Phải có tiền
Theo tin từ một người Khmer Krom đang sống tại Campuchia cho biết, gia đình ông vẫn phải đóng tiền cho cơ quan chính quyền địa phương để được hưởng hộ khẩu, giấy khai sanh và chứng minh nhân dân, tuy Bộ Nội vụ của chính phủ Hoàng gia Campuchia không có chính sách buộc công dân phải đóng tiền.
Sau đó, cơ quan địa phương đòi 50 đôla Mỹ một giấy CMND. Nếu mình không đưa tiền, thì họ nói chưa có.
Một người Khmer Krom
Một người Khmer Krom đang sống tại thủ đô Phnom Penh nói về khó khăn trong quá trình làm thủ tục rằng: "Mình làm hộ khẩu trước, sau đó làm giấy khai sanh, nhưng phải tốn hết 40-50 đôla Mỹ. Cơ quan chính quyền địa phương gọi đi làm giấy chứng minh tại huyện thì không tốn tiền, tuy nhiên phải xếp hàng để đăng ký làm, nhưng làm xong lại nói chưa có. Mình không biết nên cứ chờ hoài, chờ hết ba năm. Sau đó, cơ quan địa phương đòi 50 đôla Mỹ một giấy CMND. Nếu mình không đưa tiền, thì họ nói chưa có."
Bị đối xử phân biệt
Ngoài những người Khmer Krom đang sống tại thủ đô Phnom Penh, những người Khmer Krom sống ở tỉnh Kandal, Takeo, Posath, Koh Kong, Poy Peth và một số tỉnh thành khác vẫn bị cơ quan chính quyền địa phương đòi tiền và gây khó. Hơn nữa, người Khmer Krom còn nói rằng khi họ sang Campuchia, họ không có điều kiện để đi làm, không có ai quan tâm, mà lại bị công an theo dõi và đang bị phân biệt đối xử.
Ông Ang Charith, cựu giám đốc tổ chức nhân quyền Khmer Kampuchea Krom nói rằng ông đã từng làm việc với người Khmer Krom, những vấn đề nêu trên đều có xảy ra với họ. Ông cho biết như trường hợp các vị sư sãi sang học tập ở Campuchia: "Liên quan đến những vị sư sãi Khmer Krom sang học tập ở Campuchia có nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số vị đang bị công an theo dõi. Cũng theo thông tin tôi nhận được, có thể có công an Việt Nam theo dõi đến đây. Thêm nữa, những sư sãi có mong muốn đến học tập và sống trong nhà chùa tại Phnom Penh lại đang bị phân biệt đối xử.".
Bắt đổi họ tên, nơi cư trú
Ngoài những vấn đề trên, người Khmer Krom còn khẳng định họ đang gặp rắc rối khi họ làm giấy chứng minh nhân dân mang theo địa chỉ và họ tên ở Kampuchia Krom.
Thực tế như tôi, khi tôi đến làm giấy chứng minh, cơ quan chính quyền địa phương buộc phải đổi họ, nơi cư trú ở Kampuchia Krom.
Một người Khmer Krom
Một người Khmer Krom khác, hiện đang sống ở tỉnh Poy Peth cho biết: "Khmer Krom lên Campuchia, gặp khó khăn nhất là vấn đề làm giấy chứng minh nhân dân vì không có địa chỉ cụ thể, không có đất đai. Thực tế như tôi, khi tôi đến làm giấy chứng minh, cơ quan chính quyền địa phương buộc phải đổi họ, nơi cư trú ở Kampuchia Krom."
Người đàn ông này còn cho biết thêm, đa số người Khmer Krom sống ở Campuchia là đi làm mướn, làm thợ xây dựng, và chạy xe ôm.
Quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ Campuchia có nhận định những vấn đề xảy ra đối với người Khmer Krom là cơ quan ông không nhận được đơn khởi kiện, và ông mong được sự hợp tác nếu có trường hợp lấy tiền hoặc buộc đổi họ tên và địa chỉ.
Ông Lay Voharith, đã có nhận định: "Về vấn đề này nếu có xảy ra lần thứ hai, tôi mong chính bản thân họ làm đơn gửi lên cơ quan chính quyền địa phương. Bởi vì ông Touch Naroth, trưởng công an thủ đô Phnom Penh có chỉ đạo là phải tạo điều kiện tốt cho dân hưởng được sổ hộ khẩu, sổ gia đình và giấy chứng minh nhân dân."
Ngoài ra ông Hou Navuth, phó trưởng phòng Công việc Chính trị của Bộ Nội vụ nhắc lại: "Luật Pháp Campuchia bảo vệ công dân Campuchia. Công dân không ai bị rút quốc tịch hay trục xuất đi nước ngoài nếu không có sự đồng ý của chính bản thân họ."
Được biết vào ngày 30 tháng 6 năm 2007 vừa qua, nhà sư Tim Sakhorn, người gốc Khmer Krom từng làm trụ trì chùa Phnom Den thuộc tỉnh Takeo của Campuchia bị lãnh đạo Phật giáo nước này buộc hoàn tục với lý do phá hoại bang giao giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Còn thủ tướng Campuchia Hun Sen thì cáo buộc ông có quan hệ bất chính với phụ nữ.
Theo dòng thời sự:
- Tu sĩ Phật giáo Khmer Krom được định cư tại Thụy Điển và Hà Lan
- UNHCR từ chối cấp quy chế tị nạn cho 18 người Khmer Krom
- Campuchia từ chối cấp giấy tờ cho người tị nạn Khmer Krom
- Người Tị Nạn Khmer Krom xin ở lại Campuchia
- Khmer Krom đề nghị Hoa Kỳ giúp người tị nạn
- Nhà sư bị buộc tội phá hoại tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia
- Sư Tim Sakhorn xin tị nạn tại Thái Lan