Đối thoại Mỹ - Trung kết thúc có gì mới?

Đầu tuần này, tại Bắc Kinh, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã khai mạc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược, kéo dài trong hai ngày 24 và 25 vừa qua.

Cuộc đối thoại đã kết thúc với một số thỏa thuận mà hai nước đã đạt được và vẫn còn nhiều thỏa thuận khác chưa đạt được. Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến vòng đối thoại này.

Đối thoại Kinh tế-Chiến lược là gì?

Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung - Mỹ là ý tưởng đã được hai nước đưa ra nhằm mục đích nâng cao các cuộc gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi và đi đến thỏa thuận các vấn đề có liên quan đến kinh tế, thương mại và chiến lược giữa hai nước. Đây là vòng đối thoại thứ hai diễn ra sau lần đối thoại đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hồi tháng 7 năm ngoái.

Chúng ta phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng, gây nên bởi việc nhấn chìm tàu Nam Hàn. Chúng ta phải cùng làm việc với nhau, để đối phó với thách thức này.

Bà Hillary Clinton

Vòng đối thoại này được cho là cuộc gặp gỡ với số lượng đông đảo chưa từng có giữa các quan chức cao cấp hai nước. Phái đoàn Hoa Kỳ gồm 200 người, do Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Ngân khố dẫn dầu. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các nhân vật cao cấp khác như: Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Thái Bình Dương; ông Gary Locke, Bộ trưởng Thương mại; ông Ben Bernanke, Chủ tịch Quỹ dự trữ Liên bang; ông Ron Kirk, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác, với 24 công ty năng lượng sạch đến từ Hoa Kỳ.

Vòng đối thoại này gồm 2 phần như tên gọi của nó: chiến lược và kinh tế. Phần đối thoại chiến lược do Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc chủ trì, trong khi đối thoại kinh tế do ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ và ông Vương Kỳ Sơn, Phó Thủ tướng Trung Quốc đứng đầu.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc vòng thứ hai đối thoại chiến lược Mỹ-Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 25/05/2010. AFP PHOTO / POOL / Saul Loeb.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc vòng thứ hai Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 25/05/2010. AFP PHOTO / POOL / Saul Loeb.

Có 26 vấn đề được đưa ra thảo luận trong vòng đối thoại này, bao gồm các vấn đề riêng trong khu vực như vụ chìm tàu Cheonan trên bán đảo Triều Tiên, hạt nhân Iran, cho đến vấn đề chung toàn cầu như: an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, chống khủng bố…

Vòng đối thoại lần thứ hai kết thúc với 7 thỏa thuận đã được hai bên ký kết qua các bản ghi nhớ chung và gia hạn các bản ghi nhớ trước đây, liên quan đến các vấn đề an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, cung cấp các lò phản ứng hạt nhân…

Vấn đề trừng phạt Bắc Hàn

Ngoài bảy thỏa thuận đạt được, hai nước đã không đạt được sự đồng thuận về vấn đề áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn, qua việc sử dụng ngư lôi tấn công tàu hải quân Cheonan, khiến 46 thuỷ thủ Nam Hàn thiệt mạng hồi cuối tháng 3 vừa qua. Phía Hoa Kỳ lên án hành động của Bắc Hàn và muốn Trung Quốc hậu thuẫn nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn sẽ được đưa ra ở Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Bà Hillary Clinton nói:

Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã trở nên cởi mở hơn nhiều về nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Và chúng tôi muốn khuyến khích các bạn đi xa hơn nữa.

Ông Timothy Geithner

"Và hôm nay chúng ta phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng, gây nên bởi việc nhấn chìm tàu Nam Hàn. Cho nên một lần nữa, chúng ta phải cùng làm việc với nhau, để đối phó với thách thức này và chia sẻ các mục tiêu của chúng ta vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi yêu cầu Bắc Hàn chấm dứt hành vi khiêu khích, ngưng chính sách đe dọa và gây chiến đối với các nước láng giềng và có biện pháp giải quyết vấn đề không thể đảo ngược, thực hiện cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân và tuân theo luật pháp quốc tế"

Thế nhưng, là nước đỡ đầu Bắc Hàn, nên Trung Quốc chưa từng công khai lên án vụ tấn công này, cũng như chưa hề bình luận về cuộc điều tra quốc tế hồi tuần trước, đã phát hiện tàu hộ tống Cheonan bị một quả ngư lôi của Bắc Hàn đánh chìm. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng đứng lên chống lại đồng minh của mình.

Phát biểu trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước, ông Đới Bỉnh Quốc nói rằng, việc bảo đảm hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên là điều quan trọng và đề nghị các bên hãy "bình tĩnh xử lý vấn đề một cách thích hợp, nhằm tránh gia tăng căng thẳng".
Ủng hộ quan điểm của ông Đới Bỉnh Quốc, ông Thôi Thiên Khải, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đề nghị nước này "cùng làm việc với Hoa Kỳ và các bên khác để tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ về tình hình bán đảo Triều Tiên".

Chưa thỏa thuận tỉ giá đồng Nhân dân tệ

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hôm 25/05/2010. AFP PHOTO / POOL / Saul Loeb.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, hôm 25/05/2010. AFP PHOTO / POOL / Saul Loeb.

Một điểm quan trọng khác mà hai nước chưa đạt được thỏa thỏa thuận cụ thể nào, đó là vấn đề tỉ giá đồng Nhân dân tệ, trong phần đối thoại kinh tế giữa ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ với ông Vương Kỳ Sơn, phó Thủ tướng Trung Quốc.

Để tiếp tục giữ lợi thế về xuất khẩu, Trung Quốc vẫn chưa muốn thả nổi đồng Nhân dân tệ theo tỉ giá cao hơn trên thị trường tự do. Đã nhiều lần Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc cố ý ghìm tỉ giá đồng Nhân dân tệ xuống thấp để được lợi thế trong xuất khẩu.

Trong lần đối thoại này, Trung Quốc tự hiểu họ phải bảo đảm với Hoa Kỳ rằng, sẽ tăng trị giá đồng Nhân dân tệ với tốc độ của riêng mình. Có lẽ vì thế, nên ông Geithner tuyên bố, thảo luận về đồng nhân dân tệ có kết quả đáng khích lệ, và khuyến khích Trung Quốc cố gắng hơn nữa để tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Ông Geithner nói: "Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã trở nên cởi mở hơn nhiều về nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Và chúng tôi muốn khuyến khích các bạn đi xa hơn nữa, để thực hiện các bước bổ sung nhằm bảo đảm các công ty xuất khẩu vào Trung Quốc, hoạt động tại Trung Quốc, và cạnh tranh với các công ty Trung Quốc trên thế giới, tất cả các công ty này được cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng".

Chúng tôi yêu cầu Bắc Hàn chấm dứt hành vi khiêu khích, ngưng chính sách đe dọa và gây chiến đối với các nước láng giềng.

Bà Hillary Clinton

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Cẩm Đào đã hứa sẽ giải quyết yêu cầu của Hoa Kỳ, cho tăng giá trị đồng Nhân dân tệ, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Mỹ. Ông cũng cam kết sẽ cải cách cơ chế tỷ giá đồng Nhân dân tệ theo nguyên tắc "tự quyết, trong tầm kiểm soát và từng bước".

Vấn đề căng thẳng trên biển Đông cũng được nhắc đến trong cuộc đối thoại này.

Mặc dù trên thực tế, đối thoại quân sự song phương Mỹ - Trung chính thức vẫn còn bị đình chỉ, do Hoa Kỳ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan hồi đầu năm nay, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Thái Bình Dương cũng có mặt trong vòng đối thoại này với sự đồng ý của Bắc Kinh.

Đô đốc Willard có cuộc hội đàm với tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đô đốc Willard đã cảnh báo Hải quân Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn về việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển trong khu vực. Ông nói rằng, các tuyên bố mở rộng của Trung Quốc đối với các hòn đảo và vùng biển trong khu vực "tạo ra mối quan tâm ngày càng rộng rãi trên toàn khu vực".

Trả lời phỏng vấn bên lề cuộc đối thoại, Đô đốc Willard nói: "Hiện đã có sự quyết đoán phát triển theo thời gian, đặc biệt trên Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa".

Ông Willard nói rằng, Hoa Kỳ xem ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á là tích cực, thế nhưng Bắc Kinh cần phải minh bạch hơn, không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với các nước láng giềng khác trong khu vực.

Theo dòng thời sự: