Chống tham nhũng bằng viết blog

Blog- trang mạng nhật ký cá nhân- đang ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều người tại Việt Nam; dù rằng gần đây thủ tướng có chỉ thị phải xử lý những trang blog bị cho là nói xấu Đảng và nhà nước.

0:00 / 0:00

Nỗi oan ức của gia đình

Một thương binh tên Huỳnh Xuân Long ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, gần đây cũng sử dụng blog như là một công cụ để chống tham nhũng.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, một số trang mạng xã hội tại Việt Nam cho post đoạn video youtube công khai blog cá nhân và bức thư kêu cứu- tố cáo của tác giả Huỳnh Xuân Long gửi thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội Việt Nam về trường hợp oan khiên của gia đình ông. Đó là chuyện tương tự bao vụ việc khác của nhiều người dân tại Việt Nam: bị chính quyền địa phương lấy đất, phá nhà một cách bất công, phi pháp.

Ông Huỳnh Xuân Long cho biết sơ lược lại tình hình của bản thân gia đình ông như sau:

“Trường hợp của chúng tôi thế này: tôi ở khu đất đó trên 10 năm rồi. Theo pháp luật của Việt Nam thì người nào thường trú tại một vị trí mà theo Luật Đất Đai trước năm 2003, khi Nhà Nước thu hồi đất thì sẽ được đền bù; nhưng trong trường hợp của tôi cũng tương tự như nhà anh Vươn: khi Nhà Nước chưa lấy mà Ủy ban Nhân dân kết hợp cùng ‘lưu manh’ tổ chức làm ba đợt đến chiếm đất, xây nhà. Họ dung ‘lưu manh’ dọa đánh, giết tôi. Sau đó họ chiếm, phá nhà tôi, và trong vòng một tuần sau họ xây nhà lên khiến vợ con tôi không có nhà ở, mất nhà.”

Cũng như bao người khác tại Việt Nam khi gặp cảnh oan ức: mất đất, mất nhà một cách phi pháp vào tay cán bộ địa phương, ông Huỳnh Xuân Long cũng căn cứ vào pháp luật để đi khiếu kiện. Thế nhưng oan khiên không được giải quyết. Ông trình bày:

“Sự thật tại Việt Nam khi nhờ luật sư bào chữa phải tốn tiền. Chuyện của tôi, tôi cũng đặt vấn đề với luật sư rồi, họ đòi dăm sáu chục triệu. Tôi đã tìm hiểu luật, và trong sự việc của tôi Nhà Nước hoàn toàn sai. Thậm chí ủy ban nhân dân huyện trả lời cho tôi bằng văn bản rằng việc của tôi là do sơ suất sai của ủy ban nhân dân xã, và cái sai đó chỉ để rút kinh nghiệm. Tôi có văn bản đó, và tôi không chấp nhận nhà của tôi bị phá mà chỉ để rút kinh nghiệm.”

Do hệ thống pháp luật của Việt Nam bị lỗi nên để cho toàn bộ quan nhỏ, quan to tham nhũng, nhũng nhiễu dân.

Phương tiện chống tham nhũng

Blogger Huỳnh Xuân Long trong một đoạn youtube nói về nỗi oan ức của gia đình ông
Blogger Huỳnh Xuân Long trong một đoạn youtube nói về nỗi oan ức của gia đình ông (Blogger Huỳnh Xuân Long trong một đoạn youtube nói về nỗi oan ức của gia đình ông)

Con đường cuối cùng mà ông Huỳnh Xuân Long chọn là sử dụng công cụ blog để trình bày vấn đề của gia đình ông, nói lên thực trạng tại Việt Nam:

“Chúng tôi hoạt động bằng cách lập blog, chúng tôi dung từ ‘nhân dân bỏ cuốc, vứt cày, lên Youtube và blog để viết’ chống lại ‘cường quyền, ác bá. Tôi không thể dùng kiểu như ông Vươn được.”

Trang blog của ông cũng từng bị đánh phá một số lần như nhiều blog khác tại Việt Nam. Ông chia sẻ:

“Cách đây ba bốn tháng họ cũng phá một blog mang tên chính thức của tôi là Huỳnh Xuân Long. Ngay lập tức tôi lập ra một blog spot khác là Huỳnh Xuân Long 60. Nội dung blog của tôi là đấu tranh về đất đai chứ không tham gia đảng phái nào.”

Bà Lê Hiền Đức, một nhân vật tham gia chống tham nhũng được nhiều người biết đến tại Việt Nam, cũng có blog riêng và đăng bài của ông Huỳnh Xuân Long trên blog của chính bà, đưa ra ý kiến về trang blog chống tham nhũng của ông Huỳnh Xuân Long:

“Tôi nói chung những blogger đưa lên được những sự thật, những thông tin nóng hổi cho những người khác mà chịu trách nhiệm thông tin, có nghĩa là có thật. Cho nên tôi nghĩ ông Huỳnh Xuân Long cũng như những người khác, những blogger khác khi người ta đã cung cấp những thông tin trên blog là để nhân dân tự do vào đọc, tìm hiểu.”

Bản thân ông Huỳnh Xuân Long sau một thời gian viết blog để nói lên tình cảnh của gia đình, còn mong muốn nhắm đến thế hệ trẻ:

“Nếu nói tôi đạt được nguyện vọng chưa thì chưa vì nhà tôi đã bị phá vỡ. Theo luật của Việt Nam thì mọi việc xâm phạm đến nhà ở, mà lại tự đuổi chúng tôi ra đường như thế là sai. Việc này, chính quyền của xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội phải đền bù nhà cho tôi.

Chúng tôi hoạt động bằng cách lập blog, chúng tôi dung từ 'nhân dân bỏ cuốc, vứt cày, lên Youtube và blog để viết' chống lại 'cường quyền, ác bá. <br/>Ông Huỳnh Xuân Long <br/>

Thứ hai tôi biết được rằng ở Việt Nam hiện nay rất nhiều người như tôi bị thiệt thòi và tôi tiếp tục làm blog để giúp những người trong hoàn cảnh tàn tật thương binh như tôi. Tôi sẽ viết và đưa lên mạng cho cả thế giới biết.

Tôi tin tưởng trước sau nguyện vọng của tôi sẽ đạt được vì hằng ngày tôi được nhiều người truy cập. Bình quân mỗi ngày có hai ngàn người truy cập, có ngày như hôm qua có 10 ngàn truy cập. Lượng người truy cập đó đều ủng hộ tôi. Dần dần cả xã hội sẽ nhìn nhận lại cái xã hội ‘cường quyền, ác bá’. Nhà tôi mất rồi, nhưng cái được của tôi là toàn bộ dân Việt cả thế hệ lớn đến nhỏ. Các cháu biết Youtube nhiều, tôi dùng ca nhạc để thấy câu chuyện sự thật của tôi…”

Sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra công văn 7169 ngày 12 tháng 9 năm nay, gửi Bộ Công an và Bộ Thông tin- Truyền Thông cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan chức năng về việc xử lý các trang blog có thông tin bị cho là chống Đảng và Nhà Nước, nhiều trang blog bị đánh sập. Tuy nhiên, giới blog lại tìm cách khôi phục và số người truy cập vào những trang blog bị nêu danh tăng lên.

Theo dòng thời sự: