Cộng đồng Việt sẽ hình thành ở Papua New Guinea?

0:00 / 0:00

Một áp lực mới đè lên những người Việt tị nạn bằng thuyền đến nước Úc do chính sách mới của nước này đối với vấn đề người tị nạn.

Chính sách tạm thời?

Đứng trước làn sóng thuyền nhân ngày càng đông cặp bờ biển nước Úc, thủ tướng nước này là Kevin Rudd đã đưa ra một chính sách mới dành cho những người tị nạn bằng thuyền, theo đó họ sẽ được đưa đến đảo quốc Papua New Guinea để làm mọi thủ tục giấy tờ, sau đó nếu được tị nạn thì sẽ tị nạn ở đảo quốc này. Tờ Sydney Morning Herald trích lời ông Rudd rằng, những thuyền nhân không có thị thực nhập cảnh Úc sẽ không được đặt chân đến Úc.

Phần lớn số thuyền nhân đến Úc trong thời gian gần đây là từ Pakistan, Afghanistan, Sri Lanka, Myanmar, tuy nhiên cũng có một số người Việt, trong năm nay có khoảng 750 người Việt là thuyền nhân đến Úc.

Phản ứng trước chính sách mới này, theo ông Nguyễn Quang Duy đại diện khối 8406 tại Úc, một tổ chức tranh đấu cho nhân quyền của cộng đồng Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, cho biết là thuyền nhân trong trại tạm cư ở đảo Nauru đã làm loạn. Ông Duy cho chúng tôi biết tiếp về các chính sách tiếp nối nhau về người tị nạn là thuyền nhân trong mấy chục năm gần đây của nước Úc:

Chính sách này có thể bị LHQ phản đối vì Úc đã ký công ước về người tị nạn năm 1951. Đây có vẻ là một chính sách tạm thời thôi để chờ cuộc bầu cử trong vài tháng nữa. <br/> -Nguyễn Quang Duy

“Chính sách cho người tị nạn lúc nào cũng gây tranh cãi ở Úc. Vào những năm 70 nước Úc có chính sách mở cửa nhưng cũng lo ngại một làn sóng đến Úc nên họ khuyến khích người Việt đến các trại tị nạn rồi sau đó chờ thanh lọc để đến nước thứ ba. Sau đó khi các trại tị nạn ở Đông Nam Á đóng cửa, chính phủ ông Paul Keating hồi những năm 80 xây trại trên nước Úc để đón những người Việt từ các nước Đông Nam Á hay từ Việt Nam đến thẳng Úc. Đến những năm 2000 thì chính phủ của ông Paul Howard thực hiện chính sách rất cứng rắn, nhiều thuyền bị kéo ra biển khơi. Chính sách này bị phản đối và vì vậy ông Howard bị ông Kevin Rudd thay thế. Ông Rudd bỏ sự cứng rắn nhưng cũng không có giải pháp nào cho nên số thuỳen nhân lại tăng lên, rồi đến thời bà Gillard cũng thế. Bây giờ ông Rudd lên lại hồi tháng sáu vừa qua lại đề ra một chính sách cứng rắn.

Chính sách này có thể bị Liên Hiệp Quốc phản đối vì Úc đã ký công ước về người tị nạn năm 1951, và cũng có thể là tối cao pháp viện Úc sẽ không thông qua. Đây có vẻ là một chính sách tạm thời thôi để chờ cuộc bầu cử trong vài tháng nữa.”

Một đảo quốc dân chủ

Trong những năm gần đây, thuyền nhân tìm đường đến Úc được cho tạm cư ở các trại trên các hòn đảo Nauru, Manus, hoặc các trại ở lục địa Úc. Cần nhắc lại và vừa qua báo chí Úc có tường thuật một vụ vượt trại của một nhóm người Việt từ một trại tạm cư ở miền bắc nước Úc, gần thành phố Darwin, và cả nhóm sau đó bị bắt lại ở một trung tâm giải trí cách đó 800 cây số.

Nay theo luật mới thì các thuyền nhân sẽ được dẫn đến đảo quốc Papua New Guinea để làm thủ tục và sẽ được định cư ở đó nếu được cho phép.

Bản đồ các trại tị nạn của Úc trên Đảo Manus, Papua New Guinea. AFP PHOTO.
Bản đồ các trại tị nạn của Úc trên Đảo Manus, Papua New Guinea. AFP PHOTO.

Papua New Guinea là một quốc gia độc lập tách ra từ nước Úc hồi năm 1975. Nước này nằm trên một hòn đảo ở vùng xích đạo, về phía đông bắc lục địa Úc. Hiện tại là một quốc gia đô thị hóa rất thấp, nhưng có tốc độ phát triển cao nhờ vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Ông Võ Trí Dũng một người hoạt động cộng đồng của cộng đồng Việt Nam tại Úc cho chúng tôi biết:

“Khi nghe nói về chính sách mới này của Úc chúng tôi cũng lo lắng. Nhưng sau đó thì thấy rằng điều này vẫn tốt hơn ý định trước đây của Úc định ký thỏa thuận cho các thuyền nhân tạm cư ở Malaysia để chờ cứu xét. Nhưng Malaysia không có ký công ước về người tị nạn năm 1951nên Úc đã dừng lại. Papua New Guinea cũng là một quốc gia dân chủ có ký công ước. Nước này không bằng Úc nhưng cũng là một quốc gia dân chủ.”

Song song với việc mở trại tạm cư trên Papua New Guinea, chính phủ của ông Kevin Rudd còn treo giải thưởng cho ai cung cấp thông tin về những đường dây tổ chức nhập cư bất hợp pháp vào nước Úc. Khi được hỏi về vấn đề này ông Dũng cho biết là chưa nghe nói gì một đường dây buôn người như thế liên quan đến cộng đồng Việt Nam tại Úc. Tuy nhiên cách đây không lâu, một tổ chức đưa lậu người như vậy đã bị phát hiện ở Việt Nam và các người cầm đầu đã bị xử án tù.

Trên thực tế trong số người Việt thuyền nhân đến Úc, có nhiều người phải chạy trốn khỏi xứ sở do những lý do tôn giáo và nhân quyền. Ông Nguyễn Quang Duy nói với chúng tôi rằng:

"Đồng bào ra đi vì lý do chính kiến hay tôn giáo thì phải có bằng chứng để chứng tỏ điều đó. Úc là nước ký công ước 1951 về người tị nạn sẽ phải tuân thủ luật pháp quốc tế thôi."

Như vậy nếu không có gì cải thiện, cả tình trạng nhân quyền tại Việt Nam lẫn sự nhẫn nại của nhà cầm quyền Úc trước làn sóng tị nạn bằng thuyền, có lẽ mọi người sẽ chứng kiến sự hình thành một cộng đồng Việt Nam mới trên đảo quốc xa xôi Papua New Guinea.