Người Khmer và người Việt ở Campuchia chưa thể hợp nhất?

0:00 / 0:00

Tại Campuchia, có rất nhiều người Việt đang sinh sống nhưng hầu hết người Việt Nam sống tại đây vẫn chưa thể hội nhập vào xã hội của người dân bản xứ.

Cho đến nay Chính phủ Hoàng gia Campuchia vẫn không công bố số liệu chính xác là có bao nhiêu người Việt đang sống hợp pháp và bất hợp pháp tại xứ này.

Nhưng tại Campuchia, người ta rất dễ dàng gặp người Việt bất cứ nơi nào vì họ sống trong cộng đồng Khmer mà không nói tiếng Khmer, cho dù họ nói chuyện với người Campuchia.

Người Việt muốn hay không muốn hòa hợp với người Khmer ?

Người ta thấy rõ, đã có hai tầng lớp người Việt Nam sống tại xứ chùa Tháp. Tầng lớp thứ nhất có thể dễ dàng hòa nhập tốt với xã hội Campuchia; đó là nhóm có công ăn việc vững chắc, ổn định trở nên giàu có. Tầng lớp này biết nói ngôn ngữ Khmer trôi chảy và hiểu biết về văn hóa xã hội; thậm chí còn đổi họ tên, đặc biệt còn có quan hệ tốt với quan chức Campuchia.

Ông Vương Lộc Bình, Giám đốc Công ty THHH Khải Nam, chuyên chở hàng hóa Hồ Chí Minh – Phnom Penh và Phnom Penh – Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi làm ăn ở đây được hơn 20 năm nay, cũng dễ dàng không có gì đâu. Tôi có nhập quốc tịch Campuchia rồi. Tôi làm ăn ở đây, anh em Campuchia coi tôi như là người Campuchia. Ở đây không có phân biệt. Trước đó, tôi làm với Công ty anh em. Bây giờ tôi mở Công ty riêng được 4 năm rồi.

Ông Trần Hơn, sống ấp Chong Koh, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang trả lời phóng viên Quốc Việt/RFA ngày 08/7/2013
Ông Trần Hơn, sống ấp Chong Koh, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang trả lời phóng viên Quốc Việt/RFA ngày 08/7/2013 (Photos: Quốc Việt/RFA)

Theo tôi làm ăn ở Campuchia hay Việt Nam cũng giống nhau, người Campuchia cũng vậy và người Việt cũng vậy. Tùy theo công việc làm ăn với nhau, sống ở đâu là quê đó. Bên Campuchia, họ cũng coi mình như nhau.

Ông Vương Lộc Bình

Theo tôi làm ăn ở Campuchia hay Việt Nam cũng giống nhau, người Campuchia cũng vậy và người Việt cũng vậy. Tùy theo công việc làm ăn với nhau, sống ở đâu là quê đó. Bên Campuchia, họ cũng coi mình như nhau. Ở Campuchia, mình sống lâu lâu thì mình biết người Campuchia, hiểu người Campuchia và sống biết mấy ông quan chức…”

Nhóm gồm những người như ông Vương Lộc Bình chỉ là thiểu số. Nhóm đa số còn lại là những cư dân tự do, không nhà cửa, giấy tờ tùy thân. Họ là những người sống trong khu vực biển Hồ lênh đênh sông nước. Con cái không biết chữ và hoàn toàn sống co cụm, tách biệt với cộng đồng xã hội Campuchia.

Nhóm đa số người Việt này ở Campuchia hầu hết có đời sống nghèo cực. Công việc chủ yếu là đánh bắt thủy sản và bán hàng trên sông hoặc hàng rong tại những khu chợ nhỏ. Đó là nơi phải có đông đảo người Việt để dễ trao đổi và buôn bán. Hầu như họ không quan tâm đến việc làm sao để hòa nhập với người Campuchia hoặc để vươn lên trong xã hội.

Tại tỉnh Preay Veng, đã có hàng ngàn người Việt đang sống không giấy tờ theo bờ sông. Phần đông họ không hòa nhập được người Khmer vì lý đơn giản là người Việt Nam sống trái phép.

Ông Nguyễn Văn Tá, một người Việt không giấy tùy thân, sống chủ yếu bằng nghề đánh cá theo bờ sông ở huyện Peam Ro:

Ngôi làng người Việt sống bất hợp pháp tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, ảnh chụp ngày 8/7/2013. Photos: Quốc Việt/RFA
Ngôi làng người Việt sống bất hợp pháp tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, ảnh chụp ngày 8/7/2013. Photos: Quốc Việt/RFA (Photos: Quốc Việt/RFA)

“Chúng tôi sống dưới này khổ dữ lắm. Người dân Việt Nam không có đất để làm ăn, sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Người Khmer ăn hiếp mình lắm. Muốn hòa hợp thì phải chiều theo họ…”

Cũng giống các tỉnh thành khác của Campuchia, tại tỉnh Kampong Chhnang nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 90km đã có hàng chục ngàn người Việt sống ở dọc theo bờ sông. Tỉnh này có một số người Việt di cư được nhập quốc tịch nhưng hàng chục ngàn người đã sống ở đây hàng thập niên nay mà không thể nói được tiếng Khmer và không có quốc tịch.

