Vì sao ông Tập Cận Bình lại thăm Mỹ vào lúc này?

Ngày 14/2, ông Tập Cận Bình, phó chủ tịch Trung Quốc có chuyến thăm chính thức tại Hoa Kỳ và người tiếp đón chính thức sẽ là phó Tổng thống Joe Biden.

0:00 / 0:00

Bàn thảo nội dung gì?

Cuộc gặp này đang được truyền thông quốc tế theo dõi sát sao, không chỉ bởi vì nó diễn ra giữa hai cường quốc số 1 và số 2 thế giới mà còn bởi “nội tình” của chính 2 quốc gia này như thể “bằng mặt mà không bằng lòng”. Để thêm thông tin về cuộc gặp này, Vũ Hoàng trình bày chi tiết trong phần sau đây.

Người sẽ lên nắm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản cuối năm nay, đồng thời lên nắm chức Chủ tịch nước vào tháng 3 năm tới, và nếu không có gì thay đổi, sẽ là Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương Trung Quốc vào năm 2014, ông Tập Cận Bình, sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 14 đến 17 tháng này.

Cả giới truyền thông lẫn học giả quốc tế đều đang tập trung tìm hiểu, liệu cuộc gặp giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới này sẽ ra sao, nội dung nào sẽ được bàn thảo và không ít người còn đặt ra câu hỏi tại sao ông Tập Cận Bình lại thăm Hoa Kỳ vào thời điểm này. Dĩ nhiên, câu trả lời cũng không quá phức tạp. Nhưng trước tiên, chúng ta cùng điểm lại xem ông Tập Cận Bình này là người như thế nào đã.

Quan hệ cốt lõi của Trung Quốc và Hoa Kỳ chính là kinh tế. Còn nếu những gì sẽ là ưu tiên bàn thảo thì sẽ là những vấn đề hiện thời như Syria hoặc là Iran.

TS Derek Scissors

Phó chủ tịch họ Tập của Trung Quốc năm nay 58 tuổi, tốt nghiệp với bằng hóa hữu cơ và sau đó là Tiến sĩ Luật. Cha ông là một nhà cách mạng kỳ cựu, nhưng bị bắt giam vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Hiện ông Bình đang nằm trong nhóm 9 người của Uỷ Ban Thường Trực Bộ Chính trị. Ông đã qua một đời vợ, người vợ hiện tại là một ca sĩ nổi tiếng của Trung Quốc và con gái ông, hiện đang học tại đại học danh tiếng Hoa Kỳ -- Havard.

Trong suốt thời gian làm việc, ông nổi tiếng là cứng rắn với tội phạm và tham nhũng, các giới chức nước ngoài khi gặp ông, đều có chung nhận xét ông là người thẳng thắn, tự tin và có tài ăn nói. Với chủ nghĩa dân tộc đang lên cao mạnh mẽ trong thế hệ lãnh đạo trẻ Trung Quốc, người ta cho rằng, ông Bình sẽ khá cứng rắn với Washington.

Cũng giống với người tiền nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trước khi lên nắm quyền 10 năm trước có chuyến thăm đến Hoa Kỳ, thì lần này, sau đúng 1 thập kỷ, người kế nhiệm cũng có chuyến thăm tương tự. Mặc dù, đây là cuộc gặp của các nhân vật quan trọng, nhưng giới phân tích cho rằng chuyến đi này chỉ mang tính chất “làm quen” theo kiểu “tìm hiểu” và “giới thiệu” mà thôi. Rất có thể phía Nhà Trắng sẽ dành cơ hội để nghiên cứu những ngôn từ và hành xử của ông Tập để hiểu xem việc ông này sẽ lãnh đạo Trung Quốc thế nào trong thập niên tới

Phỏng đoán là như vậy, nhưng nếu nhìn vào mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc, người ta thấy rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Luôn có sự đối trọng và không hề dè dặt, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian gần đây liên tiếp cho thế giới thấy giữa họ có một sự cách biệt lớn trong đường lối chính sách từ kinh tế, thương mại cho đến quân sự trên cả bình diện song phương và quốc tế.

000_Hkg5233551-250.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Đối thoại kinh tế Mỹ - Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 19 tháng 8 năm 2011. AFP PHOTO.

Nếu trong bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang cách đây gần 1 tháng, Tổng thống Obama coi Trung Quốc là vấn đề lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ, ngoài chuyện đồng nhân dân tệ bị cho là phá giá, thâm thủng mậu dịch song phương lên đến kỷ lục, thì những vấn đề như ăn cắp bản quyền cũng được Tổng thống Obama nêu lên. Ngược lại, Trung Quốc lại không hề hài lòng với sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á, và gần đây nhất là sự hợp tác quân sự của Hoa Kỳ với Philippines và Australia.

Nếu Hoa Kỳ thấy phủ quyết của Trung Quốc về vấn đề Syria và Iran tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc như một “kỳ đà cản mũi” thì ngược lại, Trung Quốc cũng khó chịu mỗi khi một thương vụ bán vũ khí mới của Hoa Kỳ sang Đài Loan.

Giải quyết được bất đồng?

Rõ ràng giữa 2 cường quốc luôn có những bất đồng, thậm chí, thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc, Thôi Thiên Khải mới đây lên tiếng kêu gọi đôi bên phải giải quyết cho bằng được cái gọi là “thâm hụt niềm tin”.

