Các vị ngoại trưởng những nước G-7 bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong bản tuyên bố chung phổ biến sáng nay, ngày 11 tháng 4 năm 2016, tại Hiroshima, Nhật Bản, các vị ngoại trưởng Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, đại diện EU và nước chủ nhà Nhật Bản nêu rõ quan ngại về tình hình trên Biển Đông, Hoa Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Các quốc gia trong khối G-7 cũng phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nhằm hăm dọa, áp chế hay khiêu khích có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng, thúc giục các bên kiềm chế trong việc xây dựng các tiền đồn, và sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Bản tuyên bố chung cũng nói rằng tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm phải hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng chính phủ Bắc Kinh chưa nhìn thấy bản tuyên bố này, nhưng cho rằng có một số nước cố tình làm lớn chuyện căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông để trục lợi về mặt chính trị.
Ông Lục Khảng cũng nói rằng nếu muốn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính trường thế giới, việc đầu tiên khối G-7 phải làm là tìm hiểu sự thật, đừng để cho một số nước lợi dụng, vì điều đó sẽ không có lợi cho tầm quan trọng của nhóm.
Mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu tên một quốc gia nào, nhưng được hiểu là muốn nhắm đến Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Đầu năm nay cũng trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Lục Khảng nói rằng Hoa Kỳ lợi dụng quyền tự do hàng hải và hàng không để theo đuổi chủ trương bá quyền ở biển Đông, không tôn trọng an ninh và chủ quyền của nước khác.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhiều lần phản đối việc Nhật Bản tìm cách can dự vào cuộc tranh chấp chủ quyền biển Đông, hiện đang xảy ra giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tuần trước, Nhật đã đưa tàu ngầm hiện đại nhất cùng với 2 khu trực hạm ghé cảng Subic của Phi. Theo chương trình, hai chiếc khu trục hạm của Nhật cũng ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Động thái này được các nhà quan sát xem là nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Nhật với Philippines và Việt Nam, trước tham vọng làm chủ Biển Đông của Trung Quốc.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận tiến hành tập trận chung trên biển.
Nhật Bản hiện đang tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku ở biển Hoa Đông với Trung Quốc.
Đây là vùng đảo hiện đang do Nhật quản trị hành chánh. Cuối năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ nói đảo này thuộc về Nhật, đồng thời cam kết giúp Tokyo bảo vệ an ninh lãnh hải trong trường hợp bị một nước khác tấn công.