Bà Yingluck sẽ rời ghế Thủ tướng Thái Lan?

0:00 / 0:00

Tình hình chính trị Thái Lan tiến sang một bước ngoặc mới đè nặng áp lực lên thủ tướng Yingluck khi hàng chục ngàn nông dân kéo về thủ đô Bangkok đòi nợ chính phủ cùng lúc Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) yêu cầu bà Thủ tướng phải giải trình việc thu mua lúa gạo của nông dân một cách tắc trách để nảy sinh tham nhũng ngay trong kế hoạch này. Từ Bangkok, Mặc Lâm có thêm chi tiết

Chính phủ tồn tại từng ngày?

Cuộc chiến giữa Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) do ông Suthep lãnh đạo và phe chính phủ do bà Thủ tướng lâm thời Yingluck dẫn đầu xem ra đang tiến dần đến hồi kết thúc mặc dù sự kết thúc đó không ai có thể đoán được ra sao vì tình hình chính trị Thái Lan vốn phức tạp nay lại rơi vào một tình huống khó đoán định hơn.

Theo tờ The Nation của Thái ngày hôm nay có bài nhận định thời sự cho rằng chính phủ của Thủ tướng lâm thời Yingluck đang quay cuồng với người biểu tình lẫn tòa án và bây giờ là nông dân các tỉnh kéo về đòi món nợ 130 tỷ bath mà chính phủ không có cách gì trả nổi.

Tình hình chưa từng có trong lịch sử nước Thái mà dân chúng ra phản đối chính phủ đông như thế, ba tháng hơn rồi. <br/> -GS Châu Kim Quới

Chính phủ của Thủ tướng lâm thời Yingluck đã vật vã tìm nguồn tiền để trả cho nông dân và trong nỗ lực ấy đã làm ảnh hưởng đến Ngân hàng tiết kiệm của Chính phủ (GSB) khi một số tiền mặt 60 tỷ Bath đã bị người dân rút ra chỉ trong hai ngày 17 và 19 tháng Hai vì người gửi không muốn tiền của mình được chính phủ vay để trả nợ cho nông dân.

GS Châu Kim Quới thành viên của Học viện Hoàng gia Thái Lan nhận xét diễn biến trong mấy tháng gần đây và khó khăn của chính phủ:

“Tình hình chưa từng có trong lịch sử nước Thái mà dân chúng ra phản đối chính phủ đông như thế, ba tháng hơn rồi. Bà Thủ tướng Yingluck thì trốn đi khắp nơi vì nếu họ biết bà ở đâu thì họ đuổi theo để mà phản đối. Bây giờ ổng (Suthep) xoay qua phá nền kinh tế của giòng họ Shinawatra. Những khách sạn hay công ty nơi nào của giòng họ này thì họ đến họ làm cho rối lên. Điện thoại mà giòng họ này có cổ phần thì dân chúng không mua nữa.”

Báo The Nation cho rằng chính phủ bà Yingluck Shinawatra chỉ tồn tại từng ngày và chỉ biết đổ lỗi cho phe chống chính phủ. Trong khi bà Yingluck phải lánh nạn từng đêm tại nhiều địa điểm khác nhau như một người bị truy nã thì các công ty, khách sạn, tập đoàn của giòng họ Shinawatra của bà cũng không thoát khỏi sự truy bức của người biểu tình. Nhiều khách sạn sang trọng phải đóng cửa, cổ phiếu công ty điện thoại AIS có cổ phần của gia đình Shinawatra tụt xuống 5% vì người sử dụng của phe chống chính phủ tẩy chay.

Nông dân Thái đi máy cày từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung Thái Lan kéo nhau thành đoàn tiến về Bangkok hôm 20/02/2014. RFA PHOTO.
Nông dân Thái đi máy cày từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung Thái Lan kéo nhau thành đoàn tiến về Bangkok hôm 20/02/2014. RFA PHOTO.

Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia bà Yingluck chịu trách nhiệm hoạch định chính sách thu mua lúa gạo của người dân và vì vậy khi Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) yêu cầu giải trình việc mua lúa của nông dân và dấu hiệu tham nhũng, hối lộ trong chính phủ thì bà Yingluck phải lo đối phó trên mặt trận mới về tư pháp, trong khi đó một đợt nông dân nữa từ quê kéo lên Bangkok đòi nợ chính phủ cũng cần bà giải quyết cấp thời.

Ông Châu Văn Nguyên, một Việt kiều định cư tại Thái hơn 50 năm chia sẻ kinh nghiệm của ông về vấn đề tham nhũng trong chính sách thu mua gạo của chính phủ:

“Trong cái vụ cầm cố lúa gạo này nó có rất nhiều chỗ hở Các bộ trưởng cũng như các ngành ở dưới người ta kiếm ăn tức là ăn hối lộ. Cái nạn hối lộ hiện thời nó rất cao mà lúa thì bán không được, chính phủ vay mượn cũng không được vì đây là chính phủ lâm thời nên không ngân hàng hay cơ quan tiền tệ của quốc gia nào dám cho vay.”

