Trong những năm gần đây việc thực hành Yoga đã phát triển tại Việt Nam, đặc biệt tại đô thị lớn nhất nước là Sài Gòn. Kính Hòa tìm hiểu con đường đi của lọai hình Yoga cổ điển, xuất phát từ Ấn độ và đến Sài Gòn như thế nào.
Cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần
Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện nghi vật chất, nhưng đồng thời cũng mang đến những lo âu cho đời sống thường nhật. Nỗi lo về một tương lai bất an, bất an của nghề nghiệp, của gia đình, sự nhiễu lọan của khối lượng thông tin từ địa phương, từ thế giới. Để thóat khỏi sự căng thẳng thường nhật ấy, để trở về với sự tĩnh tại tuyệt đẹp vốn có do tạo hóa tạo nên trong mỗi cá nhân, một liệu pháp hữu hiệu dựa trên một nền tảng thông tuệ từ ngàn xưa được tìm đến, đó là việc thực hành Yoga.
Việt Nam cũng không nằm ngòai sự căng thẳng của xã hội hiện đại, nhất là khu vực thành thị, khi mà các công việc ở đây đã mang tính tòan cầu, nối kết với thế giới bên ngòai. Nhiều trung tâm dạy Yoga đã được thiết lập tại các thành thị Việt Nam. Khi tìm hiểu sự phát triển của Yoga tại TP HCM chúng tôi lại phát hiện ra nhiều điều thú vị.
Hiện nay có nhiều người có nhu cầu cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần, và yoga thì không phải là thuộc riêng một tôn giáo nào cả, ai tập cũng được.
Chị Mỹ Hòang
Chị Mỹ Hòang, đại diện của Yoga Sivananda tại Việt Nam cho biết,
“Hiện nay có nhiều người có nhu cầu cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần, và yoga thì không phải là thuộc riêng một tôn giáo nào cả, ai tập cũng được.”
Theo chị Mỹ Hòang thì sự phát triển của Yoga tại Việt Nam có cái thuận lợi là vì nó vừa mới mẽ, nhưng lại vừa quen thuộc với triết lý Phật giáo, do cả hai đều bắt nguồn trong nền văn minh Ấn độ hàng ngàn năm trước, do vậy cắm rễ lâu đời trong tâm thức người Việt.
Swami Sitaramananda là ai
Trước khi làm đại diện của Yoga Sivananda tại Việt Nam, Chị Mỹ Hòang thực hành môn Yoga cổ điển ở một trung tâm lớn tại miền bắc California, Hoa Kỳ, Trung tâm Yoga Sivananda tại thung lũng Grass Valley, không xa thành phố phồn vinh và bận rộn nhất miền tây Hoa Kỳ là San Francisco. Điều thú vị là người đứng đầu trung tâm này , cô Swami Sitaramananda là một phụ nữ Việt Nam nói tiếng Việt không pha chút âm sắc nước ngòai nào.
Cô Swami đến Canada vào năm 1971 và học đại học về xã hội học tại thành phố Montreal thuộc tỉnh bang Quebec. Sau khi tốt nghiệp cô Swami làm việc trong các sở xã hội của chính phủ Canada. Đây cũng là thời kỳ thế hệ thanh niên Âu Mỹ sinh sau chiến tranh thế giới thứ hai đi tìm nơi trú ẩn về tinh thần, sau những biến chuyển xã hội quá lớn lao. Cùng thời gian ấy thầy Swami Vishnudevananda truyền bá tinh thần và thực nghiệm Yoga đến bắc Mỹ. Cô Swami gia nhập trung tâm Yoga đầu tiên của vị thầy Ấn Độ mở ra tại Tỉnh Quebec. Cô nói về lý do của việc gia nhập đó như sau,
Tôi làm công việc xã hội ở Canada, rồi tôi bị căng thẳng, dù rằng làm công việc xã hội thì mình mang những cái vấn đề của người ta vào mình. Tôi đi học Yoga rồi phát hiện ra rằng mình giúp người ta được sự bình tâm là cái cách tốt nhất, chứ làm việc xã hội thì không đủ
cô Swami Sitaramananda
“Tôi làm công việc xã hội ở Canada, rồi tôi bị căng thẳng, dù rằng làm công việc xã hội thì mình mang những cái vấn đề của người ta vào mình. Tôi đi học Yoga rồi phát hiện ra rằng mình giúp người ta được sự bình tâm là cái cách tốt nhất, chứ làm việc xã hội thì không đủ. Thế là tôi trở thành giáo viên Yoga”
Kết nối thể xác và tin thần để tìm sự an lạc
Cô Swami nói rằng trước cuộc sống căng thẳng người ta khó nhận ra sự hạnh phúc vốn có trong tâm. Và sự thực hành Yoga với những bài tập của nó giúp cho hành giả kết nối tinh thần và thể xác của mình, từ đó lấy lại sự tịnh tâm cho một sống vui tuơi hơn.
Theo cô Swami thì sau hàng chục năm phát triển Yoga trên Bắc Mỹ, tên gọi Yoga đã trở nên quen thuộc nhưng sự thực hành nó không hòan tòan theo lối cổ điển như ban đầu, theo kiểu mà trung tâm Sivananda vẫn duy trì. Yoga với các bài tập liên quan đến thể xác của nó đã gia nhập các phòng tập thể dục từ bình dân đến sang trọng ở khắp nơi. Và mục đích của người theo tập đôi khi chỉ còn là thể hình, giảm cân, mang tính thời thượng mà người ta quên đi cái quan trọng của Yoga là kết nối thể xác và tin thần để tìm sự an lạc.
Sau mấy mươi năm ở nước ngòai cô Swami Sitaramananda trở lại quê hương và bắt đầu thành lập những trung tâm dạy Yoga theo lối cổ truyền tại hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà nội. Cơ sở vật chất thì không nhiều nhưng số người thành thục có thể giảng dạy đã lên tới hàng trăm. Cô Swami nói rằng,
“Mình có cái gì thì mình chia xẻ với Việt Nam, giúp cho xã hội khỏe và bình an hơn, và tôi rất vui khi làm những điều như vậy.”
Theo chị Mỹ Hòang, Sự du nhập của môn Yoga cổ điển vào Việt Nam đã được khá đông người quan tâm, đầu tiên là sự mong muốn có một sức khỏe tốt, và sau đó họ cũng mong muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về triết lý của nó. Sự gia tăng của số người luyện tập Yoga phải chăng báo hiệu một tín hiệu đáng mừng cho một xã hội cân bằng hơn?