duy trì hòa bình - ổn định trên khu vực Biển Đông.
Gia Minh: Sau khi có những ý kiến của các học giả như vậy thì phía Trung Quốc đã phản hồi như thế nào, thưa Thạc Sĩ?
Thạc sĩ Hoàng Việt
Thạc Sĩ Hoàng Việt: Phía Trung Quốc thì cũng có phản hồi. Phía Trung Quốc có một số học giả như là Su-Hao, hôm nay thì có Ren-Yuan-zhe, và họ cũng đưa ra quan điểm như ông Su-Hao thì giải thích rằng thực ra mà nói nhiều quốc gia kết luận rằng Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nhưng mà hiểu "cốt lõi như thế nào?". Đấy, đại ý là ông ta biện minh cho vấn đề đó. Chứ còn, đương nhiên là các học giả Trung Quốc không thể né tránh sự trả lời về "đường lưỡi bò". Đó là vấn đề mà Trung Quốc vẫn lấn cấn như thế. Họ cũng khó trả lời được vấn đề đó.
Có nhiều quan điểm rất hay, trong đó có một vị tướng trước đây trong lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản, ông cho rằng với tình hình này thì có thể phải thành lập một liên minh hoặc là bán liên minh đề kiềm chế hành vi sai trái của Trung Quốc. Và cũng đồng ý kiến với ông đó thì có học giả Renato de Castro của Philippines cho rằng trong lịch sử quan hệ quốc tế không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh các liên minh mà sinh ra đe dọa các quốc gia bị đe dọa thì chúng ta phải kết hợp với nhau thành một liên minh để chống lại sự đe dọa đó. Và điều đó nó dẫn tới, theo cá nhân tôi, cái liên minh này nó không chỉ là một ý tưởng mà nó sẽ trở thành cái liên minh tự nhiên. Vì sao? Vì với các hành động cướp đoạt và gây căng thẳng của Trung Quốc trong nhiều vùng biển liên hệ tới các quốc gia khác mà đương nhiên là họ yếu hơn Trung Quốc rất nhiều, thì họ phải tập hợp với nhau thành một liên minh để họ kiềm chế các hành động quá đáng và sai trái của Trung Quốc.
Gia Minh: Khi người ta nói đến liên minh thì thành hai phía đối đầu với nhau như vậy thì có ai đề cập đến khả năng chiến tranh không ạ?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Thực ra nó không đối đầu đâu anh Gia Minh ơi. Bây giờ khó có thể nói đến đối đầu mà nó chỉ là gì? Ngay cả chính sách của Mỹ cũng vậy, chính sách "pivot" tức là "xoay trục" thì cũng không phải là đối đầu với Trung Quốc, bởi vì các học giả chỉ ra là chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc thứ nhất là không trở thành đối đầu và thứ hai là muốn kéo Trung Quốc trở lại với hệ thống quốc tế và muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, và với trách nhiệm đó thì anh phải tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quốc tế. Chứ còn khả năng chiến tranh xảy ra thì cũng có rất nhiều học giả đặt ra vấn đề này, thế nhưng mà có lẽ rằng trong một tương lai gần thì chiến tranh là một vấn đề mà không ai muốn xảy ra.
Và trong cuộc hội thảo cũng đã có người đặt ra câu hỏi là vậy thì ai có lợi ích trong việc gây căng thẳng? Và nếu chiến tranh xảy ra trên Biển Đông thì bên nào sẽ có lợi ích? Câu trả lời sẽ là không bên nào có lợi ích cả, bởi vì bên nào cũng sẽ bị mất nhiều hơn là được.
Dựa trên luật pháp quốc tế
Gia Minh: Và những nỗ lực lâu nay thì người ta cũng đều muốn rằng dựa trên luật pháp quốc tế giống như là UNCLOS 1982 và qua đó phải có những bằng chứng, những sự kiện, vậy thì những hội thỏ như thế này có đưa thêm được những bằng chứng gì và các nêm họ có nói đến việc tôn trọng những bằng chứng về lịch sử, những bằng chứng liên quan ra sao ạ?
Thạc sĩ Hoàng Việt
Thạc sĩ Hoàng Việt: Cái vấn đề bằng chứng liên quan đến vấn đề chủ quyền, mà vấn đề chủ quyền là vấn đề cực kỳ phức tạp và trong cuộc tranh luận hôm nay thì có liên quan đến vấn đề, đó là tranh chấp trên vùng Biển Hoa Đông thì các học giả Nhật Bản cho rằng Nhật Bản có chủ quyền trên vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư Đài, còn các học giả Trung Quốc thì như GS Su-Hao thì cho rằng nếu Nhật Bản đưa ra những bằng chứng lịch sử về chủ quyền trên Điếu Ngư Đài / Senkaku thì phải được xem xét một cách đầy đủ và khoa học. Và có học giả khác của Trung Quốc là Ren-Yuan-zhe thì cho rằng Điếu Ngư Đài/Senkaku là do Nhật Bản cướp từ tay của Trung Quốc. Vâng, đương nhiên vấn đề chủ quyền là vấn đề khó khăn và quan điểm của bên nào thì cũng cho rằng mình có đầy đủ bằng chứng cả. Thế thì có lẽ là trong hội thảo này thì không đặt nhiều về vấn đề đấy mà đang hướng tới vấn đề là với tình hình như thế này thì chúng ta sẽ làm gì để phát triển được, để duy trì được cái môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông? Và liệu có được một cơ chế để hợp tác, để phát triển, những hoạt động hợp tác của các bên trên Biển Đông hay không? Có lẽ hội thảo tập trung vào vấn đề đấy nhiều hơn là vấn đề về chủ quyền. Về chủ quyền thì mỗi bên đều có lập luận riêng của mình.
Gia Minh: Dạ vâng. Thạc Sĩ thấy là mình còn có cái gì ấm ức mà chưa nói được trong kỳ này không ạ? Hoặc còn có điều gì nảy sinh mà mình muốn tìm hiểu và trình bày không ạ?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Thật ra mà nói là mình còn có rất nhiều điều chưa thể nói hết được trong hội thảo này, mà các học giả cũng vậy thôi. Tất cả những cuộc thảo luận trong hội thảo đều lố giờ vì rất nhiều điều muốn nói mà chưa thể nói hết được. Đương nhiên là nó cũng chỉ tập trung vào vấn đề cơ bản nhất: tranh chấp thế nào, tranh chấp ra sao, chiến lược của Mỹ trong khu vực này như thế nào, chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này ra sao, vấn đề liên quan đến chiến tranh Biển Đông, thì đấy là những vấn đề cơ bản nhưng mà có những tình tiết mới, những quan điểm mới và những góc nhìn mới, cũng như là đưa ra biện pháp mới, thì điều đó có lẽ là luôn luôn cần có sự trao đổi.
Gia Minh: Cảm ơn Thạc sĩ Hoàng Việt rất nhiều với những chia sẻ về cuộc hội thảo Biển Đông vừa mới diễn ra tại Sài Gòn ạ.
Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách Á Châu
Theo dòng thời sự:
- Thử thách cho lãnh đạo mới tại Trung Quốc
- Sự vô nghĩa của từ "hợp tác"
- Trung Quốc rút ra bài học từ vụ án Bạc Hy Lai
- PCT Tập Cận Bình muốn hàn gắn rạn nứt với Philippines
- TQ tránh né vấn đề Biển Đông tại hội chợ Triển Lãm ASEAN-Trung Quốc
- Trung Quốc: khai trừ Ô. Bạc Hy Lai giúp đoàn kết đảng
- Vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu