Vào ngày 16 tháng giêng, sau cuộc họp diễn ra tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar, hai chính phủ Bangladesh và Myanmar đồng ý bắt đầu chương trình hồi hương hơn 650.000 người Rohingya kể từ ngày thứ ba tuần tới, và sẽ kết thúc trong vòng 2 năm.
Trong thông cáo phổ biến ngày 16 tháng giêng, Bộ Ngoại Giao Bangladesh cho hay sẽ thành lập 5 trung tâm trung chuyển ở cả hai bên biên giới. Những người tị nạn Rohingya ở các trại này sẽ được chuyển tới hai trung tâm tiếp nhận ở Myanmar sau đó.
Bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Myanmar còn đảm bảo những người trong một gia đình đã chạy sang Bangladesh lánh nạn sẽ được xếp chung thành một hộ khi lập thủ tục hồi hương, đồng thời những đứa trẻ “sinh ra ngoài ý muốn” cũng được giải quyết để đưa về lại Miến.
Từ “trẻ sinh ra ngoài ý muốn” được dùng để chỉ những đứa bé có mẹ là người Hồi Giáo Rohingya mang thai và sinh con sau khi bị binh sĩ hay nhân viên an ninh Miến hãm hiếp.
Phía Myanmar chưa lên tiếng nói gì về những quyết định đạt được với Bangladesh, nhưng hồi tuần trước, phát ngôn viên chính phủ Myanmar là ông Zaw Htay cũng cho hãng thông tấn Reuters biết rằng chương trình hồi hương người Hồi Giáo Rohingya sẽ bắt đầu kể từ ngày thứ Ba tuần tới, tức ngày 23 tháng Một năm 2018.
Một viên chức khác của Myanmar còn nói là trong thời gian đầu, mỗi ngày chính phủ Myanmar sẽ nhận chừng 150 người. Viên chức không nêu tên này cho biết thêm là Myanmar cam kết ngăn cản không cho người Hồi Giáo Rohingya tiếp tục chạy sang nước láng giềng Bangladesh xin tỵ nạn.
Những cuộc thăm dò do truyền thông quốc tế và những tổ chức thiện nguyện thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy đại đa số người Hồi Giáo Rohingya không muốn trở lại Myamar. Lý do là vì họ sợ tiếp tục bị đàn áp, đối xử không công bằng, như họ đã từng phải chịu dượng trước đây.
Điều này được ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc, thuộc Ban Châu Á của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch nói đến trong email gửa ra cho các cơ quan báo chí vào sáng ngày 16/1. Ông nêu thắc mắc liệu tính mạng của những người Rohingya hồi hương có được bảo đảm hay không, khi họ bị đưa trở về nơi chỉ mấy tháng trước đây họ bị bắn giết, hãm hiếp.