Nữ văn sĩ Linda Lê : Viết là một thách đố

Linda Lê là một tên tuổi không xa lạ trên văn đàn Pháp. Vừa qua, tác phẩm « Lame de Fond, Sóng Ngầm » của nữ văn sĩ Pháp gốc Việt này là 1 trong 4 tác phẩm được đề nghị cho giải Goncourt, một giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp.

0:00 / 0:00

Một số tác phẩm của Linda Lê cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Thông tín viên Tường An có cuộc tiếp xúc với nhà văn Linda Lê, xin mời quý thính giả theo dõi.

Sách là người bạn gần gủi nhất

« Đơn độc trong đời sống, bi kịch trong tác phẩm, bí ẩn với thế giới chung quanh, độc lập với xã hội, nghiêm khắc với bản thân, phù thủy của ngôn ngữ, một tác giả cay nghiệt và vĩ đại » Đó là chân dung mà báo chí Pháp đã phát hoạ về Linda Lê, môt nhà văn nữ gốc Việt, tác giả của trên 20 quyển sách mà chị đã xuất bản trong vòng 26 năm, nhiều quyển đã được tái bản và dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tác phẩm đầu tiên ra đời năm 1986 « Un si tendre vampire , Con ma cà rồng thật dịu dàng» từ đó chị viết đều đặn với những kỷ luật nghiêm túc mà chị đặt ra cho bản thân. Những tác phẩm của chị đã để lại những dấu ấn trên văn đàn Pháp qua 3 giải thưởng văn học và 1 học bổng năm 2010. Tác phẩm mới nhất là « Lame de Fond, Sóng Ngầm » cũng là 1 trong 4 tác phẩm được đề nghị cho giải Goncourt 2012, một giải thưởng văn học cao quý nhất nước Pháp.

Linda Lê không có gì nuối tiếc về sự chọn lựa của mình mà trái lại chị đứng vững vàng, tự hào trong thế giới đó. Sách là người bạn gần gủi nhất và văn chương là xứ sở an toàn của Linda Lê

Độc giả Việt Nam cũng quen biết Linda Lê qua 4 tác phầm được dịch ra tiếng Việt : « Vu khống, (Calomnies) , Chơi với lửa ( Autres jeux avec le feu), Ba số phận(Les Trois Parques) và Thư chết (Lettre morte).

Cha là người Việt, Mẹ là người Việt có quốc tịch Pháp. Linda Lê được giáo dục trong một không gian hoàn toàn Pháp. Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, vào Sài gòn năm 1969, sang Pháp năm 1977, cư ngụ tại Le Havre và chuyển về Paris năm 1981. Cô độc và những chuổi dài lưu lạc là những đề tài mà người ta thường tìm thấy trong những nhân vật của Linda. Không lập gia đình, vài mối tình thoáng qua, không thích có con vì không muốn bị ràng buộc. Gần 50 tuồi , Linda Lê không có gì nuối tiếc về sự chọn lựa của mình mà trái lại chị đứng vững vàng, tự hào trong thế giới đó. Sách là người bạn gần gủi nhất và văn chương là xứ sở an toàn của Linda Lê.

Bìa cuốn "Lame De Fond"
Bìa cuốn "Lame De Fond"

Tác phẩm Sóng Ngầm

Trong tuần qua, Đài Á Châu Tự Do có cơ hội tiếp xúc với nhà văn Linda Lê trong căn phòng đầy ngập sách của chị ở quận 6, Paris, nơi Linda Lê đã lần lượt cho ra đời những tác phẩm của mình.

Tường An : Sóng Ngầm là tác phẩm mới nhất của chị, vậy ta nói về nó một chút, chị nhé. Trong Sóng Ngầm có 4 nhân vật, Văn và vợ là Lou, người vợ mà anh không sống đời hạnh phúc, nhưng cũng không đau khổ, con gái của Văn và Lou là Laure, xa lạ với Cha Mẹ.. Và Ulma là người tình đến muộn và cũng là người em cùng Cha khác Mẹ với Văn. Tình yêu của Văn dành cho Ulma đã gây nên cái chết thảm khốc của anh. Một đêm tháng 10, khi rời khỏi căn hộ của Ulma, Văn bị xe tông chết và trước khi tắt thở, anh chỉ kịp nhìn ra người lái xe là Lou, vợ anh. Khi nằm yên trong quan tài là lúc Văn bắt đầu thuật lại cuộc đời mình.

Thưa chị, tại sao chị lại chọn môt người chết để kể lại cuộc đời của mình ? Bình thường chị là 1 người rất ít nói, có phải đây là 1 cách để chị có thể trải tâm tư của mình một cách dễ dàng hơn ?

Linda Lê : Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ văn chương thường có nhiệm vụ cứu rỗi người sống và để cho người chết lên tiếng. Tôi đã hướng và đã muốn điều đó. Lần này trong « Sóng Ngầm » nhân vật là người chết được phục sinh .

Tường An : Trong Sóng Ngầm, chị đã cho Văn và Ulma, em cùng Cha khác Mẹ của Văn yêu nhau. Loạn luân là một vấn đề cấm kỵ trong xã hội Việt Nam, có phải chị muốn phá vỡ một bức tường luân lý nào đó chăng ?

Tôi vẫn nghĩ văn chương thường có nhiệm vụ cứu rỗi người sống và để cho người chết lên tiếng. Tôi đã hướng và đã muốn điều đó. Lần này trong « Sóng Ngầm » nhân vật là người chết được phục sinh

Linda Lê

Linda Lê : Có thể người đàn bà đó là cô em gái song sinh. Một phiên bản của nhân vật chính, giống y hệt như mình. Khi người ta tìm thấy một người giống mình cực kỳ, đây là điều xảy ra cho nhân vật Văn. Và theo tôi đây không hẳn là một cuốn sách nói về loạn luân, đúng hơn là một tiểu thuyết nói vể tình yêu cuồng si. Một tiểu thuyết nói về tình yêu đam mê hơn là về loạn luân.

