Ngày 30 tháng 10, năm 2017, Tổ chức Văn bút quốc tế có trụ sở tại Thụy sĩ gửi một bức thư đến Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm, cũng như những người cầm bút bị bắt giam vì thể hiện quan điểm của mình một cách hòa bình qua ngòi bút.
Nhân sự kiện này, chúng tôi xin điểm lại sơ lược câu chuyện những người cầm bút Việt Nam bị bỏ tù từ năm 1956 đến nay.
Bắt đầu là Nhân văn Giai phẩm….
Việc đàn áp những người cầm bút diễn ra chỉ hai năm sau khi những người cộng sản lên cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1954. Vào năm 1956, một phong trào văn học nghệ thuật bùng lên tại Hà Nội mang tên Nhân văn Giai phẩm, do những văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam thời ấy chủ trương, với hai tờ Giai phẩm và Nhân văn, đòi hỏi tự do chính trị, tự do sáng tác, không phải chịu sự giám sát của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Chỉ đến cuối năm 1956, hai tờ báo này đã bị đình bản, các văn nghệ sĩ bắt đầu bị đàn áp bằng nhiều hình thức khác nhau, như là phải đi lao động ở vùng rừng núi, bị gạt ra khỏi việc cầm bút, hoặc bị cầm tù.
Theo tìm hiểu của nhà văn Song Nhị, hiện sống ở thành phố San Jose, Hoa Kỳ, thì có bảy người bị cầm tù, đó là các nhà văn, nhà thơ Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Thụy An, và Phùng Cung. Có những người trong nhóm này bị đến 15 năm tù và nhiều năm quản chế sau đó. Tất cả những người vừa nêu đều đã mất.
Lý do được đảng cầm quyền đưa ra để bỏ tù những người này là họ có tư tưởng chính trị thù địch phản động chống lại giai cấp công nông của Đảng Cộng sản.
Sang đến những năm 1960, lại xảy ra một vụ án gọi là xét lại chống đảng, trong đó có một số nhà văn bị liên lụy. Một trong số đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị án 5 năm tù giam vào năm 1968.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống ở Hải Phòng, nói về việc này:
Khi đã tách ra khỏi sự quản lý của Hội nhà văn Việt Nam, chính quyền Cộng sản Việt Nam, thì tác phẩm của họ phải có vấn đề, phải biểu thị sự tách ra đấy, mà nếu biểu thị sự tách ra của mình thì sự an nguy của họ bị ảnh hưởng.<br/>-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
“Nhà văn Bùi Ngọc Tấn là một cây bút có tài, và ông ấy đã trải qua một quảng đời cực kỳ khó khăn, với năm năm tù đày, do cái tư tưởng của ông ấy, trong cái thời điểm mà Liên Xô và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam đang đu giây. Khi tư tưởng thân Trung Quốc chiếm ưu thế ở ban lãnh đạo, thì nhà văn Bùi Ngọc Tấn đi tù, tù không có án, mà ở Việt Nam gọi là án cao su, hết năm năm.”
Trong những năm 1960 này thế giới cộng sản bắt đầu bị phân liệt thành hai nhóm, do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu và cạnh tranh với nhau rất quyết liệt, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh biên giới Trung Xô nổ ra vào năm 1969.
Sau khi ra tù, ông Bùi Ngọc Tấn đã viết tác phẩm Truyện kể năm 2000 vào năm 1990. Ông nói với đài RFA về tác phẩm này trong một lần trao đổi trước khi mất vào năm 2014:
Câu chuyện nó báo hiệu cái tình trạng mất dân chủ, tình trạng đàn áp, tình trạng bất công với những người lương thiện kiểu như tôi. Quyển đó nó chỉ nói một cái tiền đề về tình trạng mất dân chủ, tình trạng ức hiếp quần chúng hoặc ở dạng này dạng khác.
Quyển sách của ông được nhà xuất bản Thanh Niên trong nước cho in, nhưng sau đó bị thu hồi ngay lập tức.
Năm 1986 Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố cải cách kinh tế, chấp nhận nền kinh tế thị trường. Một số nhà văn bắt đầu cảm thấy được tự do sáng tác hơn với một số tác phẩm mang tính phê bình chế độ chính trị xã hội, không theo định hướng của đảng. Nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là nhà văn Dương Thu Hương với các tác phẩm như Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng,…
Tuy nhiên sự kềm chế các nhà văn lại trở lại ngay sau đó, bà Dương Thu Hương bị cầm tù trong một giai đoạn ngắn vào năm 1991. Sau khi được trả tự do, bà sống như một người tị nạn chính trị tại Pháp.
