Hai mươi cựu sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 vừa qua cùng ký tên vào một bản kiến nghị gửi cho lãnh đạo đảng và nhà nước yêu cầu thực hiện một số việc mà họ cho là cấp bách để khôi phục lại uy tín của quân đội, công an và nâng cao sức hiến đấu của lực lượng vũ trang.
Kiến nghị 4 điểm
Những người ký tên trong bản kiến nghị mới nhất như thế tại Việt Nam gồm có sáu người mang hàm từ thiếu tướng đến trung tướng, số còn lại đa phần là đại tá. Có những vị từng ký tên vào các kiến nghị cải tổ đất nước lâu nay như thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đại tá Nguyễn Đăng Quang… Họ nhắc lại tôn chỉ ‘trung với nước, hiếu với dân’ mà họ là những người lính đã suốt đời tuân thủ. Và trước tình thế đất nước hiện nay mà họ cho là nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh, chủ quyền và sự phát triển quốc gia nên phải lên tiếng.
Kiến nghị của 20 cựu sĩ quan Lực lượng Vũ Trang Nhân dân gửi lãnh đạo Nhà nước và chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam có 4 điểm.
Thứ nhất những vị này kêu gọi lực lượng vũ trang phải lấy nhân dân làm gốc. Quân đội và công an không được huy động vào bất cứ việc gì có hại cho nhân dân. Theo những vị ký tên thì cần phải chấm dứt ngay việc huy động quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với nhân dân, như trong giải tỏa đất đai, ngăn chặn những cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa. Những người ký tên yêu cầu tuyệt đối không được lạm dụng lực lượng công an vào việc đàn áp người dân vô tội chỉ vì họ yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của họ.
Kêu gọi lực lượng vũ trang phải lấy nhân dân làm gốc. Quân đội và công an không được huy động vào bất cứ việc gì có hại cho nhân dân. Theo những vị ký tên thì cần phải chấm dứt ngay việc huy động quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với nhân dân
Điểm thứ hai trong bản kiến nghị là Nhà nước phải ghi nhận sự hy sinh xương máu, cống hiến của những chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang trong những cuộc chiến. Đồng thời gia đình của họ cần phải được chăm sóc chu đáo. Kiến nghị cho rằng việc việc chính phủ và đảng cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh biên giới phía bắc vào năm 1979 và những cuộc chiến giữ đảo ở Biển Đông là việc phủ nhận lịch sử, xúc phạm đến những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra việc cố tỉnh phớt lờ như thế còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và quyết tâm chiến đấu của lực lượng vũ trang. Mọi sai lầm, thiếu sót trong lĩnh vực này phải được khắc phục.
Thứ ba, 20 người ký kiến nghị yêu cầu phải xác định rõ ràng và chính xác đối thủ của lực lượng vũ trang Việt Nam hiện nay. Theo họ cần phải xác định đúng kẻ thù là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Họ yêu cầu phải thay đổi những quan niệm bảo thủ, giáo điều mà cần phải biết nắm bắt những cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến, văn minh khác.
Phớt lờ cuộc chiến tranh biên giới phía bắc vào năm 1979 và những cuộc chiến giữ đảo ở Biển Đông là việc phủ nhận lịch sử, xúc phạm đến những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc
Cuối cùng, bản kiến nghị cũng lặp lại điều mà trong một vài kiến nghị, góp ý vừa qua cũng đề cập đến là việc công khai về mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc. Cụ thể là những ký kết, cam kết, thỏa thuận có liên quan lớn đến an ninh, chủ quyền của quốc gia. Một trong những điều cần phải làm sáng tỏ là Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Bốn điểm kiến nghị được nêu lên nhằm mục đích được nói để khôi phục lại uy tín của quân đội và công an trong lòng người dân.