Tường An : Người ta thường tìm thấy một phần của tác giả qua các nhân vật trong tác phẩm của họ. chúng ta tìm thấy được Linda Lê nào trong 4 nhân vật được thể hiện trong « Sóng Ngầm » ?

Linda Lê : Vâng, dĩ nhiên khi ta sáng tạo những nhân vật. Thậm chí những nhân vật khó ưa, thì vẫn luôn luôn có hình ảnh của ta trong đó. Như Văn chẳng hạn, thì con người lưu vong trong tôi được thể hiện trong nhân vật này. Còn Lou và Ulma là hai người tìm ra tình yêu, khám phá ra tình yêu. Còn nhân vật thứ tư, Laure, nhân vật mới lớn, tôi đã đem những kỷ niệm thời thiếu niên của mỉnh vào nhân vật này.

Tường An : Chị có nói « Khi tôi viết, tôi thích được khám phá, thích có cảm giác căng thẳng khi khám phá ra điều mới lạ. » Sóng Ngầm cũng là 1 khám phá ?

Linda Lê : Mỗi cuốn sách của tôi đều khác nhau. Tôi cố gắng cho chúng khác nhau và không muốn cứ viết mãi một kiểu. Mỗi cuốn sách là một thách đố. Mỗi cuốn sách đem cho tôi một niềm vui và nó phài làm chính tôi kinh ngạc. Riêng cuốn « Sóng Ngầm » này, tôi rất sung sướng khi viết nó. Có cái gì đó rất vui, rất sống dù nhân vật là một người đã khuất.

Ở bất cứ nơi nào tôi đều cảm thấy mình xa lạ...Dĩ nhiên tôi cảm được một nỗi đau nào đó, nhưng tôi đã viết rất nhiều về nó trong các tác phẩm của mình nên cơn đau phần nào được xoa dịu. Riêng tôi, vể phương diện nào đó thì văn chương chính là Tổ quốc của tôi

Linda Lê

Văn chương là Tổ quốc của tôi

Tường An : Chị đã trở về Việt Nam lần đầu năm 1991 để tang Cha, sau đó chị trở về 2 lần nữa để tham dự buổi ra mắt 2 quyền sách của chị được ông Nguyễn Khanh Long dịch ra tiếng Việt. Cảm giác chị thế nào khi trở về Việt Nam ?

Linda Lê : Tôi cảm thấy rất xa lạ đối với Việt Nam khi tôi trở lại đó 3 lần. Tôi có cảm giác thích thú khi khám phá ra nhiều điều mới lạ. Cách đây 2 năm, khi tôi đến Việt Nam để tham dự buổi ra mắt 2 quyển sách của tôi đã được dịch ra ở đó. Tôi cảm thấy rất thích thú khi thấy giới trẻ bên đó đặc biệt quan tâm đến văn chương ngoại quốc. Từ đó, tôi cảm thấy gần gủi hơn. Nhưng tôi phải thú nhận rằng, tôi luôn luôn có cảm giác xa lạ ở khắp nơi, không riêng gì ở Việt Nam mà ngay cả ở đây, tôi cũng không cảm thấy mình là người Pháp.

Tường An : Nguồn cảm hứng để bắt đầu một quyển sách thường đến tự nhiên hay chị phải đi tìm nó ?

Linda Lê : Tôi không tin vào những cảm hứng tự nhiên đến mà là sự làm việc. Tôi làm việc cật lực, ý tưởng lúc đầu hay nguồn cảm hứng thường rất khác nhau tùy theo mỗi quyển sách. Thí dụ như trong quyển Sóng Ngầm là bắt đầu từ câu : Khi còn sống, tôi là kẻ ít nói và tôi bắt đầu quyển sách với lời kể chuyện của một người đã chết và cũng là người chết có lời nói cuối cùng. Nguồn cảm hứng cũng có thể đến từ một giấc mơ, hoặc có thể từ một hình ảnh, một nhân vật ám ảnh tôi từ nhiều năm qua. Một điều chắc chắn rằng, khi có một ý tưởng nào đến thì tôi sẽ làm việc tận lực, mỗi ngày, đều đặn, nghiêm túc và tôi không bỏ cuộc cho đến khi xong.

Tường An : Xa lạ với Việt Nam, nơi chị sinh ra, Cách biệt với nước Pháp, nơi chị đang sống. Chị không thuộc vào một tổ quốc nào cả. Một người không có quê hương. Có khó lắm không khi không có một nơi để mình gọi nó là « nhà » ?

Linda Lê : Không, tôi không nghĩ vậy. Và theo tôi nghĩ không cần phải gắn bó với một nơi nào. Ở bất cứ nơi nào tôi đều cảm thấy mình xa lạ. Có lẽ nên xa cách với cội nguồn. Dĩ nhiên tôi cảm được một nỗi đau nào đó, nhưng tôi đã viết rất nhiều về nó trong các tác phẩm của mình nên cơn đau phần nào được xoa dịu. Riêng tôi, vể phương diện nào đó thì văn chương chính là Tổ quốc của tôi.

Tường An : Pierre Asoulin viết trên blog của ông : « Viết là một cách để các nhà văn bộc lộ những bí mật của mình » Bí mật của Linda Lê là gì ?

Linda Lê : Vâng, tôi có rất nhiều bí mật, chúng lần lượt được « bật mí » trong các tác phầm của tôi. Thí dụ như một bí mật trong « Sóng Ngầm » Đó là nỗi đam mê dành một người anh em song sinh không bao giờ có.

Theo dòng thời sự: