World Cup Brazil 2014: Đánh giá tình hình bảng H

BELGIUM

Những lần dự World Cup: 1930, 1934, 1938, 1954, 1970, 1982, 1986, 1990, 1994, 1998 và 2002.

Cầu thủ đáng chú ý: Eden Hazard (Chelsea)

Trong thập niên 1980 và 1990, Belgium được chú ý đến vì gây rất nhiều trở ngại cho những đội nổi tiếng hơn ở những cuộc tranh tài quốc tế. Mặc dù chưa hề chạm tay được vào chiếc cúp vô địch thế giới, nhưng thành tích đứng hạng tư ở World Cup Mexico 1986 xác nhận Belgium quả là một đội banh đáng ngại.

Điều không ai ngờ là đường tiến của Belgium bỗng dưng bị khựng lại ngay sau trận gặp Brazil ở vòng 16 hồi 2002. Trận banh đó vẫn còn được nhắc đến vì lỗi trọng tài không công nhận bàn thắng của cầu thủ Marc Wilmots ở hiệp đầu, trước khi Belgium thất thủ trước sức tấn công dũng mãnh của đội banh lẫy lừng xứ Nam Mỹ ở hiệp nhì. Trận banh đó không chỉ kết thúc với sự thất vọng của khán giả ủng hộ Belgium mà còn đánh dấu kết thúc thời vàng son của đội tuyển mang biệt danh “Quỷ Đỏ” trên sân cỏ thế giới. Phải chờ 12 năm sau và qua biết bao nhiêu thử thách, đội tuyển mới xuất hiện trở lại ở World Cup.

Đường dẫn Belgium về Brazil tạo ngạc nhiên cho mọi người: không thua trận nào trong những trận vòng loại của Âu Châu, thắng tất cả những trận đá trên sân khách và dù nằm trong toán với những đội banh thường nằm kèo trên như Croatia hay Serbia nhưng đối phương chỉ tung lưới Belgium được có 4 lần. Những thành tích này là điều ngay chính các binh luận gia thể thao nổi tiếng nhất của Âu Châu cũng phải thán phục, chưa kể đến những dự đoán được đưa ra trước đó với nội dung cho rằng Belgium “chưa đủ vững” để lấy vé đi Brazil phó hội.

Liệu có thể trông chờ những gì ở Belgium ở World Cup 2014? Đây là đội tuyển quy tụ hầu hết những tài năng trẻ, chưa có kinh nghiệm lẫn tên tuổi như Eden Hazard, Vincent Kompany, Marouane Fellaine, Romelu Lukaku, Christian Benteke, Kevin De Bruyne… Mặc dù còn rất trẻ nhưng những gì dàn cầu thủ này đã làm được trong vòng tranh vé đại diện Âu Châu cho thấy họ đủ khả năng và sẵn sàng đương đầu với bất kỳ đội tuyển nào có mặt ở Brazil vào mùa hè năm nay, cũng như chuyện “Quỷ Đỏ” vào đến vòng 16 là điều sẽ không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai, kể cả những người từ lâu vẫn không tin Belgium có đủ điều kiện để dựng lại một đội banh mang đẳng cấp thế giới.

ALGERIA

Những lần dự World Cup: 1982, 1986 and 2010.

Cầu thủ đáng chú ý: Sofiane Feghouli (Valencia)

Algeria gây cú sốc ngay lần đầu tiên dự World Cup (1982) sau khi thắng Tây Đức với tỷ số 2-1 ở vòng bảng, kế đến là chiến thắng lẫy lừng trước đoàn quân Chile của Nam Mỹ, tràn trề hy vọng sẽ đặt chân vào vòng kế tiếp. Rất tiếc điều đó không xảy ra vì Tây Đức thắng Áo với tỷ số nhẹ nhàng 1-0 để 2 đội tuyển đại diện cho Âu Châu đi tiếp vào vòng trong (dựa theo tỷ lệ bàn thắng), cả Algeria lẫn Chile đều bị loại.

Bốn năm sau đó, Algeria trở lại với World Cup nhưng không còn khí thế lẫy lừng như 4 năm trước: ra sân 3 lần, thua 2 trận đầu, chỉ huề được với Bắc Ái Nhĩ Lan ở trận cuối cùng. Mãi 24 năm sau đội banh đầy tên tuổi của Phi Châu mới lấy được vé dự World Cup Nam Phi, nhưng cũng bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Lần này đường đến Brazil của Algeria rộng thênh thang: đoàn tuyển thủ dưới trướng ông huấn luyện viên Vahid Halilhodžic thắng 5 trong 6 trận để dẫn đầu bảng H của Phi Châu, trước khi thắng Burkina Faso không khó khăn ở loạt trận tranh vé dự World Cup 2014.

Với những thành công ở sân nhà, Algeria đến Brazil với nhiều hy vọng sẽ ghi đậm dấu giầy trên sân cỏ Nam Mỹ, dàn cầu thủ với những danh tướng như thủ quân Bougherra, Rafik Djebbour, Carl Medjani và Hassan Yebda được ca ngợi là gạch nối giữa hiện tại và tương lai của một đội tuyển sẽ giữ vai trò tiêu biểu của làng banh da Phi Châu. Một điểm đáng chú ý khác: ông huấn luyện viên Halilhodžic đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ tuổi đã giúp đội thành công trong 2 năm trời vừa qua, hy vọng dàn cầu thủ với đầy nhiệt huyết này sẽ giúp Algeria vượt qua các khó khăn ở vòng bảng để đi tới vòng 16 trước khi chia tay với World Cup Brazil 2014.

RUSSIA (Liên Bang Nga)

Tuyển thủ Alan Dzagoev của đội tuyển Nga. AFP photo
Tuyển thủ Alan Dzagoev của đội tuyển Nga. AFP photo (Tuyển thủ Alan Dzagoev của đội tuyển Nga. AFP photo)

Những lần dự World Cup: 1958, 1962, 1966, 1970, 1982, 1986, 1990, 1994 và 2012

Cầu thủ đáng chú ý: Alan Dzagoev (CSKA Moscow)

Nói đến đội tuyển Nga là phải nói tới 2 giai đoạn khác biệt của lịch sử. Giai đoạn đầu khi còn là Liên Sô với 4 lần vào tứ kết và 1 lần vào bán kết, kéo dài trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1970. Sau đó là giai đoạn toàn những thất bại (trước và sau ngày chủ nghĩa cộng sản Nga sụp đổ): 12 năm liền không góp mặt với World Cup và 2 lần bị loại ngay từ vòng bảng.

Lần này nếu dựa vào thành tích đội tuyển Nga đạt được khi tranh chỗ đại diện Âu Châu, tình hình dường như đã đổi khác. Đứng trong toán F với Bồ Đào Nha, cả hai đều thắng trận sân nhà, các trận tranh tài với những đội tuyển cùng toán sẽ quyết định chiếc vé đi Brazil. Trên đoạn đường quyết định đó, đội tuyển Nga không thua trận nào ở sân nhà, trong khi Bố Đào Nha có 2 trận huề, giúp đoàn Gấu Nga cơ hội đứng đầu bảng và lãnh chiếc vé trực tiếp để đi Nam Mỹ.

Tình hình quả có đổi khác, nhưng sẽ đưa Nga đi xa tới đâu vẫn là diều rất khó đoán. Hai thập niên sau ngày Liên Sô sụp đổ, đoàn quân của Liên Bang Nga có được một đội ngũ cầu thủ trẻ nhưng chưa thật sự mang đẳng cấp quốc tế. Dzagoev là khuôn mặt nổi bật nhưng chưa đủ kinh nghiệm để có thể gánh vác trách nhiệm, tương tự như đồng đội của anh (kể cả Denis Cherychev), những cầu thủ đầy tương lai nhưng chưa có khả năng và sự gắn bó cần thiết để cùng nhau trở thành một đội tuyển mang vóc dáng khổng lổ như đất nước họ.

SOUTH KOREA (NAM HÀN)

Những lần dự World Cup: 1954, 1986, 1990, 1994, 1998, 2002, 2006 và 2010

Cầu thủ đáng chú ý: Ki Sung-Yueng (AS Roma)

Cho dù vẫn chưa phải là đội banh có triển vọng đi thật xa nhưng Nam Hàn vẫn là quốc gia tiêu biểu cho làng bóng tròn Á Châu vì từ 1982 đến giờ liên tục xuất hiện trên sân World Cup. Nhưng phải đợi đến năm 2002 đoàn tuyển thủ khoác áo đội tuyển quốc gia Nam Hàn mới thắng được trận đầu tiên, và cũng năm đó còn trở thành đội banh Châu Á đầu tiên vào đến bán kết. Ngay cả chuyện 4 năm trước đây vào tới vòng 16 trên sân Nam Phi cũng vẫn được giới bình luận thể thao quốc tế xem là một thành tích đầy bất ngờ, dù công nhận khi nói tới làng bóng đá Á Châu hầu như bắt buộc phải nói đến Nam Hàn.

Trên đường dẫn về Brazil, từng có lúc đoàn tuyển thủ Nam Hàn khiến khán giả Á Châu thất vọng khi thất thủ trước Iran cả trận lượt đi lẫn trận lượt về, nhưng đồng thời họ lại chứng tỏ được thực lực khi tranh tài với những đội banh còn lại đứng chung trong bảng A: 4 thắng, 2 huề, đủ để Nam Hàn có vé dự World Cup 2014.

Điều cần phải chú ý tới: thế hệ gây sóng gió 2002 nay không còn nữa, liệu một thế hệ cầu thủ mới Nam Hàn đào tạo có tiếp tục sự nghiệp đàn anh để lại hay không? Chưa thể biết với Ki Sung-Yueng và Lee Chung-Yong là những cầu thủ giỏi ở hàng trung ứng, cộng với Ji Dong-Wong ở hàng tiền đạo có đủ lấp những sơ hở của một dàn hậu vệ chưa có nhiều kinh nghiệm hay không? Nếu không tạo thành được tiếng sét như từng gây nên ở sân Nam Phi hồi 2010, chuyện Nam Hàn phải chia tay với World Cup 2016 ngay từ vòng bảng là điều không thể tránh được.