Nguyên nhân là do số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở những khu vực không nguy hiểm gia tăng một cách đáng kể. Vì sao tai nạn đường sắt lại gia tăng ở những khu vực không nguy hiểm một cách bất thường như vậy?
Nguyên nhân khách quan?
Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam cho biết có 533 vụ tai nạn giao thông đường sắt trong năm 2011, tăng 13,2% so với năm 2010. Trong hơn 500 vụ tai nạn, Tổng Công Ty Đường sắt nhận định có gần 97% là do nguyên nhân khách quan tức là do ý thức của người tham gia giao thông gây ra. Và tiếp tục trong hai tháng đầu của 2012, các vụ tai nạn giao thông đường sắt lại xảy ra liên tiếp, khiến nhiều người thiệt mạng. Trước thực trạng bình quân mỗi ngày có một người chết vì tai nạn đường sắt, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở những khu vực không nguy hiểm gia tăng hơn. Theo nhận định của ông Hiệp thì đây là một điều bất thường và ông cho rằng tính chất của các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông.
Hệ thống quản lý nếu mà làm tốt thì đỡ xảy ra những tai nạn. Đường sắt đi qua những chiếc cầu, phải đi chung những hệ thống xe cộ chạy qua.
Một người dân
Trong quá trình tìm hiểu có phải ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính gây ra tai nạn đường sắt hay không, một người dân chuyên sử dụng xe lửa cho nhu cầu đi lại của mình vì theo anh trong mọi hệ thống xe ở Việt Nam thì xe lửa là an toàn nhất, nhưng với tư cách là một người tham gia giao thông, anh cho biết ý kiến của mình như sau:
“Hệ thống quản lý nếu mà làm tốt thì đỡ xảy ra những tai nạn. Đường sắt đi qua những chiếc cầu, phải đi chung những hệ thống xe cộ chạy qua không có chặt chẽ, đôi lúc xảy ra tai nạn. Có những tai nạn vừa rồi xảy ra là vì vậy. Tức là, đi qua chiếc cầu đó, hệ thống xe như xe gắn máy qua, xe taxi cũng qua, rồi xe lửa đến. Nhiều lúc chỉ cần chen lấn một chút, vượt qua nhanh là xảy ra tai nạn.”
Và sau đây là ý kiến của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Ngọc Thêm:
“Tôi thấy là nguyên nhân của nó nhiều hơn là ý thức của dân. Ý thức của người dân hiện nay luôn luôn là lý do chính dẫn tới tai nạn trong các loại hình giao thông. Nhưng mà còn có nhiều nguyên nhân khác nữa đặc biệt là đối với đường sắt. Ngoài nguyên nhân ý thức còn có nguyên nhân: hạ tầng cơ sở. Chúng ta đều biết Việt Nam hiện nay đều là đường sắt một chiều hết, chưa có hệ thống đường sắt hai chiều đi riêng về riêng như ở các nước khác. Thế rồi, pháp luật, việc duy trì và đảm bảo pháp luật về hành lang an toàn đối với đường sắt, tức là hai bên đường sắt phải cách ra bao nhiêu đó, thì không có đảm bảo an toàn. Dân lấn do vấn đề đất đai cho nên người ta tranh thủ lấn. Ở những chổ có đường cắt ngang qua thì phải có rào chắn, có người trực ở đấy để mà ngăn chặn. Có rất nhiều chổ không có đường tự do băng qua, nên có hiện tượng người, xe máy hoặc ô tô tranh thủ thấy tàu hỏa sắp đến, tranh thủ vượt qua và khi vào đến đường sắt bị kẹt không vượt qua được, là tắt ở đấy, tàu hỏa đến đẩy nguyên một chiếc ô tô, như thế gây tai nạn.”
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng số liệu hơn 95% các vụ tai nạn đường sắt do ý thức của người tham gia giao thông mà Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam đưa ra là không khách quan và không đúng sự thật. Có thể nêu điển hình vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra ở cầu Ghềnh, Đồng Nai hồi đầu năm 2011 được xác định là do nhân viên viên gác chắn không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu, để cho phương tiện lưu thông vào lòng cầu. Đoàn tàu khách đã tông vào 6 xe ô tô đang lưu thông trên cầu theo chiều ngược lại làm cho 2 người chết và 26 người bị thương. Dù là do lỗi của người tham gia giao thông hay là do các nhân viên ngành đường sắt tắc trách trong công tác thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò chính yếu để hạn chế tối thiểu những tai nạn xảy ra. Những phương án được đề ra như vận động người dân thực hiện nghiêm ngặt quy định an toàn giao thông hay giáo dục an toàn giao thông cần được chú trọng nhiều hơn nữa ở học đường. Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận định:
Nhưng mà còn có nhiều nguyên nhân khác nữa đặc biệt là đối với đường sắt. Ngoài nguyên nhân ý thức còn có nguyên nhân: hạ tầng cơ sở.
