Bộ trưởng ngoại giao Đức, Sigmar Gabriel, vào ngày 4 tháng 8 lên tiếng cho biết Berlin đang xem xét những biện pháp đối với Hà Nội về vụ bắt cóc một cựu viên chức dầu khí và mô tả việc chính quyền VN bác bỏ tin bắt cóc gợi lại những phim gián điệp thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy nhiên ông ngoại trưởng Đức không nói rõ những biện pháp đang xem xét cụ thể là gì.
Hãng Reuters loan tin cho biết là ngoại trưởng Sigmar Gabriel phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo tại Wolfsburg sau cuộc gặp với người tương nhiệm Slovak, Miroslav Lajcak.
Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói rằng Đức đã yêu cầu một viên chức tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin rời khỏi nước Đức bởi vì bị cho có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Phía Việt Nam thì nói người bị yêu cầu ra đi tự nguyện về nước.
Ông bộ trưởng ngoại giao Sigmar Gabriel nói phía Đức không phải nài nỉ mà đúng hơn là yêu cầu viên chức tình báo Việt Nam phải rời khỏi Đức bởi lẽ Berlin tin tưởng một cách mạnh mẽ viên chức này chính là người liên quan đến vụ bắt cóc.
Ông Sigmar Gabriel nói rõ không có điều gì trái với suy luận như thế vì tất cả đều củng cố cho suy luận là với sự hổ trợ của viện chức tình báo và dùng nơi cư ngụ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức nhằm tiến hành bắt cóc một người từng đã nộp đơn xin tỵ nạn.
Theo ngoại trưởng Sigmar Gabriel thì việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi nước Đức bằng những phương cách mà theo ông là những cách thức mà người xem thấy trong những phim kinh dị về thời Chiến Tranh Lạnh. Đây là điều mà phía Đức không thể chấp nhận được.
Vào ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo cho biết Berlin cũng có yêu cầu Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh về lại Đức.
Một nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức từ chối không cho biết viên chức không được nêu danh tại Đại sứ quán Việt Nam, người bị ra hạn 48 giờ đồng hồ để rời khỏi Đức, đã về đến Việt Nam hay chưa.
Trong khi đó vào tối ngày 3 tháng 8, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh mệt mỏi và dẫn lời ông này là bản thân ra đầu thú.
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức loại trừ khả năng thân chủ Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú; mà nói rõ nhiều nhân chứng thấy có những kẻ vũ trang dùng bạo lực tống một một người đàn ông và một phụ nữ vào chiếc xe có bảng đăng ký của nước Cộng hòa Czech đâu bên ngoài khách sạn Sheraton ở thủ đô Berlin, nước Đức.
Tin cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Hamburg, các quan chức Hà Nội từng đưa ra đề nghị với phía Đức cho dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên minh Châu Âu. Những thành viên của khối này sắp xửa xem xét việc chuẩn thuận một hiệp định mậu dịch tự do với Việt Nam, nước được cho là một trong những thị trường phát triển nhanh chóng nhất tại khu vực Đông Nam Á.