Nông dân chia rẽ?

Ngày hôm qua hơn 15 ngàn nông dân trên hàng ngàn chiếc máy cày và các loại phương tiện khác từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung như Uthai Thani, Ayutthaya, Singburi và Ang Thong kéo nhau thành đoàn tiến về Bangkok và có tin là họ sẽ trấn giữ phi trường Suvarnabhumi mặc dù chưa biết phải làm gì tại phi trường quốc tế này.

GS Châu Kim Quới nhận định về tin đồn đang loan truyền trong dư luận khi những người nông dân chọn điểm dừng của họ là phi trường quốc tế Suvarnabhumi:

“Ngoài mặt thì họ bảo họ đi đòi tiền của nông dân nhưng mà bên trong thì phe đối lập nghi ngờ là trong nhóm nông dân này có người theo phe chính phủ đưa một nhóm khác vào để phá cái đám nông dân chống chính phủ, tức là chia rẽ trong nông dân, họ bảo đi đòi tiền nhưng tại sao lại ra sân bay? Ra đó dọa nạt cái gì?”

Ông Takorn, một nông dân đang ngồi trước tòa nhà chính phủ chờ được giải quyết tiền của mình nói với chúng tôi:

“Tôi không đòi hỏi gì nhiều hơn cái mà tôi đã mất. Tôi chỉ muốn chính phủ trả lại đúng số tiền mà họ nợ của chúng tôi mà thôi.”

Ông Châu Văn Nguyên cho biết nhận xét của ông về sự khác nhau của chính phủ Thaksin trước đây và Thủ tướng Yingluck bây giờ trong cùng chính sách mua chuộc lá phiếu cử tri:

Ngoài mặt thì họ bảo họ đi đòi tiền của nông dân nhưng mà bên trong thì phe đối lập nghi ngờ là trong nhóm nông dân này có người theo phe chính phủ đưa một nhóm khác vào để phá. <br/> -GS Châu Kim Quới

“Ông Thaksin mua lòng người nông dân tức là theo chính sách dân nguyện. Chính phủ Thaksin được nông dân ủng hộ do đó mỗi kỳ bầu cử thì ông ta đều thắng phiếu lớn, tuy nhiên chính sách hiện nay của bà Ying Luck thì khác. Chính sách hiện nay là chính sách mang lúa gạo đi cầm cho chính phủ cầm với giá rất cao 15 ngàn Bath một tấn. Trong khi đó thì lúa gạo lại bán không được nếu bán ra sẽ bị lỗ gần một nửa đó là một. Hai nữa là nhà buôn của Thái Lan người ta muốn mua lúa của nhà nước thì người ta biết bán ra sẽ lỗ vì giá thành cao quá không cạnh tranh nỗi với giá gạo thế giới do đó người ta không mua và vì vậy không có tiền trả cho nông dân.”

Nông dân tuyên bố họ không hợp tác với Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân của ông Suthep Thaugsuban nhưng họ mang lương thực đủ 7 ngày để đòi hỏi chính phủ Yingluck phải giải quyết cho họ.

Người ta không biết trong vòng 7 ngày chính phủ làm sao có thể xoay sở một món tiền khả dĩ giải quyết được phần nào số nợ đang thiếu khi các định chế tài chánh không chấp nhận cho chính phủ vay vì tính chính đáng của nó chưa được Quốc hội công nhận.

Trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan như thế đảng Pheu Thái sáng hôm nay lại đưa tin rằng có thể đảng này sẽ không giới thiệu bà Yingluck như một ứng viên Thủ tướng nữa. Đảng Pheu Thai buộc phải xem xét lại chiến lược của mình nhằm củng cố lực lượng. Tuy nhiên bà Yaowapa Wongsawat người chị lớn của Thủ tướng Yingluck cũng là thành viên cốt cán của đảng Pheu Thai tuyên bố rằng đã tới lúc phát động cuộc phản công vào nhóm chống chính phủ do Suthep lãnh đạo.

Ông Châu Văn Nguyên chỉ dè dặt suy đoán qua kinh nghiệm nhiều năm ở Thái của mình:

“Chính phủ Yingluck bị tấn công hai mặt một là của ông Suthep hai là người nông dân đòi nợ. Hai mặt này đều gay go và phức tạp do đó rất có khả năng bà này sẽ từ chức. Nhưng hiện tại bây giờ bà ấy có từ chức hay không đều do sự quyết định của ông Thaksin.”

Giới quan sát viên quốc tế đang nín thở chờ đợi diễn biến tiếp theo và tự hỏi Thái Lan làm sao thoát khỏi bờ vực tranh chấp giữa đảng Pheu Thái và Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) khi bên nào cũng có lực lượng dân chúng phía sau ủng hộ?