GS Trần Ngọc Thêm
“Nhà trường hiện nay nhất là những cấp thấp như mẫu giáo, cấp 1 chẳng hạn đều rất chú ý giáo dục các em. Thế nhưng, lên các cấp cao hơn, rõ ràng việc giáo dục này bị hạn chế, kém đi. Tôi quan sát thấy các em nhỏ học những điều như thế thì các em rất có ý thức. Nhưng khi lớn dần lên, nhìn thấy xung quanh mình, cha mẹ mình, người đi đường không chấp hành thì dần dần tất cả những gì các em học được, dần dần bay theo gió hết. Cuối cùng các em sống như mọi người. Cho nên tức là việc giáo dục ở trường không thể nào làm thay được tất cả. Cái chính là bức tranh ngoài xã hội là sự giáo dục. Nếu một xã hội mà vận hành không chuẩn thì sẽ gây tác hại rất lớn và nhà trường không thể nào thay thế, không thể nào giải quyết được vấn đề.”
Xã hội cần làm gì?
Như vậy câu hỏi đặt ra là xã hội Việt Nam cần phải làm gì để thực thi pháp luật một cách nghiêm chỉnh không chỉ trong ngành giao thông mà trong mọi khía cạnh khác của đời sống.
Theo nhận định của các chuyên gia xã hội thì Việt Nam có truyền thống văn hóa nông nghiệp, người Việt sống rất linh hoạt và xử lý theo cảm tình nên không có ý thức tuân thủ pháp luật. Cả người duy trì luật pháp và người dân đều có ý thức pháp luật kém. Điều quan trọng là mọi người phải nghiêm chỉnh thực thi pháp luật. Chẳng hạn như công an không được nhận hối lộ, phải phạt cho đến nơi đến chốn. Người tham gia lưu thông phải hiểu rõ những tác hại khi không chấp hành đúng luật định dẫn đến thiệt hại cho bản thân và cho người khác…
Có thể nói cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng song song với yếu tố con người. Cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt theo như thực trạng mà Giáo Sư Trần Ngọc Thêm mô tả:
“Đặc biệt là trên tuyến đường độc đạo duy nhất nối hai đầu đất nước là Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh là tuyến đường cực kỳ quan trọng - nơi lưu thông một số lượng rất lớn người cũng như hàng hóa, số chuyến tàu trong ngày cũng rất là lớn - đường thì quá cũ kỹ. Hằng năm, mưa, lũ, lụt làm hư hỏng đường. Các biển báo, v.v dọc đường tất cả đều quá kém, như là đầu thế kỷ thứ 20, chứ không phải ở thời điểm này.”
Các chuyên gia trong ngành cũng như người dân mong chờ chính phủ tập trung triển khai dự án đường sắt cao tốc, cố gắng làm thật tốt một tuyến đường sắt hai chiều với kích thước 1,4 mét đúng theo tiêu chuẩn quốc tế và có rào chắn dọc suốt hai bên đường. Những chổ cần có đường cắt thì phải có đường đi qua trên không hoặc chui ngầm dưới đất để hạn chế tối đa đường bộ cắt qua đường sắt. Và theo như giải pháp này sẽ không còn mỗi ngày có 1 nạn nhân chết vì tai nạn đường sắt như hiện nay.
Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN
Theo dòng thời sự:
- Tai nạn Cầu Ghềnh là do lỗi của dân?
- Bảy người bị tạm giam sau vụ tai nạn tàu hỏa đụng ô tô
- Xe lửa bị lật ở Đèo Hải Vân
- 12 người thiệt mạng trong vụ chìm tàu du lịch ở vịnh Hạ Long
- Bài học trách nhiệm bị bỏ quên
- Số người chết tăng cao trong dịp Tết vừa qua
- Không có tử vong trong vụ lật xe ở Phú Yên
- Gần 300 người chết do tai nạn trong dịp Tết
- Xe lửa tông 6 chiếc xe hơi vì đèn lưu thông hư?