Liệu những vấn đề nào sẽ là ưu tiên được bàn thảo tại cuộc gặp mặt này của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm sắp tới? Đặt câu hỏi với T.S Derek Scissors, học giả nghiên cứu về Kinh tế Châu Á của Quỹ Heritage, chúng tôi được ông cho biết:

“Nếu nói cho đúng, theo tôi phải là điều gì cần ưu tiên và điều gì sẽ là ưu tiên được thảo luận. Nếu là điều cần phải ưu tiên thảo luận, thì đó sẽ là vấn đề trợ giá các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc, bởi đây sẽ là vấn đề dài hạn. Vì quan hệ cốt lõi của Trung Quốc và Hoa Kỳ chính là kinh tế. Còn nếu những gì sẽ là ưu tiên bàn thảo thì sẽ là những vấn đề hiện thời như Syria hoặc là Iran, bởi vì hiện tại thì ông Tập Cận Bình chưa phải là người nắm quyền điều hành, do đó sẽ chẳng có gì lợi lộc nếu mang những vấn đề phức tạp ra bàn thảo với người chưa có thẩm quyền nhiều.

Quay lại với câu hỏi đâu là điều ưu tiên, thì nói thẳng là Hoa Kỳ không có gì ưu tiên vì 50% mục tiêu dành cho kinh tế và 50% mục tiêu dành cho an ninh. Dù ai là người thảo luận với ông Tập Cận Bình đi chăng nữa, thì quan tâm sẽ là mục tiêu nào của Mỹ trong ngắn hạn, mục tiêu nào trong dài hạn hay là Mỹ muốn nhắm tới cả 2 mục tiêu.”

Bởi buổi gặp này rất ngắn ngủi, tôi nghĩ là không đủ thời gian để nêu lên hết mọi chi tiết về Biển Đông.

Ô. Walter Lohman

Ngoài ra, với câu hỏi về sự phá giá của đồng nhân dân tệ mà Hoa Kỳ luôn đổ lỗi cho Trung Quốc, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ mạt và làm cho thâm hụt của Mỹ với riêng Trung Quốc năm vừa rồi lên đến gần 300 tỉ đô la. T.S Derek lại thẳng thắn cho rằng đó chỉ là cái cớ mà chính phủ Hoa Kỳ luôn vin vào khi không thể kiểm soát nổi tình hình kinh tế trong nước. Ông cho rằng, 5 năm qua, đồng nhân dân tệ đã lên giá 25% nhưng thâm hụt giữa Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng.

Với câu hỏi về kinh tế là như vậy, nhưng còn câu hỏi liên quan đến an ninh sẽ ra sao, chúng tôi lật lại câu hỏi liên quan đến biển Đông có được thảo luận tại chuyến đi này hay không với ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage, thì vị này cho biết:

“Tôi nghĩ rằng chính quyền nếu có nêu lên câu hỏi, và theo tôi họ nên nêu lên câu hỏi, thì chính quyền Hoa Kỳ sẽ nêu lên dưới góc độ rộng, chẳng hạn như an ninh hàng hải mà thôi. Bởi buổi gặp này rất ngắn ngủi, tôi nghĩ là không đủ thời gian để nêu lên hết mọi chi tiết về Biển Đông.”

Ở góc độ khác, ông Walter cho rằng, vì đây không phải là cuộc gặp chính thức để bàn thảo một chủ đề cụ thể, vì thế mọi vấn đề nóng, đều có thể được cả hai bên đề cập tới từ chuyện Syria, Bắc Hàn, cấm vận Iran, cho tới Châu Âu và nếu có cơ hội nêu lên, thì phía Trung Quốc sẽ nói về cả vấn đề Đài Loan nữa.

Một điểm khá thú vị khi chúng tôi trao đổi với hai vị học giả này là cả hai người đều cho rằng, tính cách của vị lãnh đạo tương lai Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chính sách ngoại giao, đường lối chính trị của Trung Quốc vì tính cách cá nhân còn phụ thuộc vào thẩm quyền được trao. Nghĩa rằng, ông Tập Cận Bình có thể có những cách hành xử hiện đại, bộc trực, thẳng thắn nhưng đằng sau ông còn là cả một tập thể của Bộ chính trị, chắc chắn sẽ có những tác động đến quyết định cuối cùng của người đại diện là ông Bình.

Được biết trong chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày này, ông Tập Cận Bình còn ghé thăm tiểu bang Iowa, nơi ông đã từng đến hồi năm 1985 và thành phố Los Angeles của California.

Được đánh giá là chuyến đi “tìm hiểu” và “làm quen” vậy nên, người ta khó có thể chờ một kết quả nào quan trọng từ cuộc gặp chỉ kéo dài 3-4 ngày, mà kết quả ấy phải dựa trên nỗ lực từ 2 phía trong 10 năm tới. Có thể nói chuyến thăm này của ông Tập sẽ là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho con đường 10 năm tới, giống với con đường mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đặt ra cách đây đúng 10 năm. Điểm khác duy nhất, Trung Quốc của 10 năm về trước là một nước đang phát triển, còn Trung Quốc giờ đây, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Opens in new window

Thời sự thế giới trong tuần

Theo dòng thời sự: