Nobel Hòa Bình 2017 về tay Chiến dịch Chống Vũ Khí Hạt Nhân

Chiến Dịch Quốc Tế Xóa Bỏ Vũ Khí Nguyên Tử, ICAN, được nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay.

Chủ tịch Ủy Ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen, cho rằng con người đang sống trong một thế giới nơi mà nguy cơ sử dụng vũ khí nguyên tử trở nên lớn hơn. Giải Nobel Hòa Bình năm nay soi rọi nguồn sáng cần thiết trên con đường thỏa ước tiến tới một thế giới không có vũ khí nguyên tử.

Bà này cho rằng cần phải đi theo con đường như thế trước khi quá muộn. Viễn cảnh xung đột nguyên tử lại một lần nữa hiện ra, và nếu một quốc gia có lúc thấy phải dứt khoát tuyên bố chống lại vũ khí nguyên tử thì đây chính là lúc thực hiện điều đó.

Vào tháng 7, 122 quốc gia trên thế giới thông qua Thỏa Ước Liên Hiệp Quốc Về Cấm Vũ Khí Nguyên Tử. Tuy nhiên những quốc gia thủ đắc loại vũ khí này như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp chưa tham gia.

Vào năm 2007, một liên minh gồm những nhóm phi chính phủ tại hơn 100 quốc gia mang tên Chiến Dịch Quốc Tế Xóa Bỏ Vũ Khí Nguyên Tử, ICAN được chính thức ra đời tại Vienna.

Theo nhận định của Ủy Ban Nobel Hòa Bình thì ICAN là một động lực thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cam kết hợp tác nhằm ngăn chặn và loại trừ vũ khí nguyên tử. Đây là một tác nhân xã hội dân sự hàng đầu trong công tác này.

Cho đến nay hơn 100 quốc gia đã có những cam kết như thế, được gọi là Humannitarian Pledge, tạm dịch Cam Kết Nhân Đạo.

Giám đốc Điều hành ICAN khi được hãng tin Reuters hỏi về thông điệp nhắn gửi với nguyên thủ hai nước đang căng thẳng về chương trình nguyên tử Bắc Hàn là tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong- Un. Bà Beatrice Fihn nói rằng vũ khí nguyên tử là phi pháp. Đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử cũng phi pháp. Sở hữu, thủ đắc, phát triển vũ khí nguyên tử là phi pháp và cần phải chấm dứt.