Nhiều hệ lụy
Ảnh hưởng nước lũ rút chậm, vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống chậm khoảng một tháng kèm theo nhiều hệ lụy. Tại Hội nghị tổ chức ngày 9/1 tại Tây Ninh, Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn dự báo khoảng 620.000 héc-ta tức 40% tổng diện tích vụ đông xuân 2011-2012 ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước tưới và đến giai đoạn lúa sắp chín có thể bị mặn xâm nhập ảnh hưởng năng suất. Tuy không đưa ra dự báo về thiệt hại một cách cụ thể, nhưng Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc không phủ nhận việc ảnh hưởng sản lượng:
“Thời vụ xuống giống bị trễ của vụ đông xuân sẽ ảnh hưởng đến vụ hè thu và cả vụ thu đông. Như vậy nó cũng sẽ ảnh hưởng năng suất cả ba vụ đông xuân, vụ hè thu và thu đông. Tuy nhiên điều này mới chỉ là dự báo…”
Giảm năng suất sẽ khiến giá thành sản xuất tăng, nhưng điều này chưa làm người trồng lúa đứng ngồi không yên cho bằng tình trạng thị trường trầm lắng hiện nay. Thông thường giá lúa sẽ tăng khi vào mùa giáp hạt, nhưng năm nay lại khác hẳn, những ai trữ lúa nếu muốn bán phải chịu mất khoảng 2.000đ/kg so với cách đây một tháng.
Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị chi phối bởi khả năng xuất khẩu qua số lượng hợp đồng ký được. Nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA lượng hợp đồng ký kết không khả quan. Cụ thể tính đến thời điểm hiện tại chỉ ký kết 1,1 triệu tấn, so với 1,8 triệu tấn của cùng thời gian năm ngoái. SaigonTimes Online trích lời Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết, không những không ký được hợp đồng xuất khẩu mà những hợp đồng đạt được lại có khoảng 780.000 tấn với thời hạn giao hàng kéo dài đến tháng 8/2012.
Thời vụ xuống giống bị trễ của vụ đông xuân sẽ ảnh hưởng đến vụ hè thu và cả vụ thu đông. Như vậy nó cũng sẽ ảnh hưởng năng suất cả ba vụ đông xuân, vụ hè thu và thu đông. Tuy nhiên điều này mới chỉ là dự báo…
Ô. Nguyễn Trí Ngọc
Nguyên do của tình trạng heo hút hợp đồng xuất khẩu là vì giá gạo cấp thấp của Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam cùng loại. Theo thông tin ghi nhận tuần lễ sau tết Dương lịch, Ấn Độ tiếp tục thu hút khách hàng trong khi Thái Lan và Việt Nam vẫn đứng ngoài thị trường xuất khẩu gạo. Nói là để tránh doanh nghiệp xé rào hạ giá gạo, cuối năm ngoái VFA tăng giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm lên mức 500 USD/tấn.
Nhưng trên thực tế giá gạo tham khảo thấp hơn nhiều cho tất cả các loại gạo của Việt Nam và không có giao dịch nào được thực hiện. Theo báo giá ngày 9/1/2012 của Công ty Lương thực Sóc Trăng, gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm giá 455 USD/tấn, gạo 15% tấm giá 435 USD /tấn và gạo 25% tấm giá 420USD/tấn. Như thế giá gạo 15% và 25% tấm của Việt Nam đã được hạ giá chỉ còn cao hơn gạo Ấn Độ từ 15 USD tới 40 USD/tấn thay vì 100 USD/tấn như trước.
Mức lời thấp
Trong lúc nông dân nhiều âu lo về việc giá lúa gạo sụt giảm, ngược lại Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA lại tỏ ra khá bình thản. Dường như các doanh nghiệp không vội vã lắm về việc ký thêm hợp đồng xuất khẩu. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong vẫn đưa ra dự báo năm 2012 sẽ xuất khẩu 6,5 tới 7 triệu tấn gạo, tức là vẫn xuất khẩu nhiều. Ngoài ra ông Phong còn trấn an là nếu lúa khô loại thường giảm dưới 5.000đ/kg thì VFA sẽ thu mua tạm trữ với giá bảo đảm nông dân có lãi từ 30% trở lên. Ông Phong cho biết Bộ Tài chính tính giá lúa bình quân có tính cả yếu tố trượt giá 9%, thì để nông dân có lãi 30% giá lúa khô loại thường không dưới 4.400đ/kg.
Nông dân Cần Thơ chúng tôi hỏi chuyện tỏ ra bất bình về mức giá 4.400đ/kg cũng như mức lời 30%.
“Nông dân suốt đời làm mọi cho mấy ông doanh nghiệp công ty. Nói một câu khách quan lời 30% lấy gì sống, nông dân làm có 3-5 công đất vật giá leo thang cái gì cũng đắt, lời ít quá đâu sống nổi. Nhà nước nói giảm thuế nhưng thực ra giảm cái này kéo cái kia lên còn hơn thu thuế nữa…những mặt hàng nông dân sử dụng cho một vụ lúa như phân bón xăng dầu thuốc trừ sâu đã đánh thuế rồi thì thu thuế nông dân làm chi nữa.”
Những người am hiểu thị trường nói với chúng tôi, nếu VFA dự báo năm 2012 xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn gạo thì rõ ràng họ đang rất bình thản. Dự báo đó tương tự với mấy năm gần đây và doanh nghiệp muốn mua vào giá thấp để chắc ăn và có nhiều lợi nhuận. Cho đến nay dù có nhiều cải thiện nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng tạm trữ cả về đồng vốn lẫn khả năng kho chứa. Đặc trưng của kinh doanh lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam là phải mua vào và bán ra trong thời gian ngắn để xoay vòng đồng vốn lẫn kho chứa.
Nông dân suốt đời làm mọi cho mấy ông doanh nghiệp công ty. Nói một câu khách quan lời 30% lấy gì sống, nông dân làm có 3-5 công đất vật giá leo thang cái gì cũng đắt, lời ít quá đâu sống nổi.
Nông dân Cần Thơ
Trả lời chúng tôi TS Phạm Văn Tấn, chuyên gia về công nghệ sau thu hoạch làm việc ở phía Nam nhận định:
“Dự trữ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long để chờ giá lên khó đáp ứng. Hiện nay tổng công suất kho chứa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ tương đương 1,5 triệu tấn so với nhu cầu là 4 triệu tấn đạt khoảng 25%. Nếu Nhà nước có hỗ trợ để mua hết lượng lúa thương mại trong dân thì chưa có đủ kho để chứa, điều này rất khó khăn. Với 1,5 triệu tấn kho hiện hữu nhưng các kho này cũng chưa đáp ứng yêu cầu chứa lúa trên 6 tháng, đây là một khó khăn nữa.
Nhà nước khuyến khích các công ty lương thực đầu tư thêm kho chứa, để bảo đảm tổng công suất chứa đạt được 4 triệu tấn ở đồng bằng sông Cửu Long đủ chứa 10 triệu tấn lúa thương phẩm một năm bằng với 2,5 lần quay vòng của sức chứa 4 triệu tấn.”
Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 7 triệu 150 ngàn tấn gạo trị giá 3 tỷ 500 triệu USD, kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp tới 90% tổng lượng gạo xuất khẩu và năm vừa qua là lần đầu tiên nông dân có thời điểm bán lúa loại thường với giá 7.000đ/kg. Nay với lạm phát hơn 18% mà giá lúa bảo đảm 4.400đ/kg thì không một người trồng lúa nào có thể chấp nhận được.