Ông Trần Hơn, sống ở ấp Chong Koh, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhang hơn 30 chục năm nay nhưng không giấy tờ hợp pháp chia sẻ với chúng tôi:

Tại tỉnh Preay Veng, đã có hàng ngàn người Việt đang sống không giấy tờ theo bờ sông. Phần đông họ không hòa nhập được người Khmer vì lý đơn giản là người Việt Nam sống trái phép

“Ở đây, không cho mình nhập quốc tịch. Đúng ra, mính sống ở đây mấy chục năm nay thì cho nhập tịch. Nói nói mình là người dân tộc, sống trên nước như mướn chỗ ở. Không có quyền hạn gì. Chỉ đi làm công, làm thuê cũng bị bắt bỏ tù. Không thể nhập tịch chỉ biết sống chung chung…”

Giới phân tích Campuchia cho rằng người Việt Nam sống tại Campuchia cần phải học tiếng Khmer và văn hóa. Họ phải nói rành tiếng Khmer và cần học văn hóa xứ này vì đó là con đường duy nhất để có chỗ đứng và hòa nhập trong xã hội Campuchia.

Song, điều đó vẫn xa vời đối với những người Việt bất đồng chính kiến hoặc không được sự giúp đỡ từ chính phủ Việt Nam, Tổng Hội người Campuchia gốc Việt hay những thân phận nghèo thấp cổ bé miệng.

Ông Nguyễn Nam nói: "Vấn đề muốn hòa hợp với người Khmer, tôi thấy vẫn còn ngăn cách xa lắm. Chúng tôi nói tiếng Khmer cũng được thôi. Dù chúng tôi biết chữ, họ vẫn biết chúng tôi là người Việt Nam. Đa số những người mà tôi được tiếp xúc họ không muốn học tiếng Khmer nhiều. Lý do là vì cuộc sống. Ngoài ra, nếu học được, muốn lên Đại học thì rất khó. Tại vì phải qua một khâu điều tra…"

Tiến sĩ Kem Ley, nhà phân tích chính trị độc lập tại Campuchia cho rằng có 5 yếu tố cơ bản để người Việt Nam có thể hòa nhập tốt trong xã hội Campuchia.

Vấn đề muốn hòa hợp với người Khmer, tôi thấy vẫn còn ngăn cách xa lắm. Chúng tôi nói tiếng Khmer cũng được thôi. Dù chúng tôi biết chữ, họ vẫn biết chúng tôi là người Việt Nam. Đa số những người mà tôi được tiếp xúc họ không muốn học tiếng Khmer nhiều

Ông Nguyễn Nam

Thứ nhất, nếu chính phủ bản xứ thi hành luật xuất nhập cảnh, điều tra làm rõ số liệu chính xác người Việt đang sống hợp pháp và bất hợp pháp tại đây, thì việc này sẽ giúp người Khmer yên tâm nhiều. Thứ hai, cộng đồng người Việt phải biết chữ Khmer để dễ trao đổi, làm thủ tục pháp lý. Thứ ba, phải tìm hiểu nền văn hóa của Campuchia. Thứ tư, không tuyên truyền sự thù hận kích động phận biệt vì lý do chính trị. Thứ năm, là phải giáo dục, tuyên truyền cho dân hiểu biết và tôn trọng Tuyên bố Nhân quyền quốc tế, quyền dân sự, chính trị để người dân hiểu rõ về quyền lợi và sống bình đẳng.

Theo Tiến sĩ Kem Ley, người Campuchia rất thật thà và không muốn gây hấn. Nhưng người Việt Nam cũng phải tôn trọng người bản xứ khi họ sống tại Campuchia.

Ông nói: "Người Việt khi đến sống tại đây đều co cụm lại vì họ có chung nguồn gốc, ngôn ngữ và văn hóa. Thế nhưng không phải sang Campuchia bất hợp pháp như hiện nay. Đối với người nhập cư bất hợp pháp, chính phủ phải chuẩn bị chỗ ở chọ họ, tôn trọng nhân quyền, rồi họ cũng phải tôn trọng pháp luật nước sở tại. Ngôn ngữ không phải hàng rào, quan trọng nhất là người Việt phải học hỏi văn hóa Campuchia để tránh có xung đột."

Ngoài số người Việt làm ăn vững chắc ở đất nước này, biết nói tiếng Khmer, có xe hơi, có căn nhà lầu và có chức vụ trong cơ quan Nhà nước quan trọng của Campuchia có thể hòa nhập tốt với người Khmer bản xứ. Đối với người Việt sống trong các thôn xóm, khu nhà trọ, trên biển Hồ và các vùng sâu vùng xa thì cơ hội để có thể vươn lên trong xã hội vẫn còn xa vời. Họ là những đối tượng dễ bị kỳ thị nhất tại đất Campuchia.