Bộ trưởng Đối ngoại của 27 quốc gia thuộc Liên Âu đã họp tại Luxembourg hôm 24.6.2013 để quyết nghị thông qua bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”.
Gọi tắt là Đường hướng chỉ đạo là văn kiện quan trọng về chính sách đối ngoại trên hướng chiến lược của Liên Âu trên pạm vi Tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Đây chính là công cụ dành cho các viên chức Liên Âu, cho hơn một trăm Tòa Đại sứ Liên Âu trên thế giới nhằm bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo.
Đây cũng là công cụ mà nhân dân các nước bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng có thể dựa vào để cầu cứu và bảo vệ quyền tôn giáo cho chính họ.
Chống đàn áp tôn giáo
Được tham dự hội nghị, chúng tôi phỏng vấn hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông Peter Van Dalen và Dennis De Jong là hai vị Đồng Chủ tịch Nhóm Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu, và bà Veronique Arnault, Giám đốc Vụ Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Liên Âu. Xin mời quý thính giả theo dõi 3 cuộc phỏng vấn ấy sau đây:
Ỷ Lan: Xin chào ông Peter Van Dalen. Ông tuyên bố rằng hôm nay là Ngày Vui sướng, một ngày Kỷ niệm. Kỷ niệm gì vậy thưa ông?
Peter Van Dalen: Tôi là Đồng Chủ tịch Nhóm Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu, nên đối với tôi là một Ngày Vui sướng, bởi vì Cộng đồng Châu Âu thuộc Bộ trưởng Ngoại giao thông qua bản "Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu".
Quần chúng các nước có thể tìm đến Tòa Đại sứ EU nói rằng "Xin hãy nghe chúng tôi, xin giúp chúng tôi bảo vệ và thăng tiến tôn giáo của chúng tôi, vì chúng tôi đang bị đàn áp". <br/> -Peter Van Dalen
Đường hướng chỉ đạo là sự hợp tác soạn thảo của Quốc hội Châu Âu, Nhóm Hành động và Xã hội dân sự. Điều này có nghĩa là ở bất cứ quốc gia nào có đặt Tòa Đại sứ của Liên Âu, hiện chúng tôi có trên một trăm tòa Đại sứ trên toàn thế giới, thì nay các tòa Đại sứ này đều phải theo dõi quốc gia mà họ có nhiệm sở, xem tình hình có tự do tôn giáo hay không? Quần chúng có bị đàn áp hay không? Và như thế họ có những công cụ trong tay để nhân danh Liên Âu hành động chấm dứt sự đàn áp tôn giáo. Đây là một phần của sự vui sướng. Phần khác dành cho quần chúng tại các quốc gia.
Trong khắp thế giới, nhiều sắc dân bị đàn áp vì tôn giáo hay tín ngưỡng họ. Nay chúng tôi có Đường hướng chỉ đạo, quần chúng các nước có thể tìm đến Tòa Đại sứ Liên Âu nói rằng "Xin hãy nghe chúng tôi, xin giúp chúng tôi bảo vệ và thăng tiến tôn giáo của chúng tôi, vì chúng tôi đang bị đàn áp !".
Cho nên bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu” rất tốt và tiện lợi cho các Tòa Đại sứ Liên Âu cũng như cho quần chúng địa phương bị áp bức.
Ỷ Lan: Như ông nói đó, thì phải chăng những nạn nhân người Việt bị đàn áp tôn giáo có thể đến gõ cửa Tòa Đại sứ Liên Âu và yêu cầu cứu giúp?
Peter Van Dalen: Đúng như vậy. Tôi biết một số người Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Việt Nam. Tôi từng nói chuyện với họ. Họ cho tôi biết là họ không được quyền biểu tỏ tín ngưỡng Thiên chúa giáo của họ. Nay thì họ đã có công cụ để tự bảo bệ mình. Họ chỉ việc đến gặp Phái đoàn Liên Âu tại Hà Nội để nói rằng: "Chúng tôi đang bị đàn áp. Chúng tôi không được tự do làm lễ khi không có mật vụ kiểm soát". Và họ yêu cầu Tòa Đại sứ Liên Âu bảo vệ và giúp đỡ họ. Hẳn nhiên Tòa Đại sứ Liên Âu phải hậu thuẫn họ, vì đã có trong tay và phải áp dụng bản "Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu".
Ỷ Lan: Thưa ông Dennis De Jong. Bản "Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu" đối với ông mang ý nghĩa gì?
Dennis De Jong: Kể từ nay, tất cả mọi Tòa Đại sứ Liên Âu sẽ nhận được chỉ thị minh bạch - chúng tôi gọi là Đường hướng chỉ đạo nhưng kỳ thực đây là chỉ thị - để giải quyết với những vi phạm tự do tôn giáo. Đây không phải là một cam kết tự nguyện, mà là nghĩa vụ, và các nhiệm sở sứ quán sẽ phải có những phúc trình về sự thực hiện bản Đường hướng. Điều này quan trọng vì một số các nhà ngoại giao thấy ra tầm quan trọng của tự do tôn giáo, cũng như những người khác quan tâm đến tự do ngôn luận hay các tự do khác. Rất quan trọng cho sự việc nhìn vào toàn cảnh.
Mọi người, mỗi cá thể, phải được quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Không một chính quyền nào được quyền hạn chế quyền này bằng luật lệ bắt đăng ký. <br/> -Dennis De Jong
Tự do tôn giáo rất phức tạp, nó biểu dương bằng những động thái khác nhau và vấn nạn cũng khác nhau tùy theo từng quốc gia. Với bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”, các nhà ngoại giao bó buộc phải học tập chính sách mới của Liên Âu trên vấn đề này, và họ phải ứng phó cho mọi hoàn cảnh. Bản Đường hướng chỉ đạo sẽ giúp soi sáng vào những vấn đề phức tạp để tìm ra giải pháp.
Ỷ Lan: Các tôn giáo tại Việt Nam đang đối diện với vấn đề đăng ký. Nhà cầm quyền bảo rằng đây là thể thức bảo vệ tự do tôn giáo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Dennis De Jong: Mọi người, mỗi cá thể, phải được quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Không một chính quyền nào được quyền hạn chế quyền này bằng luật lệ bắt đăng ký. Đây là quan điểm chính thức của Liên Âu.
Ỷ Lan: Còn bà Veronique Arnault, Giám đốc Vụ Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Liên Âu, cho biết ý kiến như sau:
Veronique Arnault: Tôi tin rằng đây là tín hiệu chính trị rõ ràng mà Liên Âu muốn tranh đấu chống sự đàn áp. Trước hết, là ưu tiên chống bạo động, để mọi người có thể biểu tỏ ý kiến họ, trên lĩnh vực tôn giáo hay không tôn giáo, là điều tối quan trọng.
Cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng Châu Âu không chịu khép mình lại, mà phải thấy cho được tầm quan trọng của vấn đề.
Điều cũng quan trọng là bản Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu tham chiếu những tiêu chuẩn quốc tế, để không ai có thể phê phán rằng “Các ngài châu Âu chỉ muốn đem lại những quan điểm của các ngài mà thôi !”.
Đây cũng là nhận thức, bởi vì khi tổng kết quan hệ với một quốc gia, Liên Âu phải đánh giá trên lĩnh vực tự do ngôn luận, nhân quyền cũng như tự do tôn giáo. Như thế, qua cuộc đánh giá mà Liên Âu biết quốc gia nào cần hậu thuẫn, và lúc nào thì phải vạch mặt chỉ tên những vi phạm nhân quyền.
Hiển nhiên, chẳng có văn bản nào có thể giải quyết mọi sự. Nhưng điều quan trọng là 27 quốc gia Liên Âu đồng thanh chấp nhận Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu. Bây giờ đây là lúc chúng tôi bắt tay vào thực hiện xem có thể làm đến đâu.
Ỷ Lan, Đài Á Châu Tự do tại Luxembourg