Kể từ khi FIFA quyết định nâng tổng số đội tuyển dự Giải lên thành 32 đội, đây là lần đầu tiên cả 8 đội tuyển đầu bảng có mặt ở tứ kết, trong số đó có 4 đội đại diện cho làng banh Châu Âu (gồm Pháp, Đức, Hòa Lan và Bỉ) và 4 đội của Châu Mỹ (gồm chủ nhà Brazil, Argentina, Colombia và Costa Rica của CONCACAF). Trước giờ bóng lăn ở tứ kết, những cuộc thăm dò với sự tham dự khán giả khắp nơi và những bảng phân tích do các bình luận gia thể thao của nhiều quốc gia thực hiện đều mang chung một nội dung: làng bóng Châu Mỹ có Argentina và Brazil đứng trong danh sách những đội tuyển có nhiều triển vọng đoạt Giải, đại diện cho nghệ thuật nhồi bóng Châu Âu là Hòa Lan và Đức. Không hẹn mà hò, đây cũng là kết quả cuộc thăm dò bỏ túi do các nhà báo săn tin World Cup Brazil 2014 thực hiện ngay sau khi cuộc tranh tài vòng 16 vừa kết thúc.
Câu hỏi lớn nhất vẫn là những đội tuyển nào sẽ vượt tứ kết để đi tiếp? Bên cạnh câu hỏi rất khó trả lời này, khán giả hâm mộ bóng tròn khắp nơi cũng thắc mắc không biết liệu những trận banh chỉ kết thúc sau khi đá hiệp phụ cũng như được định đoạt bằng loạt đá phạt đền luân lưu -như đã từng xảy ra ở vòng 16- có tiếp tục xảy ra hay không? Các câu hỏi này sẽ được trả lời khi Pháp và Đức gặp nhau ở trận đầu tiên, sau đó là ông chủ nhà Brazil ra sân đón đội tuyển láng giềng Colombia. Hai trận tứ kết còn lại sẽ diễn ra vào ngày mai, với Argentina-Belgium và chấm dứt với trận so giầy giữa ông khổng lồ Hà Lan và cậu em Costa Rica, đội banh gây bất ngờ khi có mặt ở tứ kết.
PHÁP-ĐỨC (sân Estadio Macarana, Rio de Janeiro, sáng thứ Sáu)
Đây là trận banh mà mọi người chờ đợi, cuộc so giầy nào giữa Đức và Pháp cũng là trận banh hứa hẹn hào hứng, sôi nổi, chỉ tiếc là diễn ra ngay ở tứ kết nên đã có người ví trận này như một trận chung kết sớm giữa 2 đội banh gạo cội của làng bóng đá Châu Âu. Hai đội đã gặp nhau 25 lần, Pháp thắng 11, Đức thắng 8 và 6 trận hòa.
Mặc dù Đức được kể là đội tuyển có đủ mọi yếu tố để thành công ở Giải Brazil 2014, nhưng trong trận gặp Hoa Kỳ ở vòng bảng và ngay sau đó là trận gặp Algeria ở vòng 16, thực lực của đội tuyển Đức khiến những người ủng hộ phải e ngại, điển hình là dàn trung vệ thiếu khả năng và dàn hậu vệ thiếu vững vàng, dẫn đến tình trạng suýt nữa đội tuyển Đức phải xách valise về nước. Trong khi đó đoàn tuyển Pháp đá có vẻ đều chân hơn, sống động hơn, dàn dựng sắc bén hơn.
Với Thomas Mueller, Mario Goetze và Mesut Ozil, Đức được dự đoán sẽ thắng trận banh để vào bán kết. Điều này chỉ xảy ra với 2 yếu tố: Lahm phải vất vả hơn để giúp hàng hậu vệ bảo vệ khung thành, và phải phá vỡ những pha dàn xếp của Patrice Evra.
BRAZIL-COLOMBIA (sân Estadio Castelao, Fortaleza, trưa thứ Sáu)
Cuộc chạm trán giữa 2 đội tuyển Nam Mỹ, ông chủ nhà Brazil được chọn đứng kèo trên, nhưng đối thủ Colombia chưa chắc đã chấp nhận vị trí của đội banh đứng hàng dưới.
Trong cương vị đội tuyển chủ nhà, Brazil phải thắng chứ không còn đường nào khác cả. Đá ở sân nhà, Brazil có đủ các lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng có thắng được Colombia hay không lại là chuyện khác. Lý do: sau trận gặp Chile ở vòng 16, Brazil vào đến tứ kết bằng những quả phạt đền, chứng tỏ ông chủ nhà chưa thật sự mạnh như mọi người nghĩ, chưa lộ được chân tướng của nhà vô địch. Trong khi đó trên đường đến tứ kết, Colombia trông bén nhạy hơn, đường banh sắc nước hơn, ra quân với niềm tự tin hơn. Đó là những yếu tố giúp Los Cafeteros thắng cả 4 trận để có mặt ở tứ kết.
Hai đội tuyển đã gặp nhau 25 lần, Brazil thắng 15, thua 2 và hòa 8. Điều quan trọng nhất: dù chỉ mới thắng Brazil được 2 trận, nhưng Colombia của năm 2014 là một đội tuyển hoàn toàn khác với thời xa xưa, và đó chính là trở ngại cho đội tuyển Brazil chưa muốn chia tay với World Cup 2014 ngay ở sân nhà.
Đây cũng là cuộc tranh tài giữa Neymar và James Rodriguez, nhưng yếu tố quyết định thắng bại vẫn là dàn phòng thủ của Brazil. Liệu đó có phải là dàn phòng thủ đã ở thế “vỡ trận” khi gặp Chile, hay là một dàn phòng thủ với chiến pháp hoàn toàn mới, giúp người dân Brazil có thể ngủ ngon hơn sau khi trận banh kết thúc?
ARGENTINA-BELGIUM (sân Estadio Nacional de Brasilia, Brasilia, sáng thứ Bảy)
Trong quá khứ hai đội tuyển này chỉ gặp nhau có 4 lần, Argentina thắng 3, Bỉ thắng 1. Họ không chạm trán với nhau nhiều vì trong thời gian cả chục năm trời đội tuyển Bỉ gần như không có cơ hội xuất hiện ở sân cỏ thế giới, hoặc nếu có, đều bị lu mờ trước tên tuổi của nhưng đội banh tiêu biểu cho nghệ thuật nhồi bóng Châu Âu khác.
Lần này, đường đến World Cup của cả Argentina lẫn Bỉ đều là con đường rất dễ dàng, liên tục thắng hết trận này đến trận khác để Argentina trở thành đội tuyển đứng hàng đầu trong số những đội tuyển được dự đoán sẽ doạt Giải năm nay, và Bỉ đứng đầu danh sách những đội “ngựa về ngược”. Ngay từ lúc banh chưa lăn ở ở Brazil, phần lớn các nhà bình luận thể thao đều tin “đường vào chung kết chác chắn phải qua thành Brussels”.
Argentina quả là một đội tuyển tài ba, với nhiều kiện tướng như Messi và Di Maria; Bỉ thì không có những cầu thủ siêu sao nhưng lại có một dàn cầu thủ kinh nghiệm và trẻ tuổi, trong đó phải nói đến các mũi nhọn Romelu Lukaku và Eden Hazard. Trận Bỉ-Hoa Kỳ ở vòng 16 cho thấy dàn hậu vệ của Bỉ đủ vững để đối phó với những pha công thành của Argentina, dàn trung vệ của họ phát banh chính xác, dàn tiền đạo của họ biết tạo hoặc khai thác cơ hội để làm bàn.
HÒA LAN-COSTA RICA (sân Arena Fonte Nova, Salvador, trưa thứ Bảy)
Lần đầu tiên hai đội tuyển gặp nhau trong trận so giầy được ví giữa một người đàn ông trưởng thành (Hòa Lan) và một anh thanh niên mới lớn (Costa Rica), hoặc cuộc đọ sức giữa một ông khổng lồ (Hòa Lan) và chú bé (Costa Rica).
Nhưng đừng vội coi thường “cậu bé hạt tiêu” là thông điệp Los Ticos nhắn gửi cho thế giới. Vẫn biết Hòa Lan là một đội tuyển già dặn kinh nghiệm, nhưng cả thế giới đang ngã mũ thán phục Costa Rica, đội tuyển gây sốc khi đứng đầu bảng, vào đến tứ kết bằng kỹ thuật nhuần nhuyễn, sức tấn công và quyết tâm của một đội tuyển không có cầu thủ nào ở trong danh sách “siêu sao”. Nên nhớ: World Cup Brazil được công nhận là World Cup của nhửng bất ngờ, đội kèo trên không có nghĩa là đội sẽ chiến thắng một cách dễ dàng.
Điểm khác biệt lớn nhất: ông huấn luyện viên Louis Van Gaal được ca ngợi là người xoay xở tài giỏi nhất, điển hình ông thay đổi đội hình 3 lần trong trận gặp Mexico ở vòng 16, đồng thời cũng là một trong những ông thày đổi cầu thủ đúng người đúng chỗ nhất. Những điều đó cũng sẽ được ông thực hiện trong trận gặp Costa Rica, đặc biệt để cản đường tiến banh và những pha dàn xếp của thủ quân Bryan Ruiz, phá vỡ bức tường cứng rắn do anh hậu vệ Giancarlo Gonzalez xây dựng, buộc thủ môn Keylos Navas phải vào lưới nhặt banh.