Thực tế hành xử
Thực tế về hành xử của quân đội và công an trong thời gian qua được một thương binh nặng ở Hà Nội là ông Huỳnh Xuân Long đánh giá:
Thủ tướng chính phủ thì ra những ‘tiêu đề’ rằng quan tâm đến anh em, nhưng bây giờ ‘quân tham nhũng’ tham nhũng lắm. Họ nói một đằng mà làm một nẻo, họ không làm đúng như lời họ nói đâu. Tôi có bám sát một vụ việc cụ thể ở trong Phan Rang. Đây là trường hợp cụ thể của anh có tên Võ Ngọc Ái, gia đinh có ba liệt sỹ. Vào ngày 21 tháng 12 năm ngoái, chính quyền tổ chức một lực lượng hằng trăm công an dùng các vũ khí, súng ống… để phá hủy tài sản của gia đình ông này, gần 3000 mét vuông đất bị nhà nước thu hồi trái pháp luật. Thực tế thì Nhà nước nói quan tâm đến các gia đình chính sách nhưng thực tế các lực lượng vũ trang và cả ủy ban không thực hiện theo lệnh của chính phủ đâu. Bằng chứng chính phủ đã có những văn bản kêu gọi các ủy ban phải đi sâu, đi sát giúp đỡ các gia đình thương binh- liệt sỹ, nhưng họ không thực hiện. Phải nói ‘có cái gì’ họ mới thực hiện. Có thể nói ‘trên bảo dưới không nghe’. Họ làm theo ý của họ và có thể nói vì lợi nhuận riêng trong vấn đề kinh tế của họ chứ họ không làm theo của dân đâu!
Một cựu chiến binh khác là ông Phan Trọng Khang ở Hà Nội có nhận xét thêm:
Về mặt chức năng họ ăn lương thì buộc phải làm, nhưng trong lòng của họ có muốn đi ngược về phía nhân dân thì theo tôi nghĩ, họ cũng không muốn.
Yêu cầu chính đáng
Theo ông Phan Trọng Khang thì kiến nghị mà 20 vị cựu sĩ quan quân đội vừa công khai là một yêu cầu chính đáng hiện nay và ông ủng hộ. Ông nói:
Tinh thần của các vị ấy thì đáng hoan nghênh. Theo tôi nhu cầu trong cuộc sống hiện nay là chính đáng. Tổ quốc, đất nước là của chung. Quân đội cũng là một bộ phận của nhân dân,
Yêu cầu việc Thành Đô, chính phủ hành xử như thế nào, chứ tổ quốc không phải của mấy ông ( chính phủ) đó. Cho nên yêu cầu của các tướng lãnh của các cán bộ quân đội, công an đó là chính đáng. Họ ngoài là công chức trong chính quyền ra, họ còn là người dân nên yêu cầu của họ được sự ủng hộ của dân chúng
ông Phan Trọng Khang
Yêu cầu của họ (các vị cựu sĩ quan) là chính đáng: yêu cầu việc Thành Đô, chính phủ hành xử như thế nào, chứ tổ quốc không phải của mấy ông ( chính phủ) đó. Cho nên yêu cầu của các tướng lãnh của các cán bộ quân đội, công an đó là chính đáng. Họ ngoài là công chức trong chính quyền ra, họ còn là người dân nên yêu cầu của họ được sự ủng hộ của dân chúng.
Đại tá Phạm Quế Dương, một trong 20 người ký tên vào kiến nghị gửi cho lãnh đạo đảng và nhà nước, cho rằng thay đổi theo hướng dân chủ là một yêu cầu tất yếu của thời thế hiện nay:
Dân sẽ quyết định thôi, ‘chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân’. Quy luật như thế. Tôi không biết như thế nào, nhưng phải đi theo con đường dân chủ và nhân quyền thôi. Quy luật như vậy thì nó sẽ mở ra thôi. Như Liên Xô ngày xưa tất cả tin theo chủ nghĩa xã hội, nhưng rồi bây giờ Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, trên thế giới này chỉ còn mấy nước cộng sản thôi.
Một người thường xuyên lên tiếng về tình hình đất nước hiện nay và cũng là một trong 20 vị cựu sĩ quan ký tên vào bản kiến nghị, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trong lần nói chuyện gần đây với chúng tôi nhắc lại rằng nhiều ý kiến đóng góp cho đảng và chính phủ của bản thân ông và những vị trí thức, lão thành cách mạng khác tại Việt Nam lâu nay đều không được lắng nghe. Tuy nhiên ông vẫn kiên trì kiến nghị vì không thể không lên tiếng trước những vấn đề vận mệnh của đất nước.