Trải qua suốt hai thời kỳ vừa nêu, có một nhà thơ bị bỏ tù rất lâu là ông Nguyễn Chí Thiện. Ông bị bỏ tù vào năm 1961 vì tội "phản tuyên truyền". Ông bị giam giữ làm nhiều lần với tổng cộng thời gian ở tù là 27 năm. Ông sang Mỹ định cư vào năm 1995. Ông Nguyễn Chí Thiện có tập thơ nổi tiếng Hoa Địa ngục, mô tả cảnh sống trong xã hội cộng sản.
….. và hiện nay
Năm 1995 có một nhà văn nữa bị bỏ tù là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu. Ông bị án tù một năm với tội danh làm tiết lộ bí mật nhà nước khi ông trao đổi với một số bạn bè, lá thư của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng theo ông lý do làm ông bị bắt là ông đã viết hai bài tiểu luận trước đó là Dẫn tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường, và Chia tay ý thức hệ, với những chỉ trích phê bình lý thuyết cộng sản.
Ông kể lại với chúng tôi cuộc hỏi cung sau khi ông bị bắt:
"Sau khi hỏi lăng nhăng thì họ xoáy vào chuyện tôi viết bài Chia tay ý thức hệ. Thế chứ, họ quan tâm, và bắt tôi là vì tôi viết bài Chia tay ý thức hệ."
Năm 2008, một nhà văn nữa bị cầm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước, là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hải Phòng. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa có một tiểu thuyết và một truyện ngắn viết trước khi bị bắt, trong đó truyện ngắn nói về cuộc sống cơ cực của những người thợ Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Cả hai tác phẩm này đều không được xuất bản. Ông nói với chúng tôi:
"Tôi không bị cầm tù vì hai tác phẩm, vì họ không xuất bản, nên không ghi tội tôi vào đấy, nhưng họ qui tội tuyên truyền chống nhà nước ở những bài chính luận, những bài thơ, những bài văn xuôi tả cảnh nghèo khổ, bất công của xã hội."
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa được trả tự do vào năm 2014. Đến tháng 10 năm 2017, ông lại bị thẩm vấn về thời gian ngắn ông gia nhập một tổ chức chính trị có tên là Hội Anh Em Dân chủ, chủ trương cạnh tranh chính trị hòa bình với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian vài năm trở lại đây, trong số những người cầm bút bị bỏ tù, số lượng những blogger chính trị tăng dần lên như các ông Phạm Viết Đào, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồ Hải,… bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,…. Theo tổ chức Phóng viên không biên giới, nội trong năm nay 2017, Việt Nam đã bắt và trục xuất ít nhất 15 blogger, đa số các trường hợp họ bị gán cho tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều luật số 88 của Bộ Luật hình sự Việt Nam, mà các tổ chức nhân quyền cho là có nội dung không rõ ràng nhằm trấn áp những người chỉ nêu lên chính kiến của mình một cách hòa bình.
Bên cạnh đó một số nhà văn lại lên tiếng tách khỏi Hội nhà văn, tổ chức quản lý các nhà văn của Đảng Cộng sản, và Nhà nước Việt Nam, và những người này đã thành lập một tổ chức gọi là Văn đoàn độc lập vào tháng Ba năm 2014 với số thành viên ban đầu là 62 người.
Tuy nhiên theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cho đến nay chưa có công trình nào đáng kể do những người thuộc Văn đoàn độc lập này tạo ra, lý do theo ông là sự đe dọa bị bỏ tù vẫn còn treo lơ lửng:
"Khi đã tách ra khỏi sự quản lý của Hội nhà văn Việt Nam, chính quyền Cộng sản Việt Nam, thì tác phẩm của họ phải có vấn đề, phải biểu thị sự tách ra đấy, mà nếu biểu thị sự tách ra của mình thì sự an nguy của họ bị ảnh hưởng. Cũng có thể là họ sẽ bị qui tội tuyên truyền chống nhà nước, mà đối với một nhà văn mà bị truy tố tội đó, bị cầm tù, thì là một điều người ta kiêng kỵ."
Công việc xuất bản và phát hành sách hiện nay của Việt Nam vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước do cơ quan tuyên giáo của Đảng chịu trách nhiệm. Việc xuất bản sách trên mạng, hay in không chính thức cũng được tiến hành, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa những người viết sách không có đủ tài lực để theo đuổi chuyện đó dài lâu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có cái nhìn khá bi quan về sáng tác văn học của Việt Nam hiện nay, đó là các nhà văn không còn muốn viết nữa.